Những năm giảng dạy bộ môn ngữ văn ở trường PTTH Sơn Tây đã để lại bao kỷ niệm –Những kỷ niệm không bao giờ phai nhòa trong tâm hồn người giáo viên , người làm thơ của tôi . Tình yêu nghề , yêu văn chương đã trở thành sức mạnh giúp tôi đi qua bao khó khăn , thử thách để đứng vững trên bục giảng đến ngày nay
.Tôi còn nhớ năm 1999 sắp giảng đến thơ cụTản Đà . Bài :’Thề non nước” chương trình cho 2 tiết .Kiến thức sẽ rất phong phú .Tôi có nhiều tư liệu về cuộc đời của thi sỹ.Nhưng tôi chưa một lần về thăm quê hươngcụ.Đường đi cũng không xa lắm từ SơnTây đi Bất Bạt chỉ hơn 20 km thôi .Thế là sáng chủ nhật ngày 21/10Kỷ Mão tôi cùng 4 em: Trường ,Tú ,Phương , Sơn ,lớp 12A3 đi Bất Bạt . Đến thị trấn Bất Bạt , đã thấy Kim học sinh tôi đang dạy và bố em đứng đợi. Nóng ruột muốn ra thắp hương cho nhà thơ nên chúng tôi mua một lít rượu quán bà beó và đi thẳng đến làng Khê Thượng , ra khu lăng mộ của Tản Đà luôn .Lúc ấy nhìn đồng hồ đã 11h 15. Mộ của nhà thơ nằm trong khuôn viên rộng chừng hơn 100 m2 .Trên cổng đi vào có biểu tượng bầu rượu .Xung quanh xây tường bao thấp .Mộ nhà thơ nằm giữa miếng đất trong cùng .Nền lát gạch thường . Tôi cùng các em sắp lễ và tiền vàng ở phía ngoài . Trước khi thắp hương cho thi sỹ tôi nói qua vài nét về cuộc đời và đặc điểm con người cụ . Đúng 11h30 tôi cùng các em quỳ xuống và thắp hương khấn nhà thơ trước chỗ cắm nhang. Mỗi cô trò một nén hương . Tôi khấn khá to mục đích để các em nghe rõ biết mà khấn theo. Nắng chiếu đúng đỉnh đầu .Lúc ấy tôi thoáng nghĩ không biết cụ Tản Đà có biết cô trò chúng tôi đang nghĩ đến cụ không ? Chợt nhớ ra còn chai rượu cuốc lủi tôi mua ở quán bà béo ngay chợ Bất Bạt chưa đem ra . Tôi thấy như mình có lỗi .Bao năm dạy thơ Tản Đà mà tận bây giờ tôi mới về thăm viếng cụ .Có rượu ngon mà tôi lại quên .Nhìn chai rượu tôi bỗng nhớ đến câu chuyện liên quan đến nhà thơ mà bà ngoại tôi có lần đã kể cho tôi nghe .Nhà thơ Tản Đà hồi trẻ ,lúc chưa thành danh thường vào uống rượu ở quán của cô Lưu Thị Nguyệt . Cụ Nguyệt là vợ lẽ của cụ đẻ ra ông ngoại tôi . Cụ Nguyệt đẹp người đẹp nết lại thuộc nhiều thành ngữ tục ngữ. Rượu bán lại ngon nên lúc nào quán của cụ cũng đông khách. Mỗi lần từ Hà Nội lên đến Sơn Tây thi sỹ Tản Đà thường rẽ vào quán ngồi bên cái bàn ở góc trong cùng lặng lẽ uống rượu .Thường là nhà thơ uống chịu . Với người khác thì cụ Nguyệt nhất quyết không cho chịu . Nhưng riêng người khách quê làng Khê Thượng này thì Cụ vui vẻ ghi nợ, lúc nào có thì trả . Biết chủ quán không biết chữ nhà thơ hướng dẫn cho cách ghi nợ : uống chai nhỏ thì vẽ hình một chai nhỏ,
Uống chai lớn thì vẽ hình một chai lớn ,cứ thế mà ghi nợ .Cứ vài tháng về Hà Nội
mà có tiền nhuận bút đến Sơn Tây, Tản Đà vào quán gọi cụ Nguyệt ra đếm số chai vẽ mà tính tiền .Cụ Nguyệt tôi mất năm 1935.Từ đó không thấy nhà thơ Tản Đà vào quán uống rượu nữa.Tôi bồi hồi đốt vàng , tiền và chờ cháy hết sẽ tưới rượu . Bỗng một trận gió thổi đến cuốn tất cả vàng , tiền đang cháy về phía đầu ngôi mộ đến tấm bia của Tản Đà thì dừng lại . Mấy cô trò nhìn nhau .Người tôi nổi da gà .Đầu thì nóng ngốt ngát lên như người đang sốt cao .Tôi nhìn vào ảnh nhà thơ .Hình như cụ muốn nói gì với tôi .À phải rồi , tôi rót rượu vào chiếc cốc có sẵn trước mộ và khẽ nói “Cụ Tản Đà ơi ,cháu là chắt của cụ Nguyệt đây .Cháu mời cụ chén rượu này .Cháu rất vui,tự hào khi được đến thắp hương cho cụ - Một nhà thơ lớn mà cả cuộc đời đã sống hết mình cho nền VHNT của đất nước, dân tộc
với tất cả sự kính trọng và biết ơn .Cụ hãy phù hộ cho cô trò chúng cháu mọi sự bình an và học sinh cháu sau này trở thành người có ích cho xã hội cụ nhé.
