Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHẤT XÚC TÁC LÀM NÊN “KỊCH ĐỘC” CỦA NHÀ VĂN LƯƠNG VĂN CHI

Nguyễn Quốc Hùng
Thứ bẩy ngày 2 tháng 7 năm 2011 7:28 PM

 

Những con người nhọc nhằn, bon chen để kiếm lấy miếng ăn hàng ngày chỉ với ước mong nhỏ nhoi là sẽ được tồn tại, sẽ được sống. Những phận người lay lắt, lập lờ trôi trên dòng sông cuộc đời. Trôi về đâu? Và đâu là giá trị trường tồn của cuộc sống? Đọc và cùng cảm nhận những suy nghĩ đó với nhà văn Lương Văn Chi qua tập truyện ngắn Kịch độc do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành tháng 5 năm 2011.

Vốn sống, đó là một trong những tiêu chí hàng đầu trong công việc của người viết văn xuôi. Cho dù theo lối viết cổ điển hay đến xu hướng hiện đại ngày nay thì trong mỗi tác phẩm của nhà văn không thể không có nhân vật của riêng mình. Mỗi nhân vật phải mang trong mình hơi thở của cuộc sống. Nhân vật văn học ở quanh ta nhiều lắm nhưng người viết gom nhặt được những gì để tạo nên tác phẩm đó lại là cơ duyên và sự nhạy bén của mỗi người. Những mẩu gỗ vụn, những cành rào, cành rong hay đến những súc gỗ quý đều tạo nên một sản phẩm thông qua bàn tay chế tác của người thợ. Và trong muôn vàn loại “gỗ” cuộc đời thì người thợ cưa xẻ Lương Văn Chi đã chọn nhặt những “cành rào, cành rong” ở bờ ở bụi để làm nên tác phẩm cho riêng mình.

“Thỉnh thoảng bố lại thở dài, lẩm bẩm một mình: Mẹ kiếp! Kiểu này, rau úa cũng không có mà ăn!” Đó là cảnh đời của một gia đình sống trong cái vuông nhà trọ sau khi di dời đất ở quê để làm khu công nghiệp, bố đạp xích lô, mẹ gánh rau bán dạo nuôi hai đứa con nhỏ. (Cún và người). Một cô gái điếm phải làm tình với “Năm trăm thằng! Ông biết đếm chứ, năm trăm thằng! Gấp đôi đàn ông cái làng này!” mới ki cóp để dành được hai mươi triệu. (Kịch độc) “Thậm chí mấy lần khát nước, anh cũng không dám sang cái quán gốc cây bên kia đường,…., bởi trong ví của anh, ngoài giấy tờ ra, anh chỉ còn chẵn 10 nghìn để đổ xăng” Tài sản của người xe ôm chỉ có vậy. (Cuốc xe đêm). Từ một người thất nghiệp như Lương  thì nguồn thực phẩm chủ yếu của gia đình chỉ là “nhiều kí lô gam muối hạt ngô và những mớ rau muống” (Một ngày kiếm việc) Đến những người được dán mác công nhân nhà nước cũng phải để dành bộ quần áo bảo hộ mới lĩnh cho những lúc “Chả nhẽ tôi cứ phải nói như đục vào tai cô mới nhớ được hay sao? Để lúc hết gạo, chậm lương, mang ra vườn hoa kia, cô nhớ chưa?” (Hy râu) Hay một thanh niên to cao như Sơn trong Hiệp Sĩ, sức khoẻ loại A hoa, có bằng tú tài và lý lịch trơn tru cũng không xin nổi việc ở cơ quan nào để mỗi sáng ngủ dậy phải chờ mẹ phát chẩn vài nghìn ăn quà sáng.

Với gia cảnh như vậy, họ phải gắng bươn chải kiếm sống mong sẽ khấm khá hơn để mà đổi đời. Mơ ước của họ cũng đơn giản thôi. “Thuần dự định, khi kiếm được một số vốn, con người cô đã rạc dài, Thuần sẽ bỏ nghề về quê sinh sống.” (Kịch độc) “Tuy ít ỏi, chỉ 10 nghìn một chuyến, nhưng là khoản thu đều đặn, bù đắp và an ủi” (Cuốc xe đêm) Cho dù đã trở nên khá giả do thời cuộc tấc đất tấc vàng mang lại nhưng họ cũng chẳng dám khoa trương, bởi cái nghèo đã găm sâu trong tiềm thức. “Nhưng tôi gạt đi: mình là anh dân thường gặp may, không tài cán gì, …, khuếch trương làm gì cho mệt” (Khẩu phục)

Họ bị ném ra giữa dòng đời cuộn chảy. Bằng cách nào họ bơi vào được bờ? Nếu không vào được bờ thì họ sẽ bị chết chìm thế nào? Đến đây chính là sự khéo léo đưa đẩy, sắp xếp tình tiết cho nhân vật của nhà văn để người đọc cùng đồng cảm với ý tưởng của mình. Ông chú trong truyện ngắn “Kịch độc” khi thú tính phát tác sẽ làm gì trước toà cơ thể con gái của người cháu đã bị dồn vào chân tường? Khi đồng tiền thâu tóm mọi quyền lực trong xã hội, cả cái quyền được ăn một bữa no nê của người lao động cũng bị bọn ăn trên ngồi trốc mang ra đùa cợt thì ứng xử của nhân vật sẽ ra sao? (Quyền khinh bỉ) Liệu xã hội có ai xót cho một ông bố rơi vào cảnh “Không còn một nghìn…! - Bố vứt phạch cái áo xuống đất - Mệt! Nhầm đường cấm, bị làm luật! May mà không bị thu xích lô!” Và ông rên rỉ “Thân tôi không bằng thân con chó!” (Cún và người)  Và chất xúc tác để làm nên giá trị trong những câu chuyện ấy của nhà văn đó là Nhân tính vẫn ẩn khuất đâu đó trong con người. Nhân tính là giá trị trường tồn của cuộc sống. Hành động của người cháu đã đánh thức Nhân tính trong chú mình để ông ta không rơi xuống vực sâu oan nghiệt trong phán xử của kiếp người. Người lao động rơi vào cảnh bần cùng, bị tước đoạt mọi quyền năng trong xã hội nhưng họ vẫn còn có quyền “đó là quyền khinh bỉ, mỗi khi sức lao động quý giá của họ, con người lam lũ của họ, bị chúng đem ra làm trò giễu cợt, bỉ bai” (Quyền khinh bỉ)  Nhân tính khiến họ biết nhìn lên. Cái chết của ông bố khác nào một con chó. Nhưng “một người khoẻ ngủ, khoẻ vung roi như bố, được mọi người cứu giúp có thể thoát được thứ nước cống đặc như vậy” (Cún và người)  Trước cảnh đời như vậy, nhà văn hy vọng và người đọc chúng ta hy vọng, tương lai của nhân vật sẽ tươi sáng hơn bởi Nhân tính vẫn còn. Tính nhân văn trong kịch độc đạt hiệu quả cao.

Phương pháp xây dựng một tác phẩm văn xuôi ngày nay thì vai trò dẫn dắt câu chuyện của nhà văn sẽ không tồn tại. Nhân vật phải sống bằng chính cuộc sống của họ và sống cùng sự cảm nhận của người đọc. Trong Kịch độc, ở một vài truyện ta thấy sự phát triển của mạch chuyện, sự phát triển tâm lý nhân vật lộ rõ bàn tay bày đặt của tác giả. Trong truyện ngắn “Khẩu phục”, /Người cháu đến nhờ Bạch cất nóc hộ - Bạch nhớ lại gia cảnh nhà mình thời bao cấp xưa kia để thể hiện cảnh đời và tâm lý nhân vật/ /Thầy Bất như người chỉ hướng cho tương lai của Bạch - Bạch mua được đám đất như thể số trời đã được thông qua lời thấy Bất để định hướng cho câu chuyện phát triển/ /Trong bữa tiệc khao nhà mới Bạch lúng túng trong một tình huống khó xử phải nhờ tới tài giỏi đối đáp của vợ - Nhớ lại chuyện vợ chồng ngày xưa để triển khai tình tiết tiếp theo/ Với cấu trúc này truyện trở nên rườm rà, khó theo dõi nếu như không có những chi tiết độc để thu hút người đọc. Trong “Một ngày kiếm việc” cũng vậy, cứ một đoạn thực tại lại xen vào một đoạn về quá khứ như là lời giải đáp.

Với “Cún và người” lại hoàn toàn khác. Một đường cưa nhanh, gọn đã cắt được một sản phẩm đẹp khiến người thưởng thức xúc động. Một con chó bị cướp đi sinh mạng chỉ vì tính ích kỷ của ông bố. Và ông bố lại bị rơi vào sự vô tình của chính đồng loại. Con chó gây lên tội gì, ông bố mang tội gì mà đều phải chịu cái chết oan nghiệt. Cái tội nghèo chăng? Một lời ai oán ở câu kết mong động tới lòng trắc ẩn của đồng loại.  “Cún và người” gọn, tính khái quát cao, thể hiện được nội lực trong tư duy nghệ thuật của tác giả.

Kịch độc thu hút được độc giả bởi đã đề cập tới nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, nhiều thân phận nghiệt ngã mà xã hội đang quan tâm. Rất mong nhà văn, người thợ cưa xẻ Lương Văn Chi sẽ lại gom nhặt thêm những “cành rong, cành rào” trong cuộc đời để chế tác nên những tác phẩm mới hay hơn nữa.