Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT NÉN TÂM NHANG NHỚ NGƯỜI TRÒ CŨ

Đặng Hiển
Thứ ba ngày 19 tháng 7 năm 2011 7:14 PM

Nhà giáo ưu tú, nhà văn Đặng Hiển, thày giáo dạy văn, chủ nhiệm chúng tôi suốt 3 năm học cấp 3(1960-1963). Gần đến ngày 27/7, thày thường nhắc nhở chúng tôi hãy nhớ tới các bạn hoc đã hi sinh vi Tổ quốc, bản thân thày khi
 có điều kiện là đến thăm gia đình và thắp hương trên bàn thờ học trò cũ của mình.  Cách đây hai hôm, thày đến thăm một gia đình và có một bài viết cảm động dưới đây. Được phép của thày Đăng Hiển và sự đồng ý của gia đình liệt sĩ, tôi xin gửi tới nhà thơ bàì viết của nhà văn Đặng Hiển.
Thanh Ứng   
MỘT NÉN TÂM NHANG NHỚ NGƯỜI TRÒ CŨ
Chiếc xe hon đa của đại tá Nguyễn Ngọc Thụy đưa tôi đến khu tập thể Bưu điện. Một người đàn ông chạc 45, 46 ra đón. Thụy giới thiệu với anh ta: “Đây là ông Hiển, thầy giáo chủ nhiệm của chú với chú Toàn ngày xưa. Ông muốn đến thắp hương cho chú Toàn”. Quay sang tôi, Thụy nói: “Thưa thầy, đây là cháu Thịnh, con giai anh cả nhà em. Ông bà em ở quê mất lâu rồi, các anh chị của nhà em thì ở cả Hà Nội nên đưa ảnh chú Toàn ra đây thờ, còn bằng Tổ quốc ghi công thì xã bảo cứ để ở quê, thỉnh thoảng xã còn đến thắp hương”.
Tôi ngước nhìn lên bàn thờ. Ảnh ông bà, cha mẹ Thịnh và bên cạnh là ảnh Toàn. Người học sinh cũ của tôi đây rồi. 48 năm tôi mới được gặp anh. Nhưng ảnh truyền thần không giống Toàn mấy, chỉ hơi giống Nga, vợ Thụy, em gái út của Toàn, với gương mặt phúc hậu. Chắc đây là ảnh Toàn chụp hồi đã tốt nghiệp Đại học. Tôi đặt lên bàn thờ bài viết Những dòng lưu bút viết về Toàn và 5 học sinh lớp tôi chủ nhiệm khóa 1960 - 1963 ở cấp 3 Ứng Hòa đã hi sinh và cả bản chụp bút tích của Toàn trong sổ lưu niệm của lớp. Chúng tôi thắp hương và khấn Toàn. Giọng Thụy run run: “ Anh Toàn ơi! Hôm nay em đưa thầy Hiển, thầy giáo chủ nhiệm của chúng ta hồi cấp 3, đến thắp hương tưởng nhớ anh. Mong hương hồn anh về chứng giám”.
Tôi rưng rưng tưởng tượng lại hình ảnh Toàn ngày xưa. Một chàng trai cao to trắng trẻo, tóc xoăn, ai bảo là con nhà nông ? Anh học giỏi, nhất là môn Toán, chỉ phải cái chữ hơi xấu. Bài văn của Toàn, ý tốt nhưng chữ xấu nên thường bị 4- (điểm khá của Liên Xô cũ, dấu trừ là dấu phạt vì chữ xấu).
Lúc đầu tôi nghĩ do cẩu thả, nhưng không phải vậy. Chữ anh vốn thế. Hôm sắp mãn khóa, tôi đưa sổ lưu niệm cho học sinh viết, dặn viết cho đẹp để làm kỉ niệm, Toàn viết rất cẩn thận nhưng chữ vẫn không đẹp. Quyển sổ lưu niệm này, tôi vẫn giữ từ 1963, trải qua mấy đợt chiến tranh phá hoại, mấy kỳ sơ tán, mấy lần chuyển trường, chuyển chỗ ở, sổ vẫn còn, chỉ chữ hơi bị mờ, gáy bị đứt chỉ. Hơn hai trang viết của Toàn có đoạn :
 Em rất hồi hộp khi viết vào sổ của thầy vì thời gian gần thầy chẳng còn bao nhiêu nữa... em nhớ lại buổi gặp gỡ ban đầu, cái buổi mà thầy đến làm giám thị phòng em... Quả thực lúc đầu mới nhìn, em có cảm nghĩ như người thầy ấy khô khan, lúc nào cũng có một cái gì suy nghĩ, nhưng càng gần gũi thầy, em càng hiểu thầy nhiều hơn... càng thấy mến thầy hơn. Nhớ lại buổi nào mà em đã từng đỏ mặt vì một câu văn mà thầy chữa cho em. Nhưng bây giờ thì em lớn lên rồi, lớn lên dưới sự dìu dắt của thầy.
...Sắp xa thầy , em muốn viết nhiều. Nhưng em nghĩ rằng dù viết nhiều hay ít cũng chẳng bằng người ta ghi sâu những hình ảnh nhau trong trái tim mình... Trong em bây giờ như hiện lên cả chuỗi ngày êm đẹp dưới sự dìu dắt của thầy. Chính vì vậy mà hơn lúc nào hết, bây giờ em càng thấy quý những buổi dạy của thầy.