Rượu còn nhiều , cụ cứ uống vô tư đi .Chúng cháu cầu mong thơ của cụ sống mãi trong lòng bạn đọc”. Vừa khấn tôi vừa tưới rượu xuống mộ cụ .Nhìn dòng rượu chảy xuống lấp lánh ánh vàng của nắng rồi thấm vào đất …nước mắt tôi bỗng trào ra . Sao thế , sao thi sỹ lại nheo mắt và cười như giễu tôi vậy ? Hay mình hoa mắt ? Tôi quay lại hỏi : các em có nhìn thấy gì không ? Các em đều lắc đầu và nói :không ạ ! Rõ rang là nhà thơ nheo mắt nhìn tôi cái cười có vẻ hài hước .Tôi nhìn lại chân dung cụ một lần nữa .Không ! Không vẫn cái nhìn hiền từ ,trang nghiêm .
Nửa đời mình mới về đây thắp hương cho Tản Đà ,mà đường đi có xa là bao .Nửa đời mới dám về đây .Rưng rưng thắp nén xuân này cho ông …Và thế là những câu thơ lục bát tiếp theo cứ thế tuôn ra . Tôi ghi lại mà lòng ngẹn ngào .Tôi biết thi sỹ đã cho tôi cảm xúc. Bài thơ ứng tác tươi nguyên chảy từ tim tôi có hay hay không tôi không cần biết . Chỉ biết là tôi đã đọc cho Tản Đà nghe và các em học sinh của tôi nghe bằng cả tâm hồn mình .Tôi đã nhìn thấy nỗi xúc động trong mắt các em .Vái tạ xong , chúng tôi ra về mà lòng thanh thản lạ lùng .Trong bữa cơm gia đình em Thân VănTú mời mấy cô trò , tôi đã đọc lại bài thơ đó với niềm vui sướng
khôn cùng . Chuyến đi đã thu được thành công ngoài cả mong đợi Đến bây giờ tôi vẫn nhớ từng câu :
Nửa đời mới dám về đây ,
Rưng rưng thắp nén Xuân này cho ông .
Đam mê hồ thỉ tang bồng ,
Tài thơ bay bổng, cánh hồng thênh thang …
Hồn thơ cuộn sóng Đà Giang ,
Lung linh non Tản …ngỡ ngàng …
-Thi nhân ?
Chén Xuân dốc ngược cõi trần ,
Tưới xanh Mộng lớn , tri ân nhân tình ,
Ngàn năm còn mãi Xuân xanh …
Lời Thề non nước hát thành mai sau
Khê Thượng / (21/10 Kỷ Mão ) (Chu Thị Linh Quang-ThơTiếng hát gọi mặt trời-NxbHnv 200 1
Năm 1966 tôi còn nhớ vào một trưa hè nắng như đổ lửa. Tôi cùng chú cần vụ của bố tôi đang ngồi chờ bố tôi về ăn cơm. Nhà tôi do đơn vị công an vũ trang và bà con làng Mỗ làm giúp. Nhà tranh vách đất nhưngcó ba gian rộng rãi . Gian giữa là gian làm việc của bố tôi và cũng là nơi họp hành , tiếp khách của trường Sỹ quan công an vũ trang biên phòng . Bố tôi lúc ấy là giám đốc của trường “Thời buổi sơ: như thế này là tốt rồi con ạ. Nhà nước mình còn nhiều khó khăn , quân đội cũng vậy.’’ .Tôi được ở với bố tôi .Còn mẹ tôi và chị cùng 2em trai ở nơi sơ tán . Chờ mãi đói hoa cả mắt .Bỗng chú cần vụ reo lên:kia rồi ! Tôi chạy ra cửa , bố tôi và một người đàn ông cao, to đang ôm chặt lấy nhau giữa trời nắng chang chang .
.Chắc người ấy đến nhà tôi thì gặp bố tôi đang về . Đến 5 phút sau tôi mới thấy hai người rời nhau.Cả hai cùng bước vào nhà.Người khách gọi bố tôi là thủ trưởng à
Thì ra lính của bố tôi hồi ở trung đoàn Tây Tiến . Chú tên là Quang Dũng –nhà thơ
Chú là nhà thơ Quang Dũng ạ ? Người khách cười khẽ và quay sang nhìn bố tôi như chờ đợi. Bố tôi đứng dậy cầm tay chú lắc lắc, giọng xúc động :
-Bố trân trọng giới thiệu với con , đây là Quang Dũng nhà thơ của Tây Tiến , của tất cả chúng ta !Cảm ơn anh đã đến thăm tôi !
-Chính tôi phải cảm ơn thủ trưởng , trung đoàn trưởng của trung đoàn Tây Tiến .Cảm ơn anh vẫn nhớ đến tôi .Thay mặt anh em , cảm ơn anh , cảm ơn !
