Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÌM KIẾM,ĐƯA LIỆT SỸ VỀ QUÊ HƯƠNG NIỀM KHÁT MONG KHÔNG CHỈ CỦA RIÊNG AI

Ánh Tuyết
Thứ ba ngày 12 tháng 7 năm 2011 6:04 AM

     Đất nước vừa đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại : Chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đã có hàng triệu người con anh dũng ngã xuống trong 2 cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc.Mỗi người chiến sỹ hi sinh để lại niềm tự hào cho tổ quốc,quê hương,gia đình,kèm theo đó là nỗi đau,niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân,đặc biệt với những người thân yêu của họ.
           Khi ra đi chiến đấu bảo vệ tổ quốc người lính đã xác định một lập trường  kiên định:“ Chiến  trường đi chẳng tiếc tuổi xanh” “ Đời chưa hết giặc là ta chưa về”Họ chấp nhận mọi khó khăn thử thách cam go kể cả hi sinh tính mạng.Thời kì chống Mỹ cứu nước,trước khi ra trận, mỗi người lính viết tên tuổi địa chỉ của mình cho vào chiếc lọ Pê- nê–xi-nin,gói kĩ vào ni lông rồi bỏ vào túi áo ngực,chẳng may họ có hi sinh thì đó là những thông số ngắn ngủi về mình để lại cho người còn sống.Trước những trận đánh quan trọng và ác liệt,người ta làm lễ truy điệu sống cho những chiến sỹ cảm tử. Họ vào trận thanh thản, quyết tử với kẻ thù không hề băn khoăn do dự.Mỗi người lĩnh ngã xuống trong những mặt trận khác nhau vào những thời điểm khác nhau và những hoàn cảnh chẳng giống nhau.Có người may mắn được đồng đội và nhân dân chôn cất tử tế,sau ngày hòa bình,được đưa vào nghĩa trang với tên họ đàng hoàng gắn trên bia mộ. Nhiều người,họ không kịp để lại một dòng địa chỉ,một thông tin nào về mình: “Không một tấm hình không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ…” Dáng đứng Việt Nam – Thơ Lê Anh Xuân. Họ là những liệt sỹ vô danh. Hàng chữ vô danh trên bia mộ bao nhiêu năm qua là nỗi đau đớn khôn cùng cho tổ quốc và các thân nhân liệt sỹ.Làm thế nào tìm lại tên tuổi quê hương cho các anh? Một câu hỏi lớn xoáy sâu vào lòng người kể từ khi đất nước im tiếng súng. Hàng ngàn nghĩa trang liệt sỹ trên khắp đất nước vẫn có rất nhiều ngôi mộ liệt sỹ vô danh…
             Chợt nhớ ngày 27/7/2005 sau khi hoàn thành xong tuyển chọn thơ về đề tài liệt sỹ“Tráng khúc tháng bảy- chủ biên Ánh Tuyết – Công Ty Văn hóa Trí tuệ Việt và NXBVHSG ấn hành”tôi mang sách vào dâng tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn,Thành Cổ, Đường9, Đồng Lộc.Khi thắp hương trên từng ngôi mộ ở nghĩa trang Đường 9,tôi dừng lại rất lâu trước ngôi mộ chung của 106 liệt sỹ tìm thấy trong vườn của một nông dân ở Cam Lộ.Chỉ biết là các anh là bộ đội đặc công qua những di vật để lại nhưng tuyệt nhiên không có dấu vết gì về tên tuổi quê hương các anh.106 người hi sinh cùng một nơi, thân thể hòa quyện lấy nhau…làm sao biết  tên họ quê quán từng người,làm sao có thể chia tách các anh?Thân nhân của 106 liệt sỹ này đến hôm nay chắc vẫn đau đáu nỗi niềm tìm cho được nơi yên nghỉ của các anh để làm trọn  nghĩa cử với người đã khuất!
