Tôi vừa được đọc bài viết “Lan man về chữ thọ” của ông Trần Quốc Thường trên Website của nhà văn Trần Nhương. Trong bài, có một đoạn ông Trần Quốc Thường viết: “Trong bài HIỂU ĐỜI của nguyên thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ có viết: Ghế cao không bằng cuộc sống thanh cao, cuộc sống thanh cao không bằng tuổi thọ cao. Ông Thủ tướng của 1,3 tỷ dân, ngồi chót vót trên đỉnh cao quyền lực, có lẽ không thiếu thứ gì nữa, cuối đời đã rút ra được bài học ghi tâm, khắc cốt này.”
Cách đây hơn một năm, một ông bạn đưa cho tôi một trang giấy khổ A4 ghi lại một số câu có tính chất châm ngôn, triết lý về cuộc sống, nhất là cuộc sống của người già. Tôi thấy khá hay, nhất là ông bạn lại bảo đó là những câu trích từ hồi ký Hiểu đời của nguyên Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, người không những có cương vị chính trị cao mà còn có nhièu kinh nghiệm trong cuộc sống. Tôi đã định đưa những câu đó lên Blog của mình, nhưng lại thôi vì chưa biết chắc thông tin ông bạn cho biết có chính xác hay không?
Tình cờ trong khi lang thang trên mạng tôi ghé vào blog của nữ nhà văn Trang Hạ và đọc được bài Ông lão viết blog Dương Trạch Tế và những tâm sự tuổi già, kèm theo bức ảnh chân dung của ông Dương Trach Tế và ảnh ông chụp với hai người bạn già, mà một trong hai người ấy đã đăng entry “Tâm sự tuổi già” của Dương Trạch Tế lên nhiều trang mạng của Trung Quốc. Điều thú vị là, theo nữ nhà văn Trang Hạ, thì chính ông Dương Trach Tế mới là tác giả của những dòng hồi ký “Hiểu đời” trên đây, chứ không phải nguyên Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ là tác giả. Tôi xin trích những dòng sau đây của nhà văn Trang Hạ viết trên blog của nhà văn: “Điều đáng chú ý là, entry “tâm sự tuổi già – đôi điều cảm ngộ” này được lưu truyền tại Việt Nam và được rất nhiều bạn đọc thích thú, tâm đắc, nhưng lại mang tên tác giả là cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Nhiều người tích cực lưu truyền, in ra giấy phân phát cho nhiều người già tại các thành phố với lời dặn dò, đây là lời dặn của cựu thủ tướng Chu Dung Cơ. Trong khi trên toàn bộ hàng triệu trang mạng tiếng Hoa không hề có bất kỳ một lần nào xuất hiện tên Chu Dung Cơ dưới bài này.
Tôi cho rằng, sự nhầm lẫn này là do dịch giả hoặc độc giả Việt Nam trước đây. Thật không vui gì khi dịch lại một bản dịch đã có người làm, nhưng tôi thích trả lại sự chính xác cho văn bản này, tôi cũng không thích những sự “sửa chữa” của người dịch cũ, tôi càng mong muốn trả lại tên đích thực cho tác giả và tác phẩm. Có thể tôi khó tính, nhưng tôi có lý.
Trang Hạ”
Vì thế, sau khi đọc bài “Lan man về chữ thọ” của ông Trần Quốc Thường tôi xin mách ông điều này. Ông có thể vào blog của nữ nhà văn Trang Hạ để đọc toàn bài “Tâm sự tuổi già - đôi điều cảm ngộ” của Dương Trạch Tế do Trang Hạ dịch và xem ảnh của tác giả bài viết này