Hồi ức:
Mười năm ở Hải Phòng 1965-1975 ! Đó là chuyến đi thực tế dài ngày nhất trong đời viết của tôi, giai đoạn đó lại được coi là “một ngày bằng 20 năm”. Vậy là tôi được sống rất thọ để được hưởng chuỗi thời gian ghê gớm đó !
Một lần, đi nhờ xe cùng nhà thơ Hữu Thỉnh xuống thăm lại bạn bè ở Hải Phòng, anh Hữu Thỉnh hỏi tôi:
-- Mười năm chia lửa với Hải Phòng, sự vịệc nào tạo được ấn tượng mạnh nhất với anh ?
-- Trời ơi ! Có chứ !
Hẳn là lúc đó, kỷ niệm ào về, tôi phải kể gấp, kể nhanh, không thể nhẩn nha như khi ngồi viết lại những dòng này...
Đó là “mùa hè đỏ lửa”, khoảng tháng 5 tháng 6 năm 1972. Thành phố Hải Phòng vốn được mệnh danh là thành phố Hoa Phượng đỏ, những ngày ấy hoa đỏ rực khác thường trên nền trời khói bom lẫn vào mây trắng. Cánh hoa phượng tơi tả rụng đầy hè phố lẫn vào sắc ngói vỡ sau mỗi trận bom rung chuyển cả mặt đường. Ngày đầu của chiến dịch không lực Mỹ đánh phá Cảng Hải Phòng và phong tỏa thuỷ lôi trên mặt biển, đã có hơn ba trăm trái bom phá, bom xuyên rải khắp bến bãi, cầu tàu.
Nhưng cái dữ dội ghê gớm hơn ở lần này lại là sự lặng im trong lòng biển không nhìn thấy được và chưa đếm xuể những trái thuỷ lôi như lũ thuỷ quái rải khắp từ phao số không, cả một vùng Cát Bà, Cát Hải về đến Hòn Dáu, Cảng Hải Phòng, nhằm ngăn chặn luồng tiếp viện của bạn bè thế giới đến Việt Nam. Những con tầu nước bạn chở hàng đến Cảng Hải Phòng đang neo đỗ, chờ bốc dỡ hàng bỗng bị thuỷ lôi ghim chặt giữa nước trời...
Mọi khi, tuyến đường biển đến Cảng Hải Phòng, nơi có chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ dẫu có nguy hiểm, nhưng các thuyền trưởng, thuỷ thủ đều biết Mỹ chưa dám đánh thẳng vào các con tàu treo cờ quốc tế. Cầu Cảng hạn hẹp, nên tàu bạn neo đậu suốt từ phao số không về đến bến chính, chờ đến lượt thì có tàu hoa tiêu ra đón. Trong những ngày chờ đợi, tàu cung tiêu hậu cần của Cảng Hải Phòng có trách nhiệm cung cấp nước ngọt và nhu yếu phẩm đến tận nơi tàu đậu. Những thuỷ thủ đã quen chở hàng đến VN còn có cái thú được “xem” cuộc chiến giữa không lực Mỹ với lưới đạn phòng không “thiên la địa võng” của quân dân Hải Phòng từ tên lửa Sam 2 Sam 3 đến trung cao, tiểu cao, thậm chí cả súng trường của dân quân, tự vệ cũng có lúc “xơi tái” những chiếc phản lực cơ sà xuống quá thấp.
Lần này thì khác, Mỹ vẫn không dám đánh trực diện vào tàu quốc tế, nhưng rải thuỷ lôi là cách “đóng băng” vùng biển này, hễ tàu di chuyển, khởi động máy là thủy lôi phát nổ. Nỗi hoang mang, lo sợ của các thuyền trưởng, thủy thủ tàu bạn đã thể hiện trong các cuộc điện đàm với Cảng vụ Hải Phòng:
--“Bao giờ thì các bạn Việt Nam phá được thuỷ lôi? Kỹ thuật quân sự một nước nông nghiệp lạc hậu làm sao phá được màng lưới thủy lôi hiện đại của Mỹ? Chúng tôi sẽ bị giam cứng ở đây đến bao giờ? ” Mối lo gần hơn của các thuỷ thủ là hết nước ngọt, hết rau xanh, thực phẩm.Tầu cung ứng của Cảng vụ có dám ra tiếp tế không ?
