Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KỊCH MỘT ĐÊM HAY LÀ SỰ LẠM DỤNG LỊCH SỬ

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Thứ ba ngày 12 tháng 7 năm 2011 10:08 AM
 
             Chiều 25 tháng 6 khi cùng đoàn tác giả sân khấu do hội NSSKVN tổ chức đang đi thực tế tại Tây Nguyên thì nhận được tin nhắn của người bạn vong niên thân thiết rằng tối nay VTV1 sẽ truyền hình trực tiếp từ Quảng Bình – quê hương Đại tướng vở kịch” Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên “ của Nguyễn Quang Vinh. Tôi và không ít nhà văn và tác giả trong đoàn náo nức đón chờ. Do cuộc họp tổng kết đoàn kéo dài nên khi tôi về thì vở kịch đã qua màn khởi đầu dăm bẩy phút. Tôi cùng nhà văn, kịch tác gia Hà đình Cẩn ngồi chăm chú theo dõi một mạch vở kịch với nhiều suy tư. Sau khi vở kịch kết thúc điều gợi lên đầu tiên ở tôi là sự cảm phục tài quản lý và tổ chức của Nguyễn Quang Vinh. Cái tài này đựơc thể hiện khá rõ và cụ thể vì với một kịch bản như thế mà ông thuyết phục được nhiều tổ chức có quyền hạn quyết định để đựơc chấp nhận dựng với qui mô như một sự kiện nghệ thuật cấp quốc gia. Từ sự chấp nhận như vậy nên Nguyễn Quang Vinh đã thuyết phục đựơc nhiều nhà tài trợ rồi huy động đựơc nhiều nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực sân khấu cùng các đoàn nghệ thuật, đoàn kịch tham gia với lượng diễn viên lên đến trên dưới 400 diễn viên tham gia thì quả là quá tài ba, đáng đưa vào kỉ lục Việt nam ta. Nhưng còn về chất lượng của đêm diễn và chất lượng của kịch bản thì sao ?
          Trên thế giới kịch về các danh nhân không thiếu và trong đề tài này cũng không ít các thành tựu. Chưa nói tới các vở kịch mà Xếcxpia lấy nhân vật trung tâm từ nguyên mẫu trong lịch sử để rồi với thiên tài của mình đã dựng lên những điển hình vĩ đại về tham vọng, bi kịch của con người như Vua Lia, Mác Bét, Hen Ri … Thế kỉ 20 trên thế giới các vở kịch viết về Lê Nin trong bộ ba kịch của Pôgôđin( chuông điện đồng hồ Kremlinh, người cầm súng, khúc thứ ba bi tráng). Kịch về Đimitơrốp của nhà viết kịch Bungari …cũng đã khắc hoạ thành công hình tượng các nhân vật các nhà cách mạng kiệt xuất này. Trong nước các vở kịch về các nhân vật lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng như Vũ Như Tô, hay Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi .. cũng là những thành tựu mẫu mực thể hiện các nhân vật lịch sử kiệt xuất. Ngay đối với các danh nhân đương đại như Hồ chủ tịch thì nền kịch nứơc ta đã có những thành tựu lớn như vở “đêm Trắng “ của Lưu Quang Hà , và “ngưòi đi dép cao su” của nhà văn An giê ri Kateb Yacine… Hay kịch tác gia chuyên viết về Bác Hồ là Lê Đăng Thành cũng có kịch bản “cuộc săn đuổi lịch sử” theo tôi cũng rất thành công khi khắc hoạ một cách đa dạng, tài tình hình tượng Hồ chủ tịch trong cuộc đấu trí dai dẳng với các thế lực của thức dân Pháp qua các đời toàn quyền Đông Dương, tiếc thay vở này chưa bao gìơ đựơc dựng trên sân khấu. Sự thành công và hấp dẫn của các tác phẩm này cũng như nguyên lý của văn học nghệ thuật là khắc hoạ được hình tượng nhân vật với những nghĩ suy, day dứt băn khoăn của con người cụ thể, thể hiện được tính cách của họ cùng những xung đột cuộc đời đựơc nâng lên điển hình trong các tình huống kịch. Còn trong vở về Đại tướng của Nguyễn Quang Vinh thì dường như không thấy nhân vật Võ Nguyên Giáp đâu mà chỉ thấy thuần tuý những trường đoạn minh hoạ, kể lại một cách hình thức sơ sài các biến cố lịch sử có liên quan đến Đại tướng mà bất kì ai quan tâm đến lịch sử đương đại Việt nam đều biết. Cách kể này giống hệt như những tấm áp phích cổ động đựơc đối thoại hoá bằng những lời thoại thiếu tính cách. Hay nói đúng hơn vở kịch như những mô đun lắp gắp theo mô hình những sự kiện xung quanh nhân vật Võ đaị tứơng. Hình như chính tác giả cũng cảm thấy đơn điệu trong cách kể này nên đôi chỗ ông lại xen vào những mảng bi kịch cố tạo về thân phận cô y tá, về gã sĩ quan pháo binh Pi ốt. Còn nhân vật chính, trung tâm thì chỉ là sự xuất hiện hình thức về mặt hình thể và tên gọi mà hầu như không có chút tâm lý nào dù đơn giản nhất chứ chưa nói đến diễn biến tâm trạng trứơc các xung đột, các sự kiện của kịch. Nếu trong vở diễn này ít nhiều đựoc ghi nhận về sự hoành tráng. Về sự tham gia số đông diễn viên thì lại thiếu đi cái cơ bản là con người mặc dù có lúc tác giả, đạo diễn Nguyễn Quang Vinh cố gắng muốn xoá nhoà điểm yếu “không có nhân vật kể cả nhân vật trung tâm” bằng những thủ pháp âm thanh tiếng ru, khúc hát trữ tình buồn buồn trên nền chiến trường. Tiếc thay kể cả sự khéo tay vẫn không lấp nỗi sự trống vắng quá lớn mà một kịch bản cần và đủ đó là nhân vật và hành động kịch. Khi mạn đàm với một số kịch tác gia tôi có khen thủ pháp này của Nguyễn Quang Vinh xem như một sự “đối tỉ” cần thiết trong kịch nhưng không ít vị lại bảo chưa tới và có phần gượng gạo không nhuyễn. Nhà văn Chu lai Trưởng ban sáng tác của Hội NSSK còn băn khoăn cả sự không hợp lý gượng gạo về phục trang, diễn xuất của Lý Nhã Kì, của nhân vật tướng Đờ cát và cả nhân vật Võ Đại tướng…Tôi chỉ tiếc phần trang trí của Hoạ sĩ –NSND Lê huy Quang trong vở này thực sự tiêu biểu cho phong cách thiết kế của ông mặc dù có chỗ hơi rậm và rối. Sự rậm và rối này trong thiết kế cũng như phần âm nhạc đôi chỗ không hợp chính vì sự quá đơn giản, một chiều và mang tính cổ động thuần tuý của kịch bản.