Bố tôi là trung đòan trưởng trung đoàn Tây Tiến . Ôi sao chẳng thấy bố nói chuyện bao giờ. Bài thơ mà bố tôi vẫn ngâm nga mỗi lần về thăm mẹ tôi , mỗi lần dạy chúng tôi là bài thơ Tây Tiến. Đứa nào cũng thuộc bài thơ ấy. Tác giả của bài thơ ấy đang đứng trước mặt tôi đây. Lòng tôi bỗng dâng lên niềm cảm phục vô cùng với chú Quang Dũng , với bố tôi.Thấy tôi rưng rưng sắp khóc chú Quang Dũng cúi xuống nhìn tôi ,nghiêng đầu cười:
-Thiếu nhi cháu Bác Hồ mà khóc nhè à ?
Rồi chú đưa cho tôi chiếc khăn mùi xoa của chú. Tôi cầm nhưng không dám lau .
Vừa ngại vì khăn của người lạ ,vừa ghê ghê vì khăn trông không được sạch lắm .
Chả gì tôi đã lớn rồi .Tôi chạy ra ngoài , đứng ở cửa sổ nghe chuyện của hai người.Chú Hải cần vụ lại phải mang tô cơm có sẵn thức ăn ra cho tôi. Nhưng tôi không làm sao ăn được.Những câu chuyện về người lính Tây Tiến mà bố tôi vẫn kể trong thời kỳ bảo vệ biên giới Việt Lào năm 1947 -1948 cứ hiện lên trong tâm trí tôi. Bao năm đã qua rồi mà tình đồng đội , đồng chí giũa bố tôi với chú Quang Dũng vẫn gắn bó như thế .Có lẽ không có tình cảm nào có thể thay thế được. Họ gặp nhau ,ôm lấy nhau giữa trời nắng chang chang … hai người đã nghĩ những gi.Họ đang sống lại tuổi trẻ , đang ôm súng xông lên bắt quân thù đền tội …Cứ miên man như thế ,tôi đã viết được một bài thơ ngắn . Tôi nhớ đoạn cuối cùng :
.
Họ lặng lẽ ôm nhau
Trong nhớ thương vời vợi
Giọt nước mắt – giọt Hồn
Tưới xanh tình Đồng Đội !
20/6/1966
Viết xong , tôi chạy lên khoe chú Dũng . Chú đi rồi ! Con à !Bố tôi vừa nói vừa xoa đầu tôi .
-,Sao bố lại để chú đi !.Sao chú đi mà chú không chào con!
Rồi tôi đưa bài thơ vừa viết cho bố tôi xem .Bố tôi đọc đi đọc lại .Một lúc sau bố tôi bảo :con viết rất cảm động , phấn đấu thành nhà thơ nhé . Sau này bố tôi đặt tên cho bài thơ là Đồng đội . Bây giờ bố tôi và nhà thơ đều đã đi xa rồi .Nhưng kỷ niệm về buổi gặp gỡ giữa bố tôi và chú Quang Dũng không bao giờ phai nhòa trong tôi.Chính kỷ niệm về nhà thơ đã giúp bài giảng Tây Tiến của tôi có sức hấp dẫn hơn . Quá trình dạy học và sáng tác thơ của tôi có sự liên quan mật thiết với nhau .Những tác giả mà tôi yêu quý hình như khi giảng tác phẩm của họ tôi say sưa hơn , thu được thành công hơn .Tôi còn nhớ một ngày tháng ba năm 1980trong buổi nói chuyện về thơ Nguyễn Trãi tại hội trường sở giáo dục Hà nội của nhà thơ Xuân Diệu cho toàn thể giáo viên văn các trường cấp ba thành phố Hà Nội . Bài nói chuyện của thi sỹ khá thành công . Tranh thủ giờ nghỉ để chuẩn bị nghe tiếp phần thơ tình yêu của Xuân Diệu, tôi xin gặp ông để hỏi mấy câu mà tôi đã nung nấu ở nhà. Ông có vẻ không thoải mái khi nghe tôi trình bày nguyện vọng. Nhưng rồi ông vẫn đứng lại chờ nghe tôi nói.Thưa nhà thơ cháu …à quên em muốn hỏi bác (nhà thơ cau mặt lại)tôi biêt mình lỡ lời liền chữa :vâng, em muốn hỏi anh trong những bài thơ đã viết ,anh muốn chúng em nhớ và yêu nhất bài nào ?Xuân Diệu nhìn tôi vẻ ngạc nhiên ,khiến tôi lúng túng. Hình như ông muốn nói với tôi :sao lại hỏi ngớ ngẩn vậy?đã là thơ của tôi làm gì có chuyện bài nào hay nhất.Tôi không biết làm thế nào.Mặt nóng bừng lên vì xấu hổ.Ông ngó tôi từ đầu đến chân cái nhìn không còn ngạc nhiên mà như soi mói, khó chịu.Ông hỏi tôi:Cô có gia đình chưa? Có mấy cháu rồi ? Thấy tôi im lặng , ông cau mày và nói tiếp:có bao
gio người nào đó hỏi cô trong mấy đứa con đẻ ra, cô yêu đứa nào nhất không ?Đứa
