Hướng tới Ngày 27 tháng Bẩy
Báo chí, truyền hình đã viết bài, quay phim ngợi ca tài chỉ huy, tinh thần dũng cảm, lòng thương yêu đồng đội của Đại tá Lê Bá Ước- nguyên Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 Bộ đội Đặc công nước Rừng Sác- đơn vị đã từng lập nên những chiến tích lẫy lừng trong suốt những năm tháng đánh Mỹ như bắn cháy kho xăng của Mỹ Ngụy ở Cảng Nhà bè, đánh phá căn cứ chiến lược của Mỹ ở Thành Tuy hạ, vây hãm nhiều ngày khúc sông Lòng tầu, không cho địch chở hàng từ Vũng tầu lên Sài gòn…
Với vị Đại tá lừng danh này, hôm nay tôi xin kể cho bạn xa gần nghe công tích của ông trong việc “ làm văn nghệ”- như cụm từ ông thích dùng. Ngay bây giờ, bạn chỉ cần đánh vào khung Google dòng chữ: “ Trung đoàn 10 Bộ đội Đặc công nước Rừng Sác”, lập tức bạn tìm được nhiều trang dưới hình thức ghi chép, hoặc bút ký về những trận đánh lẫy lừng, về nhiều tấm gương hy sinh dũng cảm, về nghĩa tình của người dân trong những năm tháng Trung đoàn 10 bám trụ tại Rừng Sác. Bút pháp súc tích, giàu hình ảnh, lối miêu tả của người trong cuộc và đương nhiên từng trang, từng bài gây xúc động mạnh cho người đọc. Những trang sách ấy nằm trong hai tập “ Một thời Rừng Sác” do chính ông Bẩy Ước viết, Hội Văn nghệ Đồng nai xuất bản. Nghe đâu, ngay sau khi 2 cuốn sách này ra mắt người đọc ông Đại tá được công nhận là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng nai.
Kể lại kỷ niệm này, ông Bẩy Ước cười khá khá vui vẻ: “ Mình là anh văn nghệ tay ngang thôi. Đâu sánh được với các ông Hoàng văn Bổn, ông Xuân Sách. Ồ, nhưng văn nghệ là gì, mấy ông nhỉ? Sau khi được vào Hội, mình ngẫm ngợi mãi về câu hỏi này. Mình tự trả lời thế này: văn nghệ là yêu ghét, là nỗi xúc động và trí nhớ không bao giờ quên những anh em đồng đội đã hy sinh..Có phải thế không mấy ông? Nếu như vậy mình không ngượng ngùng khi được kết nạp vào Hội”.
Nhờ sự trợ giúp hết sức tích cực của ông Bẩy Ước tôi đã làm được 3, 4 bộ phim tài liệu truyền hình cho VTV, HTV về ông, về các đồng đội của ông. Và đi với ông, tôi tận mắt mới thấy hết cái “sản nghiệp” văn nghệ về Bộ đội Đặc công nước Rừng Sác do ông Bẩy Ước kỳ khu gột dựng mới phong phú, nhiều hình nhiều vẻ làm sao!
Vào tới TP Hồ Chí Minh, bạn chịu khó phóng xe máy qua chặng đường chừng hơn 40 km, về hướng huyện lỵ Cần giờ, bạn hãy ghé thăm nơi phục chế Căn cứ Rừng Sác xa xưa. Cũng là những mái lán lợp lá, bàn ghế, giường phản ghép bằng thân cây đước, nơi ghi là chỗ hội họp, nơi ghi phòng quân y, nơi trực thông tin, nơi sản xuất vũ khí..Bạn sẽ được ăn bữa trưa với vắt cơm và một miếng cá thòi lòi kho mặn, hệt như bữa cơm chiến sỹ Rừng Sác ăn năm xưa, trước giờ xuất kích. Có cả dẫy lán quân nhu chị em may vá quần áo cho đồng đội của mình.Bạn sẽ được nghe cựu binh Rừng Sác đã qua cả tuổi thất thập kể những câu chuyện về sinh hoạt trong ngày mưa, khi máy bay Mỹ rải chất độc hóa học, vào mùa khô cạn nước phải tích nước ngọt bằng cách nào…Tất cả, đều được dựng nên từ ý tưởng của Đại tá Bẩy Ước và cũng do chính ông giám sát, trông coi công việc cất dựng dằng dặc cả năm trời.
