Tôi có ý định viết về những điều có thật này từ lâu. Nhưng sợ làm tổn thương một ai đó, nên cứ nấn ná mãi. Tôi nghĩ, mình viết ra cũng là một cách tự răn mình. Dẫu sao sự thật vẫn là sự thật. Tại sao phải tránh né, tại sao phải im lặng? Chuyện của các nhà thơ, các văn nghệ sỹ nói chung có khác gì chuyện của mọi người đang sống và tồn tại trên cõi đời? Chỉ có điều nhà thơ thường được công chúng quan tâm để mắt tới. Bởi họ là người khuyên nhủ công chúng biết cảm thông và chia sẻ nỗi đau của con người qua những câu thơ mà họ viết ra. Vì vậy, mỗi việc làm của họ đều khó qua khỏi sự “dòm ngó” của người đời. Các cụ bảo: “Văn là người”, “văn dĩ tải đạo”. Đọc văn biết được người. Nói vậy thôi, chứ thực tình khó lắm. Không phải lúc nào cũng nhận ra bản chất hay văn hoá ứng xử của người cầm bút thông qua văn chương chữ nghĩa của họ. Cách ứng xử của các ông ấy, có khi còn kém hơn cả người bình thường. Có người nói về một nhà thơ thế này: “Cái lão ấy thơ thì hay thế, nhưng cư xử với vợ con, với bè bạn thì vô văn hoá lắm...” Tôi nghe mà không khỏi chạnh lòng. Do vậy, một câu thơ thậm chí vài tập thơ họ viết ra chưa chắc đã lộ ra nhân cách của người đó. Theo suy nghĩ của tôi thì: “Sau mỗi câu thơ - Chưa nhận rõ mặt người”.
Chuyện ứng xử của các nhà thơ với nhau dĩ nhiên cái hay, cái tốt là nhiều, rất nhiều. Có biết bao tình bạn tri âm, tri kỷ, trong sáng và đẹp đẽ mà ta từng gặp cả trong thơ lẫn ngoài đời. Những đôi bạn như cụ Trần Lê Văn – Quang Dũng – Ngô Quân Miện; cụ Nguyễn Huy Tưởng – Nguyên Hồng; cụ Đoàn Chuẩn - Từ Linh; Xuân Diệu – Huy Cận vv... “Đấy là ngọn lửa sưởi ấm/ Đời ta suốt tháng năm dài”. Thật cảm động và trân trọng những tình bạn văn chương như thế. Nhưng phải thú nhận một sự thật là cái dở, cái xấu cũng không phải là ít. Nhà thơ cũng mang đầy thói xấu của người Việt mà chưa làm sao thoát tục được.
Một lần đến dự buổi sinh hoạt thơ của một CLB Văn nghệ sỹ có tiếng, Nhà thơ X đã đứng dậy vung tay, phồng má, trợn mắt và nói như “tát nước vào mặt” nhà thơ Y, thậm chí còn văng đủ thứ ngôn từ lẽ ra không nên có trong cuộc họp, làm mọi người sửng sốt. Ai cũng bảo ông X hiền lành, tử tế ai ngờ... Chuyện đó xuất phát từ sự đố kỵ mà ra. Nó âm ỉ mãi rồi, chỉ chờ có cơ hội là bùng phát. Chẳng chịu ai, chẳng phục ai là chuyện của mấy ông Văn nghệ sỹ lớn. Kể cả mấy ông nhà thơ cấp phường. Rồi kể cả ông Y kia khi không đạt được nguyện vọng là quay ra nói xấu nhà thơ A thuộc “sư phụ” của mình: “Lão chết cũng không thèm đến thắp cho lão nén nhang”. Nghe mà hãi.
Chuyện nói xấu sau lưng thì khỏi phải bàn. Có ông (cũng trong giới văn nghệ) phải thú nhận: “Cứ hai ông nhà văn ngồi với nhau là sẵn sàng làm thịt một ông thứ ba vắng mặt”. Đó là kiểu “văn hoá rỉ tai” ...chết người! Thói xấu của mấy ông này là thói hay suy diễn và tung tin. Cứ “hình như”, “có lẽ” để bịa đặt, hạ uy tín của nhau. Họ cho mình có quyền phán xét người khác. Nhưng trước các cuộc họp, những loại người này thường “ngậm miệng ăn tiền”, tránh né đủ kiểu, lấy an toàn làm gốc. Không dám bênh vực cái đúng, đấu tranh với cái sai, chẳng muốn mất lòng ai nhưng lại hết sức cao đạo ngoài đời và cả trong chữ nghĩa mà họ viết ra. Họ giữ kẽ, lấy lòng nhau, “hứa hươu, hứa vượn”, khéo léo, ve vuốt giả tạo đến khó chịu. Nghĩa là họ chẳng thật với ai bao giờ. Nhưng thôi, biết làm sao được, thế mới là đời chứ.