              Tôi biết Nguyễn Quang Vinh là một tác giả ưa chọn các đề tài có nguyên mẫu trong lịch sử đương đại để viết kịch bản như Đặng Thị Châm, các cô gái ngã ba Đồng Lộc, Hồ chí Minh .. và nay là đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Đứng về mặt nghệ thuật việc chọn đề tài này có cái lợi là có sẵn cốt kịch bản. Cái lợi này cũng hàm chức sự gò bó bởi thực tế nguyên mẫu. Tài năng của người viết là biết chọn sự kiện nào để từ đó tìm ra kết cấu hợp lý làm nổi rõ tính cách nhân vật qua đó gửi tới ngưòi xem, ngưòi đọc thông điệp gì. Thành công của vở “đêm trắng” chính là tài năng của Lưu Quang Hà khi ông biết chọn và  xử lý một  cách nghệ  thuật “ đúng sự kiện” Bác Hồ kiên quyết loại trừ Cục trưởng cục quân nhu Trần Dụ Châu vì tội tham nhũng. Tôi không đựơc xem các vở khác của nhà viết kịch này còn riêng vở về Võ Đại tướng thì Nguyễn Quang Vinh lại quá dàn trải và bị lệ thuộc vào những sự kiện. Mặc dù tập trung vào sự kiện “chiến dịch Điên biên phủ” nhưng tác giả vẫn không chưa nắm được thần thái, tính cách nhân vật, chưa chọn được sự kiện trung tâm nên vở của ông trở thành sự minh hoạ khô cứng. Lấy tên nhân vật chính làm tên vở nhưng chờ mãi, chờ mãi mới thấy nhân vật chính xuất hiện như một đề can, một bảng hiệu ở cảnh cuối cùng như cảnh thường thấy khi chúc tụng, trao hoa, tặng tặng phẩm trong các cuộc họp hay lúc đại biểu, quan khách tặng hoa cho diễn viên khi kết thúc vở diễn. Quả là Nguyễn Quang Vinh thật sự tài ba và có con mắt của nhà quản lý giỏi nhưng còn tác phẩm … Tôi đã nhiều lần thấy không ít các tác phẩm viết về những nhân vật lịch sử có chất lượng quá thấp vẫn đựơc duyệt, đựơc thông qua, được đầu tư, được tài trợ. Trong khi nền kinh tế nứơc ta đang khó khăn, biết bao ngưòi dân đang khốn khó vì lũ lụt, vì lạm phát vậy mà nhiều tỉ đồng đổ ra để dựng, công bố những tác phẩm “chỉ diễn một đêm này”. Khi tôi viết bài này còn nghe nói đoàn kịch Thanh Hoá sắp mang vở “võ Nguyên Giáp…”ra Hà Nội diễn … Ai mua vé để xem vở kịch này hay khán phòng lại tràn ngập khán giả, quan chức có giấy mời. Liệu vở này được diễn bao nhiêu lần tại Thủ đô hay lại chỉ duy nhất một tối nặng chất chính trị … Viết đến đây tôi chợt nhớ lại chi tiết của nhà báo Hoài Văn cho biết rằng câu lạc bộ bóng đá Thanh Hoá trả lương cho cầu thủ cao nhất trong các câu lạc bộ bóng đá nứơc ta cầu thủ. Cầu thủ bình thường cũng trên dưới 30 triệu cầu thủ xuất sắc 40, 50 triệu, HLV là 100 triệu mỗi tháng trong khi đó chính Thanh hoá lại vừa xin Chính phù hỗ trợ 2000 tấn gạo để cứu đói trên 70 nghìn người. Hoài Văn tính toán thời giá của 2000 tấn gạo này xấp xỉ 30 tỉ. Số tiền này ít hơn nhiều so với khoản ngân sách của CLB bóng đá Thanh Hoá chi trong mùa giải 2011. Quảng Bình quê Đại tướng cũng là một tính nghèo, lũ lụt mùa này lại đang lăm le đe doạ những mái nhà cùn xơ của biết bao gia đình ….Trở lại vở “Đại tướng Võ Nguyễn Giáp …” tôi chạnh nghĩ viết về lịch sử là một nhiệm vụ và một yêu cầu lớn đối với người cầm bút nhưng viết như thế nào để không mang tiếng, nói nhẹ là ăn theo, nói nặng là lợi dụng lịch sử, tên tuổi của các vĩ nhân để làm nên những sản phẩm dễ được thông qua, dễ được đầu tư, dễ được tài trợ nhưng tiêu chuẩn nghệ thuật bị xem là yếu tố thứ hai thì không nên. Văn chương dù ở hình thức nào cũng cần coi trọng nghệ thuật, chất lượng tác phẩm. Tiêu chuẩn hấp dẫn này cũng chính là tác dụng cao cả của văn chương là vậy . 

Quỳnh Mai tháng 7/2011
Nhà văn Nguyễn Hiếu