Sau thời gian dài im hơi lặng tiếng, năm 2000, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho ra mắt tiểu thuyết “ Hồ Quý Ly”, tạo thành hiện tượng văn học sôi động. Sách bán rất chạy. Nhà xuất bản cho nối bản, tái bản nhiều lần. Nhiều báo chí bàn tán ngợi ca. Có hội thảo khoa học về cuốn sách này. Ông trở thành người nổi tiếng.
Nhưng mãi sau này, tôi mới có dịp quen biết ông. Trước đó, nhà văn Lê Bầu, một người bạn thân của ông, đã đôi lần kể về cuộc đời cay cực, vất vả mà ông đã trải qua, thì tôi càng nể trọng.
Ông là người Hà Nội gốc. Cái làng quê Cổ Nhuế của ông nay đã biến thành phố xá. Có thời, gia đình ông sống ở phố Huế, một phố buôn bán sầm uất. Còn bây giờ, ông ở ngõ nhỏ thuộc phố Trần Khát Chân. Ông và gia đình đã sống mấy chục năm trên mảnh đất này. Diện mạo ngõ phố bây giờ khác xa với xóm nghèo ngày trước. Những căn nhà lá xập xẹ. Những bờ ao bờ chuôm thả đầy rau muống bè. Những khóm tre pheo tả tơi. Những người lao động lầm lũi. Những cống rãnh nước thải của thành phố đổ về. Xác chuột chết, lòng lợn lòng gà thối, những cọng rau ôi vật vờ trôi... Tôi muốn nhắc lại môi trường sống của nhà văn mấy chục năm từng gắn bó, để hiểu thêm những trang viết của ông sau này.
Cuộc đời mỗi con người có những khúc ngoặt bất ngờ. Ông kể, đang là sinh viên trường y, một trường đại học sang trọng ở Hà Nội, năm 1952, ông bỏ bút nghiên xin đi bộ đội. Nhiều người trong gia đình phải kêu lên, là ông có thần kinh không đấy? Những ngả đường hành quân, những buổi diễn tập và tình đồng đội đã thôi thúc ông cầm bút. Tryện ngắn đầu tay “ Một đêm ” in trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, năm 1959 ; rồi tập truyện ngắn “ Rừng sâu”, Nhà xuất bản Văn học, in năm 1962, là những chứng chỉ cho ông bước vào con đường sáng tác văn học đầy cam go và nhiều giá phải trả. Những ngày tháng đi dự Lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ, khóa 1, cho ông tiếp xúc nhiều nhà văn nhà thơ danh tiếng; đồng thời được sống cùng những người cầm bút cùng trang lứa, rồi sau này, họ đều là những nhà văn chủ lực tạo lên diện mạo văn học nước nhà. Học xong, ông trở về làm việc ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Ông là cây bút năng nổ. Ấy rồi vướng mắc quan điểm nghề nghiệp, ông phải chuyển sang báo Thiếu niên tiền phong. Những năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại, ông làm phóng viên thường trú ở khu bốn. Năm 1983, ông về nghỉ hưu non. Đời ông lại sang một khúc ngoặt mới. Ông phải làm mọi việc nặng nhọc để có tiền nuôi con ăn học. Thợ mộc, thợ bốc vác, thợ cán mỳ sợi, bảo vệ kho lương thực. Có thời kỳ làm thợ may. Ông có đôi bàn tay may khéo léo, từng may cắt quần áo cho nhiều nhạc sỹ, họa sỹ. Một thời, túng quá, ông phải đi bán máu. Ông từng làm bí thư chi bộ tiểu khu Thanh Nhàn. Năm 1970, xóm nghèo Thanh Nhàn có điện nước sinh hoạt, người dân nơi đây vẫn nhắc, ấy là phần lớn nhờ công sức của ông.
