(VOV) - “Lòng hải lý” - tập trường ca của tác giả người Việt ở Canada Đỗ Quyên- là những tìm tòi, trải nghiệm riêng về thể tài, nhất là nhân vật trữ tình…
Tập trường ca Lòng hải lý (gồm 4 trường ca: Lòng hải lý, Đống chữ, Buồn muộn cùng thế kỷ, Bài thơ không thuộc về ai) của nhà thơ Đỗ Quyên (tên thật là Đỗ Ngọc Thủy, người Việt ở Canada) vừa chính thức ra mắt bạn đọc trong nước. Công ty Truyền thông Hà Thế và Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tác phẩm này.
Trong buổi giới thiệu ra mắt sách, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, với cách nói quen thuộc trong các cuộc tọa đàm văn học, có “trách vui, trách yêu” Đỗ Quyên: “Thời nay viết được trường ca đã khổ, mà đọc trường ca còn khổ nữa.”
“Thời nay” mà Phạm Xuân Nguyên nói ấy, có lẽ chỉ cần nhìn ra cái thực tại đang cuồn cuộn xung quanh, đang ồn ào ngay ngoài ngưỡng cửa kia phòng thơ kia. Nhưng trong tâm thế viết, tâm thế đọc ấy của thời nay, với việc ra mắt trường ca này, lắng lòng lại có thể thấy, nói như Phạm Xuân Nguyên là: “từ người con của Hà Nội Đỗ Ngọc Thủy đến nhà thơ xa xứ Đỗ Quyên, trọn bức tranh có tiếng kêu của con chim đỗ quyên “nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Phạm Xuân Nguyên cũng đặt những giá trị đóng góp của tác giả “Lòng hải lý” trong bối cảnh chung của văn học tiếng Việt, như ông nói: “Sau 1975 chúng ta đã có một mùa trường ca. Nhưng sau đó các nhà thơ của chúng ta gần như ít viết trường ca. Cho nên một cố gắng như của Trần Anh Thái ở trong nước, một cố gắng như của Đỗ Quyên ở nước ngoài là rất đáng quý và đáng được phân tích, đáng được nghiên cứu, được tiếp tục. Và tôi nghĩ cái này phải đọc chậm, sống chậm, như là Đỗ Quyên đã dành 25 năm trong 35 năm của anh ở nước ngoài để viết nên trường ca này.”
Cũng theo Phạm Xuân Nguyên, đọc trường ca Đỗ Quyên có được khoái cảm miên man theo những dòng tâm tư, tâm cảm của nhà thơ. Về mặt này, Đỗ Quyên góp cho thơ Việt được “một cái mạch trường ca. Trường ca của Đỗ Quyên không phải trường ca tự sự, không có cốt truyện, mà trước hết cho độc giả biết được tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ về cuộc đời của mình, của một người con, một người trí thức, một người thơ và trên hết là một con người của xứ Việt.
Trong trường ca “Đống chữ” của Đỗ Quyên, tác giả cũng phát biểu một tuyên ngôn, một cách hiểu về thơ, về những nhân vật lịch sử. Mà thời sự nhất là khi anh nói lên những ý kiến về Nhất Linh. Anh có nhận xét về Hemingway, về Em buồn như ma sơ… và về nhiều nhà văn nhà thơ khác, trong đó có Nhất Linh: “Nhất Linh không chết vào hôm ông tự tử năm 1963, mà ông chết từ khi ông sang Tàu”…
Nhà văn Hoàng Minh Tường, khi chia sẻ những ký ức về chuyến gặp gỡ các bạn văn, bạn thơ ở Canada trong chuyến đi gần đây, đã nói: “Tôi có cảm giác rằng, anh Đỗ Quyên là người đích thực sinh ra để làm thơ, một người yêu thơ đến tận cùng”. Và nhà văn Hoàng Minh Tường cũng cho rằng, thơ của Đỗ Quyên, trường ca của Đỗ Quyên là tâm trạng, nội tâm: “Anh ấy viết như là anh ấy xả mình ra, nó triền miên như muốn mổ xẻ mình, từ tâm thức, từ đời sống…để thấy được sự sáng tạo của anh. Khi đọc, tôi cảm thấy anh viết thực sự đạt đến nhiều câu thơ hay, nhiều câu thơ đích thực”
Nhà văn Văn Chinh, đã nhận xét rằng tác giả của tập trường ca Lòng Hải Lý đã làm một cuộc “ly thân” khi đem nỗi lòng của người ra đi để đo khoảng cách giữa nhà thơ và khát vọng mà anh ta hướng đến”, rằng “Đỗ Quyên nhắc chúng ta nhớ rằng người sáng tác phải luôn luôn ra khỏi những phạm trù quen thuộc mà các nhà thơ mới, các nhà thơ thời chống Mỹ đã làm – vì họ đã ngôn ngữ đẹp lên nhưng cũng khai thác chúng đến cũ rồi. Đỗ Quyên dùng những câu thơ của mình trong Lòng hải lý, để đo khoảng cách mà các nhà thơ đã ly thân với chính bản thân mình, với những thói quen, mà tôi nhớ có câu là phải “đả đảo đất dưới chân mình”.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ khi chọn ngẫu nhiên để bình thơ Đỗ Quyên, đã nhận xét: “Tôi thấy Đỗ Quyên là một nhà thơ viết nồng nhiệt nhưng không hề dễ dãi chút nào. Lật khoảng năm lần tình cờ trong trang sách, thì thấy hình như ở trang nào anh cũng để lại cho người ta một điều gì đó. Ví dụ anh dùng 16 khúc cuối cùng để nói với bạn đọc, từng khúc, có những câu không hề dễ để mà viết được như thế… “Khi mới yêu em anh không hề biết/ Các câu tiếp sau và câu sau cùng của câu thơ yêu em” hay “Mùa thu không bao giờ bỏ rơi những chiếc lá rụng”. Những câu gợi cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa “Thơ anh có nỗi buồn nỗi vui của gió/ Bay trên phận người… Không mượn chiến tranh làm cú sút/ Càng hòa bình thì thơ càng đau hơn…”.
