Thật lòng mà nói, tôi đã không có ý định trao đổi về bài viết Phê bình văn học trẻ - anh là ai? của Trương Anh Quốc khi lần đầu tiên tình cờ đọc được trên trang web của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh [1]. Lý do tôi không có ý định trao đổi với bài viết này là vì tôi thấy tư duy của tác giả thể hiện qua bài viết thật sự là không đáng để bàn vì nó quá non nớt. Tuy nhiên, mới đây bài viết này lại được tiếp tục đăng tải trên báo Văn nghệ Trẻ số ra ngày 3/7/2011 như thể một lần nữa tác giả muốn “thể hiện và chứng tỏ” khả năng vừa là “nhà văn trẻ” vừa là “nhà phê bình” trẻ của mình nên tôi thấy cần thiết phải trao đổi cũng như chỉ ra những “lỗi” rất nghiêm trọng từ bài viết của tác giả - chú “ngựa non háu đá” này.
1. Vấn đề thứ nhất
Có thể thấy, toàn bộ lập luận của Trương Anh Quốc trong bài viết hầu như chỉ là những suy nghĩ mang tính phỏng đoán hết sức chủ quan và phiến diện vì chẳng có một luận điểm nào trong bài viết được tác giả minh chứng bằng những dẫn chứng cụ thể. Toàn bộ bài viết Trương Anh Quốc tỏ ra rất “khó chịu” với những người mà theo anh là những “nhà phê bình tự phong” cũng như rất “chịu khó” nịnh đầm một cách lộ liễu các “nhà phê bình” mà theo anh là nhà “phê bình chính cống”. Thật sự tôi không biết căn cứ vào đâu để Trương Anh Quốc phân loại các nhà phê bình ra như vậy? Đáng nói hơn là trong cả bài viết Trương Anh Quốc không chỉ đích danh ai là “nhà phê bình tự phong” ai là nhà “phê bình chính cống”. Cho nên nếu “máy móc” chấp nhận cách nói ấu trĩ này của Trương Anh Quốc thì không biết nên gọi Trương Anh Quốc là “nhà” gì đây? Vì anh cũng có sáng tác văn chương và giờ đây lại viết “phê bình về những nhà phê bình trẻ” nữa? Không biết là Trương Anh Quốc muốn mọi người công nhận hay “tự phong” cho mình là “nhà văn trẻ” kiêm “nhà phê bình trẻ tự phong” đây?
Hay như không biết dựa vào đâu mà “nhà” văn trẻ kiêm “nhà phê bình về phê bình” trẻ Trương Anh Quốc lại “phán” một nhận định cực kì chủ quan là: “…Người phê bình mọc lên như nấm sau mưa. Những nhà phê bình tên tuổi, có nghề lại ít phê bình, ít khi “xuất hiện” còn những người lạ hoắc từ đâu đến thì đăng đàn liên tục.” Nói thật, ở đây tôi có thể bỏ qua cho sự “nông nổi” trong phán đoán này của Trương Anh Quốc là “người phê bình mọc lên như nấm sau mưa” tuy nhiên, tôi cho rằng cách nói “những người lạ hoắc từ đâu đến thì đăng đàn liên tục” là sự thiếu tôn trọng người khác. Từ đâu đến là từ đâu đến? Từ dãy đất hình chữ S chứ đâu, là người có chung dòng máu Việt với Trương Anh Quốc chứ đâu. Trương Anh Quốc nên nhớ rằng trong giao tiếp ứng xử mình có tôn trọng người khác thì người khác mới tôn trọng mình. Là nhà văn anh càng phải nên cẩn trọng trong lời nói của mình. Sẵn đây cũng xin nhắc anh một điều là anh có biết vì sao các “nhà phê bình có tên tuổi” lại ít khi đăng đàn, ít khi “xuất hiện” để bàn luận văn chương hiện nay nhất là bàn luận về các sáng tác của các nhà văn trẻ như các anh không? Tại sao họ lại “im lặng” trong khi các anh viết rất “sung”? Xin thưa, có rất nhiều lý do nhưng trong đó có một lý do quan trọng là sự “im lặng” ấy cũng là nhằm bày tỏ một thái độ không chấp nhận đấy.