         Lại có những người hi sinh trên rừng, trên biển, trên sông khi chiến đấu,khi làm nhiệm vụ bí mật, Ai người chôn cất các anh?Các anh có còn hay đã tan cùng đất hoặc chìm sâu xuống đáy nước,làm sao còn có thể tìm họ? Riêng ở Quảng Trị đã có 2 nghĩa trang lớn,nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sỹ,những nghĩa trang đặc biệt nhất,nghĩa trang không có mộ mà chỉ là nơi tưởng niệm bởi thân xác của liệt sỹ hoặc nát tan,hoặc  bị chôn vùi vì bom đạn,hoặc chìm sâu dưới đáy sông trong cuộc chiến đấu ác liệt với bọn Mỹ Ngụy năm 1972. Chẳng ai cầm nổi nước mắt khi đọc câu thơ viết về dòng Thạch Hãn của một nhà báo: “ Xuôi dòng Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn có bạn tôi nằm…”Sẽ còn hàng ngàn gia  đình đau đớn khắc khoải tìm người thân,hi vọng một ngày tìm được, rước về an táng tại quê nhà nhưng…đành mỏi mòn trong tuyệt vọng.
          Tôi đã đến nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên,ở đấy có rất nhiều ngôi mộ vô danh. Hàng ngàn ngôi mộ trong nghĩa trang chỉ là một phần rất nhỏ thân thể liệt sỹ tìm thấy trong chiến dịch Điện Biên lịch sử,còn  rất nhiều người chúng ta không thể tìm  được họ.Và có nghĩa còn nhiều gia đình liệt sỹ chống Pháp ôm nỗi đau không tìm được người thân.Tôi cũng đã vào thắp hương viếng liệt sỹ tại đền Bến Dược Củ Chi. Hàng chục ngàn tên liệt sỹ từ khắp mọi miền trên những tấm bia ghi công các anh,những ai trong số các anh đã được trở về yên nghỉ tại quê hương?Tháng 3 -2009 tôi đến viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo.Có khoảng 20 ngàn ngôi mộ những chiến sỹ cách mạng trung kiên nhất bị giặc bắt đày ra Côn Đảo rồi chết ở đó vì sự đày đọa tra tấn khốc liệt,đói khát bệnh tật mà bọn thực dân Pháp,đế quốc Mỹ gây nên cho họ. Tháng năm qua đi, có ngôi mộ còn tên tuổi trên tấm bia mộ,nhiều ngôi mộ im lặng …vô danh. Đau đớn quá! xa xôi như thế làm sao người thân có thể viếng thăm nói gì đến cất bốc đưa liệt sỹ về quê hương.Nghe nói ở Phú Quốc,các nhà ngoại cảm và bộ quốc phòng,nhà nước tìm được hàng ngàn hài cốt tù chính trị bị giặc thủ tiêu trong chống Mỹ…làm thế nào để biết được họ là những ai để ghi một cái tên đầy đủ trên bia mộ, để một lần,người thân họ đến viếng thăm  được yên ủi phần nào! Chiến tranh khốc liệt xảy ra ở nơi đâu thì  ở đó có sự hi sinh mất mát.Có những liệt sỹ bị giặc thủ tiêu mất xác. Người thì ngã xuống mà thân thể các anh đã tan cùng đạn pháo,có liệt sỹ được chôn cất tử tế rồi nhưng bom giặc lại đánh bật lên hất tung đi nơi khác,bị vùi dập không chút dấu vết nào…Có bao liệt sỹ hi sinh trên chiếc máy bay chiến đấu,trên chiếc tăng khi tiến công vào kẻ thù. Trước sức nóng ngàn độ bắn chảy cả xe tăng thì các anh còn lại gì ngoài lòng dũng cảm và những chiến công tuyệt vời! Những liệt sỹ hi sinh khi làm nhiệm vụ ở chiến trường C,E trên đất bạn.Bao nhiêu người đã may mắn được tìm thấy và đưa về tổ quốc quê hương dù chỉ là nắm đất  tượng trưng chứ nắm xương tàn thì đã tàn theo đúng nghĩa đen? Còn bao nhiêu người mãi mãi nằm lại đó trong nỗi đau vô cùng của những người thân yêu.
          Nhân đây tôi xin kể về câu chuyện của gia đình liệt sỹ cách mạng tiền bối Bùi Hữu Diên. Cụ Bùi Hữu Diên là một trong những Đảng viên Đảng Cộng Sản đầu tiên tại Thái Bình, người bị tòa thượng thẩm của thực dân Pháp kết tội là tổ chức và cầm đầu cuộc biểu tình của nông dân Duyên Hà Tiên Hưng chống bọn thực dân Pháp năm 1030.Chúng đã bắt giam Cụ Diên ở Hỏa Lò,Côn Đảo rồi thấy không khuất phục nổi tinh thần yêu nước bất khuất của Cụ,chúng đầy Cụ Bùi Hữu Diên sang tận nhà tù Guy am Nam Phi và tra tấn Cụ đến chết tại đó. Con cháu Cụ Diên và gia tộc họ Bùi ở Thụy Trường, Thái Thụy, Thái Bình đã bao năm  vẫn  đau đáu một niềm…có cách gì sang Guy Am tìm và đưa Cụ về quê dẫu có phải bán cả nhà đang ở. Những gia đình có người thân bị đày ở Guy Am chắc cũng có chung tâm nguyện  đó.
