Ai cũng nghĩ rằng những danh nhân của đất nước cần được ghi nhớ, tôn trọng, cho dù ở bất kì thời đại nào. Danh nhân là niềm tự hào cho cả dân tộc. Đã có nhiều đường phố, công viên, trường học, xã, huyện, thành phố được đặt theo tên các danh nhân, để ghi nhớ công ơn của các vị ấy với lịch sử dựng nước, giữ nước hoặc đóng góp vào sự phát triển văn hóa dân tộc, nhưng không phải khi nào cũng vậy.
Đã có những con đường, trường học, công viên được mang tên Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Tri Phương…nhưng thật không ngờ nhiều trường hợp tên danh nhân bị cắt xén tùy tiện để đặt tên cho các đơn vị hành chính. Xin đơn cử ra vài ví dụ: xã Hưng Đạo (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); xã Quốc Tuấn (huyện An Dương, TP Hải Phòng); xã Văn An (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương); xã Tri Phương (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn); xã Chí Công (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Định) thậm chí còn có xã Chí Minh (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương)…
Tại sao lại tùy tiện cắt xén tên gọi các danh nhân đã mất để đặt tên cho các đơn vị hành chính. Để cho dễ gọi chăng, tôi không tin là như vậy, vì đã có xã Lý Thường Kiệt (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều ngôi trường, đường phố tự hào được mang tên đầy đủ, trang trọng của các danh nhân Trần Quốc Tuấn, Chu Văn An, Nguyễn Tri Phương… mà không thấy sự bất tiện nào. Và Trần Quốc Tuấn liệu có còn cảm thấy mình được tôn trọng khi bị con cháu gọi là “Quốc Tuấn”, Chu Văn An thấy mình bị gọi là “Văn An”, Nguyễn Tri Phương bị gọi là “Tri Phương” và Hồ Chí Minh thì gọi là “Chí Minh”
…
Tên (hiệu) là một thứ thiêng liêng, hoặc là cha mẹ đặt cho, hoặc được phong tước vị hay phải nghĩ nát óc mới đặt ra được, không thể tùy tiện cắt xén. Thêm nữa, liệu thế hệ mai sau có cho rằng chúng ta đang tôn trọng cha ông của mình bằng cách “tục hóa” và “thường hóa” tên gọi của họ. Đó chính là một cách đặt tên thiếu tôn trọng những người đã mất, những danh nhân của đất nước, ai nghĩ đó là cách ghi nhớ và noi gương thì đang làm ngược lại.