Và đây là một phát biểu vô căn cứ đến mức “khó tin” của Trương Anh Quốc khi anh cho rằng: “Viết một cuốn sách nhanh lắm cũng mất ba tháng còn đọc chỉ mất ba đêm”. Sao lại “đóng khung” thời gian viết sách và đọc sách trong khoảng “ba tháng” và “ba đêm” của mọi người vậy Trương Anh Quốc? Dựa vào đâu để đưa ra những con số này? Hay là Trương Anh Quốc muốn lấy “kinh nghiệm” viết và đọc sách của bản thân mình để áp đặt chung cho mọi người? Không phải vậy đâu, người ta viết văn viết sách, đọc văn đọc sách mất bao nhiêu thời gian là quyền của họ, là sở thích của họ, là tài năng, là khả năng của họ làm sao mà xác định được.
2. Vấn đề thứ hai
Bây giờ tôi xin được chỉ ra một cách thật cụ thể hàng loạt luận điểm vừa sai lầm vừa non nớt của Trương Anh Quốc trong bài viết trên.
Thứ nhất, ngay ở dòng mở đầu Trương Anh Quốc viết: “Sáng tác văn học mang lại niềm vui, là niềm đam mê. Ở Việt Nam ta văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc nên càng ngày càng ít người làm công việc sáng tác văn học. Sáng tác tốn nhiều thời gian và công sức, lao tâm khổ trí nhưng mỗi đầu sách in ra chỉ được vài ba nghìn”. Xin hỏi Trương Anh Quốc dựa vào đâu để khẳng định những điều này? Trương Anh Quốc đã thống kê những người làm công việc sáng tác ở Việt Nam chưa và khi nào mà sao dám bảo càng ngày càng ít người làm công việc sáng tác văn học? Chứ riêng bản thân tôi thấy hiện nay ở Việt Nam đang có xu hướng “lạm phát” các “nhà văn”, “nhà thơ” thì có. Bằng chứng là hiện nay cả nước có hàng mấy trăm tờ báo giấy, hàng ngàn trang báo, blog mạng mà báo nào gần như cũng đều có chuyên mục dành cho vô số các “nhà văn”, “nhà thơ” tha hồ “phun châu nhả ngọc” đến nỗi độc giả phải lâm vào cảnh “bội thực” thơ, văn.
Thứ hai, trong bài viết của mình Trương Anh Quốc có “lý luận” rằng: “Không như các môn khoa học khác có tính kế thừa, văn học không chấp nhận sự “tương đồng”. Nhận định này sai rất trầm trọng ở nhiều chỗ, một là, lỗi tư duy logic trong cái nhìn so sánh (vế đầu nói về “tính kế thừa” ở “các môn khoa học khác” nhưng vế thứ hai lại nói về sự “tương đồng” trong sáng tác văn chương). Hai là, qua câu nói trên tác giả đã vô tình đánh đồng hai khái niệm “tính kế thừa” với cái gọi là sự “tương đồng” trong sáng tác văn học. Điều đó cũng có nghĩa là tác giả vô tình cho rằng văn học không có “tính kế thừa”. Trương Anh Quốc ơi, “lý luận” gì mà kì cục vậy? Nên đăng kí đi học một khóa bồi dưỡng ngắn hạn hoặc dài hạn gì đó mau lên.