Việc đầu tiên của Cục đường biển và Cảng vụ là phải lên một bản đồ tương đối chính xác các điểm đã bị rải thủy lôi (căn cứ vào báo cáo của các tổ quan sát gửi về) để vạch một con đường tương đối ít nguy hiểm cho ca nô của ta tiếp cận các tàu bạn, giải quyết trước mắt vấn đề thức ăn nước uống cho hàng mấy chục con tàu. Bản đồ đánh dấu những địa điểm có thuỷ lôi là điều đáng lo nhất, bởi những đợt thuỷ lôi địch rải vào ban đêm, làm sao ghi được chính xác ?
Chuẩn bị tiếp phẩm cần thêm thời gian, nhưng việc cần làm ngay là trấn an tinh thần cho các thuỷ thủ nước ngoài. Mà cách trấn an hiệu quả, không gì bằng hoạt động văn nghệ!
Nhạc sĩ Minh Thiện, cán bộ văn nghệ Sở Văn hoá Hải Phòng gặp tôi ở khu Đồng Hồ Ba chuông, thông báo ngay :
--Vân Long à! Đoàn Ca múa Hải Phòng đi công tác chưa về, tôi phải tập hợp Đội văn nghệ Cảng đi canô ra các tàu bạn, phục vụ ngay chiều nay, anh có muốn đi không?
Tuy cùng Phòng văn nghệ, nhưng tôi là cán bộ biên tập văn học, tôi nắm tình hình an nguy của chuyến đi chắc hơn Minh Thiện nhiều, không khỏi suýt bật cười về lời rủ của anh, rủ nhau đi vào chỗ chết mà cứ như rủ ra xem biểu diễn ở rạp Tháng Tám.
Tôi có nhiều lý do chính đáng để từ chối chuyến phiêu lưu ấy, trước tiên là tôi không có nhiệm vụ dẫn Đội văn nghệ đi như Minh Thiện. Cả Hải Phòng đang như nồi nước sôi, có chỗ nào mà không cần người viết có mặt ! Mấy gương điển hình phá bom nổ chậm ở Phà Kiền, phà Bính tôi đã gặp được họ đâu ! Nhưng vấn đề nóng nhất hiện nay vẫn là chống phong toả đường biển, đây là cơ hội để tôi được tiếp cận tình hình một cách thuận lợi nhất. Từ chối chuyến đi, không ai dám trách cứ vì đâu phải việc mình! Nhưng it ra là có lương tâm mình biết: đó là sự cầu an, quá coi trọng mạng sống của mình! Lại nữa, chúng tôi vẫn coi mấy anh cán bộ phong trào ca nhạc như những người làm nghệ thuật một cách “vô tâm”, không có “ý thức” như cánh viết văn chúng tôi. Thế mà Minh Thiện chuẩn bị đi một cách hồn nhiên! Mình lại xoàng thế ư ? Thế là tôi nhận lời. Lúc này càng thấy câu thơ của Đào Nguyễn ( Đào Trọng Khánh) là đúng với tình thế : Hải Phòng như con tầu chứa đầy thuốc nổ...
Cái gật đầu của tôi được trả giá khá cao. Chuyến đi ấy, tôi được chứng kiến một quang cảnh có một không hai của những năm chiến tranh. Có thể nói: kể cả các cuộc chiến tranh thế giới, tôi cũng chưa biết có hoàn cảnh nào tương tự như vậy! …
Lên ca nô, tôi đến ngồi sát cạnh anh T. cầm lái, người có trách nhiệm đưa gần hai chục mạng sống của chúng tôi qua các luồng lạch đầy bất trắc để ra vùng biển rộng có các con tàu neo đỗ.
Tôi chăm chú vào tấm hải đồ để đoán định vị trí chiếc ca nô đang hoạt động. Tôi chỉ vào một chấm đỏ (đánh dấu nơi có thuỷ lôi ) trên hải đồ, hỏi anh T. “Mình tới chỗ này chưa anh ?”Anh T. với chiếc khăn mặt lau giọt mồ hôi lớn sắp rơi xuống vô lăng:
--Đó! Cái chỗ tôi vừa quặt sang phải để tránh nó ! Còn từ chỗ cây gạo trở đi, ta lại men bờ trái chừng nửa cây số, qua cái chấm đỏ thứ hai mới chuyển luồng.Trừ phi ...
-- Trừ phi sao hở anh ?
-- Trừ phi ...còn một chấm đỏ nữa trước khi chuyển luồng mà các cô quan sát “không kịp chấm”, có nhã ý làm quà cho anh em mình !
