(Đọc “Châu Thổ” Nguyễn Quang Thiều, thơ tuyển lần thứ nhất, NXB Hội Nhà văn”, H, 2010)
1. Gấp tập thơ khủng khiếp 144 bài, 393 trang, khổ 14,5 x 21cm này lại, cảm giác đầu là một sự hụt hẫng. Hụt hẫng vì áp lực của chồng chồng lớp lớp những dồn nén, bức bối trải rộng sau những câu thơ dài dằng dặc, - là một trạng thái chân không, nghẹt thở. Tự hỏi: Sau cái đó là gì, sau cái khoảng hẫng hụt này. Là một trạng thái mung lung, bất định, và cảm giác phải quay lại từ đầu. Nhưng từ đâu? Tiếp theo, là những liên tưởng, có thể đó là một trong những tác động bất ngờ của tập thơ, mà không nhất thiết gắn với một lô gích nào. Chẳng hạn, hồi ở trung học, khi đọc toàn bộ tuyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, ấn tượng mà đến giờ tôi vẫn nhớ và hầu như thuộc lòng ngay là những câu thơ của Bích Khê Lê Mộng Thu “Trời buồn làm gì trời rầu rầu/Anh yêu em xong anh đi đâu/Lắng tiếng gió suối thấy tiếng khóc/…”. Thơ này thật lạ, chẳng giống ai, nó làm ta thấy lý thú. Lại nữa, bạn tôi, một nhà soạn nhạc có tài, hầu như suốt đời chỉ phổ thơ một người, ông này thời bao cấp làm cái nghề đâu như sửa hay bơm xe đạp đầu đường. Có những câu đại loại: “Em là bài thơ anh không thích, mà đành lòng phải học thuộc”. Một cách so sánh cũng lạ, và vì thế ta nhớ, như là một phép so sánh có lập quy hăn hoi. Có thể nói Nhà thơ này ta tò mò, có thể thích, có thể không, nhưng không thể học thuộc. Đó là nhận xét thứ nhất về tập thơ CHÂU THỔ: lạ, chẳng giống ai. Hai là, thơ này không có tiền lệ, có những con đường vạch sẵn, mà như đi vào rừng và là rừng rậm nhiệt đới lằng nhằng, chằng chịt, anh phải tự phát quang lấy con đường mà đi, mà con đường của anh, chưa chắc người khác sẽ theo được. Giữa những chuẩn mực và sự phá cách, có một mờ chồng theo lý luận về tập mờ. Và cũng là tổng hoà những rời rạc, đừng có cố kết nối chúng. Và ba, là hệ quả của nhận xét thứ hai, đừng có tìm cách chia sẻ, hoặc lý giải, hoặc tìm cách hiểu, về thanh điệu, ngữ nghĩa, ý tưởng. Vì nó không có mẫu số chung. Và đã thế hoặc phải tìm cách điều tra hoặc dựa vào cách loại trừ. Điều tra thì nhà thơ không chịu khai, còn loại trừ thì khả dĩ có thể làm được, nhưng cũng rất bấp bênh. Bốn lần, loanh quanh thế nào, rồi nhà thơ vẫn trở về với cái Làng Chùa, quê anh, với bà nội của anh, với đủ mọi nỗi ám ảnh, ít nhất cũng tới 6/10 tập thơ (chủ đề này sẽ bàn sâu trong một dịp khác, vì nó dính dáng đến văn minh làng xã rất tiêu biểu của ta, mà dăm chục năm nữa, vẫn chưa mất chất thời sự). Và những ám ảnh này làm cho người khác bị tập nhiễm. Năm là, thơ Nguyễn Quang Thiều (ít nhất là với những gì đã xuất bản và qua tập này, hầu như không có nhiều lắm những vấn đề về ngữ văn, những phép tu từ, những từ lấp láy của các ngôn ngữ đơn âm khiến ta hiểu lầm nếu in sai). Và vì thế, sáu là, ngôn ngữ của tập thơ là một thứ ngôn ngữ đa âm, lạ tai, phải chăng nó hợp với tạng thơ của anh (?!). Bảy là, để HIỂU thơ anh, chỉ có một cách là cộng cảm, cùng bước theo, cùng suy nghĩ với nhà thơ, và vì vậy, có “n” cách biểu hiện, nhà thơ hoàn toàn giải phóng chúng ta khỏi một tình cảm, một cách lý giải đã định trước, thậm chí hoàn toàn khác với cách nghĩ của anh. Nói cách khác nhà thơ không buộc bạn phải cùng cười, cùng khóc, cùng cay đắng với anh ta, mà phải cùng anh ta đào xới, phát quang con đường rậm rịt kia.