Thứ ba, xin mời mọi người đọc đoạn văn sau của trương Anh Quốc: “Những nhà phê bình tự phong to tiếng không biết đã đọc bao nhiêu cuốn sách mà bắt người khác phải có gu thẩm mỹ giống như mình dù rằng họ chỉ thích mặc áo ca rô hay chim cò trong lúc người khác mặc đồ vét. Lúc nào họ cũng dẫn ra những tác phẩm lớn: “Chiến tranh và hòa bình, “Nỗi buồn chiến tranh” rồi hỏi các cây bút trẻ hiện nay sao không viết được như thế! Họ là những người không biết quả bóng tròn hay méo nhưng với họ người sáng tác văn học cứ phải là… Maradona.” Đoạn văn này nhìn bề ngoài tuy rất bóng bẫy nhưng kì thực ngẫm kỹ lại thì vướng phải những lỗi như sau:
Một là, vẫn là cái lỗi về tư duy logic trong so sánh và nhận định (giống như ở đoạn văn trên). Ví như trong câu “Những nhà phê bình tự phong to tiếng không biết đã đọc bao nhiêu cuốn sách mà bắt người khác phải có gu thẩm mỹ giống như mình dù rằng họ chỉ thích mặc áo ca rô hay chim cò trong lúc người khác mặc đồ vét”. Câu này tệ hại ở chỗ đánh đồng gu thẩm mỹ trong văn chương nghệ thuật với gu thẩm mỹ trong việc chọn trang phục (quần áo). Ngoài ra, qua câu này cho người đọc hiểu thêm tác giả là người không biết khiêm tốn và “sính ngoại” khi cho rằng người viết phê bình văn học trẻ chỉ thích “bận áo ca rô hay chim cò” còn nhà văn trẻ thì bận “đồ vét”.
Hai là, câu “Họ là những người không biết quả bóng tròn hay méo nhưng với họ người sáng tác văn học cứ phải là… Maradona.” theo tôi nên đổi lại là: “Họ là những người không biết gì về kỹ thuật và chiến thuật trong bóng đá nhưng với họ người sáng tác văn học cứ phải là… Maradona.” thì may ra dễ được chấp nhận hơn.
Thứ tư, hãy nghe Trương Anh Quốc nói: “Những “nhà” phê bình tự phong luôn to tiếng chê những cây bút trẻ “không có tư tưởng”, “đề cập những điều đã cũ”. Nói thế đề tài tình yêu sao mấy ngàn năm vẫn còn người viết, viết mãi mà không cũ.” Nhận định này một lần nữa cho thấy Trương Anh Quốc là người ham “lý luận” nhưng chẳng biết gì về lý luận, là người rất thích “múa rìu qua mắt tiều phu”, nói mà không biết nhìn trước ngó sau (vì theo tôi nghĩ đang có biết bao bậc “tiền bối cha chú” – những chuyên gia lý luận, những người thầy đáng kính của chúng ta đang dõi theo từng bước đi của Quốc). Những người mà chỉ cần nhìn Trương Anh Quốc giơ tay lên thôi là biết anh chuẩn bị “múa” điệu gì! Trương Anh Quốc không hiểu được những khái niệm cơ bản của lý luận văn học như “tư tưởng”, “đề tài” thì đừng có nói, đừng có ham “lý luận”. Sao lại đánh đồng và nhập nhằng giữa hai khái niệm này vậy “nhà phê bình trẻ”?
Thứ năm, hãy tiếp tục nghe Trương Anh Quốc biện giải: “Có lần trò chuyện với cô bạn viết văn trẻ sao em cứ đầu tư vào viết ba thứ văn thị trường. Cô bạn ấy bảo em ý thức được em đang viết những gì vì em có lượng độc giả của em. Sách cô ấy không quá hay nhưng bán rất chạy. Rõ ràng có nhiều người thích sách cô ấy. Ở một góc nhìn, cô ấy đúng.” Đoạn văn này, một lần nữa cho thấy Trương Anh Quốc thật sự quá cẩu thả và dễ dãi cũng như không có lập trường trong đánh giá giá trị của một tác phẩm văn học. Đầu tiên, khi Trương Anh Quốc chất vấn cô bạn nhà văn trẻ của mình bằng giọng kẻ cả “sao em cứ đầu tư vào viết ba thứ văn thị trường” (chê văn của bạn mình là ba thứ văn thị trường) hay như “sách cô ấy không quá hay” nhưng nghe cô bạn trẻ trả lời vì cô “có lượng độc giả” riêng thì Trương Anh Quốc quay 180 độ cho là “rõ ràng có nhiều người thích sách cô ấy” và “cô ấy đã đúng”. Sao thế Trương Anh Quốc, lập trường của anh về giá trị của một tác phẩm văn học là thế nào? Tiêu chuẩn nào? “Ba thứ văn thị trường” ,“sách không quá hay” nhưng “có người thích”, “có độc giả” là cũng được, cũng “đúng” sao?