      Tìm được nơi yên nghỉ của liệt sỹ để đón các anh về quê hương an táng luôn là niềm day dứt tâm nguyện của mỗi gia đình liệt sỹ trên đất nước này.Có những bậc cha mẹ, mỗi lần lĩnh tiền trợ cấp  cha mẹ  liệt sỹ là một lần nghẹn ngào :- Tôi có mấy đứa con,nhưng thằng chết nó nuôi tôi đây!… tôi chẳng tiêu vào đồng tiền này đâu,tôi dành dụm để cho việc đi tìm nó,đưa nó về quê hương. Có đưa  được nó về tôi mới yên lòng nhắm mắt…
        Xin kể câu chuyện đau lòng gia đình cô ruột tôi.Cô tôi năm nay đã 93 tuổi. Chồng cô là liệt sỹ chống Pháp,cả hai người con trai của cô đều nghỉ học giữa chừng đi đánh giặc.Hết chiến tranh, thằng anh may mắn trở về,thằng út đẹp trai,học rất giỏi  thì  mãi mãi nằm lại chiến trường Nam Bộ giữa tuổi đôi mươi. Đêm nào cô tôi cũng khóc và mơ thấy con,cô chỉ mong mỏi tìm đưa  được nó về.cô nóng lòngcũng phải,93 tuổi rồi,thời gian có ủng hộ cô nữa đâu.Khó thay! những thông tin về đứa con liệt sỹ của cô rất mơ hồ. Đường xa dặm thẳm,biết tìm nó ở đâu? kinh tế nhà thì nào có khá giả dư dật gì. Nhưng chuyện buồn của gia đình cô tôi đâu đã dừng ở đó. Con gái lớn của cô cũng có chồng là liệt sỹ. Họ lấy nhau được hơn một năm thì chồng nó vào chiến trường. Họ chưa kịp có với nhau mụn con. Em gái tôi ở vậy thờ chồng mấy chục năm,giờ héo hắt còm cõi  như một cành cây khô. Cô ấy giành dụm tiền xây cho chồng một ngôi mộ tượng trưng ở nghĩa trang làng để phụng thờ cho đỡ tủi vong linh chồng. Thấy người ta đưa liệt sỹ về nhiều,em tôi cũng đi nhờ nhà ngoại cảm,tốn kém lắm. Họ bảo chú ấy mất ở Vĩnh Linh, xưa là vĩ tuyến 17 lịch sử tại một khu rừng khi đang giao quân. Nhà ngoại cảm vẽ cho một sơ đồ rất chi tiết chỗ chú ấy nằm.Cô em tôi phấn khởi cùng người nhà  thuê xe, mang tiền, gạo, mai, cuốc lên đường tức tốc vào Vĩnh Linh. Quê tôi vào đó hơn 500km đường xe chạy. Họ cắm trại ở mép rừng Vĩnh Linh suốt 10 ngày.Ngày nào cũng hì hục đào bới,quần nát một cánh rừng mà chẳng thấy.Tiền gạo hết,người đau ốm mệt mỏi,đành ôm nỗi thất vọng rút quân về.Gặp tôi,cô em buồn lắm, nhưng đáy mắt cô ấy vẫn lóe lên những tia hi vọng : - Em sẽ lại dành dụm tiền,lại tiếp tục đi tìm chồng đến khi nào thấy anh ấy mới thôi. Muốn nói lời an ủi, can cô ấy vài câu nhưng không thể mở miệng…khó nói quá. Dường như tâm nguyện công sức,tiền của cô ấy chỉ dồn cả vào việc tìm chồng.
