Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUẢNG TRỊ NĂM ẤY VÀ ĐÊM NAY

Dương Đức Quảng
Thứ tư ngày 13 tháng 7 năm 2011 9:18 PM

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Quảng Trị là năm 1967. Năm ấy tôi là phóng viên của TTXVN thường trú tại Quảng Bình – Vĩnh Linh trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc rất khốc liệt của không quân và hải quân Mỹ. Vĩnh Linh, mảnh đất tuyến đầu của miền Bắc trong những năm tháng ấy, là một phần máu thịt của Quảng Trị bị chia cắt sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 (Vĩnh Linh thuộc miền Bắc còn đại bộ phận tinh Quảng Trị lại ở miền Nam). Tôi đã từng nằm hầm ở Hồ Xá, Vĩnh Kim, chui dưới lòng địa đạo Vĩnh Mốc và ngày 2/9/1969 – ngày Bác mất, đạp xe từ Phú Vinh, Đồng Hới vào Vĩnh Linh để đưa tin quân và dân nơi đây hướng về thủ đô vĩnh biệt Bác Hồ. Tôi không thể nào quên được hình ảnh lá quốc kỳ có giải băng tang rủ buồn trên đỉnh cột cờ đầu cầu giới tuyến và những giọt nước mắt khóc Bác của các chiến sĩ đồn Công an Nhân dân vũ trang Hiền Lương trong giờ phút vĩnh biệt Người.
Và hôm nay, 10/7/2011, sau 42 năm tôi lại có mặt tại Quảng Trị, có khác chăng là không phải ở Vĩnh Linh khi đất nước còn bị chia cắt, mà ở ngay Thành cổ Quảng Trị, mảnh đất anh hùng, nơi diễn ra cuộc chiến đẫm máu trong 81 ngày đêm của “mùa hè đỏ lửa 1972”, để dự lễ cầu siêu và tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Có thể nói, Quảng Trị là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ tính riêng số liệt sĩ đã hy sinh và đang yên nghỉ tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh đã lên tới gần 60 nghìn người.
Qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Trị có 18.729 liệt sĩ, 10 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, hàng chục ngàn người có công với cách mạng. Dưới lòng đất Quảng Trị, còn không ít hài cốt các liệt sĩ bị thất lạc, chưa được quy tập. Thành cổ Quảng Trị được cả thế giới biết đến với sự kiện 81 ngày đêm mùa hè năm 1972, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn với lực lượng tinh nhuệ quyết dùng hỏa lực mạnh tái chiếm Thành cổ từ tay quân Giải phóng. Trong 81 ngày đêm quyết liệt giữ đất, giữ thành đó khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Trên một diện tích chưa đầy 4 km2 của Thành cổ đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom, 1.230.328 viên đạn pháo các loại và hơn 2000 lượt máy bay oanh kích với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirôsima (Nhật Bản) trong chiến tranh thế giới thứ hai. Cả một thị xã sầm uất đã thành đóng tro tàn, không còn một viên gạch nào dính được vào nhau, như có người đã viết.
Tôi đã cùng hơn 500 cựu chiến binh từng chiến đấu tại Quảng Trị, hàng trăm thân nhân các anh hùng, liệt sĩ, hàng chục vị Thượng tọa, Hòa thượng, hàng ngàn tín đồ đạo Phật dự Lễ Tri ân và Lưu danh Liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị, thắp nến, thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ hương hồn các chị, các anh đã hy sinh. Và hôm nay. tại buổi lễ này, lần đầu tiên có cuốn sách độc bản mang tên “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị”, khổ rộng 1m x 0,7m, in trên giấy ốp – xét, năng 120 kg, ghi tên trên 4.000 liệt sĩ Thành cổ được giới thiệu tại buổi lễ. Sách được xác lập kỷ lục Việt Nam và được tặng cho Bảo tàng Di tích Thành cổ Quảng Trị.

Đại tá Lê Văn An (trái), đại tá, anh hùng Trần Thanh Vân, (phải)
hai cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị 1972
Tại bến thả hoa bên dòng sông Thạch Hãn, tôi gặp đại tá Trần Thanh Vân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 48, trực tiếp chỉ huy chiến đấu bảo vệ Thành cổ và đại tá Lê Văn An, nguyên Đại đội trưởng quân y tại mặt trận này. Đại tá Lê Văn An nói với tôi:
- Mỗi mét vuông đất nơi đây đều có anh em mình nằm xuống. Trung đoàn do anh Vân chỉ huy 17 lần thay quân. Còn Đội thu dung của tôi đã đón trên 1.700 liệt sĩ và thương binh. Tôi và nhiều anh em cựu chiến binh Thành cổ cũng như nhiều gia đình liệt sĩ vào đây đã mang một nắm đất nơi đây về đặt trên bát hương nhà mình để thờ đồng đội và người thân. Bởi vì mỗi tấc đất nơi đây đều thấm máu của các liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc.
Thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn đêm 10/7/2011
Đêm 10/7/2011 này, tôi hòa trong dòng người từ mọi miền đất nước về đây, đi thuyền ra giữa dòng Thạch Hãn thả hoa xuống dòng sông, gửi vào những bè hoa, bông hoa ấy lòng biết ơn vô bờ của những người đang sống trong hòa bình hôm nay đối với các liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn.

Thành cổ Quảng Trị, đêm 10/7/2011