Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHÁT BIỂU VỀ “CHỚM THU” CỦA TRẦN NHƯƠNG

Trần Huyền Nhung
Thứ ba ngày 12 tháng 7 năm 2011 11:11 AM

Chớm thu

Đành hanh cái nắng chớm thu
Nửa như nhớ Hạ, nửa như giận mình
Gặp Thu cũng muốn ngoại tình
Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông
Cốm xanh vương vít trái hồng
Xóm bên người ấy lấy chồng phố xa
Chớm thu nắng đổ về già
Bao nhiêu mắt mở vườn na dậy thì…

  Trần Nhương.
  
Thế là đã sang tháng 7 và hình như đã “chớm thu”. Thu như khúc đàn sầu mà cung phím buông bật, làm lòng người chùng xuống, vời vợi những hình ảnh đã xa xăm…Mùa thu luôn luôn diễm ảo, nhưng luôn luôn gợi sầu – nỗi sầu chung của nhân thế, của thi nhân. “Có phải sầu vạn cổ/ chất trong hồn chiều nay?”.
      
Hà Nội mùa này có phải đã chớm thu? Tôi như miên man trong miền cảm xúc từ lúc ngồi trong máy bay cho đến lúc bước xuống sân bay để  tưởng tượng hòa mình trong tiết trời chớm thu của Hà Nội. Có phải trước thu mà trong lòng mỗi con người đều có thơ, trở thành nhà thơ… và có người đã, đang hay chưa viết những lời thơ còn ấp ủ trong tim, trong trí nhớ, trong ngàn sâu của tâm khảm. Đề tài về mùa Thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Nguyễn Khuyến thì có cả chùm thơ thu, Hữu Thỉnh thì có “sang thu”, Nguyễn Đình Thi có “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ những phố dài xao xác hơi may”… Bước chân giữa lòng thành phố Hà Nội, cầm máy điện thoại và tìm số của nhà thơ Trần Nhương để cảm nhận “Đành hanh cái nắng chớm thu”… . Nhưng rồi trong phút suy nghĩ, tôi lại không gọi cho Trần Nhương liền. Bởi tôi nghĩ: Trần Nhương là con người của thơ, của họa, một cuộc điện thoại nói chuyện vài câu có lẽ là vô vị quá. Tôi đành ghi lại những dòng cảm xúc của mình để cảm nhận cái tình thu của người thi sĩ tài hoa ấy. “Chớm thu” là bài thơ tôi nghĩ trong đầu ngay lúc bước xuống sân bay Nội Bài. 
      
Trong nỗi lòng tản mạn về thu ..Con nguời có dịp tiếp xúc với thiên nhiên ,có cơ hội chiêm nghiệm về cái luật tuần hoàn của vũ trụ ,cuả gió ,cuả hơi suơng đêm ..cuả những nỗi buồn đã qua ..Bây giờ và biết đâu kéo dài đến tận mai sau ,mà trong cuộc đời không một ai tránh khỏi. 
  
Ở sâu thẳm đáy lòng chúng ta đều có những giọt buồn ngay cả trong lúc hoan lạc ,chỉ chờ một cơn gió ,một que diêm là lại ngùn ngụt, lại quắt quay u hoài .Cuộc đời con nguời là một đoạ đầy ,thử thách cuả thuợng đế .Cái nỗi buồn ấy phải chăng mang tận từ Thiên cổ để khi vừa mở mắt chào đời lọt lòng Mẹ đã oe oe tiếng khóc .
   
Phải chăng muà thu là hình ảnh ,là thân phận cuả con nguời, cái hữu thể ,cái tại thế trong cái dòng vô cùng ,vô hạn cuả thời gian để con nguời thấm nhuần dần trong thuyết luân hồi cuả Phật giáo ,hay cái thuyết cuả KITÔ ... Cát bụi lại trở về với cát bụi.
      
