Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI CHIẾN BINH CAO TUỔI THÁCH THỨC VỚI THỜI GIAN

Hồ Sĩ Tá
Thứ tư ngày 13 tháng 7 năm 2011 5:54 AM

Thương binh 4/4 Phạm Hồng Thái Phường Liễu Giai  Quận Ba Đình Hà Nội
 Ông Phạm Hồng Thái sinh năm 1940, hiện ở nhà 8 ngõ 97 Phố Văn Cao , Phường Liễu Giai,  Quận Ba Đình Hà Nội là Thương binh 4/4 . Khi nhắc đến ông, người dân nơi đây đều trìu mến  gọi ông là: Người chiến binh cao tuổi thách thức với thòi gian.
 Gặp ông: nước da trắng hồng, dáng người cao ráo, nụ cười hiền hậu, ít ai ngờ ông đã phải nén cơn đau vì những vết thương  luôn hành hạ mình mỗi khi trái nắng trở trời .
 Ông vốn quê ở Hải Dương, năm 1957 gia đình chuyển lên Hà Nội. Thân phụ ông là lão thành cách mạng, được sự quan tâm của địa phương nên các đợt nhập ngũ hồi ấy ông đều được miễn.Năm 1963, ông gặp cán bộ tuyển quân đề nghị nhập ngũ và được tuyển vào bộ đội  rồi thành sĩ quan điều khiển tên lửa.
 Cuối năm 1966  đơn vị ông - Tiểu đoàn 84 Trung đoàn 238   về đóng quân ở Vĩnh Chất, Vĩnh Linh. Năm đó cuộc sống của nhân dân ta nói chung và cuộc sống của đồng bào Vĩnh Linh nói riêng còn vô cùng khốn khó, ở đây không thiếu nhà "đứt bữa" Nhưng khi thấy bộ đội tên lửa của ta về đây, không ai bảo ai đều mang lương thực, thực phẩm ít ỏi của mình ra tiếp tế cho bộ đội. Theo chính sách, đơn vị không nhận của dân vì biết rõ đồng bào vất vả ra sao. Đưa gạo, khoai sắn không được thì bà con nấu cơm, luộc khoai, luộc sắn rồi đưa đến đơn vị.Những  cán bộ,chiến sĩ  bưng bát cơm, bóc củ khoai, củ sắn luộc của đồng bào tiếp tế mà rưng rưng lệ... Ai nấy tự nhủ phải quyết lập chiến công để đền đáp tấm lòng vô bờ bến của các bà, các mẹ.Ông không sao quên được trận đánh lịch sử  của đơn vị  lần đầu tiên bắn rơi  Pháo đài bay B52   :
 Theo hợp đồng ,để chắc thắng, Bộ chỉ huy mặt trận ra chỉ thị cho hai đơn vị cùng bắn bốn quả tên lửa vào mục tiêu B52, nhưng khi nổ súng, vì lý do kỹ thuật, không hợp đồng được . Đơn vị ông vẫn đơn thương độc mã chiến đấu.
 15h30’ ngày 17/9/1967, Bộ Tư lệnh B5 thông báo cho trung đoàn - có tín hiệu B-52 bay vào đánh phá khu vực Vĩnh Linh. Tiểu đoàn được lệnh chuyển cấp.
Theo lệnh của Tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển truyền lệnh cho các xe khí tài mở máy kiểm tra.
 Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên ngồi trước màn hiệu sóng (viko) đưa từ Rađa nhìn vòng P12 sang xe chỉ huy, điều khiển. 3 trắc thủ góc tà, cự ly, phương vị sẵn sàng ở tư thế chiến đấu.
 Rađa nhìn vòng báo, hướng tây nam có nhiễu mạnh. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho sĩ quan điều khiển hạ cao áp, mở ăngten thu nhiễu. Sau khi kiểm tra, Lê Hỷ khẳng định ngay là nhiễu của B-52. Trên mặt hiện sóng của các trắc thủ góc tà, phương vị, cự ly, cũng hiện lên những giải nhiễu đậm. Rađa nhìn vòng lúc này báo sang - có tín hiệu B-52 vào cự ly Y, phương vị X độ cao H km.
 Mục tiêu vào đến cự ly Y km. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh:
- Tiêu diệt B-52! Điều khiển đón B góc! Ngòi nổ vô tuyến! Cự ly phóng Y km! 2 quả đạn! Gián cách...!
- Mặt đất rung chuyển! Hai con rồng lửa nối đuôi nhau vọt lên không trung. Trên màn viko hiện lên hai chấm sáng. Các trắc thủ, sĩ quan điều khiển đồng thanh reo to:
- Hai đạn, điều khiển tốt!
- Ánh chớp loé lên trên mặt hiện sóng. Quả đạn thứ nhất, nổ! Quả đạn thứ hai, nổ! Mục tiêu tan ra như những hạt cát, lấp loé, lả tả trên màn hiện sóng.
- Cùng lúc, đài quan sát mặt trận thông báo: “B-52 bốc cháy, lao xuống biển!”. Lúc đó là 17h5’.