2. Dẫu vậy, trong cái ma trận rối mù ấy, cũng có lúc, hình như không chịu nổi, không dẫn dắt chúng ta đến những bến bờ bất định nào chẳng rõ, bởi chính anh cũng mệt lử, cũng kiệt sức, nên đã nói thẳng ra, đã - khai - ra. Như trong “Bức thư đề ngày 25 tháng 12”. Đó là một câu chuyện, hình như quanh một bàn tiệc. Sau những động tác nói, khóc rống, “tìm xác chết những con tôm trong lọ mắm”, cắt dao vào ngón tay, nhìn xuống gầm bàn và chửi, - làm những đề dẫn, nhà thơ đã nói huỵch toẹt, như thế này “Chúng ta giành nhau làm kẻ lưu manh/Thực tế chúng ta vô cùng ngờ nghệch/Chúng ta dễ dàng tha thứ cho nhau/Bởi chúng ta không dám kết tội/Chúng ta ngợi ca nhau/Bởi chúng ta không tìm được/Những ngôn từ để tố cáo bản thân/…/Và tiếng chúng ta gào thét/Bi thương và hèn yếu làm sao/Chúng ta rót rượu tràn chén mà không hề biết/…/Sự lừa dối rót đầy chúng ta”. Và tế nhị hơn, nhưng ngụ ý khá rõ “Chúng ta cắt dao vào ngón tay trỏ/Nhưng xúyt xoa ngón tay cái/Nhìn xuống gầm bàn chúng ta chửi/Chiếc giày chân phải/Hay tranh chỗ chiếc giày chân trái”.
Và trong bài “Nhà thơ”, chí ít Nguyễn Quang Thiều cũng đã phác hoạ đôi nét chân dung và phẩm cách, có thể nói, rất trân trọng, thành thực, đầy cảm mến đối tượng được miêu tả, và những gì nói với đối tượng, chắc cũng không xa với kỳ vọng của số ít thi sĩ khác “Có quá nhiều kẻ quanh chàng mang theo trên đầu/Những cái tai điếc như đồ trang sức”. Và “Sứ mệnh của chàng không phải là kẻ đuổi ruồi/Chàng trở thành kẻ điên khùng của thế giới câm ngọng/Và luôn luôn mang gương mặt của đứa trẻ đau ốm/Nhưng đêm đêm đầu chàng lắc lư một quả chuông lớn/Tiếng nó làm rung những vòm cây và những ngọn đồi”. Nhà thơ “run rẩy trong đời sống của thính giác bí ẩn”.
Rất may, là những bài thơ hết sức hiếm hoi này, kiên trì bám chắc vào văn bản, ta cũng từ từ lần ra manh mối trong những dòng thơ của anh. Ví dụ bài: “Trò chơi của ảo giác” bài thơ là một trò chơi kiểu “tam quyền phân lập”. Trước hết tất cả những gì được mô tả đều là chuyển động: Bàn tay, cái ly, rượu, đôi chân, con tàu, nhà ga, thành phố, con cá, nước, dòng sông, con chim, cái cây, bầu trời. Các động từ chuyển động được thay bằng bơi hoặc bay. Hai là từ “không”, phủ định tuốt tuột “Không, tất cả không”. Và nhà thơ khẳng định “Chỉ cái chết chuyển động/Và mang theo chúng ta”. Tóm lại, tất cả những thứ đó được coi là trò chơi của ảo giác. Bất quá là một kiểu tâm trạng, một ý nghĩ vụt loé, một định đề .
