Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN HOÀI DƯƠNG : Một người bạn chân tình và chu đáo

Đinh Kỳ Thanh
Thứ tư ngày 20 tháng 7 năm 2011 8:41 AM
  
  T ôi bàng hoàng khi nghe tin Trần Hoài Dương mất đi trong lúc chúng tôi còn hò hẹn sẽ gặp nhau để trao đổi, nhờ vả vài chuyện riêng thú vị. Anh mất đi khi còn nợ tôi một lời hứa sẽ tới thăm gia đình chúng tôi và ký tên lưu niệm vào cuốn truyện tranh quý giá có tựa đề Bà Cháu do chính anh viết lời và họa sĩ Tô Chiêm vẽ tranh… mà các cháu ngoại của tôi đã mua được trong một cuộc bán tranh từ thiện gây quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo toàn thế giới vào năm 2010 ở Hồng Kông.
  Thương tiếc người bạn quý đã kết giao với nhau gần nửa thế kỷ kể từ khi anh về làm biên tập cho tờ báo Văn Nghệ Trung Ương của Hội Nhà Văn Việt Nam, hôm nay nhân 49 ngày mất của bạn tôi xin ghi lại đôi dòng ghi nhớ về người bạn thân thiết đó.
•  Một người bạn đôn hậu, chân tình,chu đáo và luôn quý trọng bạn bè.
   Một đặc điểm mà các bạn của Trần Hoài Dương luôn nhắc cùng nhau là anh rất quý trọng bạn, đối xử với ai cũng chu đáo, chân tình, nói năng thì nhỏ nhẹ, cử chỉ rất thân thương. Dù bận rộn rất nhiều công việc, từ việc công tới việc riêng, vừa làm biên tập, vừa sáng tác, vừa ham đọc cả một núi sách của các tác giả trong và ngoài nước… nhưng hễ bạn nào đã tới thăm anh thì anh cũng quyết dành thời gian tới nhà đáp lễ hoặc hò hẹn cùng nhau ra quán cà phê, giải khát chuyện trò. Những cuộc gặp đó anh rất coi trọng tuy thật sự chúng làm mất đi một số quỹ thời gian làm việc quý báu của anh. Với bạn bè lớn tuồi hơn hay đồng trang lứa anh trân trọng và quý mến đã đành, nhưng với các bạn viết trẻ lứa tuổi đàn em hoặc đàn cháu anh cũng vẫn giữ được cung cách cư xử đầy yêu thương, quý mến và trân trọng khiến các bạn trẻ luôn tỏ ý ngưỡng mộ anh và quý trọng anh thật sự.
   Tôi đã từng tới thăm nhà Trần Hoài Dương lúc anh còn ờ Hà Nội ( khi còn độc thân hay sau khi đã lập gia đình) rồi sau này khi gia đình anh chuyển vào Sài Gòn, ở con hẻm trên đường Lý Chính Thắng, sau đó ở Gò Vấp, rồi ở cả hai căn nhà nhỏ trên đường Thích Quảng Đức, Phú Nhuận… Còn anh, bất kỳ gia đình tôi chuyển tới địa chỉ nào ở Sài Gòn, anh cũng đều tìm tới thăm vợ chồng tôi, tặng sách của anh vừa được xuất bản hay tái bản.
  Một lần tôi nhớ mãi là vào mùa Hè năm 2006, anh gọi điện thoại hẹn tôi 14 h chiều ngày thứ năm sẽ tới thăm vợ chồng tôi. Chúng tôi chuẩn bị đón anh và đúng 14 h chuông reo, tôi ra mở cổng… Vào nhà, anh ngồi trò chuyện khá lâu, rồi còn đòi tôi dắt đi các phòng xem tranh Việt quý mà các con tôi mới mua được từ Bangkok, Hongkong và Singapore và cả từ Hà Nội đem về. Tôi pha cà phê mời anh uống, anh từ chối và  đòi tôi dẫn ra vườn xem hoa và cây cảnh… Lúc vui chuyện anh mới thủ thỉ : “Tiếc quá, chiều nay Dương còn có cái hẹn phải về. Phải chi lúc nãy vào chơi với anh chị sớm hơn thì còn được ngồi với nhau lâu…Trưa nay do có việc về qua đây rất sớm, nhưng trót hẹn 14h mới ghé thăm anh chị, ngại anh chị đang nghỉ trưa, Dương không dám nhấn chuông, đành ngồi uống cà phê ở đầu hẻm chờ tới đúng giờ mới gọi cửa. Cũng vì thế Dương đã không dám uống cà phê nữa…”
  Tôi trách nhẹ anh : “Sao mà khách khí thế, đã là bạn với nhau thì tời lúc nào chẳng được! Miễn là đến với nhau bằng cả tấm lòng”…
  Lúc ra về Dương lại mở túi xách, trân trọng lấy ra mấy tập truyện anh viết cho thiếu nhi mà Nhà xuất bản Giáo Dục mới phát hành và ghi tặng vợ chồng tôi cùng các cháu yêu thương với những dòng chữ tròn đầy tình nghĩa.