Con người ông sinh ra như để gắn bó với con chữ. Sau những giờ phút lao động mưu sinh cật lực để nhận đồng tiền về nuôi vợ con, những con chữ, những trang sách lại vẫn quẫy đạp trong tâm trí ông. Khốn nỗi, vì lâm nạn nghề nghiệp một thời, nên mỗi khi toan cầm bút viết, tâm trí ông lại giằng xé. Một loạt bạn viết của ông cùng bị chung số phận. Ấy là Châu Diên, từng có “ Con nhện vàng”. Lê Bầu, từng có “ Thông reo”. Ấy là Dương Tường, từng có những bộ sách dịch đồ sộ. Rồi Bùi Ngọc Tấn từng in vài tập truyện ngắn... vậy mà thời kỳ ấy, họ đều phải im hơi lặng tiếng, vì những lý do rất khó giải thích. Thời điểm ấy, họ đều vất vả, ít gặp gỡ, ít đàm đạo về văn chương nghệ thuật. Nhưng họ vẫn âm thầm, quyết liệt với con chữ. Khi có cơ hội, họ lại quyết quật trở lại, với cái nghiệp vừa vinh quang vừa cay đắng của họ.
Chả biết sức mạnh vô hình nào cho ông đương đầu với những công việc mưu sinh quá nặng nhọc so với sức vóc của ông? Sau những phút đổ mồ hôi, sau những ngày tháng túng bấn, đêm đêm, ông lại chong đèn thức cùng con chữ. Những trang sách kinh điển, luôn dọi ánh sáng huyền diệu cho ông tin yêu và vượt qua những khoảng khắc bi đát. Những con chữ vẫn bám riết lấy ông. Vốn ngoại ngữ tiếng Pháp được cơ hội phát huy. Ông đọc và dịch. Ông đã dịch hàng chục cuốn sách. Ông sớm có ý thức củng cố tri thức để làm hành trang trên con đường dài của mình.
Hai tiểu thuyết “ Miền hoang tưởng ” và “ Trư cuồng ” của ông ra đời trong thời gian này. Đấy là thời kỳ mà tên tuổi ông vẫn khó được chấp nhận trên các báo chí. Vậy mà ông vẫn âm thầm viết. Bản thảo viết ra, một vài bạn bè thân đọc. Họ khen và cổ vũ. Nhưng việc công bố tác phẩm thì vẫn là điều xa xôi. Mãi cho đến khi ngọn gió đổi mới thổi khắp đất nước, năm 1990, tiểu thuyết “ Miền hoang tưởng ” của ông mới được Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản, với bút danh Đào Nguyễn. Đứa con tinh thần ra đời trong bối cảnh không mấy suôn sẻ, nhưng cũng đủ củng cố cho ông niềm tin. Rằng, những trang viết nếu thật sự vui buồn vì nhân dân, vì đất nước, thì trước sau sẽ được nhân dân đón nhận.
Với niềm hứng khởi đó, ông bắt tay vào viết tiểu thuyết lịch sử “ Hồ Quý Ly “. Ông đã mạnh dạn khai thác thời khắc đầy sóng gió của lịch sử. Hồ Quý Ly là nhân vật đầy mâu thuẫn. Là một nhà cách tân? Hay là một bạo chúa? Câu hỏi luôn bám riết trong quá trình sáng tạo của ông. Mỗi trang sách đầy ăm ắp sự kiện và giằng xé tâm trạng. Nhà xuất bản Phụ nữ đã mạnh dạn đón nhận và xuất bản tác phẩm này. Quan hệ giữa nhà văn và Nhà xuất bản đôi khi là một cơ duyên. Ông trở thành tác giả thân thiết đặc biệt với Nhà xuất bản Phụ nữ từ đó. Sách của ông được tái bản liên tục và được nhận nhiều giải thưởng văn học cao quý.