nào cũng phải yêu , đứa xấu xí ,còi cọc lại càng phải yêu hơn chứ , đúng không?Bị dồn một trân như vậy tôi sợ toát mồ hôi, không biết nói sao nữa .May mà có người đến mời ông lên nhà khách uống bia. Tôi mới thoát. Tưởng ông quên, không ngờ nhà thơ đã đưa câu hỏi của tôi để mở đề buổi nói chuyện .Kết thúc Xuân Diệu cười và nói rất chậm: Nếu ai hỏi tôi tâm đắc nhất bài nào trong những bài thơ đã viết ? Xuân Diệu sẽ trả lời bài Biển. Nếu ai hỏi trong những câu thơ đã viết câu nào thích nhất? Xuân Diệu sẽ trả lời câu Mây chừng đây đó /Gió bao nhiêu ? Nếu ai hỏi Xuân Diệu từ nào yêu nhất anh sẽ trả lời : EM ! Cả hội trường vỗ tay nồng nhiệt, kéo dài. Đúng là Xuân Diệu ! Thế mới là Xuân Diệu chứ!Trong tôi thấy sung
sướng vô cùng.Tôi có cảm giác ông đang nhìn tôi, đang nói chuyện với riêng tôi. Sau này tôi và một đồng nghiệp còn được gặp ông một lần nữa,lúc tôi đến nhà mời ông về nói chuyện cho giáo viên và học sinh trường cấp 3 Tùng Thiện Sơn Tây.Hồi ấy ông từ chối bảo tôi sang trường viết văn Nguyễn Du mời nhà thơ Trần Đăng Khoa .Đến khi nhận ra tôi, ông đã chịu đứng lại nói chuyện dăm ba phút.Ông mặc bộ pidama mầu trắng , ngoài khoác cái áo len cộc tay mầu huyết dụ.Gương mặt ông trắng xanh.Đôi mắt có vẻ ngái ngủ , mệt mỏi.Khi nghe trường tôi muốn mời ông nói chuyện về: Hình ảnh anh bộ đội trong thơ ca chống Pháp , chống Mỹ. Nhà thơ cười rồi lắc đầu “ Tôi không nói được đâu, sắp tới này tôi phải vào nói chuyện ở Sài Gòn rồi. Nói về bộ đội à? Nhưng trước khi nói về họ, các anh chị có hỏi ta đã cho họ ăn ở như thế nào chưa ?Các anh chị có biết trên biên giới một tiểu đội có mấy cái đèn pin không? Mấy tháng ,hay mấy năm những người lính trẻ măng ấy ,họđược một lần xem phim ,xem văn công không ? Không chứ gì ! Tôi và chú Hà Văn Công cùng tổ chuyên môn đành im lặng. Thấy chúng tôi không nói gì nhà thơ liền chuyển đề tài. Ông kể chuyện chị giúp việc của nhà ông.Cứ mỗi năm gần tết, ông lại biếu chị mảnh vải đẹp đẻ may đủ một bộ quần áo. Năm nào cũng thế. Đến khi chị mất. Ông buồn lắm. Một tuần sau ông vào phòng chị ở để dọn dẹp thì thấy trong ngăn tủ còn nguyên những mảnh vải mà ông đã mua tặng chị. Kể chuyện xong mắt nhà thơ còn ngấn lệ…Lần đó dù không mời được ông nhưng tôi đã có thêm một tư liệu về con người ông. Rồi thời gian qua đi. Kỷ niệm về nhà thơ Xuân Diệu vẫn in trong lòng tôi . Đến đêm 19/12/ 1985nghe đài tôi mới hay Xuân Diệu – nhà thơ của tình yêu đã mấtngày 18. Phút chốc con người ông hiện về trước mắt tôi.Từ gương mặt ,cử chỉ , lời nói đến ánh mắt và mái tóc bồng bềnh của thi sỹ …Thương ông cả cuộc đời cô đơn , thương nhất những ngày tết của Xuân Diệu …Ông viết suốt ngày để quên đi trống vắng …Tôi giở lại những trang nhật ký viết về ông. Nhắm mắt lại tôi lại nhìn thấy ông. Đêm ấy tôi không sao ngủ được. Tôi vùng dậy lấy giấy bút chép tất cả những bài viết về ông. Nước mắttôi trào ra , những dông chữ nhòe đi. Có ai biết , Xuân Diệu có biết tôi đang khóc thương ông không? Một người cô đơn khóc một nhà thơ côđơn.Ngay đêm ấy tôi quyết định hôm sau sẽ về thăm ông , thắp hương cho ông . Nhưng rồi công việc chồng chất tôi không sao dứt ra mà đi được. Năm sau trước giỗ đầu ông 2 ngày tôi về Hà Nội viếng nhà thơ của tình yêu. Đến trước nhà ông phải nói mãi tôi mới được bà giúp việc nhà thơ Huy Cận cho vào