Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NÉN HƯƠNG DÂNG NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ

Nguyễn Phan Quế Mai
Thứ tư ngày 27 tháng 7 năm 2011 1:54 PM
 
Ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi lại được ăn khoai lang luộc. Mẹ luôn mua khoai từ một bà lão gầy gò, lưng còng gần như gập xuống. Khoai của bà không ngon, luôn nguội lạnh. Dường như bà đã đi từ một nơi rất xa để có thể đến được ngõ nhà tôi. Chân bà đi đôi dép lê đã rách, khô nẻ cùng bụi đất. Một lần khi tôi đòi mẹ mua món khoai lang nóng hổi vừa được cô hàng xóm luộc và bày trước hiên nhà, mẹ thở dài và vuốt tóc tôi “bà lão bán khoai có hai con là liệt sĩ. Mình mua khoai giúp bà, con ạ!“.
Trong ký ức thơ bé của tôi có hình ảnh của bà lão bán khoai, một mình gánh đôi quanh trĩu nặng, cô độc đi trên con đường đất đỏ. Tôi hình dung sau một ngày vất vả, bà lại lặng lẽ trở về ngôi nhà quạnh quẽ, lặng lẽ thắp hương trước di ảnh của hai người con đã hy sinh.
Hơn hai mươi năm sau, tôi chứng kiến cảnh một người bạn lặng lẽ thắp hương trước di ảnh của cha mình. Di ảnh ấy là một chàng trai còn rất trẻ: cha của bạn tôi đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ mà chưa biết được mặt con trai. Hơn 20 năm qua, bạn tôi đã lặn lội khắp nơi để tìm mộ của cha. Bao chuyến đi xuyên qua rừng núi, bao nỗ lực đều vô vọng. Mẹ của bạn tôi ngày một già đi, không biết bạn tôi có đủ thời gian để thực hiện được ước nguyện duy nhất của mẹ: đưa hài cốt của cha về với mẹ?
Màu trắng của nghĩa trang Trường Sơn luôn ám ảnh tôi. Tôi ước gì mình có thể ở đó lâu hơn, có thể thắp hương cho từng ngôi mộ. Bạt ngàn những ngôi mộ trắng, trong đó có những ngôi mộ vô danh. Tôi ngồi cạnh một ngôi mộ với hai tấm bia: có hai gia đình cùng nhận người liệt sĩ này là con của họ.
Chiến tranh đã lùi xa ba mươi sáu năm. Có ai đó nói rằng thôi hãy đừng nói về chiến tranh nữa, đất nước hòa bình đã lâu rồi. Vậy mà sao chiến tranh vẫn gầm thét trong tôi khi chỉ ba tháng trước, tôi được chứng kiến một gia đình liệt sĩ Việt Nam trải bạt, dâng lễ, dâng hương ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, thuộc địa phận Lào. Những nén hương thắp cùng nước mắt và những lời thổn thức. Những lời cầu xin Trời đất và hương hồn các liệt sĩ phù hộ để họ tìm được mộ cha. Những người nông dân tôi gặp hôm ấy đã thắt lưng buộc bụng hơn 30 năm qua mới đủ tiền thuê xe và người hướng dẫn để sang Lào tìm mộ cha - một bộ đội Việt Nam đã hy sinh tại cánh đồng Chum. Có biết bao gia đình Việt Nam đang lặn lội sang Lào để tìm mộ người thân. Với rất ít thông tin, nhưng họ vẫn đi tìm với hy vọng mãnh liệt và cháy bỏng.
Chiến tranh đã lùi xa ba mươi sáu năm. Vậy mà khi tôi về Hà Tĩnh, quê hương của mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc, thấy xót lòng khi chứng kiến quá nhiều người phụ nữ phải bỏ quê, bỏ con cái tha phương kiếm sống. Tôi gặp một người phụ nữ trên 50 tuổi, trên tay đang cầm quyển hộ chiếu để sang Đài Loan làm giúp việc gia đình. Hai đứa con của chị khóc lóc van xin mẹ đừng đi. Buổi chiều hôm đó, tôi thắp hương tại Ngã ba Đồng Lộc, tự cảm thấy mình có lỗi trước sự hy sinh của những người đi trước.
Tôi viết hai bài thơ “Hai nẻo trời và đất“ và “Đồng Lộc“ từ những trải nghiệm kể trên. Ngày thương binh liệt sĩ năm nay, khi thắp hương tưởng nhớ đến sự hy sinh của các liệt sĩ, tôi cũng muốn thắp lên hy vọng rằng những người ở lại sẽ làm nhiều hơn nữa để hài cốt của các liệt sĩ được đoàn tụ cùng gia đình, để nỗi đau chiến tranh được xoa dịu, và để thế hệ trẻ luôn ghi nhớ và trân trọng rằng hòa bình đã được đổi bằng bao máu xương của những người đi trước.

HAI NẺO TRỜI VÀ ĐẤT
Trắng trời những ngôi mộ vô danh
Trắng đất những người con đi tìm mộ bố
Mưa tả tơi xuống họ
Những đứa con chưa biết mặt cha
Những người cha không thể trở về nhà
Tiếng gọi “con” còn chôn sâu trong ngực
Tiếng gọi “cha” hơn 30 năm thao thức
Đêm nay tôi nghe tiếng chân cha và con từ hai nẻo trời và đất
Những bước chân rần rật
Lần tìm về nhau
Những bước chân cạn máu
Lạc nhau qua triệu dặm đường
Lạc nhau qua nghìn thế kỷ
 Mỗi bàn chân tôi đặt trên đất nước
   đang đặt lên bao nhiêu thân thể lạnh khói hương trong lòng đất?
    dẫm lên bao nhiêu biển nước mắt
         của những người con chưa tìm được mộ cha mình?
ĐỒNG LỘC
Hoa không ngăn nổi mình
chảy dòng tang trắng
Cỏ không ngăn nổi mình
trào nấm mộ xanh
Tôi bé hơn hoa
thấp hơn cỏ
nghiêng mình
Con gió trắng bay qua đồi cát
Con gió trắng hát mười bài hát: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường
Mười suối tóc mười cung đàn ngân hát
Xanh
      Xanh
            Xanh
Nắng gió
Ngút ngàn
Mười dải mềm nối một dải Trường Sơn
Mười ánh mắt đã thành ánh sáng
Hoa không ngăn nổi mình hóa dòng tang trắng
Chảy về trời trong tiếng hát chị tôi
Nguyễn Phan Quế Mai