Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN XUÂN HỒNG: KHÔNG CHỈ LÀ

Đặng Vương Hưng
Thứ tư ngày 13 tháng 7 năm 2011 9:39 PM
 
Hạnh phúc của những văn nghệ sĩ đích thực là cuộc sống đời thường của họ có thể hữu hạn, nhưng giá trị của các tác phẩm mà họ tạo ra thì vô hạn. Và hi vọng Nguyễn Xuân Hồng đang có được hạnh phúc ấy. Đã một năm trôi qua kể từ ngày anh vĩnh biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng xa xăm, nhưng tôi tin rằng những tác phẩm anh để lại cho đời sẽ còn mãi với thời gian.
 
1.
Một ngày đầu tháng 6 năm 2011, Nhà báo Trần Đức, Phó Tổng biên tập Báo Bắc Giang điện thoại cho tôi, thông báo: Anh em văn nghệ sĩ – báo chí Bắc Giang dự định sẽ làm một tập thơ mới cho cố tác giả Nguyễn Xuân Hồng, phát hành nhân dịp giỗ đầu của anh ấy. Và hỏi: Như thế có nên không?
Tôi trả lời ngay: Rất nên làm! Đó là việc tình nghĩa, với người đã khuất thì làm được bao nhiêu cũng chưa đủ. Rồi tôi hỏi lại: Nghĩa là, chúng ta sẽ tái bản tập “Bây giờ cơm nắm”? (Chả là, nhân 100 ngày mất của Nguyễn Xuân Hồng, bạn bè của anh chẳng những đã ấn hành tập thơ đó, mà còn tổ chức một Đêm thơ cùng tên, rất cảm động, dư âm còn vang vọng mãi đến giờ).
Trần Đức bảo: Không, đó là một tập bản thảo mới, gồm những bài chưa in của Nguyễn Xuân Hồng. Anh em ở tỉnh ta biết anh đang làm nghề xuất bản, lại ở Thủ đô, điều kiện in ấn tốt hơn, nên nhờ làm cuốn sách này. Anh cố gắng giúp nhé, thời gian không còn nhiều, sẽ gửi bản thảo qua email cho anh ngay…
Tôi đã nhận lời với Nhà báo Trần Đức, không phải vì tự thấy mình có một chút kinh nghiệm về làm sách; mà chính là tôi và cố tác giả Nguyễn Xuân Hồng có mối quan hệ, vừa là đồng hương vừa là anh em bạn bè rất đặc biệt: Thứ nhất, chúng tôi cùng sinh ra và lớn lên tại huyện Tân Yên (vùng đất khá nổi tiếng của Yên Thế hạ ngày xưa); nếu lấy Nhã Nam làm tâm điểm, thì nhà chúng tôi cùng cách thị trấn này đúng một cây số, đi bộ gặp nhau cũng được. Thứ hai, tôi ít hơn anh Xuân Hồng 2 tuổi, nhưng lại xuất hiện cùng một “lứa cầm bút”, coi nhau là bạn viết. Những năm 1976 – 1978 chúng tôi cùng in những bài thơ đầu tay trên Tạp chí Sáng tác Hà Bắc. Thứ ba, khi chiến tranh biên giới diễn ra, những năm 1979 – 1982, Nguyễn Xuân Hồng là anh lính chốt ở Quảng Ninh, còn tôi đóng quân ở Lạng Sơn. Trong hàng chục vạn anh lính trẻ làm nhiệm vụ ở các tỉnh Biên giới phía Bắc hồi đó, rất hiếm người cầm bút, nên chúng tôi đã cùng nổi lên như một hiện tượng viết khỏe, viết đều, có thơ đăng liên tục trên nhiều báo chí. “Dường như bản thảo của Đặng Vương Hưng và Nguyễn Xuân Hồng đã gửi tràn ngập các bàn biên tập ở Hà Nội” - Đó là lời biểu dương của Nhà thơ Hữu Thỉnh (hồi đó ông đang làm Trưởng Ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, còn hiện nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), trong một bài viết đã cho công bố trên Tạp chí. Cuối năm 1985, chúng tôi vinh dự cùng được mời về Thủ đô để tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ 3, rồi cùng đi phục vụ đám tang của “Ông Vua thơ tình” Xuân Diệu…
Nguyễn Xuân Hồng là một người tài hoa trong nhiều lĩnh vực, nhưng sinh thời anh lại không quan tâm và thiếu may mắn trong việc “chính danh văn chương”. Còn nhớ, trong đêm thơ “Bây giờ cơm nắm”, ngồi cạnh tôi, Nhà thơ Anh Vũ bảo: “Tao coi chúng mày như hai thằng em, nhưng tiếc cho Xuân Hồng lắm. Đã giục nó bao lần, bảo gắng in thêm một, hai tập thơ nữa, rồi viết cái Đơn xin vào Hội, mà chả chịu làm… Tài như nó, xứng đáng để Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp từ lâu rồi mới phải…”.
Thực ra, Nguyễn Xuân Hồng đã làm được những việc còn hơn thế! Thành công của anh khiến nhiều người cầm bút chuyên nghiệp phải mơ ước: Đó là, với hàng trăm tác phẩm nhiều thể loại để lại cho đời, anh tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng. Sinh thời, anh đã sống chí tình, chí nghĩa, cả tài năng và tấm lòng đều tỏa sáng. Rất hiếm những tác giả được mọi người yêu mến khi còn sống và cả sau khi đã mất như Nguyễn Xuân Hồng!
 