• Một chút ân hận và tiếc nuối .
  Trở lại với câu chuyện cuốn truyện tranh Bà Cháu do họa sĩ Tô Chiêm vẽ và Trần Hoài Dương viết lời…mà các cháu ngoại tôi cứ đòi ông mời ông Dương ký tên lưu niệm cho các cháu nhưng không thành…làm cho vợ chồng tôi hết sức ân hận và tiếc nuối.
 Số là trong một cuộc triền lãm và bán tranh từ thiện gây quỹ hỗ trợ cho trẻ em nghèo trên thế giới do tồ chức quốc tế Room to Read mở ra tại Hongkong vào khoảng cuối năm 2010, các cháu ngoại của tôi khi nhìn thấy bức tranh Bà Cháu của Họa sĩ Tô Chiêm vẽ thật cuốn hút với hình ảnh quê hương và cảnh bà cháu quấn quít thật tình cảm…nên đã đòi Bố Mẹ mua cho mang về treo ở trong phòng học. Khi trao tranh, thật bất ngờ, Ban tồ chức lại biếu kèm một cuốn truyện tranh Bà Cháu của Room to Read phát hành theo sự cho phép của NXB Giáo Dục của ta. Cuốn sách làm quà tặng không bán có kích thước 35cm x 48cm in trên giấy bìa cứng với 20 trang có in 14 bức tranh vẽ thật công phu của họa sĩ Tô Chiêm dành minh họa cho chương trình xuất bản sách của tố chức Room to Read nói trên. Những bức tranh màu sắc thật rực rỡ và mang phong cách tranh dân gian Việt Nam càng làm cho cuốn sách hấp dẫn trẻ nhỏ.
  Lúc về nhà mở coi sách, mẹ các cháu mới phát hiện được tác giả viết lời truyện tranh là bạn của ông ngoại liền nói cho các cháu biết. Các cháu đã đưa sách cho ông ngoại xem và nằng nặc đòi ông phải dẫn tới nhà ông Dương xin chữ ký kỷ niệm của ông. Các cháu còn hẹn nếu có dịp ra Hà Nội sẽ tìm đến nhà họa sĩ Tô Chiêm xin thêm chữ ký của ông vào cuốn truyện. Tôi liền gọi điện thoại cho Trần Hoài Dương nói lại mọi chuyện cũng như nguyện vọng của các cháu, anh vui lắm và nói tôi khỏi phải mang sách tới nhà, chờ lúc anh qua chơi sẽ ký tên lưu niệm vào sách cho các cháu sau… Nhưng rồi lúc thì anh bận ra Hà Nội lo việc gia đình, lúc lại đi dự Hội nghị hoặc Đại Hội Nhà Văn VN…nên không thực hiện được lời hứa với các cháu. Một ngày nọ, không chờ được nữa tôi đã quyết định đem cuốn sách tới để anh coi và xin chữ ký của anh. Thế nhưng khi tôi điện thoại tới nhà thì anh lại kiếu vì “ Dương xin lỗi vì đang chuẩn bị ra sân bay Tân Sơn Nhất để đáp chuyến bay sang London với con trai. Vài tháng nữa Dương về sẽ ký cho các cháu đâu có muộn…”
  Sau chuyến đi đó của Dương, lúc trở về bạn có tới thăm lại chúng tôi. Tiếc quá, vì bạn không hẹn trước, sáng hôm đó vợ chồng tôi lại có chuyện phải đi ra ngoài thành phố không có mặt ở nhà đón tiếp. Dương trao cho người nhà tôi 3 tập truyện thiếu nhi mang tựa đề “Giấc mơ tuổi thần tiên” ( tập 1,2,3) do NXB Giáo Dục Việt Nam mới xuất bản nằm trong chủ đề “ Những tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi” của NXB này.  Thế là một lần nữa chúng tôi lại lỡ hẹn với nhau.