Gần bẩy mươi tuổi, ông lại bắt tay vào viết tiểu thuyết mới, tiểu thuyết “ Mẫu thượng ngàn”. Ông muốn tái tạo sự sống của làng cổ vùng đồng bằng Bắc bộ qua trang sách của mình. Đạo Khổng thâm nhập vào Việt Nam, đạo Mẫu có bị bài trừ? Theo ông, đạo Mẫu là đạo của người nghèo khổ. Dưới mỗi mái nhà, là bao cảnh đời chẳng bình yên. Những hội hè đình đám, những tập tục, những hương ước, lề lối của xóm làng trói buộc, đày đọa bao kiếp người. Hàng mấy chục nhân vật sống động trong từng trang sách. Bà đĩ Váy, bà mõ Pháo, cô đồng Mùi, cô trinh nữ Nụ... Bà Tổ Cô thì bí ẩn, bà Ba Váy thì đa tình, bao mùa màng, bao lễ tết vừa giải thoát, vừa trói buộc con người.“ Mẫu thượng ngàn” là tiểu thuyết phong tục, tràn ngập âm thanh và màu sắc.
Lại dồn sức vào niềm đam mê mới. Ông viết tiểu thuyết “ Đội gạo lên chùa”, cuốn sách tạo thành bộ ba của chủ đề mà ông ấp ủ. Lại những cảnh đời của người áo nâu chân đất, lầm lũi và giầu mơ mộng. Lại vẫn những luật lệ hủ lậu, hà khắc của thôn xóm. Lại những binh biến, loạn lạc, làm tan nát cuộc đời họ. Ấy nhưng họ vẫn bền bỉ sống. Những tình cảm vẫn đằm thắm, những nghĩa cử vẫn ngời sáng, những số phận vẫn trớ trêu, những kiếp người vẫn bị quăng quật. Với lối viết điềm tĩnh mà cuồn cuộn, với cái nhìn tỉnh táo mà mê muội, tiểu thuyết “ Đội gạo lên chùa” đưa người đọc đi dọc chiều dài chiều rộng của một vùng quê đầy kịch tính. Ngôi chùa nhỏ ở làng Sọ, như muôn vàn ngôi chùa quê khác, bao đời nó là nơi trú ngụ của những tâm hồn bất an, những số phận đầy trắc ẩn. Chú tiểu An, hòa thượng Vô Úy, sư bác Khoan Độ, bà cụ Thầm, bà Nấm, bà Khoai, cô Thắm, cô Nguyệt, em Rêu... bao năm, họ vẫn cam chịu sống trong không gian u u mê mê. Lòng tốt, đức tính nhân ái, tình thương yêu cũng chẳng đưa họ sống vượt giới hạn tăm tối và hà khắc của lũy tre làng. Tiếng mõ, tiếng chuông chùa, mùi hương khói, hương hoa ngâu, hoa mộc cũng chỉ an ủi xoa dịu một phần nỗi đau trần thế của họ. Nhà văn đã chỉ rõ, cửa Phật là nơi nương tựa và trú ngụ những tâm hồn mong manh, mờ mịt, bất an. Chỉ có cách mạng mới lay thức, thay đổi và đem ánh sáng sự sống mới cho họ. Nhưng cách mạng rồi, thì Phật ở trong mỗi con người ra sao? Cái thiện cái ác, thế giới tâm linh con người có thay đổi? Tiểu thuyết “ Đội gạo lên chùa” đặt ra những vấn đề nhân sinh muôn thưở của con người, cần lời giải đáp. Với một bối cảnh không gian làng quê nhỏ, những con người trong vùng quê bé nhỏ, nhà văn đã phác họa và khái quát một phần số phận của dân tộc. Khác với các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử trước, ông không lệ vào các sự kiện. Sự kiện lịch sử chỉ là nơi nương tựa, để ông giăng mắc các số phận. Từ những số phận đan chéo buồn vui, ông lý giải mọi mâu thuẫn. Văn của ông có sức mê dụ người đọc, tạo thành thủ pháp riêng, sự thành công riêng của ông.