 Nửa tiếng sau, các chiến sĩ Cồn Cỏ báo cáo với Ban chỉ huy Đặc khu Vĩnh Linh là họ nhìn rất rõ chiếc B-52 bốc cháy ngùn ngụt, đâm sầm xuống biển làm dựng lên một cột nước khổng  lồ.
- 1h đêm hôm đó (18/9/1967), Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài sau khi kiểm tra chính xác B-52 bị TLPK bắn rơi trên vùng trời Vĩnh Linh và đài BBC ghi nhận.Mừng quá, quên cả những quy tắc, gìn giữ sức khoẻ của Bác, đã cầm ống nói báo cáo với Bác. Ông vừa: "Thưa Bác...", thì Bác đã ngắt lời, nhỏ nhẹ:
 - Chú Tài hả! Đã bắn rơi B-52! Phải không?
Và, cũng chỉ hai ngày sau (ngày 20/9/1967) Bác gửi điện  khen. Nội dung điện có đoạn:
  “Bác rất vui mừng được tin ngày 17/9/1967 Vĩnh Linh lập công xuất sắc, lần đầu tiên bắn rơi máy bay B52 của giặc Mỹ. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác đặc biệt gửi lời khen đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Vĩnh Linh đã đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang. Vĩnh Linh thật xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc XHCN”.
 Tiểu đoàn 84 Trung đoàn 238 cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, phần thưởng cao nhất của các đơn vị thời đó.
 Nhưng  có đâu ngờ , 12 ngày sau khi đơn vị ông  hành quân  về trận địa cũ .Ổn định vị trí chưa xong thì lúc  9 giờ 30 ngày 29 /4/1967 đủ các loại máy bay phản lực  từ "Thần sấm", "Con ma"   đến các loại máy may ném bom thay nhau quần đảo phóng tên lửa ,Rốc Két, ném bom bi xuống trận địa  suốt gần 2 tiếng đồng hồ. Kết quả là khí tài bị phá hỏng và các chiến sĩ  ta bị thương vong . Bản thân ông Phạm Hồng Thái  cũng bị thương nặng trong trận này nhưng sau khi điều trị ông vẫn đề nghị cấp trên được tham gia chiến đấu. Năm 1990 ông đi học thêm về tên lửa rồi chuyển ngành sang "Tổng Cục Hàng không dân dụng". Năm 2001ông nghỉ công tác về phường Liễu Giai. Năm 2004 ông làm Bí thư Chi bộ Cụm VI  cho đến nay. Vừa qua mặc dù đã chối từ vì tuổi cao,  sức yếu , qua Đại hội Đảng cơ sở ông vẫn tiếp tục  được tái cử. Ông nói:  nghĩ đến trách nhiệm của người Đảng viên và người lính cụ Hồ mà mình phải luôn cố gắng.
  Địa bàn ông phụ trách khá phức tạp : có 3 trường hợp nhiễm HIV , nhưng ông không kỳ thị, luôn thăm hỏi động viên tuyên truyền nên ở đây không có thêm đối tượng mắc phải.
 Nhà đất, sổ đỏ là vấn đề "nhạy cảm ", nhiều khi quần chúng có phản ứng thái quá với người vi phạm, ông tìm hiểu rõ ngọn ngành, giải quyết có lý có tình nên vấn đề  trở nên êm thấm.
 Trong chi bộ ông phần đa là những cán bộ đảng viên , CCB lâu năm nhưng cũng có một số đảng viên trẻ. Cuộc sống khó khăn, nhiều Đảng viên   kinh tế gia đình chưa ổn định, lại phải nuôi vợ yếu và kế sinh nhai, lo cho hoạt động sinh hoạt không đầy đủ hoặc muốn  chuyên  dành thời gian kiếm sống để có tiền nuôi con học Đại học, học chuyên ngành. Có Đảng viên đã làm đơn xin nghỉ sinh hoạt!. Ông đi sâu tìm hiểu, khi rõ nguyên nhân, ông tâm sự và cũng có giải pháp hợp lý để họ vừa mưu sinh lại vẫn đảm bảo sinh hoạt vì quyền lợi chính trị và vinh dự là người đảng viên đâu dễ gì có được. không thể vì một lý do không chính đáng mà rời bỏ đội ngũ.Đây cũng là đấu tranh, đây cũng là thử thách  gian nan không kém gì những phấn đấu năm xưa và hơn nữa, con cháu   tự hào về những thành quả chính trị mà bố mẹ mình có được, bỗng chốc sẽ bị mất đi mà  quyền lợi chính trị của con em mình sau này cũng sẽ không thuận lợi... hiểu được điều đó , Chi bộ ông không có người làm đơn xin nghỉ sinh hoạt nữa...
 Phạm Hồng Thái - Bí thư Chi bộ Cụm VI Phường Liễu Giai  Quận Ba Đình Hà Nội xứng đáng là anh Bộ đội Cụ Hồ, là người thương binh "Tàn nhưng không phế" là người cao tuổi thách thức với thời gian tràn trề nhựa sống, vắt mình ra làm đẹp cho đời, cho mọi người, cho cuộc sống mà ông luôn yêu quý.
      Hà Nội  ngày 11/7/2011