Lại may mắn thay, ta thấy anh quan niệm về chân dung và thiên chức nhà thơ “Không là ma quỷ, không là thánh thần/Cháy ngọn lửa rực rỡ nhưng không giấu đất đá và củi rác phía dưới/…Cõng trên lưng tảng đá khổng lồ của sự đầy đoạ để được kêu van tự do/Đã chết quá nhiều cái chết trong bóng tối mới chạm vào cơn mơ sự sống/Là cái cây trơ trụi, đen đúa…/Là mẩu quặng của thời đại bị những thợ kim hoàn khước từ”. Bởi những tố chất ấy mà nhà thơ “nghi ngờ phần ánh sáng và nguyền rủa phần bóng tối” (- “Nhà thơ (2)”).
Luận về những ma - nơ - canh, nhà thơ nói “Tất cả những con người ở ngoài cửa hiệu này mới thực là ma - nơ - canh”. Và đi xa hơn “Mọi bi kịch khởi đầu đều mang gương mặt cô dâu” (“Thư gửi những ma - nơ - canh trong một hiệu áo cưới ở Hà Nội”).
Điểm nhấn trong thơ Nguyễn Quang Thiều trong tập thơ này là ở chỗ anh có nhiều bài về phẩm cách, thiên chức, số phận nhà thơ. Tôi nghĩ đây là một chuẩn mực có tính kinh điển. Bất luận thế nào, đó cũng là một sự tự thức - chỉnh trang phần mình trước khi luận về con người, đời sống, thế sự. Và kỳ vọng của anh hình như là đưa ra những tuyên ngôn về thơ, đây cũng là một kiểu tư duy có tính kinh điển. Ví dụ ở bài “Thư của một nhà thơ Việt thế kỷ 21 gửi những nhà thơ đời Đường”. Anh lập luận bằng 18 cái “vẫn”: Bình cổ rượu đựng, nghiên mực mài, ngọn núi tuyết phủ, con đường gió lay, cầu khuya trăng suông, chân cầu nước lạnh, thời thế như lụa bay, kiếm phất, đồng nội (máu chảy, quạ kêu), đến gối mây chiếu cói, rũ tóc canh khuya, chân mây cuối bể. Và quan trọng là, có thể như một tổng kết “Vẫn vận luật ấy, vẫn bài thơ bốn câu, vẫn tửu quán say nghiêng ngả đọc/Vẫn đập chén ngửa mặt thề, vẫn gạt lệ nhìn hoa cúi đầu tủi”. Nghĩa là những tâm cảm ấy, những cách làm ấy, những suy tư ấy, chúng là hằng số, bất biến, là quy phạm, nếu không nói là quy luật muôn đời. Chỉ có điều khác là “…không còn kẻ nào mặc áo mỏng rời kinh thành ra đi một mình trong mùa đông này”.
Tôi thích bài thơ này, nó có sự minh bạch, sáng sủa (theo lối nói thường là để mà HIỂU và có thể hiểu được) hi hữu trong thơ anh, dẫu cái kết tôi vừa trích chỉ là một cái kết lửng, như “n” bài thơ của anh, không tệu vào đâu được, - là bút pháp Nguyễn Quang Thiều.
Những bài như vậy, có thể kể ra kha khá. Ví dụ “Chúng ta thường chăm sóc những ngôi mộ/bằng nỗi sợ hãi và tiếc thương/Nhưng ít người chúng ta nhìn thấy/cỗ xe tang lộng lẫy/Trong tiếng trống tưng bừng/Làm thần chết cũng hết phiền muộn”. Và “Họ đã nhìn thấy vẻ đẹp diệu kỳ/Trong những gì luôn đe doạ người khác”. Hai câu này làm tôi nhớ đến câu Torvansen nói về Andersen “Trong cống rãnh cũng tìm thấy ngọc trai”.