  Một đôi lần nữa trao đổi với nhau qua điện thoại, các cuộc hẹn của chúng tôi đều không thành với các trục trặc cả từ hai phía. Lúc thì tôi bị bệnh không thể thù tiếp bạn, lúc thì Dương lo đón bạn từ Hà Nội vào hoặc đi thăm bạn ở xa, lúc thì vợ chồng tôi lo đưa các cháu đi nghỉ dưỡng hoặc đi đón Tết Nguyên Đán ở nước ngoài…không về kịp…
  Thế rồi một ngày kia, nghe tin bạn vĩnh viễn ra đi…Nỗi tiếc thương bạn khôn cùng chen lẫn sự ân hận không ráo riết săn đón bạn xin thực hiện dùm việc đã hứa cùng các cháu nhỏ. Thôi đành sự việc đã lỡ rồi. Tới nhà tang lễ viếng bạn mà nước mắt tôi chảy tràn… Tôi thắp nhang cầu chúc cho bạn mau siêu thoát đồng thời cũng thầm nhắn các cháu ngoại rằng : “Các cháu cũng đừng buồn, ông Dương đã đi xa nhưng tấm lòng yêu quý các cháu, yêu quý thiếu nhi Việt Nam vẫn còn đây, tràn ngập trong từng trang sách!”
•  Người ra đi, hồn thiêng lại dắt bạn về với bạn
   Buồi chiều đầu tiên tồ chức lễ viếng Trần Hoài Dương tại Nhà Tang lễ của TP HCM, chúng tôi cũng không có mặt tại thành phố. Đêm hôm đó, về tới nhà tôi đã tự hẹn với mình sáng sớm hôm sau sẽ tới viếng bạn để chia tay. Thế rồi sáng sớm hôm sau khi tôi bước vào nhà tang lễ thì cũng chưa có ai trong Ban tô chức lễ tang có mặt, trừ cháu Trần Lê Quỳnh con trai anh từ xa về và mấy anh chị em ruột của anh mới từ Hà Nội và Hải Dương vào. Tôi là người đầu tiên trong buổi sáng đó thắp nhang cho Dương và  trao đỗi vài câu chia buồn với con trai duy nhất của Dương. Sau đó tôi gặp một người anh của Dương xưng tên là Lượng. Anh nói anh là anh thứ hai của Dương và là sĩ quan quân đội đã về hưu. Khi tôi hỏi anh hiện đang ở nơi đâu thì nghe anh trả lời :  “Tôi vẫn ở căn nhà cũ số 44 Khâm Thiên mà ngày xưa Dương ở…”
   Đến lúc đó tôi mới giật mình nhớ ra Trần Hải Lượng bạn học cùng lớp khi xưa khi học chương trình trung học phổ thông kháng chiến 9 năm. Chúng tôi đã không học cùng nhau từ năm 1956 khi tôi chuyễn qua trường khác rồi vào đại học. Còn bạn thì gia nhập quân đội, đi khắp các chiến trường, trở thành sĩ quan chuyên nghiệp từ lâu…Tôi sung sướng nhận ra bạn còn Lượng thì cũng reo lên nhận ra bạn học cũ Đinh Kỳ Thanh ở Ngõ Hàng hành Hà Nội sau ngày thành phố được giải phóng. Đã bao lần chúng tôi cùng lăn lộn trên căn gác hẹp nhà Lượng ở Khâm Thiên cũng như trên căn gác nhỏ nhà tôi ở Hàng Hành luôn lộng gió hồ Gươm để cùng chuyện trò tâm sự hoặc học bài, truy bài, làm bài tập…
   Vậy là nhờ có chuyến tới viếng Dương tôi mới gặp lại được bạn cũ sau 56 năm mất liên lạc. Và lạ kỳ thay, trong gần nửa thế kỷ kết bạn với Dương chưa bao giờ tôi lại nhận ra Trần Bắc Quỳ lại là em ruột của Lượng, một người bạn học đồng niên, đồng tuế ngày xưa của mình !! Như thế cũng có cái hay chăng vì trong quan hệ Dương sẽ không phải ngại ngần vì tôi nhiều tuổi hơn và chúng tôi đã có thể coi nhau như bạn ngang hàng tương thân và tương kính!
   Trân Hoài Dương ơi ! Như vậy là khi bạn từ biệt cõi đời này bạn vẫn còn thương tôi để dắt về cho tôi người bạn cũ là anh ruột của bạn mà tôi bặt hẳn tin tức lâu nay… 56 năm trời xa cách, tôi cũng đã phiêu bạt kiếm sống ở biết bao phương trời, khi dạy học, khi làm báo, viết văn…Cũng trong 56 năm ấy chúng tôi đã chuyển vùng vào sống tại Sài Gòn 36 năm rồi đó. Vậy mà hơn nửa thế kỷ trôi qua cuối cùng chúng ta vẫn ở gần nhau, yêu quý nhau và gặp lại nhau. Vòng đời thật luẩn quẩn hay chính hồn thiêng của bạn đã tạo nên những điều hy hữu đó ?
   Sài Gòn , kỷ niệm 49 ngày mất của Trần Hoài Dương.
                      Đinh Kỳ Thanh
    ( Nguyên BTV báo Sài Gòn giải phóng )