Cuối cùng, sẵn đà nhìn xuống đoạn văn kế tiếp để nghe Trương Anh Quốc tiếp tục luận giảng với bạn đọc: “Độc giả hoang mang khi bị nhà phê bình văn học tung hỏa mù hoặc bỏ sót những cuốn sách hay mà tha về những cuốn sách đọc vài trang rồi vứt. Thế nên mới có cách quảng cáo “sản phẩm XYZ đã bán được con số mấy triệu hay cứ 7 người Nhật thì có một người mua cuốn sách “Rừng Na Uy”. Đọc cả bài viết tới đoạn này mới thấy Trương Anh Quốc có một dẫn chứng để minh họa cho lập luận của mình khi dẫn ra câu quảng cáo của công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn về tiểu tuyết “Rừng Na Uy” của nhà văn Nhật nổi tiếng Haruki Murakami (cũng nói thêm là ở đây Trương Anh Quốc đã dẫn lại rất sai câu “quảng cáo” ở bìa sách của về tiểu thuyết Rừng Na Uy của công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội nhà văn. Chính xác là ở bìa sách Rừng Na Uy có câu “cứ 7 người Nhật thì có 1 người đọc “Rừng Na Uy” chứ không phải như Trương Anh Quốc viết là “cứ 7 người Nhật thì có một người mua cuốn sách “Rừng Na Uy”). Nhưng mà đáng tiếc thay đây là một trong những đoạn văn tệ hại nhất trong bài viết này của Trương Anh Quốc khi anh “không biết trời cao đất rộng” là gì lại đi hạ bút đánh đồng kiệt tác “Rừng Na Uy” của nhà văn Haruki Murakami (một tượng đài văn học Nhật Bản) với những quyển sách “đọc vài ba trang rồi vứt”. Không biết Trương Anh Quốc tài năng đến cỡ nào mà với một tác phẩm nổi tiếng như “Rừng Na Uy” (đến nỗi đạo diễn Trần Anh Hùng phải lặn lội sang Nhật Bản “năn nỉ” nhà văn Haruki Murakami cho phép chuyển thành phim) mà trương Anh Quốc lại cả gan phát biểu như vậy? Thật lòng tôi cũng không biết câu quảng cáo “cứ 7 người Nhật thì có 1 người đọc “Rừng Na Uy” có hoàn toàn đúng như thế không, tuy nhiên, có một điều phải thú thực là tôi luôn tự nhủ với mình không được phép đem so sánh tiểu thuyết Biển – tác phẩm đoạt giải nhất văn học tuổi 20 lần VI của Trương Anh Quốc với tiểu thuyết Rừng Na Uy vì nếu không sẽ là một sự xúc phạm đến nhà văn Haruki Murakami.
Tóm lại, toàn bộ bài viết của Trương Anh Quốc nói chung vướng rất nhiều lỗi, từ dòng đầu tiên cho đến dòng cuối cùng, đọc đâu cũng thấy sai – một bài viết thể hiện năng lực và tư duy về văn học rất nông nổi và hời hợt của “nhà văn trẻ” kiêm “nhà phê bình về phê bình” trẻ Trương Anh Quốc.