Viết để tưởng nhớ J. Brosky như nhà thơ này cũng đã là tri kỷ da diết, nhưng tới hạn “Người đã an ủi giấc ngủ mang xiềng xích những tư tưởng/Nhân loại giờ đây còn mang nặng xiềng xích ấy hơn/Nhưng giấc mơ hão huyền còn khủng khiếp hơn tất cả/Nó biến bao đồng loại chúng ta thành những xác chết biết dối lừa”…/Họ kể mãi và lú lẫn giữa các câu chuyện/ Họ tự đầy đoạ và uống nhầm nước trên dòng sông mù” (“Ngôi sao xanh mọc phía ngọn đồi”).
3. Bài kết tập là “Cây Ánh sáng”.
Nhân vật lại là một thi sĩ. Đối mặt với mình, với nhân vật của mình, với những cơn mộng du, những nỗi ám ảnh. Và vẫn là chuyện thân phận con người. Là ai? Từ đâu đến? Tồn tại hay không tồn tại?. Những luận đề triết học này rất nguy hiểm nếu bị diễn đạt một cách khô khan, hoặc giả chúng sẽ thành những món đồ trang sức không hơn không kém. Nhưng với nhiều nhiều những hình tượng có tính biểu cảm mà cao trào là hình ảnh một con lạc đà trong sa mạc, một đối khúc đơn côi nghiệt ngã, đã loé sáng những lý giải về số phận, phẩm chất bi hùng của chàng thi sĩ - lạc đà và những thách thức của số phận - sa mạc, cái khách thể lạnh lùng tồn tại. Vì lạc đà không chất trên lưng vàng bạc châu báu mà là những bao tải cát, không chối bỏ chúng để đi qua và không rời bỏ những con đường sa mạc cát. Lạc đà chỉ gục ngã đâu đấy, lúc nào đấy và chỉ kêu một tiếng, ôi sa mạc. Vì “sự khắc nghiệt độc ác của ngươi là thách thức khổng lồ, vực sâu tuyệt vọng, và là bài ca kỳ vĩ của ta ( tôi nhấn mạnh, - T.P). Và chàng - lạc đà, với sức nặng khủng khiếp chỉ của một hạt cát trên lưng, đã đứng dậy, nhẫn nại và kiêu hãnh bước đi.
Và con người thi sĩ nhiều lúc đã phân tâm, là bóng hay là hình, là xác đoạn hồn “đang tan dần vào ánh sáng”, hay chàng không có thật trên thế gian. Hay chỉ là ảo ảnh của chính mình, hay ảo ảnh của một ảo ảnh…
Trong tất cả những khắc nghiệt của đời sống, cứ như thế, khi nỗi tuyệt vọng là không thể, còn sự thách thức là phổ quát, đã cận kề, sừng sững một Cây Ánh Sáng, Cây Ánh Sáng của Đấng Cứu Chuộc để đổi lấy…, không phải, để xác tín một Đức Tin.
Bài thơ năm đoạn như một tổ khúc giao hưởng thơ, một bài tổng kết toàn bộ tập thơ với tất cả lập trường và ý niệm sống của nhà thơ. Với Đức Tin, nhà thơ thành “chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa/ trên cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn”.
* * *
Thơ Nguyễn Quang Thiều như những bản nhạc không bao giờ kết trọn. Cái kết lửng luôn luôn là một sự bắt đầu. Bắt đầu của một trạng thái đằng đẵng khác, căng thẳng khác. Không ngơi nghỉ, đầy xung lực, cường tráng và mạnh mẽ vô cùng. Cả tập thơ cũng vậy. Là một hồi còi dài không đình hoãn. Đối với anh, tất cả vẫn ở phía trước, tất cả mới bắt đầu. Với quá khứ là một sự tôn vinh đồng thời là một gánh nặng, là bà đỡ của hiện tại chợt thoáng để bắt nhịp ngay, một cách đắm đuối, khao khát với Ánh Sáng và sự hiển thị của Tương Lai.
11h30, 30/5/2010
T.P