 
Bìa tập thơ mới của cố tác giả Nguyễn Xuân Hồng do Họa sĩ Hằng Duyên thể hiện.
2.
Nhà báo Trần Đức đề nghị với tôi là tập sách mới của Nguyễn Xuân Hồng phải xong trước ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng 6 năm 2011, để anh em đồng nghiệp kết hợp gặp mặt. Thời gian quá gấp, nên chúng tôi đã tiến hành ngay. Nhưng khi tôi chuyển bản thảo đi nhờ một người bạn họa sĩ trình bày sách, thì phát hiện ra nó quá mỏng, mới được khoảng 80 trang in.
Một lần trao đổi qua điện thoại với tôi, Trần Đức tiết lộ: Anh em ở Bắc Giang còn muốn làm một tập sách “Xuân Hồng và những người bạn”, gồm những bài viết của bạn bè, người thân dành cho Nguyễn Xuân Hồng…
Tại sao chúng ta không thể gộp hai bản thảo này làm một nhỉ? – Tôi gợi ý với Trần Đức và anh đã ủng hộ. Thực ra, Trần Đức cũng đã chủ động làm việc này từ lâu. Anh lặng lẽ sưu tầm và lưu giữ một số bài viết đã in trên một số báo chí, website, blog… và cả những lời phát biểu cảm động của bạn bè, đồng nghiệp cũ, người thân dành cho Nguyễn Xuân Hồng trong đêm thơ “Bây giờ cơm nắm”. Dĩ nhiên, muốn tập sách dày dặn hơn, thì cần phải sưu tầm thêm một số bài viết, cảm nhận nữa. Chúng tôi đã thống nhất “lùi” ngày ra mắt tập sách mới của Nguyễn Xuân Hồng đến đúng dịp giỗ đầu của cố tác giả, tác phẩm sẽ ý nghĩa hơn.
 
 
Từ trái qua: các nhà báo Trần Đức, Hoàng Tiến, cố tác giả Nguyễn Hồng Công,
cố tác giả Nguyễn Xuân Hồng và nhà thơ Đặng Vương Hưng tại Bắc Giang, 7-2009.
 
