Bản tin Thời sự VTV1 lúc 19giờ ngày 17 tháng Bẩy phát đi thiên phóng sự dài gần 7 phút “ Văn hóa, thẩm mỹ trong âm nhạc” dóng lên hồi chuông báo động về sự đi xuống của văn hóa, thẩm mỹ trong sáng tác, biểu diễn với những ca khúc nhảm nhí, đạo nhạc, các hiện tượng hát nhép, ăn mặc quá hở hang.. Báo “ Tuổi trẻ” sáng nay, ngày 20 tháng Bẩy và một vài tờ báo khác nhanh nhậy tỏ ý hoan nghênh thiên phóng sự truyền hình này và phản ánh dư luận đồng tình của đông đảo giới trẻ hoan nghênh “ phát pháo mở màn” của VTV1. Như khuyếch trương chiến quả, ngay tối nay, Bản tin Thời sự của VTV1 lập tức nhanh chóng ghi nhận lời khen ngợi của báo “ Tuổi trẻ” và một số tờ báo kia trong thái độ nghiêm khắc với những biểu hiện xuống cấp của văn hóa nói chung, sinh hoạt âm nhạc nói riêng..
Tôi và bạn xem đài, đọc báo hiển nhiên trong dạ mở cờ vì như đã giải tỏa được điều mà mình cũng đã thấy, đã nghĩ như đài, như báo mà không thể, không biết bày tỏ cơn bực bội, tức tối về những gì chướng tai gai mắt đang xẩy ra hàng ngày…
Nhưng cơn hả, sự sướng qua rồi bỗng như thấy có gì cấn cấn, gai gai trong lòng. Tựa như miếng cơm, sợi rau nuốt rồi mà không chịu trôi qua họng...
Ờ nhỉ, thử đặt câu hỏi những bài hát lời lẽ nhảm nhí hoặc đạo nhạc kia làm cách nào đây mà truyền bá tới được hàng triệu người nghe nhạc trẻ tuổi? Dạy hát qua loa phóng thanh hay in thành tờ bướm phát xuống từng làng từng xóm-xưa cũ rồi! Nghe hát nhép, xem các kiểu uốn éo “lộ hàng” thì tìm tới các nhà hát, các tụ điểm ca nhạc sao đây? Vé vào cửa lên tới 500 ngàn, 1triệu đồng con nhà nghèo nằm mơ cũng không dám tơ tưởng!Đọc trên báo chữ sao? Vài ba bức ảnh chết và khoản ngàn chữ dù có tung hô, nịnh bợ sống sít, gượng gạo liệu có tác động được đến ai giữa thời buổi mọi thứ đều cần cụ tượng này? Qua báo nói ư, bây giờ còn mấy người nghe đài?
Này đây, ví như chương trình “ Bước nhẩy hoàn vũ” 2011 kéo cả tháng dòng và vừa kết thúc tháng trước, thử hỏi báo viết, báo nói làm sao lôi kéo được lượng người nghe, người xem khổng lồ đến như vậy? Xem đã sướng rân sướng ran; xem còn có cả sổ số trúng thưởng nữa. Ở cuộc thi này chưa xẩy ra chuyện “ lộ hàng” nhưng các thí sinh thỏa sức đua nhau ăn vận thật mát, thật nhiều đường sẻ để mà khoe đùi, khoe mông…Thôi thì cũng quen mắt rồi, cũng bỏ qua tuốt luốt. Điều đáng ngạc nhiên, đáng sửng sốt là các “ kiều nữ” nhỏ thó, mỏng mảnh, cấu tạo thân hình còn nhiều sộc sệch, lồi lõm thất thường xứ ta cứ thế dám nghênh ngang phô diễn bên cạnh các nàng vũ công châu Âu “ mông ra mông, đùi ra đùi” thì quả là …hiên ngang, phi thường thật! Thế mà những đêm Chủ nhật truyền hình có “ Bước nhẩy hoàn vũ” quả là cả nước nín lặng, thót tim dán mắt vào màn hình!
Thôi chết rồi, vậy không phải báo viết, báo nói, báo mạng hay các tụ điểm ca nhạc mà truyền hình chính là phương tiện lan truyền nhanh nhất; quảng bá rộng khắp nhất; rẻ tiền nhất; rủ rê, hấp dụ đủ loại tầng lớp người xem, người nghe nhất mà thưởng thức, mà say mê nhạc nhăng nhít, hát nhép và các cung cách uốn éo mông đùi..Cứ nhắm mắt mà nhớ lại xem những cuộc thi chọn giọng ca hay, chọn bài hát hay, cùng cung cách “ lăng-xê” ca sỹ này, người mẫu nọ đã diễn ra trên màn ảnh truyền hình những năm vừa qua. “Nhà đài” càng lớn, càng có uy tín, càng đông đúc đội ngũ giỏi tay nghề đồng nghĩa là những nơi hút được nhiều quảng cáo để sinh lời mà đủ sức bày ra những trò nhố nhăng, dị hợm nhất, càng trở thành những trung tâm giao lưu, quảng bá những thứ văn hóa xuống cấp..
Và bây giờ “ nhà đài” ..lên tiếng! Tự thức tỉnh, tự phê bình thật sự rồi sao? Hay quá ta!
Thôi được rồi, hãy hẹn ước từ hôm nay trở đi tôi và bạn rủ nhau sẽ canh đài, bám sóng thường xuyên hơn, sát sao hơn, đều đặn