Học sinh của thầy
Nguyễn Duy Toàn
Sau khi Toàn tốt nghiệp cấp 3, tôi chuyển về cấp 3 Phú Xuyên, một buổi về trường cũ, tôi gặp Toàn đi từ trong làng ra (làng Thanh Sam, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa). Toàn chào tôi: "Em lên trường. Em học khoa Toán tổng hợp". Tôi mừng cho Toàn, hi vọng khả năng toán học của Toàn sẽ được phát triển.
Nào ngờ, trong buổi hội trường, gặp lại học sinh cũ trong đó có Thụy. Thụy thưa: Em là em rể của anh Toàn. Anh Toàn đã hi sinh năm 1969. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, anh về dạy ở trường Cao đẳng kỹ thuật Thái Nguyên rồi đi bộ đội ở đó. Toàn lúc đó mới 23 tuổi và chưa có người yêu.
Chia tay với Thụy và các học sinh cũ, tôi luôn nghĩ đến Toàn và 5 học sinh cũ lớp tôi chủ nhiệm đã hi sinh .
Anh Thịnh kể: các chú đồng đội của chú cháu cho biết chú cháu phụ trách khẩu B40, khi xe tăng đến, chú bắn cháy mấy chiếc thì bị thương nặng, sau đó Mỹ pháo kích vào trận địa có cả thương binh ta lẫn thương binh địch, khiến cho không ai còn thi thể. Khi quân ta vào làm công tác thương binh tử sĩ đành đắp mấy ngôi mộ giả. Sau 1975, đồng bào Tây Ninh đến quy tập thấy mộ không có hài cốt, cũng không có mộ chí nên  trong các nghĩa trang Tây Ninh không có tên chú.
Thụy cho biết năm 1969, Nguyễn Duy Ứng, anh em họ của Toàn, cũng học lớp Toàn, Thụy, tình cờ gặp Toàn ở chiến trường Đông Nam Bộ. Ứng đã tặng Toàn một cái đài pin rồi chia tay. Đó cũng là lần cuối họ gặp nhau.
Anh Thịnh liền gọi điện thoại cho chú Ứng. Thịnh cho biết chú Ứng đang hoàn thiện ngôi nhà  mới, nhưng đi dự ăn hỏi, trưa sẽ về. Thịnh cho tôi biết số  điện thoại của Ứng. Tôi tự hẹn khi về nhà sẽ gọi ngay cho Ứng. Hồi sau 1975, tôi đã có lần gặp Ứng, khi đó anh đang là trại trưởng một trại thương binh ở Ba Thá.
Thụy nói thêm: anh cả vợ em (tức bố Thịnh) là thương binh chống Pháp đã chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Còn anh cả em là liệt sĩ chống Pháp.Mấy anh em nhà em đều đi bộ đội, một chống Pháp đã hi sinh, ba người chống Mỹ đều còn cả; còn ở thôn em, bảy, tám người hi sinh, nhiều người là con một. Tôi xúc động: không có thế hệ nào hi sinh nhiều như thế hệ chống Mỹ và tôi càng hiểu sức mạnh Việt Nam, sức mạnh của truyền thống yêu nước, truyền thống gia đình, truyền thống quê hương.
Thịnh thưa: Ông bà cháu mất đã lâu, bố mẹ cháu cũng đã mất, chú Toàn cháu thì chưa lập gia đình nên việc hưởng hương khói cho chú cháu, cháu đảm nhiệm. Cứ đến 27/7, ngày Thương binh liệt sĩ và ngày 17/12 ngày chú cháu hi sinh là cháu lại hương hoa cho chú.
Chúng tôi khấn vái Toàn một lần nữa rồi xin phép ra về.
Về đến nhà, tôi gọi điện ngay cho Ứng. May quá, lúc này Ứng đã đi ăn hỏi về. Ứng vui mừng biết thầy giáo cũ đến viếng liệt sĩ Toàn, người anh em họ, Ứng may mắn hơn Toàn là đã trở về. Ba đứa con giai Ứng đều đã tốt nghiệp Đại học và hiện công tác ở Hà Nội. Ứng hẹn hôm nào sẽ ra Hà Nội thăm thầy cũ. Ứng xin phép ngừng lời để làm việc với thợ.
Tôi chúc mừng Ứng có nhà mới và mong Ứng lên chơi. Tôi thấy cuộc sống thật kì diệu. Sau nhiều mất mát hi sinh, cuộc sống đã và đang được bồi đắp. ba đứa con gái của Thụy cũng thành đạt . Con đầu của Thụy cách đây hơn mười năm về trường tôi thực tập sư phạm, nay đã là thạc sĩ, có con sắp lên lớp hai, con gái thứ hai của Thụy cũng đã lập gia đình và đang có bầu, đứa thứ ba sắp đi Úc hoàn thành luận văn thạc sĩ....Nhưng Toàn thì đã hi sinh, hi sinh tất cả tuổi trẻ, tình yêu, cuộc đời, hi sinh cả đến nắm xương tàn của mình, cuộc đời Toàn chỉ còn lại mấy dòng lưu bút trong sổ lưu niệm của tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng Toàn đã hiến dâng đời mình cho Độc lập, Thống nhất, cho lẽ sống và phẩm giá, cho niềm tự hào của mỗi người Việt Nam chúng ta. Chúng ta không bao giờ quên , không bao giờ được quên những người đã hi sinh như Toàn. Tôi viết bài hồi ký này cũng là để tự nhắc mình điều đó./.
16/7/2011
Đặng Hiển