Bước vào gian hội trường bạn sẽ nhìn thấy những tấm ảnh khổ lớn , ảnh đen trắng, chụp cảnh anh em bộ đội đặc công nước sinh hoạt, chiến đấu ra sao. Kiểu ảnh tân văn báo chí, hoàn toàn là những tấm ảnh chụp người thật, việc thật. Nhớ lần đầu tiên khi được chứng kiến những tấm ảnh này, tôi ngạc nhiên hỏi ông Đại tá:
-Anh sưu tầm, gom tích những bức ảnh này ngay từ những năm chiến tranh còn đang xẩy ra sao?
Đại tá Ước cười-vẫn là tiếng cười rất riêng của ông:
-Phần lớn anh em Trung đoàn 10 xuất thân ở những vùng quê nghèo miền Bắc. Anh tính coi, gia đình nông dân, trước khi nhập ngũ làm sao có nổi tấm ảnh chụp mà gửi lại cho bố mẹ, vợ con? Rồi anh em chiến đấu và hy sinh ở đây. Lập bàn thờ, người thân phải lấy hình ông anh, người em đưa thợ vẽ lại cho hao hao giống người đã chết mà hương khói.Biết thế, tôi đã viết thư báo tin hoặc gửi những tấm ảnh anh đang thấy đấy về cho gia đình họ. Tội lắm, cứ trùng trục ở trần lột nước trước giờ đi đánh tàu, đánh căn cứ địch như vậy mà bước lên ngồi trên bàn thờ!
Sự tò mò của tôi vẫn không buông tha ông Đại tá:
-Nhưng những tấm ảnh kia do nhiều phóng viên nhiếp ảnh về với Bộ đội Rừng Sác chụp và anh sưu tập lại sao?
- Không! Tất cả là do một anh phóng viên thuộc Ban Tuyên huấn Phân khu Miền đông chụp. Anh ấy đã về với Trung đoàn 10 3 lần cả thẩy, vào những đận thử thách, ác liệt nhất.
Từ những tấm ảnh này và với sự giúp đỡ tận tình của ông Bẩy Ước tôi đã làm được bộ phim tài liệu “ Còn lại với Thời gian” cho Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Ông Bảy Ước đã đưa chúng tôi tới thị xã Thủ đầu một, đi chừng 20 cây số nữa tới vùng chợ Dược, huyện Bến Cát và gặp được người nhiếp ảnh can đảm năm xưa. Ông tên Văn Sáu, bây giờ hoàn toàn là một bác nông dân chỉ còn biết tìm đến thú vui với đàn cháu nhỏ, với trái mãng cầu, quả na chín ngoài vườn. Sau chiến tranh, bác Văn Sáu bị điều sang làm công tác phát hành sách, có thời trở thành cán bộ thương nghiệp, lâm nghiệp cho tận đến ngày về hưu. Nhắc về những tấm ảnh anh em Bộ đội Trung đoàn 10 người còn người mất, ông Văn Sáu rưng rưng, ôm vai ông ông Bảy Ước lắc lắc:
-Tôi bỏ máy ảnh mấy chục năm rồi, còn nhớ chi đâu. Trước khi rời máy, cách đây tới 30 năm không ít à? tôi giao mấy cuộn phim chụp chuyến đi về Rừng sách cho Bẩy Ước đây. Gìn giữ, nhân bản mấy cuốn phim ấy ra sao là công lao Bẩy Ước cả đó!
Vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, ông Bẩy Ước đã cung cấp chất liệu tạo nên kịch bản, làm cố vấn, trực tiếp đi cùng nhiều đoàn làm phim của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt nam quay cả chục bộ phim phóng sự, tài liệu về Chiến công của đơn vị mình. Nghe nói ông còn là cố vấn cho một vở kịch nói, một vở cải lương cũng về đề tài này.
Đâu đó vào hai năm 1990, 1991 hai đạo diễn Trần Phương và Hoàng Tích Chỉ đã dàn dựng tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu bộ phim truyện nhựa “ Bông Hoa Rừng Sác”. Nghe nói, với bộ phim này, trong vai trò cố vấn, ông Bẩy Ước đã dành tới 3 tháng ròng đội mưa tắm nắng, bươn lội ngang dọc khắp các cánh rừng đước vùng Cần Giờ trợ giúp các đạo diễn, quay phim, diễn viên phục dựng lại cuộc sống, cuộc chiến đấu của bộ đội đặc công nước Rừng Sác trong những năm tháng đánh Mỹ.