Cho mãi tới ngày đầu tháng 7 năm 2011, Nhà báo Trần Đức mới gửi email cho tôi, đính kèm phần tư liệu mới sưu tầm được và đề nghị cố gắng xong trước ngày 15. Như vậy, chúng tôi chỉ có 2 tuần, thời gian quá gấp cho một ấn phẩm dày hàng trăm trang in.
Khi biên soạn tập sách này, chúng tôi thống nhất chia làm 2 phần như sau:
Phần thứ nhất, “56 bài thơ gửi cho mai sau” (tên do nhóm biên soạn đặt) là những sáng tác của Nguyễn Xuân Hồng. 56 là một con số ngẫu nhiên, nhưng rất ý nghĩa, vì nó là số tiến liên tiếp; đặc biệt hơn, nó còn trùng với năm sinh (1956) và số tuổi ta - tính theo lịch âm, của Nguyễn Xuân Hồng.
Phần thứ hai, là 10 bài viết, lời phát biểu, cảm nhận của đồng nghiệp, bạn bè, người thân… dành cho Nguyễn Xuân Hồng. Chắc chắn là tình cảm của đồng nghiệp bạn bè với anh còn nhiều nữa, nhưng thời gian quá gấp, nên chúng tôi chưa có điều kiện sưu tầm đầy đủ. Vì các bài viết và phát biểu này các tác giả không chủ ý để in sách, nên nội dung thông tin có nhiều chi tiết trùng nhau, khi tập hợp lại, chúng tôi xin phép được biên tập lại chút ít, đặt lại tên một số bài cho ngắn gọn và sát hợp với nội dung hơn.
 
Bút tích của Nhà văn Đỗ Chu tăng thơ cho gia đình cố tác giả Nguyễn Xuân Hồng.
Chúng tôi cũng thống nhất là mời một số đồng nghiệp ở Tạp chí Sông Thương cùng tham gia thực hiện cuốn sách này: Nhà báo Nguyễn Mai Phương biên soạn và sửa bản in; Họa sĩ Hằng Duyên trình bày sách và vẽ bìa cho tập thơ…
Cuối cùng, xin được nói thêm đôi điều về việc đặt tên tập thơ mới của Nguyễn Xuân Hồng: Sinh thời, anh đã tự tập hợp, biên tập và dự tính chọn sẵn một số tên cho tập thơ này của mình, lần lượt là: “Câu thơ mới nháp trong tờ lịch cũ”; “Kẻ góp nhặt thời gian”; “Người lọc hồn cho đất” và “Dạo chơi cùng bóng tối”. Dù cái tên cuối cùng, anh đã tự gạch xóa đi, nhưng theo chúng tôi nghĩ, lấy cái tên nào đặt cho tập sách này cũng thấy gợi, cũng rất Nguyễn Xuân Hồng. Tuy nhiên, để dung hòa và đa nghĩa, chúng tôi đã chọn cái tên thứ hai, rồi bớt đi một chữ “Góp nhặt thời gian” với mong muốn, ý nghĩa của nó sẽ vượt ra ngoài một tập sách thông thường. Bởi “thời gian” là khái niệm và định lượng đặc biệt, người ta không thể mua bán, hay đem cho, tặng nhau được, chỉ có thể ước mơ gom nhặt, níu giữ lại, như tình cảm của bạn bè và người thân đã và đang dành cho Nguyễn Xuân Hồng.
Tính đến nay, cố tác giả Nguyễn Xuân Hồng đã có 2 tập thơ in chung và 3 tập thơ in riêng, hi vọng với sự ủng hộ của bạn bè và gia đình, rồi đây phần di cảo văn xuôi của anh sẽ sớm được tập hợp, biên soạn thành sách và đến tay bạn đọc trong một “Tuyển tập Nguyễn Xuân Hồng”.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
 
Nhã Nam, tháng 7 năm 2011
 Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG
___
 
 
THÔNG BÁO HỌP MẶT GIỚI THIỆU SÁCH:

Nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Xuân Hồng (20.7.2010 – 20.7.2011), nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Thương; những người bạn của Xuân Hồng tổ chức chương trình ra mắt tập thơ mới của Nguyễn Xuân Hồng: “Góp nhặt thời gian”
Thời gian: Từ 15 giờ đến 19 giờ ngày 16 tháng 7 năm 2011
Địa điểm: Nhà hàng Sơn Tùng - Công ty cổ phần BAGICO, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.                                           
Bạn đọc, tác giả quan tâm liên hệ:
Nhà báo Trần Đức - Báo Bắc Giang
Điện thoại: 0913257242