Với những con người có tâm hồn đa cảm thì rất dễ rung động trước sự biến chuyển của thời gian. Vâng, Trần Nhương không là ngoại lệ. Nhà thơ dễ dàng nhận ra “cái nắng đành hanh” như thể là tính cách của một cô gái  khi yêu:

“Đành hanh cái nắng chớm thu
Nửa như nhớ Hạ, nửa như giận mình”

   
Cái vẻ thật thà của thơ Trần Nhương tôi đã cảm, mà sao cứ thấy nhoi nhói trong lòng. Thơ bây giờ thất tình giả, đau đớn giả, cô đơn giả bừa bộn. Nhưng nghe lời nói thật là nhận ra ngay. Tôi càng ngẫm nghĩ càng ưa cái tâm trạng bâng khuâng của Trần Nhương trong buổi giao mùa “chớm thu”. Hình như cái nắng “đành hanh” ấy cũng giống như tâm trạng của một cô gái đang “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”. Hạ đã lùi về quá khứ, hiện tại là Thu. Phải chăng nhà thơ đang ở  thì hiện tại, đang là người bị “giận”? Ơ hay, tại sao tác giả lại vin cái giận dỗi vô cớ của người ta vào mình nhỉ? Có lẽ chẳng phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, phải có nguyên do. Cái độc đáo nhất của ý thơ là Trần Nhương đã mượn cảnh để tả tình. “Đành hanh” là tính từ chỉ tính cách của con người. Thế mà nhà thơ đã tài tình làm cho hình ảnh thơ trở nên diễm tình, gây trí tò mò tưởng tượng trong lòng người đọc. Ý tứ thơ rất trẻ trung, sung sức làm tôi nghĩ tới một Trần Nhương trẻ mãi trong lòng bạn đọc yêu thơ anh.
      Nhà thơ không ngần ngại bày tỏ nỗi lòng mình trước Thu:

“Gặp Thu cũng muốn ngoại tình
Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông”

   
Thực lòng tôi nghĩ: Đây là hai câu thơ hay nhất trong bài, hay ở sự chân thật. Làm được những câu thơ hay đã khó, sống hay được còn khó gấp bội. Trần Nhương có lẽ đã sống chân thật để làm nên câu thơ hay. Mùa thu là mùa của các thi nhân, là mùa được coi là đẹp nhất trong các mùa. Là mùa gây trường liên cảm mạnh trong tâm hồn những con người lãng mạn yêu người, yêu thiên nhiên. “Chớm thu” chắc hẳn sẽ đẹp hơn nhiều. Cái nắng thu cũng “đành hanh” hơn… Gặp Thu đẹp như vậy thì ai nỡ từ chối chứ? Trần Nhương không nỡ từ chối và không thể giấu lòng mình được “Gặp Thu cũng muốn ngoại tình”. Muốn thì muốn lắm đấy, nhưng lại còn “e sen muộn đầu đình ngóng trông”. Chao ôi, sao mà tham lam quá thể! Vẫn là lối tả cảnh ngụ tình, Trần Nhương đã gửi tới bạn đọc một thông điệp về tình cảm ( có thể coi đây là tình cảm ngoài luồng). Một người đàn ông đã “yên bề gia thất”, đứng trước một người đẹp “chớm thu” e rằng khó lòng thoát khỏi mong muốn là được “ngoại tình”. Hình ảnh “sen muộn đầu đình ngóng trông” đã làm nhà thơ chùn bước và suy nghĩ lại. Liệu rằng  có dám “ngoại tình” hay không? Đáng khen cho nhà thơ đã sáng suốt đi đến quyết định cuối cùng là chẳng dám, vì còn e sợ… . 
      