Đồng đội cựu binh Đặc công nước Rừng sách hiện nay sống tập trung ở huyện Cần Giờ, ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, ở TP Hồ Chí Minh, ở Cần thơ…đã kể cho tôi nghe không biết bao nhiêu câu chuyển cảm động về người Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng năm xưa của họ đã tìm mọi cách để củng cố, giữ vững mối quan hệ giữa họ với nhau; để làm sao không một người lính Rừng Sách nào rơi vào cảnh đói nghèo hoặc con cái, dâu rể của anh chị em rơi vào cạm bẫy đĩ điếm, hút trích. Ông Bẩy Ước có thể kể vanh vách, cụ thể cho bạn nghe đoạn đường đời của từng cựu binh Rừng Sác từ sau tháng tư năm 1975 đến nay. Ông Bẩy luôn có mặt kịp thời lúc đồng đội đau yếu hoặc gia đình có giỗ chạp, tang ma. Ông Bẩy cũng sẵn sàng phóng xe máy, đáp xe đò cả trăm cây số đến chung vui cùng đồng đội khi con cháu của họ lấy vợ, gả chồng...Mối kết bện dàng dịt, khăng khít này- thiết nghĩ, cũng tạo nên cảm hứng, cung cấp chất liệu để ông Bẩy “làm văn nghệ”.
Sức khỏe dẻo dai, trí nhớ rất tốt, giàu cảm xúc, giàu nhiệt tình và nhất là lại mang đậm chất sởi lởi, hài hước của lính tráng- những văn nghệ sỹ đã một lần tiếp xúc với ông Đại tá đều chung nhau một ý nghĩ: Làm phim, viết sách, tạc tượng về Bộ đội Rừng Sác không thể tìm ra một người cố vấn nào như ông!
Còn, còn nhiều “tác phẩm” khác do ông Bảy Ước làm ra hoặc chung tay góp sức, trực tiếp hay gián tiếp giúp các văn nghệ sỹ khác tạo nên mà tôi không thể nhớ hết.
Nhưng sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể tới Khu đền tưởng niệm các Chiến sỹ Đặc công nước Rừng Sác và các Liệt sỹ huyện Nhơn trạch do chính Đại tá Lê Bá Ước kêu gọi chung góp tiền bạc, công sức, tìm người thi công và bản thân đứng ra trông coi việc xây cất cho đến ngày khánh thành.
Bạn xuôi đường từ TP Hồ Chí Minh xuống Vũng tầu ư? Đến cửa ngõ Nhà máy Bột ngọt VeDan- đơn vị đã nổi đình đám về việc làm ô nhiễm dòng sông Thị Vải một dạo, quẹo phải, giữa một khu chế xuất hiện đại lô nhô tháp nước, cột điện cao thế,trạm biến áp, bạn sẽ tìm thấy một khu tưởng niệm chiếm đến vài hecta đất, với vòm cổng uy nghi, với bài văn tế Liệt sỹ , với khối tượng đài tạc vóc dáng và gương mặt ba chiến sỹ đặc công nước sừng sững hiện lên trên nền trời xanh. Và sau hết đến ngôi đình rộng thênh thang, suốt ngày nghi ngút nhang khói, nơi có bảng đá khắc ghi tên tuổi, quê quán của 767 chiến sỹ Rừng Sác đã ngã xuống trong suốt 10 năm chiến tranh chống Mỹ. Nói tới các khu đền tưởng niệm các anh hùng, Liệt sỹ trong vùng ngoại vi thành phố Hồ Chí Minh, có lễ Khu Tưởng niệm Nhơn trạch chỉ đứng sau Khu tưởng niệm Bến Dược, huyện Củ Chi.
Những dòng trên xin ghi lại cố gắng, những nỗ lực của Đại tá Lê bá Ước suốt mấy chục năm vừa qua. Bước sang năm 2011 này, Đại tá Lê Bá Ước không còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, sức vóc như trước đây. Bệnh hoạn, tuổi tác khiến tấm lưng ông còng thêm, bước chân đã run rẩy, giọng nói đã chắp nối. Năm thỉnh bẩy thoảng về Biên hòa ghé thăm ông, tôi không tránh khỏi niềm tự hào khi nghĩ rằng, quả là hiếm có đơn vị chiến đấu nào được khắc ghi vào thời gian, không gian vật thể, phi vật thể để trở thành bất tử như Trung đoàn 10 Đặc công nước Rừng Sác!
Ghi chú ảnh:
1-Đại tá Lê Bá Ước.
2- Đại tá Lê Bá Ước và vợ ( từ phải qua) trên sông Thị Vải trong một chuyến trở lại chiến trường xưa