Tôi đã đi với tổ tự vệ Cảng phá bom nổ chậm vài lần, trong đó có T.,anh hay hài hước những lúc gặp gay go như cách để trấn an mình và đồng đội. Với người gặp anh lần đầu, sự dũng cảm của anh họ dễ ngỡ như anh vô cảm. Nhưng giọt mồ hôi lớn rơi ban nãy tố cáo anh không dửng dưng trước cái chết như anh tỏ ra như vậy. Khác với những lần phá bom, chỉ liên quan đến sống chết một mình anh. Còn hôm nay là kèm theo gần hai chục mạng con người với ngần ấy gia đình tang tóc mà anh hầu như biết rõ từng gia cảnh. Cởi bỏ bộ áo quần biểu diễn, họ lại là những người lao động bình thường: một cô lái tơ-rắc-tơ cho kho vận, một cô ghi nhận hàng trên bến bãi...Mấy anh chồng của họ vừa ngồi uống bia với anh đêm qua trong quán Giao Thông...
Biển đã mở ra xanh trong, hiền dịu trước mắt, biển cũng tỏ ra“vô cảm”như T.Không biết cái chấm đỏ định mệnh T. vừa nói đó nằm ở đâu nhỉ ?...
Khoang giữa canô, tiếng “ác coóc” của Điền đã vang lên kèm tiếng luyện giọng của một cô gái.
Từ đó trở đi, biết đang ở giữa vùng thuỷ lôi, tôi cứ có cảm giác ghê ghê dưới vùng hạ bộ... Đến chỗ mênh mông trời nước không có một vật nào làm chuẩn, thì không biết các tổ quan sát sẽ ghi thế nào nhỉ? Tôi được biết họ phần lớn là các cô ghi nhận hàng ở kho bãi, đã biết tọa độ là thế nào!
Đã nhìn thấy chiếc tầu đầu tiên, hình như là cờ hiệu Đan Mạch ! Một thuỷ thủ chợt nhìn thấy canô chúng tôi, anh đớ ra một lúc như không tin ở mắt mình, rồi anh bỗng hét lên một tiếng lớn. Hai, ba rồi hình như toàn bộ thuỷ thủ, thợ máy kéo hết lên boong, họ hò reo, vẫy chúng tôi, ném cả mũ xuống biển, rồi vỗ tay từng đợt...Thấy chúng tôi là thấy sự sống loé lên giữa vùng “biển chết” này, như các hãng thông tấn phương tây mấy hôm nay gọi tên vùng biển Hải Phòng như vậy. Chúng tôi là tín hịệu của nước ngọt, rau xanh, thực phẩm, mở đường cho sự trở về với đất nước hoà bình của họ.
Tiếng kèn clarinette của Vinh bỗng cất lên câu dạo đầu của Bài ca hy vọng, rồi tốp ca nữ lên tiếng, Một sắc thái lạ lắm trong làn điệu quen thuộc của những giọng hát quen thuộc với chúng tôi giữa vùng biển yên tĩnh một cách kỳ lạ này! Như nghe được cả sự xao động, run rẩy, tự hào trong hơi thở mọi người...
Những chàng thuỷ thủ chẳng hiểu gì ý nghĩa bài ca, nhưng với họ, chỉ sự có mặt của chúng tôi, của các cô gái áo dài tha thướt trên chiếc canô sơn trắng cắm lá cờ đỏ sao vàng, đã là bài ca hy vọng cho họ tin: những con người nhỏ bé gan góc này chắc không chịu bó tay...
Thôi tạm biệt các “chàng lính chì” dũng cảm của xứ sở Ăng-đéc-xen! Chúng tôi còn phải đi “duyệt” hơn chục chiếc tầu nữa, và chỉ lên boong biểu diễn khi trời sập tối ở mấy chiếc tầu đậu xa nhất đã được chỉ định...
Cái sân khấu dã chiến này thật đặc biệt : Phía khơi xa là mặt biển tối đen, đâu đó có thể có tầu của hạm đội 7 Mỹ đang hoạt động. Dưới chân chúng tôi đâu đó có những quả thuỷ lôi chờ nổ. Nhưng phía bờ kia là ấm áp quầng đèn thành phố. Mong sao lượt trở về cũng may mắn như lúc đi !