Hãy bắt đầu từ cái điều bình thường mà tha thiết là chút tình cảm “chớm thu” ấy. Thôi đành cất giấu trong lòng, coi như đó là một kỷ niệm khó quên. Nhà thơ đã bộc bạch một cách chân thành như thể rút cả gan ruột ra. Một tình cảm không thành… và cuối cùng người con gái ấy cũng phải đi lấy chồng:

“Cốm xanh vương vít trái hồng
Xóm bên người ấy lấy chồng phố xa”

   
    Hình ảnh “Cốm xanh” mà Trần Nhương dùng còn là quà của ngày tết, là sự vương vít của tơ hồng.  Có gì đẹp hơn để biểu trưng cho cái đằm thắm của nghĩa vợ chồng bằng mẻ cốm xanh non được đặt trên đôi tờ lá sen già, ấp ủ nâng niu. Sen thơm và cốm lại càng thơm. Mùa cốm lại vào ngay mùa hồng như hẹn hò của thời trân phẩm quả. Cốm xanh và hồng đỏ tốt đôi. Thế mới hay cái chua xót của anh chàng thất tình trong ca dao: “để cốm anh mốc để hồng long tai”. Cái anh chàng thất tình trong cao dao xưa, có lẽ cũng được Trần Nhương nghĩ tới trong hình ảnh thơ. Ừ nhỉ, anh chàng trong ca dao ấy thất tình vì người yêu đi lấy chồng, nhà thơ Trần Nhương có thể cũng xót xa vì “Xóm bên người ấy lấy chồng phố xa”. 

  Cái nắng của buổi đầu chớm thu vẫn là gay gắt chứ không nhẹ nhàng. Nhà thơ Trần Nhương hình như cảm nhận đời mình rõ nhất ở hai câu kết bài thơ :

“ Chớm thu nắng đổ về già
Bao nhiêu mắt mở vườn na dậy thì”
   
Tôi cảm giác như nhà thơ đang từng ngày, từng giờ nuối tiếc tuổi trẻ đã trôi qua một cách nhanh chóng. Lúc tác giả nhận ra “chớm thu” thì tuổi tác của anh cũng đã xế chiều. Trần Nhương dùng hình ảnh thơ “ Bao nhiêu mắt mở vườn na dậy thì” là có ngụ ý của Anh. Na chín báo hiệu bởi những mắt na mở to, căng đều. Không như nhiều loại quả có thể ăn xanh thì trái na chỉ ăn được khi đã mở mắt. Mùa na mở mắt cũng không tràn lan mà chỉ xuất hiện vào cuối hạ, đầu thu. Na chín gần như đồng thời, chính vì vậy, mùa na cũng qua đi nhanh chóng. Vậy thì Na chín  cũng giống như hình ảnh người con gái “dậy thì”.  Điều đó cho thấy một Trần Nhương rất lãng mạn, biết chiêm ngưỡng cái đẹp kịp thời và đúng lúc. Đó còn là biểu hiện của một tâm hồn khát khao muốn vươn tới cái đẹp trong nghệ thuật của thi sĩ Trần Nhương. 
       
Đọc thơ còn khó hơn làm thơ. Tôi đọc “chớm thu” của Trần Nhương với sự thích thú và ngẫm rồi thuộc lòng. Chính mình cũng bất ngờ, giống như được chiêm ngưỡng một bức tranh “Chớm thu”. Thô mộc đấy mà sao hồn nhiên, tươi tắn, thuần khiết như chính dân gian. Hãy gỡ bỏ cặp kính “Hàn lâm” ra, cái cặp kính khiến người ta nhiều lúc khốn khổ với học vị giáo sư, tiến sĩ, cử nhân…, vì nhìn đâu cũng thấy nhàm chán, tầm tầm, thậm chí dưới bình thường, để ta sẽ bắt gặp trong “chớm thu” của nhà thơ Trần Nhương một bức tranh giản dị, dân dã về tình cảm con người. Nhà thơ, họa sĩ trong một Trần Nhương. Lạ hơn nữa, không công việc gì anh không vắt kiệt sức mình, không hết lòng. Người như thế thì lận đận, đèo bòng, đa mang vì chữ “tình” là phải. Với thơ, tôi xin lấy một đời nghề của mình để nói với Trần Nhương rằng: Anh chẳng thể sống bằng danh tiếng và tiền bạc từ thơ được đâu, nhưng thiếu những người như Anh, thơ sẽ buồn tẻ đi nhiều lắm…!

Hà Nội, ngày 12/07/2011
T.H.N