Dương Đức Quảng
Trước hết tôi phải nói rằng, tôi không phải là người hiểu biết sâu sắc về thân thế và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người được dư luận trong nước và nước ngoài đánh giá là một trong những vị lãnh đạo của Đảng đi đầu trong công cuộc đổi mới trong những năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hôm nay, 1/7/2011, kỷ niệm 96 năm ngày sinh của Cố Tổng Bí thư, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ nhưng lại là một cảm nhận sâu sắc của tôi, một nhà báo có may mắn được tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đi thăm các đơn vị và địa phương sau khi ông đảm nhận cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Sau gần bốn năm làm phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn (1981-1984), tôi được cử đi học tập trung tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc ( từ 1984 đến 1986). Kết thúc khóa học, tôi được cử đi thi nghiên cứu sinh để đi học ở nước ngoài. Trong thời gian chờ đi làm nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc vào giữa năm 1987 trở về công tác tại cơ quan cũ, tôi được cử làm phóng viên đặc biệt của TTXVN đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau khi ông được Đại hội VI (từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12 năm 1986) bầu vào cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tôi vẫn nhớ như in lần cùng anh Xuân Lâm, phóng viên ảnh của TTXVN, lên gặp ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Văn phòng Trung ương Đảng, nhận nhiệm vụ đưa tin và chụp ảnh chuyến đi thăm các đơn vị, địa phương lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đó là chuyến Tổng Bí thư đi thăm và chúc Tết đồng bào và chiến sĩ nhân dịp Tết Nguyên Đán Đinh Mão 1987. Ông Mẫn nói với hai anh em chúng tôi:- Anh Mười Cúc (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) nói tôi dặn anh em cùng đi khi đến các đơn vị, địa phương không được nhận quà và không được gây phiền hà cho những nơi đến thăm. Anh yêu cầu Văn phòng bố trí đoàn xe anh đi thật gọn nhẹ, không quá ba xe, không được “tiền hô hậu ủng”, không được có xe cảnh sát rú còi dẹp đường…Ông Mẫn kể, phải báo cáo lại mãi Tổng Bí thư mới đồng ý cho thêm một xe chở các phóng viên của TTXVN, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân theo Đoàn, nên đoàn đi sẽ có bốn xe. Nhưng anh Mười Cúc dặn không được quá 25 người đi cùng anh.
“Vì thế các anh lưu ý giữ gìn khi đi cùng anh Mười”- ông Mẫn căn dặn hai anh em chúng tôi.Chương trình của Tổng Bí thư bắt đầu là đến thăm, chúc Tết các chiến sĩ Sư đoàn 308 – “Sư đoàn Quân Tiên phong” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đang đóng ở Xuân Mai, Hà Tây; sau đó đi thăm và chúc Tết đồng bào Hải Phòng, công nhân mỏ Quảng Ninh. Trên đường đi Hải Phòng, Tổng Bí thư về thăm quê ở Giai Phạm, Hưng Yên, ra đồng thắp hương trên phần mộ cụ thân sinh, nhưng không nghỉ lại quê mà đi luôn. Trở về Thủ đô, Tổng Bí thư đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội.Sẽ có dịp tôi viết kỹ hơn về “những điều mắt thấy tai nghe” từ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong chuyến đi này, nhất là cuộc làm việc của Tổng Bí thư với lãnh đạo Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Hải Phòng về công cuộc đổi mới. Song hôm nay, tôi chỉ xin kể lại một chuyện nhỏ xung quanh việc “đi không quá bốn xe và không quá 25 người” mà Tổng Bí thư quy định. Đây không phải là lần đầu tiên tôi được tháp tùng các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đi thăm, làm việc với các đơn vị, địa phương trong cả nước. Trong những năm làm Trưởng Tiểu ban Nội chính của TTXVN trước đó, tôi đã nhiều lần được tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ …thăm các đơn vị và địa phương để đưa tin về hoạt động của các vị lãnh đạo này. Chuyến đi nào tôi cũng thấy có xe cảnh sát dẫn đường, có xe bảo vệ và nhiều xe khác, không phải chỉ có bốn xe mà nhiều hơn thế, có khi tới hai, ba chục xe. Chính vì thế tôi thấy thật khó cho Văn phòng Trung ương khi thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là đi không quá 25 người và không quá bốn xe!Thế nhưng, dù khó như thế, khi đoàn xe xuất phát từ Hà Nội đi thăm Sư đoàn 308 và sau đó đi thăm Hải Phòng, Quảng Ninh thì đúng là chỉ có bốn xe, không hơn! Xe đi đầu là xe của Cục Cảnh vệ, một chiếc xe con bốn chỗ bình thường. Hai xe sau là của Tổng Bí thư và Trợ lý, thư ký, cán bộ Văn phòng Trung ương. Xe thứ tư là xe 16 chỗ, chở cánh nhà báo chúng tôi cùng một số cán bộ phục vụ. Suốt chuyến đi ấy, dù ở Hà Nội hay đến các địa phương đều không có xe cảnh sát rú còi dẫn đường. Khi Đoàn về thăm Hải Phòng và Quảng Ninh, Bí thư Thành uỷ, Tỉnh uỷ ngồi chung xe với Tổng Bí thư, đưa Tổng Bí thư đi thăm và chúc Tết nhân dân các xã, phường, cơ sở trong thành phố và tỉnh, không đi xe riêng.Chiều 1 Tết Đinh Mão 1987, đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ công an Hà Nội, trong câu chuyện thân mật của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các cán bộ, chiến sĩ công an Thủ đô, tôi hiểu vì sao Tổng Bí thư lại có quy định như thế và đằng sau quy định ấy là tấm lòng và sự tin tưởng tuyệt đối của ông đối với nhân dân. Ông Nguyễn Văn Linh nói rằng người dân không mấy thiện cảm khi phải chứng kiến các đoàn xe của lãnh đạo có xe cảnh sát dẫn đường cứ rú còi inh ỏi trên đường phố. Việc bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cấp cao không cần thiết phải có nhiều xe, nhiều người mà phải dựa vào dân vì “chính nhân dân mới là người bảo vệ cán bộ của Đảng hữu hiệu nhất”. Tổng Bí thư kể chuyện trong những năm chiến tranh chống Mỹ, khi hoạt động bí mật tại thành phố Sài Gòn, ông hiểu rõ điều này nhất. Không có dân bao bọc và chở che, chỉ dựa vào mấy chiến sĩ bảo vệ thì làm sao có thể bảo vệ được lãnh đạo. Trên cương vị Bí thư Thành uỷ Sài Gòn, ông đã chỉ đạo nhiều trận đặc công đặt mìn đánh các đoàn xe chở các sĩ quan và viên chức cao cấp của Mỹ. Một khi mìn nổ và bị tấn công thì dù có người bảo vệ ngồi ghế trước, chỉ huy ngồi ghế sau thì cũng không thể bảo vệ được chỉ huy của mình. Bây giờ cũng vậy, đi đâu, đến đâu nếu được dân tin, dân yêu thì không một kẻ địch nào có thể phá hoại được. Chỉ có dân mới là người bảo vệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước an toàn nhất. Vì thế, phải làm cho dân tin, dân yêu Đảng, đừng để dân xa rời Đảng. Một khi đã được dân tin, dân yêu thì họ sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ công an làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ an toàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước.Những điều Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói từ 26 năm trước ấy bây giờ vẫn còn mang tính thời sự. Song, có lẽ cũng chỉ có cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mới làm được việc này: Đi theo Tổng Bí thư thăm các đơn vị và địa phương chỉ có bốn xe và không quá 25 người mà thôi!
Chú thich ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/1915 - 27/4/1998)
D.Đ.Q