Các cô gái Pacô đang nhún nhẩy “đi tải đạn“ trên boong chiếc tầu trọng tải trên vạn tấn của một nước Đông Âu. Các chàng thuỷ thủ da trắng có, da đen có đang bị hớp hồn. Hàng tháng trời lênh đênh trên biển, nay mới gặp các cô gái, có anh về buồng thay y phục thắt cà vạt chỉnh tề, có anh vừa rời buồng máy lên, cứ cởi trần, ngây người mà ngắm, mà cười thích thú....
Đang biểu diễn, đèn thành phố phía xa bỗng phụt tắt, ở đây không thể nghe thấy còi báo động , nhưng đã có những luồng đạn cao xạ phòng không rạch lên nền trời tối đen cho chúng tôi biết máy bay địch đang hoạt động.Có vài thuỷ thủ nhớn nhác, nhưng thấy các cô gái vẫn múa, họ bình tĩnh trở lại .Chúng tôi dặn nhau từ dưới canô: nếu không có lệnh của đội trưởng, “tín hiệu” là tiếng đàn ác-coóc-đê-ông, dù tình huống nào cũng không được bỏ dở tiết mục.
Đèn thành phố lại bật sáng, vậy là máy bay địch đã bay xa. Nhưng...gì thế này? Từng luồng lửa đỏ lừ ngoài khơi lao về phía chúng tôi. Đã quen với bom đạn, chúng tôi vẫn hoảng cả lên vì lần đầu tiên thấy hiện tượng này. Toán thuỷ thủ thì la hét. Theo bản năng, họ tụt vội xuống các tầng dưới. Giây lát, mặt boong chỉ còn chúng tôi. Tiếng đàn “accoóc” chùng xuống giây lát, các bước múa loạn nhịp...Nhưng đội trưởng đã quắc mắt ra lệnh tiếp tục. Chúng ta ra đây để trấn an họ, chúng ta cũng tỏ ra hoảng sợ nữa thì còn ở đây làm gì? Hình như ai cũng tỉnh ra và loé lên một ý nghĩ như vậy. Thế là, điệu múa tiếng đàn lại tiếp diễn, có điều ...tiết mục không có người xem!
Chỉ hôm sau về thành phố, chúng tôi mới được biết: một chiếc tàu của hạm đội 7 Mỹ pháo kích vào bờ…Cuộc biểu diễn không có khán giả dưới những luồng đạn đỏ lừ bay qua đầu vừa hoành tráng, vừa ...“ma quái”. Những bóng điện, những cột ăng ten trên tầu rùng rùng ghê gợn…
Nhưng tiếng nhạc không lọan nhịp đã thấm xuống những nơi ẩn nấp của thuỷ thủ phía dưới, báo hiệu: chúng tôi không hề dừng điệu múa. Các chàng thuỷ thủ “râu hùm hàm én” chừng như ngượng với các cô gái nhỏ. Lần lượt từng chàng nhô lên, rồi tất cả lại bao quanh sàn diễn như cũ. Những luồng lửa bay sạt qua boong tầu rồi mất hút về phía bờ; Đến loạt đạn thứ hai thì không ai nhốn nháo nữa. Hoặc trong lòng một ai đó có lo ngại,nhưng đã diễn ra cuộc “thi gan” giữa người diễn và người xem...
Xin các bạn trên chuyến canô văn nghệ dã chiến năm ấy thứ lỗi! Tên tuổi các bạn, gương mặt các bạn sau gần bốn thập kỷ đã nhoà nhạt, (có thể tôi chỉ nhớ đúng tên nhạc sĩ Minh Thiện! Và nhớ đúng nghề nghiệp các bạn, người thì lái xe trắc tơ chuyển hàng vào kho, người thì đánh máy ở văn phòng Cảng vụ, hoặc ghi nhận từng công-te-nơ từ tàu cẩu xuống… ), gặp lại nhau mà không gợi chuyện cũ, khó mà nhận ra nhau. Nhưng chuyến đi ấy thì suốt đời ta không quên được! Hồi ấy, chúng ta còn trẻ lắm, nhưng không phải vì thế mà chúng ta coi nhẹ mạng sống của mình. Có một điều gì đó thật lớn lao, thật thiêng liêng...không cho ta làm điều ngược lại!
Tôi được biết khá nhiều con cái các bạn đã kế tiếp công việc của các bạn:: Những con người lao động bình thường trên bến Cảng Hải Phòng. Nhưng khi biển Đông lại nổi sóng, hãy chờ mà xem !
V.L.