Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔNG HUỲNH THÚC KHÁNG

Lê Quang Hưng
Thứ ba ngày 19 tháng 7 năm 2011 8:15 PM
 
Báo Phụ nữ tân văn đã có lần mở cuộc thi, giả thuyết tuyển cử lấy mười vị đại biểu cho nước Việt nam. Kết quả ông Phan Văn Trường được nhiều thăm hơn hết. kế tới ông Huỳnh Thúc Kháng được thứ nhì.
Một cuộc bỏ thăm chơi nầy, cúng đã thấy được cái cảm tình của quốc dân đối với ông Huỳnh, thiệt là nồng nàn thắm thiết.
Cái cảm tình đó vì đâu mà có? Có người nói vì phục tài học của ông. Có người nói vì cảm cái đức hạnh của ông. Nhưng vẫn nhiều người vì cái thân thế và cái chí hướng của ông mà bỏ phiếu tín nhiệm.
Khoa bảng xuất thân, ông sanh nhằm hồi quốc gia đa sự. nếu không phải là người có khí tiết, thì đời ông hoặc sẽ không có lịch sử và cái học của ông hoặc sẽ chỉ dùng để “vinh thân phì gia”.
Cảm vì thời thế, ông đã sớm nặng lòng với nòi giống giang san và nguyện đem hết tài lực gan óc mà đền bồi tổ quốc.
Trước hết, ông lụy vì cái chí hướng của ông mà phải tù đồ lao khổ. Sau được Nhà nước ân xá, ông về Huế mở báo Tiếng Dân và ra ứng cử vào nhân dân đại biểu viện. Ông được bầu làm nghị trường, nhưng chẳng bao lâu ông cũng từ chức mà ra chuyên lo làm báo.
Sự ông từ chức nghị trường đây, là một cái bằng chứng cho ta thấy rõ cái tính cách của ông.
Ông ngay thẳng mà lại khẳng khái, thấy sao nói vậy, nghĩ sao làm vậy, nói không sợ mích lòng và làm cũng không thèm dè dặt.
Ra làm chính trị, mà nhất là làm chính trị ở nước ta, nếu chẳng chịu dè dặt ở lời nói và việc làm, và nếu chẳng hay có chút ôn hòa uyển chuyển, thì tự nhiên là phải từ giã với nó để ra làm việc khác.
Cái việc thích hiệp với ông , phải chăng là sự làm báo? Tờ Tiếng Dân ở Huế, phải chăng là cái hình ảnh của ông, trong khi ông đem cái năng lực “sống sót” mà phụng sự quốc gia?
Ngày 10 Aout 1927, tờ TiếngDân ra đời, có mấy lời phi lộ:
“Theo tâm lý chân chánh của quốc dân mà phô bầy trên mặt giấy, công lý là đường đi; công lợi là nơi qui túc; không thiên vị về đảng phái nào, không cổ động về ảnh hưởng trống. Đối với đồng bào xin làm vị thuốc đắng, đối với chính phủ xin làm người bạn ngay.”
“Tiếng Dân” theo đúng nghĩa thì là tiếng nói của dân. Mà đọc nó, thường ta mới thấy nó là tiếng nói của ông Huỳnh Thúc Kháng và những người bạn đồng chí của ông.
Mà phải. Tiếng nói của dân, nhưng dân nào có biết nói gì? Dân trí còn chưa được mở mang, dân đức còn muôn phần thấp kém, thì dân thanh nào có ý nghĩa gì đâu? Âu là ông dùng ngay nó làm cơ quan giáo dục cho quốc dân và làm phương tiện hành động về chính trị của ông.
Đối với chính phủ thì ông ở làm thông ngôn cho quốc dân để trình bầy những điều áp chế, những nỗi bất công, những sự thỉnh cầu chính đáng, những mối nguyện vọng thâm trầm.
Mà đối với quần chúng thì ông muốn làm nhà giáo dục, lo đem những cái sở tri sở thức cảu mình mà kiểu chánh dân tâm, tu bổ dân trí, mong sao cho người An nam biết “mình là An nam”, lại đủ tư cách mà hành động cho sự tấn hóa của xã hội An nam.
Như vậy thì chủ nghĩa của ông bất ngoại cũng chỉ là cái “quốc gia chủ nghĩa” mà thôi. Tuy nhiên, có điều đáng chú ý là ông Phạm Quỳnh cũng thờ quốc gia chủ nghĩa như ông Huỳnh Thúc Kháng mà chẳng mấy khi các ông nầy được gặp nhau về tư tưởng và hành động.
Ông Phạm lo thân thiện với người Pháp để gây lấy thế lực mà thiệt hành cái lý tưởng lập hiến của mình.
Ông Huỳnh, sau khi đã nhiều lần thất bại, vẫn có ý bi quan đối với mọi sự hành động về chánh trị, và chỉ trông mong ở sức tấn hóa của quốc dân.
Ông Huỳnh cố đem cái quốc gia chủ nghĩa làm cứu cánh cho sự nghiệp văn chương, mà vẫn lấy sự nghiệp văn chương làm trọng.
Ông Huỳnh coi văn chương chỉ là một cái phương tiện dùng được trong nhiều cái phương tiện không dùng được, để phụng sự quốc gia, mà chẳng bao giờ ông thèm quan tâm đến cái sự nghệp văn sĩ.
Không, ông Huỳnh không phải là một nhà văn sĩ. Ta cần phải để cho ông một danh từ nào thích hợp với ông hơn.
Ông là một nhà chí sĩ vậy.
Cái địa vị của ông chính phải để vào với những ông Phạm Châu Trinh, Phan Văn Trường, Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế,… là những người đã đem hết tâm hồn tình cảm mà cống hiến cho Tổ quốc Việt nam.
Cái tâm hồn đó, cái tình cảm đó, dùng về việc gì, ở vào chỗ nào, cũng đều nặng về một bên, khiến cho ông Huỳnh nhiều khi thành người cố chấp, hẹp hòi, không có quan niệm chính đáng về mỹ thuật, văn chương.
Đối với ông thì không có cái mỹ thuật nào hơn được cái cảnh trí của non sông, mà cũng không có cái văn chương nào hơn cái văn chương làm cho dân khôn, nước mạnh. Cái mỹ thuật đó, dân ta còn nhiều người chưa biết thưởng thức, cái văn chương đó, lắm kẻ còn chưa chịu học đòi, thì Truyện Kiều kia nếu có bị coi là một cuốn dâm thư, và những người yêu Kiều về cái giá trị văn chương và mỹ thuật của nó, mà có bị kết án vào tội mê hoặc dân chúng, ta cũng chẳng nên phiền trách nhà chí sĩ không công bằng.
Nhà chí sĩ cũng như khách đa tình, bao giờ cũng có cái tâm lý thiên lệch.
 
Khách đa tình thì thiên lệch về tình
Nhà chí sĩ thì thiên lệch về nươc