Nhiều sự việc, nhiều cảnh đời trong sách ám ảnh tôi. Sự chịu đựng âm thầm của hòa thượng Vô Úy, đường đời gập ghềnh của An, thân phận vô hinh vô ảnh như bà Nấm, cô Khoai, giếng thơm và cái chết của Rêu hẳn mãi day dứt người đọc. Rêu trong sáng, mong manh và nhậy cảm. Tại sao Rêu phải trẫm mình xuống giếng thơm tự vẫn? Vì Rêu không chấp nhận sự thực bẩn thỉu. Nói một cách khác, Rêu đổ vỡ niềm tin. Con chim họa my có cổ họng thủy tinh và tiếng hót vút cao đã phải gãy cánh. Rêu như hình tượng của nghệ thuật đích thực, không đồng lõa với cái ác, cái lừa dối, nên phải trả giá. Tôi lại nhớ hình tượng con hổ cảm nhận được tâm tính sư bác Khoan Độ, do hòa thượng Vô Úy thuần dưỡng nơi cửa phật. Khi bị sa bẫy kẻ ác, con hổ quyết cắn bỏ một chân mắc bẫy, ba chân còn lại cố lết về rừng xanh, chấp nhận cái chết cô đơn nơi hang sâu, không cam chịu chết đớn hèn trong tay kẻ ác. Đó là cái chết đầy tự trọng. Một hình ảnh khác trong tập sách, mà mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn thấy nhồn nhột. Ấy là cảnh tra tấn người trong bể phân. Người bị nhục cứ bị dấn chìm từ từ trong bể phân. Những con ròi bẩn thỉu cứ vô tư bò lên mặt, lên mũi, rồi nó bò vào trong lỗ mũi, bò vào trong lỗ tai, nó gặm nhấm óc người đang bị làm nhục. Với một bút pháp già dặn, điềm tĩnh, tỉnh táo, cố giấu đi nỗi đau quặn thắt thương cho một kiếp người.
Trong một chuyến đi thăm ngôi chùa cổ vùng Kinh Bắc, tôi toan hỏi ông khi viết tới những trang văn ấy, ông có buồn lắm không? Rồi tôi không nỡ hỏi. Vì tôi biết mỗi trang viết là mỗi khúc ruột đầy nỗi niềm của ông. Cuộc đời bể dâu trong trang viết, thấp thoáng hiện lên chặng đường đời không mấy suôn sẻ của ông. Tôi nghiệm thấy rằng, người cầm bút có tài, nếu chịu nhiều bất hạnh trong đời sống, thì những con chữ trên trang viết lại như được bù đắp lại. Những con chữ phập phồng, chứa chất nỗi niềm, nặng nhiều nghĩ suy.
Tiểu thuyết “ Đội gạo lên chùa ” sau bao năm ông trăn trở, đã được Nhà xuất bản Phụ Nữ cho ra mắt bạn đọc. Ấn phẩm sang trọng, gần chín trăm trang khổ 14x20,5cm. Sau mấy ngày bận bịu niềm vui đi tặng sách mới cho người thân, một buổi chiều gặp ông, ông kêu lên: Chán quá, đang chán quá! Tôi hiểu, đó là trạng thái tinh thần của một người có ý thức. Với một người thô sơ nào đó, hẳn sẽ hoan hỉ thỏa mãn với thành quả nghệ thuật của mình. Còn ở ông, tôi cảm nhận ông như người vừa bị rút hết ruột gan cho cuốn sách vừa ra đời. Có thể ông đã và đang ấp ủ một đề tài mới cho cuốn sách mới. Có thể niềm vui lớn hơn đang chờ đợi ông ở phía trước.
Một người cầm bút đã tuổi tám mươi, cứ vài năm lại cho ra mắt một tác phẩm bề thế, đóng đinh vào tâm thức người đọc như ông, thì thật hạnh phúc. Trong tiểu thuyết “ Hồ Quý Ly” ông có mượn ý người xưa mà nói rằng: con người vốn độc hành, độc bộ. Vâng, người nghệ sỹ chân chính luôn cô đơn, biết lặng lẽ đi theo lối của riêng mình !
Tháng 6-2011
VŨ TỪ TRANG
Nguồn: ANTG