sau khi xòe cho bà xem chứng minh nhân dân và thẻ Hội niên Hội vhnt Hà Tây.Tôi đặt năm quả lê lên đĩa trên bàn và cắm 5 bông hồng vào cái lọ hoa thủy tinh nhỏ.Tôi châm sẵn điếu thuốc Điện Biên để trên cái đĩa bé tý. Nhìn đồng hồ 20h15 phút .Tôi thắp hương và nhìn vào bức tượng nhà thơ rồi khấn :Bác Xuân Diệu ơi, Cháu là Chu Thị Linh Quang ở Hội VHNT Hà Tây thắp hương cho bác nhân sắp đên ngày giỗ của bác. Cháu cầu mong bác sớm được siêu thoát về cõi Tây Phương Cực Lạc để hết cô đơn , bác nhé. Bác hút thuốc đi và thưởng hoa.Cháu nghĩ chắc bác thích hoa hồng.Nhất định cháu sẽ viết một bài thơ thật hay về bác. Nhất định thế ! Khấn xong tôi nhìn lên tượng nhà thơ .Đôi mắt ông nhìn tôi chăm chú. Kìa ,nhang cong hết rồi kìa! Nghe tiếng bà giúp việc. Tôi nhìn thì đúng thật, ba nén nhang cong gập xuống thành ba vòng tròn . Tôi bàng hoàng nhìn ông …có lẽ ông đã về ?Hình như thế , tôi nghe tiêng chân ai bước nhẹ ,hay tiếng gió ? Xuân Diệu ơi , bác là nhà thơ của tình yêu. Tình yêu không bao giơ chết !Bác Xuân Diệu à . Bác cũng thế, bác sẽ sống mãi với tình yêu.
Tôi ra về lòng đầy xúc động . Có đôi bạn trẻ vì tranh thủ hôn nhau mà va vào tôi .
Hai cô cậu xin lỗi ,cười ,nói ríu rít .Phải rồi Tình yêu lại đơm hoa kết trái .Xuân Diệu mất nhưng những nụ hôn vẫn nở đấy thôi . Phải rồi …phải rồi thế là câu thơ về chiếc hôn đến với tôi …
Chiếc hôn giữa chừng em bỏ dở …
-Anh ,Xuân Diệu vắng nhà rồi ,
Đan tay vào nhau im lặng...
…Nghe giọt hương trời thơm bao môi …(Chu Thị Linh Quang -Tiếng hát gọi mặt trời-NxbHnv-2001)
Nên đặt tên bài thơ là gì ? Tôi định đặt là Không đề . Nhưng rồi quyết định đặt Hương trời . Hương trời sẽ còn mãi .Nó sẽ bất tử hóa cái chết của thi sỹ. Nó sẽ bất tử hóa tình yêu .Có lẽ đặt như thế sẽ hay hơn . Hôm sau lên Sơn Tây, về đến nhà tôi đã hóa bài thơ ấy gửi cho Xuân Diệu .Sau này cứ mỗi lần giảng đến thơ Xuân Diệu tôi đều thu được thành công là nhờ niềm cảm phục với nhà thơ và những tư liệu sống về ông .
..Tôi nhớ năm 1971 khoảng đầu tháng 6 vào một buổi trưa tôi nằm mơ một cơn ác mộng . Một chiếc xe com măng ca đỗ trước cửa .Một người mặc quân phục ,đeo xà cột chạy vào nhà tôi .Anh đưa cho tôi một tờ giấy đánh máycó ba chữ : giấy báo tử . Bên cạnh là dòng chữ tên người bạn trai thân thiết nhất của tôi .Tôi òa lên khóc và chạy ra ngoài trời .Trời mưa to lắm . Tôi cứ chạy ,chạy mãi. Mưa quất vào mặt .Cây cối tơi tả dưới mưa …Tôi vừa chạy vừa khóc .Nước mắt hòa lẫn mưa.Khi tôi tỉnh dậy thấy người ướt đẫm nước mưa . Giấc mơ có thật .Mưa to ,gió lớn ,sấm chớp đùng đùng là có thật .Tôi nằm mơ và tỉnh và chạy dưới mưa. Vào nhà giở ảnh người ấy ra xem tôi lại khóc và đã viết liền một mạch bài thơ :Em đi trong mưa . Sau này cuối tháng chin gia đình người ấy mới nhận được giấy báo tử.Đọc lại bài thơ này mà tôi vẫn có cảm giác như mới hôm qua. Nỗi đau biết bao giờ mới nguôi ?
Em đi trong mưa
Tháng sáu mà mưa nhiều ,
Cả đất trời sũng nước .
Không phải trận mưa rào ùa về từ ngày trước ,
Giăng màn mưa lộng lẫy không gian …
Tiếng anh cười cùng tiếng sấm nổ ran ,
Em nép vào anh bé nhỏ .
Mưa ,mưa nhiều vào ,mưa thật lâu ,mưa nữa ,
Đất trời nào sa mạc chẳng chờ mưa !
Tạm biệt nhé, những bong bóng phồng lên rồi vỡ tan rực rỡ muôn màu,
Cho hạt mưa đầu mùa long lanh mãi…
Mưa ,mưa đầy trời ,
Em đi trong mưa không nghe mưa rơi,
Không thấy gì hết cả !