3. Thay lời kết
Khi tôi chuẩn bị viết bài trao đổi này với Trương Anh Quốc là lúc qua các phương tiện truyền thông tôi đọc được bài tham luận (nhân dịp Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội) rất hay của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên với tựa đề “Văn học nghệ thuật của lòng yêu nước”. Thú thật là, đọc xong bài viết của nhà văn Phạm Xuân Nguyên lúc đầu tôi có suy nghĩ là trong thời điểm này – thời điểm mà Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đang phải “lao tâm khổ trí” với rất nhiều “mối lo lớn” cho tương lai và vận mệnh của non sông đất nước sao mình lại phung phí thời gian cho những chuyện “vặt vãnh” này, có đáng không? Tuy nhiên, khi bình tâm lại tôi thấy việc trao đổi này là cần thiết và cũng không hẳn là chuyện “vặt vãnh” nếu chúng ta nhìn ở phương diện mỗi công dân phải ý thức được “vị trí” và “trách nhiệm” cũng như tùy vào điều kiện, khả năng của mình nhằm tạo ra một “môi trường sống” thật lành mạnh thì cũng là góp phần cùng với xã hội tạo nên sự “ổn định” và yên bình cho đất nước.
Cho nên, thật lòng, với phương diện cá nhân tôi vẫn rất tôn trọng những suy nghĩ của Trương Anh Quốc trong bài viết của anh. Vì dù sao anh cũng đã dũng cảm tự tin trình bày quan điểm và suy nghĩ riêng của bản thân mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, Trương Anh Quốc cần phải thật “bình tĩnh” khi trình bày những suy nghĩ của mình; không nên quá “bốc đồng” cũng như phải dũng cảm “tự vấn lại chính mình”. Tôi rất thông cảm với Trương Anh Quốc là trong cuộc sống con người ta nói chung thường ai cũng cảm thấy “khó chịu” và “mất bình tĩnh” mỗi khi bị người khác phê bình, bị ai đó chỉ ra những khuyết điểm và hạn chế của mình (nhưng phải chăng đó cũng là một cái dở của ta). Có thể Trương Anh Quốc đang bức xúc ai đó khi họ viết về những sáng tác của anh nhưng lại không… khen anh, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là anh có quyền trút giận tất cả những bực bội của mình lên đầu bạn đọc theo kiểu “giận cá chém thớt” và “quơ đũa cả nắm”. Lẽ ra, theo tôi trong trường họp này Trương Anh Quốc nên nhìn vấn đề rộng và xa hơn một chút thì sẽ thấy tâm hồn thoải mái và thanh thản hơn. Ví dụ, tại sao hiện nay có rất nhiều những nhà văn trẻ nhưng tác phẩm của Trương Anh Quốc hay một số tác phẩm của các nhà văn trẻ khác được những nhà phê bình nào đó chọn để phê, chọn để… chê ở một vài phương diện nào đó? Rất đơn giản, vì đó là những cây bút trẻ rất xứng đáng để được nhắc đến so với các cây bút khác. Cho nên tuy là bị phê nhưng kì thực là được nhắc đến, bị chê nhưng ngẫm kỹ thì là được quan tâm. Điều này cũng giống như ngày xưa chúng ta đi học có không ít lần thầy cô giáo nói với ta “thầy cô còn quở trách các em là thầy cô còn thương, còn quan tâm đến các em đó”; hay cũng giống như khi lúc nhỏ ba mẹ của Trương Anh Quốc bảo: “ba mẹ còn la mắng con là ba mẹ còn thương con, muốn con nên người hơn; khi nào ba mẹ không thèm đếm xỉa đến con nữa thì con hãy lo đi là vừa”…. Tôi nói điều này để Trương Anh Quốc hình dung và tự hào rằng tác phẩm của Trương Anh Quốc ít nhiều đã được người đọc chú ý đấy nhưng cần phải cố gắng thêm nữa.
Cuối cùng, có một câu danh ngôn đại khái là “không nên nói hết những gì mình biết nhưng nhất định phải biết hết những gì mình đã nói” mà theo tôi là rất cần thiết cho mỗi chúng ta trong cuộc sống, vì thế nhân đây cũng xin gửi tặng để Trương Anh Quốc đọc và suy ngẫm.
Nguyễn Trọng Bình
Cần Thơ, 8/7/2011
---------------------------------------
Chú thích: