Một buổi sáng cuối tháng ba, từ cái se se lạnh đầu xuân của Paris, sau hơn một giờ bay về phương Nam, chúng tôi - anh Phạm Xuân Sinh, phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa - Thông tin và tôi - lọt vào một khoảng không đầy nắng - ấy là bầu trời Barcelona, ngăn ngắt xanh như đồng màu với màu xanh của Địa Trung Hải êm đềm, lặng gió...
Chúng tôi vào sân bay Barcelona, nhanh chóng lấy hành lý chỉ phải gửi một lần từ Hà Nội dù cần qua tới ba lần chuyển máy bay, rồi "thông thống" đi về phía cửa ra mà không có ai hỏi hộ chiếu, không có ai bảo khai và khám hải quan, không có ai soát cuống vé hành lý. Một sự giản tiện cao độ cho hành khách trên cơ sở quản lý chặt bằng các phương tiện hiện đại và tin cậy ở sự lương thiện của tuyệt đại đa số khách thập phương lúc nào cũng nườm nượp tới như trảy hội.
Giữa một rừng những tấm biển giơ cao, chúng tôi nhanh chóng nhận ra tấm biển ghi tên cuộc Hội thảo Á- Âu về chính sách quản lý văn hóa mà mình sẽ dự trên tay một cô gái dong dỏng cao. Những ánh mắt nhìn nhau và chúng tôi gặp một nụ cười thay cho lời xác nhận cô gái đúng là người đón chúng tôi.
Chúng tôi ra khỏi sân bay và sững sờ trước vẻ kỳ vĩ của toàn cảnh thành phố trải dài giữa "biển một bên và… núi một bên", dưới một bầu trời chang chói nắng.
Vừa kịp mở cửa sổ một căn phòng trên tầng 5 khách sạn Monegan, nơi chúng tôi sẽ ở trong thời gian hội nghị, bất ngờ thú vị thấy bầu trời bỗng vần vụ những đám mây đen và rồi trong thoáng lát, cơn mưa biển hối hả đổ xuống quảng trường trung tâm Catalunia ngay dưới cửa sổ phòng chúng tôi. Thời tiết Barcelona đẹp mà đỏng đảnh, thất thường như tính khí một cô gái đẹp - thoắt nắng, thoắt mưa; vừa chan hòa ánh sáng bỗng lại tối sầm…
Đêm đầu tiên ngả lưng trong căn phòng lạ lẫm giữa một thành phố lạ lẫm. Giấc ngủ mãi không đến không phải vì chưa quen chỗ mà vì tiếng ồn ào, huyên náo dưới quảng trường Catalunia vọng lên. Đêm đã về khuya, có dễ phải tới 2 - 3 giờ sáng mà sao đèn vẫn sáng trưng, xe nườm nượp chạy qua và người vẫn đông nghịt dưới quảng trường. Họ đi dạo, họ ngồi trò chuyện và họ… nhảy múa, ca hát. Một câu hỏi chợt thoáng qua đầu : Họ cứ "ham chơi" thế thì sự phồn vinh, viên mãn đập vào mắt ta chẳng lẽ lại từ "trên trời" rơi xuống sao? Và câu trả lời cũng đến ngay tức khắc: Không, giàu có không tự đến; chỉ có làm việc, làm việc cật lực, nghiêm túc sáng tạo mới đem lại sự sung túc. Đây chẳng qua là họ đã sống theo phương châm : Làm ra làm, chơi ra chơi - không chơi trong khi làm và không sắm vai nhà "hiền triết" trong khi chơi! (Chẳng thế mà nhà tin học hàng đầu thế giới nhà tỷ phú Bill Gate, trong lời nhắn gửi thanh niên Việt Nam, đã đặt vào vị trí số 1 lời khuyên "Hãy biết thư giãn, hãy biết vui chơi!").
Tôi rời cửa sổ, đi lại phía giường và nằm xuống, mắt khép lại, cố đi vào giấc ngủ mong trút bỏ cái mệt bã người sau hơn một ngày đêm vạ vật trên khoang máy bay và các phòng chờ quá cảnh. Bỗng có tiếng sáo buồn da diết nghe mơ hồ trong tai tôi như từ trong giấc mơ vọng về xa vắng…
Tiếng sáo ngọt, mênh mang, đẹp đến nao lòng sao quá thân quen, dần dà hiện hữu, phải rồi, đó là câu nhạc dạo đầu của bản tình ca My heart will go on qua giọng hát nữ ca sĩ Cellin Dion trong phim Titanic. Ai đó đứng dưới quảng trường trong đêm khuya mượn tiếng sáo giãi bày nỗi lòng mình, hay muốn mượn bài ca ấy để đến với tấm lòng mọi người…
Thế giới bao la mà như đặt được trong lòng bàn tay. Mới hôm trước vừa nghe tiếng sáo ấy cùng giọng hát thiết tha, trong trẻo đến mê hồn của Cellin Dion trên ti-vi Hà Nội, hôm nay đã gặp lại tiếng sáo ấy từ quảng trường xa lạ cách nửa vòng trái đất...
Thế giới đông đúc với hàng bao tỷ người chung sống hóa ra cũng chỉ chừng ấy niềm thương nhớ, chừng ấy khao khát tình yêu, chừng ấy niềm dịu dàng khắc khoải tìm đến nương tựa trong tình yêu muôn thuở…
Thế giới đẹp thế, nhỏ bé thế mà sao vẫn chưa dễ hoàn thiện để con người sống yên lành trong đó? Chiếc ti-vi trong phòng chỉ để hình, không để tiếng, bỗng loang loáng ánh chớp, những đám cháy đỏ rực ngút trời: cũng trên bờ Địa Trung Hải này, phía bán đảo Ban-căng, giờ này máy bay NATO bắt đầu cuộc oanh kích Nam Tư.
Ai đó đang giãi bày lòng mình qua tiếng sáo, ai đó đang nương theo tiếng sáo ấy tìm nhau, ai đó đang hút hồn vào tiếng sáo và, kỳ quặc phi lý thay, cũng dưới bầu trời này, còn có ai đó đang thèm nghe tiếng gầm rú điên dại của máy bay phản lực, tiếng nổ bàng hoàng của bom, tiếng khóc thét của trẻ em bị bất ngờ đánh thức trong đêm… Chiến tranh đang tràn vào "Ngôi nhà châu Âu" bấy lâu nay vẫn thường thuyết giảng về một thứ "văn hóa khoan dung”.
Liệu chỉ với bằng tiếng sáo chúng ta có đương đầu nổi với đạn bom ?
*
Hội thảo khai mạc tại tầng 5 ngôi nhà của Trung tâm Văn hóa Đương đại Barcelona. Có đầy đủ quan chức của Bộ Giáo dục và Văn hóa Tây Ban Nha, của UNESCO và Cộng đồng châu Âu của Quỹ Á - Âu; có hơn 60 đại biểu đến từ 25 nước châu Âu và châu Á, nhưng tịnh không có phần "kính thưa, kính gửi. . . " dài dòng, không có những diễn văn tròn trịa, lê thê từ A đến Z, mà đi thẳng vào chủ đề chính của Hội thảo: Đó là hợp tác Á - Âu trong việc nghiên cứu và thực thi một số chính sách quản lý văn hóa nhằm triển khai "Chương trình hành động” đã được thông qua tại Hội nghị liên Chính phủ về chính sách văn hóa vì sự phát triển họp tại Stockholm từ ngày 30 - 3 đến ngày 2 - 4 năm 1998.
Cũng không có cái cảnh tượng quen thuộc với vô số những tấm lưng to phè quay về phía cử tọa của các vị "nhà đài" chen nhau chĩa camera về phía các quan chức, miệt mài ghi hình (để "gìn giữ cho muôn đời sau”(?) những sự kiện cấp phường, cấp huyện, những buổi khai trương, động thổ, những cuộc nghiệm thu đề tài cấp này cấp nọ... - miệt mài đến nỗi tưởng như trên đời này không còn có sự kiện nào đáng để một số các "nhà đài" quan tâm hơn!).
Hội thảo được tiến hành như một công việc thường nhật, như một mắt xích cần phải có trong chuỗi dài những công việc tiếp nối. Ai cũng bận rộn, ai cũng vội vã, ai cũng có vô số việc để làm, không còn thì giờ cho những lễ nghi, thù tạc, không còn khoảng trống cho những ý nghĩ tự tôn vinh "tầm vĩnh cửu” của những việc mình đang làm…
Một trong những định đề quan trọng của Hội nghị Stockholm năm ngoái là: "Xét cho đến cùng, cái đích đến của sự phát triển là văn hóa". Hội thảo Barcelona năm nay một lần nữa làm rõ ý nghĩa sâu xa của kết luận này. Một mặt, theo cách nói của ta, ở đây văn hóa đã được hiểu là mục tiêu, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, có thể hiểu văn hóa như là nhu cầu tự thân của sự phát triển; bản thân sự phát triển có nhu cầu bức thiết phải vươn tới văn hóa. Và từ đây nổi rõ lên một sự thật khách quan : Sự phát triển kinh tế - xã hội tự nó là nền tảng của văn hóa; ở chiều thuận, nó là cái gốc và văn hóa là cái ngọn. Không chờ phải có sự phát triển mới quan tâm đến văn hóa - điều đó hoàn toàn đúng, nhưng phải thấy không thể nói đến văn hóa một cách trọn vẹn nếu không chăm lo phát triển kinh tế, nếu không tạo dựng được các cơ sở hạ tầng (trong đó có giáo dục - dân trí) vững mạnh, nếu không xác lập được và vận hành trên thực tế một thiết chế dân chủ, công bằng.
Không phải ngẫu nhiên, mà Barcelona được chọn làm nơi tổ chức hội thảo về chính sách quản lý văn hóa. Chỉ với 2 triệu dân, riêng trong năm 1998, chính quyền thành phố Barcelona đã dành tới gắn 7 tỷ peseta (tương đương với 650 tỷ đồng Việt Nam!) từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư (bao cấp) cho các hoạt động văn hóa (biếu diễn nghệ thuật, các thư viện công cộng, bảo quản trùng tu các di tích kiến trúc, các công trình nghiên cứu văn hóa...). Cùng với sự huy động nhân lực, vật lực, tài lực của toàn xã hội (xã hội hóa) Barcelona quả thật đã trở thành một thành phố văn hóa, từ đó đã nói lên là trung tâm du lịch - văn hóa số 1 của vùng Nam châu Âu. Barcelona cùng với vùng lân cận (xứ Catalan) đã có tới 255 viện bảo tàng, 457 thư viện công cộng, 10 trường đại học, 228 ngàn phòng khách sạn; hàng năm thu hút tới 18 triệu khách du lịch (gấp 9 lẩn số dân thành phô) đến từ châu Âu và khắp thế giới.
Ngôi nhà nguy nga nhất và bề thế nhất thành phố, đặt ở vi trí đẹp nhất (trên đồi cao nhìn bao quát được cả thành phố) là Viện Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia.
Trên những đường phố, giữa những hàng cây ở các quảng trường, nơi chỉ dành cho người đi bộ, đâu ta cũng thấy những nghệ sĩ đàn hát rong, là người địa phương cũng như đến từ các nước châu Phi, đến từ Nga, Pháp, Ý… Mọi người qua lại dừng chân thưởng thức và bỏ tiền vào chiếc mũ đặt bên chân các nghệ sĩ đường phố. Ở quảng trường trước nhà thờ lớn, tôi gặp một chàng trai đệm đàn organ cho cô gái kéo vĩ cầm: gương mặt hai người đẹp như tranh, cười tươi như hoa. Nhìn họ, bất giác tôi tự nhủ: không hiểu trong cái sự "đứng đường" như vậy, bao nhiêu phần vì mưu sinh, bao nhiêu phần vì mua vui cho mọi người và có lẽ phần nhiều nhất là nhu cầu đem lại niềm vui cho chính mình? Một thành phố thật vui, thật trẻ, một thành phố với không khí hội hè gần như quanh năm, suốt tháng. . .
*
Mới ở Barcelona có vài ngày, tôi đã bị nhiễm cái thú dạo chơi đêm trên đường phố Rambla từ quảng trường Catalunia ra phía biển. Hòa trong dòng người ồn ào, náo nhiệt, tôi lững thững đi, theo đuổi dòng suy tưởng của riêng mình . . .
Trước mắt tôi, những hạt nước li ti như bụi bay quanh những quầng đèn đêm dọc phố...
Những hạt nước li ti lất phất rơi từ mây không đủ thành cơn mưa;
Những làn khí nhè nhẹ đưa không đủ thành ngọn gió;
Những gợn nước lăn tăn ngoài biển kia không trào lên thành sóng;
Những tình cảm nhạt nhòa không đủ cất lời ca;
Những kiểu sống vật vờ không tạo trọn niềm vui . . .
Hạnh phúc là cuộc sống tròn đầy, là chuỗi hạt cườm sáng tạo không ngừng.
Thành phố Barcelona một lần đến là như thế đó, thành phố căng đầy nhựa sống, thành phố không đêm…