Mưa trắng xóa che mờ vạn vật ,
Mưa hú dài lạnh buốt dọc triền sông ,
Mưa gào trên mái ngói ,
Vật vã trên không trung ,
Mưa quật nát tán lá bàng đẫm nước ,
Mưa sôi sục những âm thanh kỳ lạ,
Sấm , sấm đã nổ !
Sấm nổ rồi !
Trời tạnh , mây quang !
,Còn mình em đi giữa thế gian ,
Em bỗng thấy mình, lớn lên lạ thế.
Mưa bao hạt là bao lời thủ thỉ …
Nói cùng em, nói với riêng em …
Hạt mưa đầu mùa lóng lánh trong tim
Là dấu tích em soi vào muôn thuở .
Hạnh phúc hiện hình trong đau khổ ,
Sắc cầu vồng tan rồi em được cả cơn mưa! ! !
Tháng 6/1971
Đây là một bài thơ chứa chất cơn mưa giông sôi sục đau thương và căm giận của người thiếu nữ khi nghe tin người bạn trai thân thiết nhất của mình đã hy sinh nơi chiến trận . Viết xong tôi như vợi đi nỗi đau để tiếp tục sống và học tập, làm việc. Mỗi lần nhớ lại hoàn cảnh viết bài thơ này lòng tôi lại đau nhóí .Biết bao giờ sẹo hồn mới lên da non ? Niềm vui lên lớp và thơ trở thành bờ vai tin cậy nhất của tôi. Cố nhà thơ Phùng Quán trước đây đã từng viết “Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.”
Có một buổi trưa mùa Đông năm 1997 khi dừng chân trước mậu dịch cửa Nam tôi nhìn thấytrên hè bà mẹ ngồi bên chiếc cân có gương mặt giống mẹ tôi lạ lùng . Mái tóc bà trắng như bông. Gương mặt gầy nhăn nheo. Nước da nâu sạm. Bộ quần áo cũ kỹ, trên vai vắt chiếc khăn mặt dạt hết sợi, màu nước dưa.Vầng trán cao và đôi mắt buồn nhìn về nơi nào xa xa lắm.Thỉnh thoảng có người nhân tiện vào mua hàng thấy se lòng thì nhảy lên chưa nhìn cân đã dúi vào tay bà mẹ mấy xu lẻ.Có kẻ thì dậm chân mạnh rồi cười hô hố ném đồng xu vào nón bà mẹ rồi phóng đi. Suốt một giờ đồng hồ tôi để ý chỉ thấy mẹ nói bấy nhiêu cân, trừ quần áo còn bây nhiêu cân.Khách đối xử thế nào bà mẹ cũng chẳng để tâm.Hôm ấyvề tôi không làm sao quên hình ảnh bà mẹ. Từ đấy cứ mỗi lần có việc về Hà Nội tôi lại ghé vào để cân, để được nhìn thấybà và còn để được biếu mẹ đồng quà tấm bánh. Ngày nào mẹ cũng có mặt từ 7 giờ đến lúc thành phố lên đèn thì về. Hơn 70 rồi mà bà còn phải nuôi 3 cháu ngoại đi học. Bố mẹ chúng nó rủ nhau “đi’’ cả rồi. Nghe chuyện bà ai cũng thương. Nhưng biết làm thế nào.Hai năm sau tôi mới có dịp về Hà Nội, nhớ bà mẹ,tôi tìm đến nơi bà vẫn ngồi thì không thấy nữa.Chung quanh không ai biết bà mẹ đó đi đâu.Đêm ấy, tôi đi lang thang lòng trống vắng lạ lùng. Hình như tôi vừa mất đi cái gì quý lắm.Đến gần 12h đêm tôi về nhà cậu em nghỉ. Loay hoay thế nào lại nhớ đến bà mẹ ấy.Phải viết, nhất định phải viết.Mẹ ngồi ghé góc hè chật chội / Bên chiếc cân âm thầm …Cứ thế tôi viết, ngòi bút đi rất nhanh. Hết câu này tiếp câu kia .
MẸ NGỒI ĐÓ
Mẹ ngồi ghé góc hè chật chội ,
Bên chiếc cân âm thầm chờ đợi những bàn chân .
Mái tóc mẹ trăng như bông ,
Đôi mắt mẹ không vui không buồn .
Một bàn chân bước lên,
Một chiếc giày thả xuống.
Một con đường lầm lụi mờ xa …
Mẹ rướn vai đỡ đòn tre chín rạn ,
Bên đàn con, còn bên kia mưa nắng,
Mỗi bên nào ai biết nặng bao nhiêu?
Một bàn chân lam lũ bước lên,
Một chiếc giày bóng loáng dậm xuống,
Chiếc kim đỏ xoay tít ngả nghiêng.
Chiếc kim đỏ dừng lại: 74 cân !
-59 cân ,trừ giày và áo quần !
Người khách vội vàng châm thuốc hút,
Bước xuống đất và vứt lại đồng xu.
Mẹ ngồi đó,
Tóc trắng như mây,
Mây lững thững trôi… trên vầng trán…
Ánh mắt mẹ vời xa thăm thẳm …
Lặng lẽ cân,
Lặng lẽ Thừa –Trừ !
Hà Nội 9/1/1999(Chu Thị Linh Quang –Thơ-Tiếng hát gọi mặt trời-Nxb Hnv-2001)
Năm học 2006 tôi dạy khối 12 . Một buổi chiều đầu tháng 5 giờ ra chơi nhìn các em vẫn vô tư chạy nhảy, hò hét , gương mặt đứa nào đứa ấy đỏ bừng .Trong tôi trào lên niềm thương yêu vô bờ .Tôi muốn giang rộng vòng tay ôm các em vào lòng .Biết bao kỷ niệm về tình thầy trò lại sống dậy .Phút chốc những câu thơ vụt đến và reo lên từ tim tôi .Và thế là bài thơ : ‘‘Giờhọc cuối’’được ra đời .Tôi xin trích 2 câu : Cánh cổng xanh và con đường vàng nắng
Tiếng cười reo đầy ắp cả sân trường
( Chu thị Linh Quang –Thơ -Thông điệp xanh –Nxb Hnv 2006)
.Tôi còn nhớ một buổi sáng mùa xuân 2007nhân chuyến đi lễ Đền Và về tôi đi bộ vào thành Cổ. Tâm hồn bỗng thấy trẻ trung nhìn cảnh vật cái gì cũng đẹp, cũng đáng yêu.Thảm cỏ xanh non mơn mởn.Hàng liễu thướt tha soi bóng bên hồ .Không gian thơm hương cỏ cây.Gió xuân nhè nhẹ .Tiết trời trong trẻo quá . Phút chốc kỷ niệm của tình yêu ban đầu trỗi dậy.Cái tình yêu tuổi học trò với bao bỡ ngỡ, háo hức, khao khát, vụng về .Nó có khác gì cỏ non kia, tuổi 15 và cỏ cũng 15, cỏ 15 phải rồi tôi sẽ lấy cái tứ này để viết về tình yêu trong sáng ,tình yêu đẹp nhất của mình.Mấy ai đã yêu là lấy được người mình yêu. Vậy tình yêu duy nhất ấy sẽ trở thành ốc đảo nuôi dưỡng tâm hồn con người,nâng bước cho ta vượt qua mọi cản trở, mọi đau khổ để tiếp tục sống và làm việc.Nghĩ thế và tôi viết.Đến khi viết xong nhìnquanh không còn bóng người trong thành cổ. Không gian tĩnh lặng nhưng lòng tôi thì rộn rã vui sướng vô cùng .Tôi đặt tên cho đứa con tinh thần này của tôi là :
Cỏ 15.
Chiều ấy giêng, hai ta đi bên nhau
Con gió non thì thầm hò hẹn…
Nắm tay em, ai rót lời mật ong vào em?
Bờ sông em, bỗng dạt dào sóng nước,
Xanh mướt cỏ 15!
Cỏ 15 ơi,
Ngọn cỏ nào cũng tươi non, mọng sữa
Gió xuân mơn man từng lá cỏ,
Một miếng trời xanh phơn phớt rơi nhẹ xuống vai em…
Cỏ 15 ơi, cở 15 !
Con suối trong veo như ánh nhìn ngày ấy,
Con cá nào cứ nhởn nhơ bơi,
Chục cần câu đang căng mình chờ đợi,
Cỏ 15 nào có biết đâu…
…Cỏ 15…
giờ đã vút cao quanh thành Cổ,
Những dấu chân chiều giêng, hai xưa lẫn vào muôn thuở …
Chẳng còn nhớ gốc cây nào, ta dấu nụ hôn xanh.
Cỏ 15 sao mãi trong lành giữa muôn ngàn hỗn độn.
Đi suốt cả cuộc đời
Vãn thấy ngọt ngào, tươi non phía trước
-Xanh mướt cỏ 15 ! ! !
(Thường nhật-Chu Thị Linh Quang –Thơ Nxb VH 2008)
.Hôm ngày thơ VN tổ chức tại Quốc Tử Giám tôi có mặt từ rất sớm hy vọng lang thang chỗ nọ chỗ kia may ra viết được cái gì. Nhưng cả ngày hôm ấy chịu không viết được gì. Tối hôm ấy tôi ngủ lại Hà Nội.Đêm tôi mơ thấy đang ngồi nói chuyện với mấy bạn văn chương. Lúc sắp về thì xuất hiện bác Thế Mạc vác một bức hoành phi đến. Tôi nhìn thấy ba chữ :Hàn Mặc Hương (Hương thơm từ nghiên mực )
.Tự nhiên tôi nghĩ đến đài nghiên ,tháp bút. Thời gian có tàn phá nhưng hương thơm ,thì vẫn còn .Đó chính là cái tinh hoa,tinh túy của 1000 năm Thăng Long …
Vậy là có tứ rồi .Tỉnh dậy tôi mừng quá .Lấy giấy bút viết ngay mấy câu thơ đầu .