           Làng tôi có vài chục liệt sỹ trong hai cuộc chống Pháp chống Mỹ. Liệt sỹ nằm lại khắp mọi nơi trên đất nước. Điện Biên, Chiến trường miền Nam,miền Trung, nước bạn Lào,Cam Pu Chia. Gia đình của các liệt sỹ đều mong mỏi ngày đêm tìm đưa các anh về quê. May mắn thay,hai năm qua đã có hơn chục liệt sỹ được đưa về an táng tại quê hương.Có nhà một lúc đón được cả 2 người con trai. Bà mẹ gần 90 tuổi cười cười khóc khóc, nhưng trong nỗi đau, mắt mẹ lấp lánh niềm vui khi các con đã về bên mẹ. Giờ thì mẹ yên lòng ra đi được rồi.Nhiều trường hợp, biết chắc chắn địa chỉ nơi chôn cất liệt sỹ,có tên tuổi trên bia mộ,con cháu đã có điều kiện,tìm rước về thì đỡ vất vả tốn kém. Không ít trường hợp gia đình phải đôn đáo tìm khắp nơi này nơi kia,kể cả nhờ đếncác nhà ngoại cảm.Chuyện gian nan ly kì dài dòng lắm.Nhiều câu chuyện rõ ràng mắt thấy tai nghe mà kể lại vẫn không thể nào tin nổi.Chỉ biết rằng,để tìm hài cốt liệt sỹ,tâm huyết,thời gian công sức,tiền bạc là một vấn đề không nhỏ. Nếu không có sự đồng tâm hiệp lực của cả dòng tộc,gia đình lớn,của những người con cháu hiếu thảo có điều kiện kinh tế thì không dễ dàng gì. Tìm liệt sỹ với những thông tin rất mờ nhạt,người hi sinh đã nằm dưới đất vài chục năm rồi…khác gì tìm kim đáy bể.Nhiều gia đình ròng rã suốt nhiều năm bỏ ra bao công sức tiền của mà vẫn đành ngậm ngùi tuyệt vọng. Có nhà may mắn tìm được, riêng phần kinh tế thôi chi phí đã lên tới hàng trăm triệu đồng.Tính sơ sơ gì mà không ra…Tiền đi tìm nhà ngoại cảm, tìm người biết thông tin về liệt sỹ,đi rất nhiều nơi,nhiều lần.Tiền chi phí cho những chuyến viếng thăm khảo sát( Phần lớn liệt sỹ mất ở miền Nam) đường đi hàng ngàn km sao không khỏi tốn kém. May mắn tìm được nơi liệt sỹ nằm,lại tổ chức đón rước sao cho trọng thể.Quê tôi,đón liệt sỹ người ta làm ma khô trang trọng uy nghiêm lắm. Cũng quàn tại nhà để làm lễ  phúng viếng và kèn trống thờ một đêm một ngày. Hội cựu chiến binh cắt cử người quân phục chỉnh tề thay nhau túc trực quanh chiếc quách phủ cờ đỏ sao vàng. Con cháu khăn trắng khăn vàng ràn rạt. Từng đoàn các đoàn thể,bà con xa gần đến viếng. Khi đưa cữu ra nghĩa trang liệt sỹ cờ hoa kèn trống và nườm nượp ô tô xe máy cùng cả dân làng đưa tiễn,cảm động lắm. Không thể không có vài chục mâm cơm để bà con xómgiềng,con cháu ăn trong ngay đón liệt sỹ về. Gia đình có điều kiện thì nổi lửa vài ngày.Đó cũng là một khoản tốn kém không nhỏ. Nghi lễ cho liệt sỹ được làm không thiếu một khâu nào: Lễ cúng 3 ngày,thất thất lai tuần thì đưa vong lên chùa. Cúng cơm hàng ngày, Cúng 49 ngày,cúng 100 ngày,chưa kể vàng mã đốt cho liệt sỹ cũng rất đa dạng đầy đủ: trần sao âm vậy. Những gì chưa làm  được cho liệt sỹ thì bây giờ người ta gắng làm chu tất để thỏa vong linh của người hi sinh và người còn sống cũng nhẹ lòng khi được  đền ơn hiếu kính.