“Một chiếc áo khác cho trường ca” là điều được PGS-TS Văn Giá xác định khi đọc “Lòng hải lý”. Trong những nhận xét bước đầu, nhà phê bình văn học Văn Giá nói, nếu trước đây, các trường ca phải mang tính sử thi (quan tâm tới cộng đồng, lịch sử, sự kiện lớn, hoặc giải quyết hài hòa giữa sử thi và đời tư), thì nay Đỗ Quyên đã tập trung đi vào đời sống cá nhân thường ngày, với mối quan tâm tới cá nhân văn hóa: “Trường ca của Đỗ Quyên là sự khiêu khích thể loại. Bởi vì nếu trước đây đa số trường ca có cốt truyện, hoặc nếu không có cốt truyện thì phải có nguyên cớ thực tại để nhà thơ triển khai. Đến Đỗ Quyên, không cần những thứ ấy, Đỗ Quyên đã đào vào nội tâm, tâm trạng và những suy tưởng. “Đống chữ và bài thơ không thuộc về ai” chẳng hạn, đặt ra vấn đề của nghệ thuật với đời sống, nghệ thuật với nghệ thuật, số phận của thi ca, mối quan hệ về sự sống và cái chết của con người, của nghệ sĩ và của thơ ca. “Buồn muộn cùng thế kỷ” đặt ra vấn đề thân phận người xa xứ dưới góc nhìn văn hóa, đồng thời cũng là thân phận của thi ca. Mấy chủ đề anh đi suốt là: mối quan hệ giữa nghệ thuật với đời sống, thứ hai là số phận của thi ca, thứ ba là cá nhân với góc nhìn văn hóa, tức là cá nhân văn hóa tồn tại như thế nào. Mấy chủ đề đó trở đi trở lại trong trường ca này”.
Dẫn lời Trần Mạnh Hảo từng nói “viết trường ca như người leo dốc, thỉnh thoảng phải gặp được những bông hoa ven đường”, - đó là những câu thơ hay, nhà phê bình Văn Giá nhận xét: “Trong trường ca Đỗ Quyên có khá nhiều những câu hay, những đoạn hay như vậy có sức mời gọi bạn đọc”.
Nhà phê bình Văn Giá cũng cho rằng “Tạm gọi trường ca Đỗ Quyên mang tính tiểu thuyết, nghĩa là hướng vào cái cá nhân đời tư, thường ngày, dở dang, không hoàn kết...(theo lý thuyết M.Bakhtin). Do đào sâu vào nội tâm cá nhân, nên bút pháp nhất quán từ đầu đến cuối là suy tưởng. Bút pháp này có cái hay, nhưng đọc cũng nặng, người đọc phải cố gắng. Chính vì thế, nếu lấy cái khung soi ngắm quen thuộc về trường ca như lâu nay thì sẽ không đọc nổi trường ca Đỗ Quyên. Vì lẽ đó có thể nói rằng: Trường ca Đỗ Quyên sẽ không dễ dàng đi vào bạn đọc Việt Nam hiện nay, nó kén chọn độc giả.”
Những ý kiến đánh giá ban đầu về “Lòng hải lý” đều trân trọng những đóng góp của tác giả trường ca – nói như PGS TS Văn Giá là “một người thơ người Việt ở nước ngoài “đã nặng lòng với tiếng Việt, với Tổ quốc, với bạn văn.”/.
Phi Hà