Và những câu thơ tiếp tục nhảy trên mặt giấy như niềm vui của tôi.Bài thơ “Hà Nội ơi! ”của tôi ra đờinhư vậy.Bài này đã được chọn vào trong 210 bài thơ hay / 2000 bài thơ dự thi viết về Hà Nội. Tôi xin trích đoạn cuối :
Ngước nhìn Tháp Bút hiên ngang
viết vào trời xanh nỗi khát khao ngàn đời yên bình của dân tộc .
Ngân nga, ngân nga tiếng chuông từ Trấn Vũ
Bồng bềnh khói sương …Tháp Rùa ẩn hiện …
Bỗng thấy hồn cây tôi trong trẻo,
trong trẻo đến lạ lùng …
…Thoang thoảng mùi hương từ Đài Nghiên bay lên …
( 210 bàithơThơ hayviết vềHà Nội – Nxbhnv 2010.) Nhiều lần đi thực tế ở vùng biển có lúc tôi mong mình có phép lạ để đi trên ngọn sóng sang bờ bên kia hưởng một cuộc sống tự do.Biết đâu người tôi mong đợi đang chờ tôi ở đó.Tôi sẽ vượt lên đứng trên đỉnh sóng để đến với tình yêu.Có một lần vào chiều hè tháng 6 tôi tắm ỏ biển Sầm Sơn Thanh Hóa . Nhìn những con sóng thay đổi mầu sắc qua phản chiếu ánh sáng khiến tôi ngỡ ngàng.Để đến được với tình yêu đích thực ai cũng phải đạp qua muôn ngàn sóng gió. Mấy ai đã nắm bắt được nó?Mấy ai đã đi đến bến bờ hạnh phúc đích thực? Nhưng chính vì gặt hái thất bại, đau khổ mà vẫn khao khát tình yêu cao đẹp nên tình yêu tỏa sáng vẻ hấp dẫn và sức mạnh vô biên của nó. Miên man trong suy nghĩ và niềm xúc cảm ấy mà tôi đã viết được bài thơ “ Đỉnh sóng” .Bài này gửi lên mạng đã được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khen “ Bài này hay, em à!’’ và nhà thơ đã cho đăng ngay trên ntt.org.
Hà Nội- đêm ,
Hà Nội đã ngủ yên,
Ba mươi sáu phố phường chắc cũng ngủ yên rồi .
Nhưng những con gió lang thang trong tôi không chịu ngủ yên,
Những con bão nổi trong tôi không chịu ra đi .
Bỏ lại dòng sông đỏ mắt đợi,
Tôi đến đứng trước Biển Chờ,
Để đợi anh, chỉ đợi một mình anh !
Bắt đầu là con sóng nhỏ mầu xanh,
Xòe những búp tay dịu mát chải cho tôi mái tóc mềm,
Và khi mặt trời cười rạng rỡ,
Sóng đặt vào trán tôi một cái hôn thiết tha và trong sạch .
Bắt đầu là con sóng mầu nâu, mang hơi thở của phù sa trăm quê ..
Sóng ùa đến ôm chặt lấy tôi, quặp chặt lấy tôi , tung tôi lên và cười đắc thắng .
Ôm con sóng mầu nâu vạm vỡ,
tôi lung l;inh, rộng lớn… giữa vô cùng …
Tôi gọi sóng, sóng gọi vào mênh mông,
mênh mông gọi vô cùng. ..những hoang đảo nguyên sơ đang khát nước, khát gió và khát nắng .
Ôi, con sóng muôn mầu vạm vỡ
Đã đưa tôi đi qua muôn đỉnh Biển Chờ .
Để đợi anh, chỉ đợi một mình anh !
Bắt đầu là con sóng mầu đen ,
Mang đau khổ, giá băng từ muôn phương ập đến,
Tôi vẫn cứ đứng trên đỉnh Biển Chờ
Để đợi anh chỉ đợi một mình anh !
Bắt đầu là con sóng cuối cùng ,
Con sóng tím từ phía chân trời ào đến,
Anh có dám đứng trên đỉnh sóng
-Để chờ em,
-Chỉ chờ một mình em!
Văn Nghệ số 13(27/32010)
Nhân đây tôi xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã sửa 2 từ “trở nên”trong cụm từ “tôi trở nên” bằng 2 từ “ lung linh”đã làm câu thơ hay hơn,gợi hơn “Tôi
lung linh rộng lớn giữa vô cùng ”(sau khi bài đăng trên báo Văn Nghệ ngày 27/3) tôi đã gửi đến ntt.org ) Kể lại những kỷ niệm trên , tôi mong muốn gửi đến những người bạn thân thiết của tôi thời cắp sách , thời sinh viênvà quá trình giảng dạy đã động viên tôi nuôi dưỡng tình yêu nghề ,yêu thơ biến nó thành sức mạnh nâng bước tôi đi qua muôn khó khăn thử thách .Để giờ phút này tôi được nhìn thẳng vào mắt của các thế hệ học sinh tôi đã dạy mà mỉm cười thanh thản : Cô là cô giáo của các em ,là người làm thơ .
Tôi sẽ vẫn cứ đi trên con đường ấy dù biết như vậy, dù biết phía trước không có ai chờ đợi mình …
Sơn Tây 6/4/2011