          Bởi thế những nhà chưa tìm được liệt sỹ,những nhà không thể có điều kiện kinh tế để đi tìm thì còn đó một nỗi day dứt khôn nguôi.Làng tôi cũng có hơn chục gia đình điều kiện khó khăn như vậy…họ chắt chiu dành dụm để đi tìm người thân nhưng khốn thay,cái khó bó cái khôn,cuộc sống còn chật vật lắm,gian nan làm sao thực hiện được niềm mong mỏi ấy.Đơn cử một trường hợp, gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lớn. Những năm 1950 Khi giặc Pháp càn vào làng chúng bắt được mẹ  rồi thi nhau làm nhục và bắn chết bà ngay dưới gốc gạo của làng. Chồng  mẹ ở vậy nuôi dạy hai con trai. Các anh đều là bộ đội chống Mỹ. Khi người con cả vào Nam chiến đấu,ông lên lâm trường Tây Bắc đón cháu nội và con dâu nhưng chưa gặp được thì ông đã bị tai nạn giao thông nằm chết bên đường.Mấy tháng sau làng mới nhận được thông báo của công an nhưng có còn ai ở nhà mà tìm ông. Ngoài 20 tuổi đầu, cô con dâu đành ôm con về quê chồng,một mình nuôi con đợi chồng,đợi em chồng.Khổ thay thằng cháu nội duy nhất của gia đình lại bị bệnh có lớn chẳng có khôn. Nó chết sau 23 năm trời hành hạ mẹ nó. Rồi hai người con trai của mẹ Lớn cũng về quê theo cách riêng của họ. Làng đón 2 tấm bằng tổ quốc ghi công. Mẹ Lớn chết đi mà vong linh nào có được yên : “Nghĩa trang mẹ nằm/ hồn một nơi xác một nơi/ Chồng chết chôn nơi đâu,hai con chết chôn  nơi đâu?/nào ai gọi hồn nào ai mạc mặt/ Nắm xương tàn có còn hay đã tan vào đất…”- Mẹ VNAH làng tôi –thơ Ánh Tuyết. Nhà mẹ  cả thảy 6 người duy nhất còn cô con dâu bây giờ đã già yếu,đêm đêm trong căn nhà cấp 4 xập xệ, chị ngồi nhìn nhang cháy nhập nhòe trong 5 bát hương thờ 5 người thân… làm gì còn hơi sức,làm gì ra tiền của để đi tìm chồng,tìm em chồng!
              Mấy năm nay chuyện đi tìm liệt sỹ trở thành một vấn đề nóng bỏng bức xúc vô cùng. Các nhà ngoại cảm xuất hiện nhiều,họ trợ giúp đáng kể cho việc tìm liệt sỹ có kết quả. Nhiều gia đình dòng họ rất vui mừng khi đón rước được liệt sỹ nhưng  cũng không ít câu chuyện buồn, có nhà đưa đưa được liệt sỹ về an táng chu đáo rồi thì gia đình liệt sỹ ở nơi khác đến đòi vì đón nhầm người nhà của họ…tìm hiểu ra thì nhà ngoại cảm đã thông tin không chuẩn xác. Có liệt sỹ về rồi bỗng dưng sau một thời gian vong lại nhất quyết không chịu mà nói rằng:tôi không phải tên như thế…tôi là thế này,quê ở nơi khác cơ,trả tôi về quê tôi đi! náo loạn cả dòng họ,cả làng. Rắc rối quá…sai một ly đi một dặm.
            Tôi cũng là con của liệt sỹ vã đã trải những ngày khắc khoải tìm cha,đã trải qua công việc đi tìm đưa hài cốt cha tôi về quê hương với rất nhiều khó khăn,tôi hiểu lắm nỗi lòng của những bậc cha mẹ,những người vợ  những đứa con liệt sỹ khi chưa đón được người thân về quê.Có lẽ đây cũng là một việc rất bức xúc, khẩn thiết không chỉ của một gia đình,của một dòng họ.Thiết nghĩ ,cần có cuộc chung tay góp sức cụ thể thiết thực và hiệu quả hơn nữa của Đảng,chính quyền,các cấp các ngành cho công việc tâm linh đầy ý nghĩa này. Chính sách hậu phương quân đội lúc nào cũng cần  quan tâm đúng mức và linh hoạt phù hợp với truyền thống của dân tộc,với mỗi giai đoạn lịch sử.
        Đất nước rất cần những người chiến sỹ bảo vệ chủ quyền độc lập,bảo vệ sự yên lành cho nhân dân.Làm tốt công tác hậu phương quân đội là kịp thời động viên những người chiến sỹ yên tâm cầm súng bảo vệ tổ quốc.Quan tâm đến các anh hùng liệt sỹ là một việc mang ý nghĩa cao cả không chỉ của riêng ai
              Ngày 27/7/2011 đang đến rất gần, bài viết này thay cho nến tâm nhang thắp lên kính cẩn trước hồn thơm của những anh hùng liệt sỹ tổ quốc Việt Nam.
                              
Ánh Tuyết  Hội VHNT Thái Bình – nhà 34 tổ 45 – phường Quang Trung thành phố Thái Bình. ĐT : 0912.770.835