Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ BÀI THƠ: ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA

Trần Trung
Thứ năm ngày 28 tháng 7 năm 2011 4:59 AM
ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA
(Thanh Thảo)
“Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”
Ph.G.Lor-ca
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li-la-li-la-li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trênh yên ngựa mỏi mòn
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la-li-la-li-la…
 
VỀ BÀI THƠ: ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA
(Trần Trung)
Đi suốt Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo – Khối vuông ru-bích – 1985), chân thực và ấn tượng bởi hình tượng nhân vật – trữ tình.
Hình như con-người-thực của hình tượng này lại có sự đồng điệu, tràn đầy hứng khởi với con-người-phong cách của Thanh Thảo: phóng túng và suy tư mà cũng rất đỗi chân thành. Cảm xúc và ý tưởng ấy lại hợp hòa với giọng điệu thơ tượng trương – siêu thực – một trường phái thi ca và nghệ thuật ở phương Tây, ở Pháp đầu thế kỷ XX. Có lẽ cũng bởi thế, từ tên bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca cùng lời đề từ của chính nghệ sĩ Tây Ban Nha (Ph.G.Lor-ca), vừa mang tính khách quan của sự phản ánh một con-người, lại vừa chứa đựng sự kí thác tâm tư của một nghệ sĩ đa tài – xứ xở đất bò tót và những cuộc chiến của những dũng sĩ - có từ thời xa xưa…
1. Hình ảnh một Lor-ca đơn độc và kiêu hãnh
Thanh Thảo khơi mở bài thơ của mình bởi hình ảnh lạ: Những tiếng đàn bọt nước. Tiếng đàn Lor-ca tựa như ẩn chứa cả thanh âm và cảm giác: nhạc tan bọt nước hay thơ tan bọt nước. Có lẽ Thanh Thảo đã nói được cả hai trạng thái khách quan và chủ quan của người nghệ sĩ đa cảm! Đấy là cái mất mà đấy cũng chính là nỗi cô đơn muôn thuở của người nghệ sĩ chân chính. Sự đơn chiếc trong con người nghệ sĩ tiếp tục gợi mở trong lang thang – lang thang để đi tìm khát vọng tự do - cá nhân của chính con người! Thanh Thảo đã “bắt” đúng cảm giác chếnh choáng và cả nỗi mỏi mòn kiếm tìm của người nghệ sĩ chân chính:
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Những câu thơ đầu của Thanh Thảo đồng hiện và mở tiếp niềm kiêu hãnh. Hình như tài năng đích thực nào chả mang chứa nỗi cô đơn, niềm cô độc lẫn cả niềm kiêu hãnh ngang tàng. Sử dụng 6 (sáu) âm tiết – có dấu nhấn ghạch ngang (-), đi suốt thi phẩm này, Thanh Thảo đã tạo ra điệp khúc - âm thanh và nhà thơ tạo ấn tượng bởi hai lần trùng điệp trong khổ thơ đầu và khổ kết – đứng riêng, ám ảnh, chạm khắc! Những tiếng Li–la–li–la–li–la là thứ điệp khúc. Bởi 6 (sáu) âm tiết ấy gợi nên chất nhạc ngân nga từ cây Tây Ban cầm của người nghệ sĩ đa tài, đa tình. Mà, ắt hẳn còn là sự ngân nga, độc tấu khát vọng đi tìm tự do phóng túng tự trong tiếng-nhạc-hồn của chàng trai Tây Ban Nha Ph.G.Lor-ca. Khổ thơ đầu của Thanh Thảo là sự dồn nén vẻ đẹp mang dấu hiệu bản chất của Đất nước – Con Người Tây Ban Nha. Mà còn là sự giao thoa, tương hợp và bổ sung chất liệu thơ ca: hình ảnh, thanh âm, sắc màu, đường nét cùng cảm giác nữa. Đấy cũng tạo nên tinh chất ấn tượng của trường phái thơ tượng trưng (sử dụng nhiều ẩn dụ) và trường phái thơ siêu thực (ngôn ngữ và hình ảnh mở ra đa chiều của những trường liên tưởng).
2. Hình ảnh một Lor-ca trong bi thương và hùng tráng
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Diễn tả cái chết – nỗi bi thương – hơn nữa lại là sự đường đột về Người nghệ sĩ - đậm đặc chất nghệ sĩ, hình ảnh thơ của Thanh Thảo ở khúc thức thứ hai này như bất chợt và xót thương. Ấy là khi nhà thơ tạo nên những hình ảnh thơ tương phản mà sóng đôi giữa một bên là sự đắm say đến hồn nhiên từ hình tượng nhân vật trữ tình – cụ thể: Lor-ca. Lại đồng hiện với sự khái quát về đất nước và con người Tây Ban Nha (Tây Ban Nha; hát nghêu ngao) và, một bên tương phản của nỗi bi thương, đớn đau.
Cứ như “mục sở thị”. Sắc đỏ dũng mãnh, kiêu hãnh bởi Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt như chợt rùng mình đớn đau từ hiện thực bi thương, hiển hiện. Hình ảnh thơ của Thanh Thảo ngỡ như vô thanh, mà hóa ra bật thành tiếng khóc – tiếng khóc vô ngôn, câm lặng:
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
Có lẽ Thanh Thảo đã “cứu” cái chết thật của Lor-ca (hiểu theo nghĩa vật chất) bởi những con chữ vừa sát thực, lại vừa thăng hoa của Người nghệ sĩ. Tấm áo choàng bê bết đỏ có thể cướp đi một con-người- thật. Nhưng, không thể chết, không thể mất trạng thái, sức sống từ một thiên thần – nghệ thuật đang đắm say trong thế giới mộng du của riêng mình.
Thanh Thảo triển khai tứ thơ bởi hình tượng nhân vật trữ tình – trung tâm: Lor-ca trong cái chết mang ấn tượng bi thương, thật khó quên. Sự biến hóa ngôn từ gợi thanh âm, sắc mầu… chợt đồng hiện, đồng tình òa vỡ trong:
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Những con chữ - những hình ảnh hàm chứa tình yêu tự do, tình yêu đôi lứa sao mà bình dị, thiết tha: Tiếng ghi ta nâu, bầu trời cô gái ấy cùng thanh âm và sắc mầu của trời đất và lòng người nghệ sĩ – tiếng ghi ta lá xanh biết mấy ... thế mà, bỗng chốc biến thành nỗi đớn đau, thành sắc đỏ bầm máu cháy. Những ngôn từ và hình ảnh thơ in đậm mầu sắc tượng trưng – siêu thực của Thanh Thảo hàm chứa chất bi ca lãng mạn thật khó phai nhòa trong cảm thức của độc giả từ cái chết của Lor-ca. Tiếng khóc và lời ca cùng đồng hiện và hợp hòa trong thơ Thanh Thảo.
Với sắc mầu mang dấu ấn tượng trưng – siêu thực, nhà thơ họ Hồ tạo được một cách cảm nhận chân thực từ cái chết thương đau của Lor-ca. Một lần nữa, tố chất thực và ảo; đớn đau-mất mát cùng hào quang-bất tử; trong sức sống kỳ diệu của người nghệ sĩ của nhân dân, dân tộc, quê hương của cây đàn ghi ta huyền diệu:
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Ngôn từ và hình ảnh nghệ thuật, cùng cả sự nghệ-thuật-hóa của Thanh Thảo có sự liên quan đến cái chết thương tâm của Lor-ca. Mà, cũng có thể là giai thoại trong người dân Tây Ban Nha. Bởi, năm 1936 – chế độ phản động cực quyền thân phát xít sau khi bắt giam và bắn chết Lor-ca, chúng còn tàn nhẫn ném xác ông xuống một cái giếng. Và, cũng chính vì thế, bằng cách diễn tả đa chiều, giầu sức liên tưởng, Thanh Thảo đã bất tử hóa người anh hùng – nghệ sĩ Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca (1898 – 1936).
Với hai khổ thơ tiếp theo nữa, vẫn nằm trong mạch cảm xúc tâm tình và giầu có sự suy tưởng, triết lí… Thanh Thảo nhấn tiếp từ cái chết bi tráng của Lor-ca sang một sắc mầu lạ. Mà, có thể tạm cảm nhận là sắc-mầu-định-mệnh-tâm-linh:
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di – gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
Xét thuần túy về nghệ thuật biểu hiện, thì, có thể nói: đến những dòng thơ trên, Thanh thảo đã đạt được độ tinh tế và sâu sắc của nghệ thuật thơ ca Đông – Tây. Những hình ảnh thơ đậm sâu và gợi nhiều ẩn dụ; ngôn từ và hình ảnh khơi mở những liên tưởng nhiều chiều hướng và kích cỡ của chất thơ phương Tây hiện đại. Mặt khác những hình ảnh vừa tương phản, vừa đồng nhất bởi thời gian – không gian; bởi chất gợi lấy tĩnh tả động và ngược lại… chính là những nét đặc trưng của thơ ca phương Đông.
Xét về nội dung cảm xúc và suy tư, qua đoạn thơ trên, tôi thực sự khoái cảm và ấn tượng câu thơ được thể hiện trên hai dòng thơ sau của Thanh Thảo; thần cú là ở đây chăng?
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi  ta màu bạc
Và, thế là vượt lên định kiến – dẫu là dự đoán: Đường chỉ tay đã đứt; vượt lên, vượt qua cả những lá bùa định mệnh ái tình – từ người tình cô gái Di-gan… sức sống và khát vọng tự do, khát vọng nghệ thuật sáng tạo của Người-con-Tây Ban Nha đã thực sự đi vào cõi vĩnh hằng-bất tử.
3. Một trong những điều tạo nên hiệu quả và ấn tượng của việc dạy và học văn, nằm ở tác phẩm hay, mới được đưa vào chương trình phổ thông.
Với thi phẩm đặc sắc và in đậm dấu ấn phong cách – hơn nữa một phong cách mới mẻ của thơ Việt Nam hiện đại, Đàn ghi ta của Lor-ca, Thanh Thảo thực sự đã đánh thức và thử thách khả năng cảm thụ không đơn tuyến, không một chiều của học sinh (một thói quen công nhận, nhàm chán theo chiều hướng, định hướng bất di bất dịch – kiểu: yêu, căm, chiến, lạc – khi giảng thơ ca cách mạng).
Với Đàn ghi ta của Lor-ca, theo tôi còn là sự thách thức tài năng và tâm huyết của chính người thầy trong cảm nhận tác phẩm văn học nói chung và thơ nói riêng, trên cả hai phương diện: nội dung và phương pháp giảng dạy.
Hà Nội, tháng 7/2011