Lại có chuyện, ông B làm đơn trình bày, đề nghị thành phố cho tổ chức đêm giao lưu thơ nhạc. Nhiều người (kể cả người yêu thơ) đều ký vào đơn chỉ vì mong muốn ấy là phù hợp với nguyện vọng chung. Nhưng cũng có người “đánh trống lảng”. Có ông nhà thơ ký vào đơn rồi, chẳng hiểu sao lại vội vã xin lại tờ đơn đó. Ông giải thích: “Tớ còn các cháu nhỏ, có cháu đang làm việc ở trung ương, ngộ nhỡ ra...”. Thì ra ông sợ liên luỵ, sợ mang vạ vào thân. Thế đấy, đến bây giờ tôi cũng không hiểu nhận thức về pháp luật, về quyền dân chủ của công dân đối với ông ấy đến đâu? Nhưng nếu CLB tổ chức một cuộc vui gì đó, thì ông ta thuộc loại “tuần chay nào cũng có nước mắt!”. Những người như vậy được liệt vào loại người cơ hội. Những người sẵn lòng “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, chớ có gần gũi tâm tình, chớ chia sẻ điều gì với họ. Đọc văn thơ thì không dễ nhận ra chân dung của các ông ấy đâu. Có khi vẫn cứ đinh ninh các ông là người sẵn sàng bảo vệ công lý, sẵn sàng đứng về phía nhân dân, sẵn sàng chia sẻ mọi nỗi vui buồn. Chỉ đến khi “lên thác xuống ghềnh” mới nhận rõ bộ mặt thật của họ.
Chuyện đố kỵ, hẹp hòi, ích kỷ chẳng muốn ai hơn mình thường thấy trong giới Văn nghệ sỹ. Họ có thừa các “ngón đòn” để triệt hạ nhau. Chuyện bé xé ra to. Họ đâm đơn kiện, đưa “trăm thứ bà rằn” lên mặt báo để bêu xấu nhau là chuyện không lạ đối với bạn đọc. Chỉ có điều độc giả sẽ bị nhiễu thông tin, chẳng hiểu ai đúng, ai sai. Mọi sự cứ rối tung lên. Trò này thường diễn ra trước thềm đại hội và việc chuẩn bị nhân sự. Đơn giản là để “hạ gục” nhau và dĩ nhiên nhân vật đó sẽ ít có cơ hội được bầu vào Ban chấp hành. Kể ra chơi cái “chiêu” này cũng “độc” đấy chứ. Ấy là chưa nói đến cái lối “gắp lửa bỏ tay người” quy kết “chụp mũ” từ chuyện văn chương đẩy sang vấn đề chính trị. Có người đã “chết” ngay từ những câu thơ đầu tiên, tập thơ đầu tiên. Bài học ấy cho đến bây giờ vẫn chưa hết giá trị.
Lại còn cái bệnh “háo danh” và “danh hão”. Bệnh này báo chí nói nhiều, nhưng nghe chừng vẫn chưa đủ để “đánh thức” loại người này. Nói ra sẽ có vị tự ái, nhưng không nói thì áy náy. Tôi biết hiện nay rất nhiều nơi trong cả nước đã thành lập các CLB thơ, nhiều CLB Văn nghệ sỹ. Ừ thì lấy vui làm chính, có thêm tình bạn văn chương. Điều ấy thật đáng trân trọng. Nhưng không thiếu các vị vào CLB để có cái danh, dù là “danh hão” rồi vỗ ngực, rồi làm thẻ, làm Cacverit để doạ người. Chẳng còn biết thế nào là lòng tự trọng nữa. Họ không còn dây thần kinh xấu hổ. Nếu động vào, họ cũng vẫn cứ “trơ” ra như là không phải người ta nói mình. Rồi quay ra nói xấu những người phản đối chuyện đó, gán cho họ là tự cao, tự đại, coi thường mọi người để che giấu căn bệnh “háo danh” và “danh hão”. Căn bệnh này liệt vào loại khó chữa. Phải dùng thuốc đặc trị may ra mới “tiêu” được. Nghĩa là phải nói thẳng, nói thật, nói đến khi nào “tỉnh ra” mới thôi. Nghe chừng như thế thì tốn nhiều thời gian lắm.
Còn chuyện các nhà thơ mắc tật uống rượu. Thơ - rượu thường sóng đôi với nhau, thế mới là nhà thơ, là Văn nghệ sỹ chứ. Chuyện ấy có gì phải bàn. Bầu rượu túi thơ mà. Rượu làm cho thi sĩ bay bổng, thêm bạn tâm tình. Điều đó đúng. Tôi không phản đối chuyện uống rượu. Nhưng rất buồn, rượu cũng đã “nuốt chửng” nhân cách của một số ông từ lúc nào không hay. Có ông “chán đời” mà làm bạn với lưu linh. Nhiều ông có tý hơi men vào là cao giọng, chửi bới lung tung. Mượn rượu để quậy phá, xỉ vả nhau, xúc phạm nhau là chuyện thường thấy của mấy ông nhà thơ nát rượu. Thế là “tục tửu”. Ngày xưa cụ Tản Đà uống rượu văn hoá lắm. Thơ cụ viết ra đều là lúc có chút hơi men, nhiều bài thơ của cụ để đời. Trước mộ cụ Tản Đà người ta còn đặt một nậm rượu. Cái nậm ấy vẫn chứa “lời non nước”. Thật là tiên tửu. Nhưng bây giờ nhiều thi sĩ uống rượu rất tệ. Coi trời bằng vung. Bất chấp tất cả. Dần dần bạn bè xa lánh...thế thì còn gọi gì là “văn hoá rượu” nữa?
Còn biết bao nhiêu chuyện đáng buồn khác của các nhà thơ. Kể sao cho hết. “Vạch áo cho người xem lưng” như thế cũng là quá đủ. Phía sau mỗi câu thơ hay sau ánh đèn sân khấu là cả một kho chuyện chẳng lấy gì tốt đẹp của “cái gọi là” giới Văn nghệ sỹ. Thậm chí là nỗi nhục nhã, xót xa và cay đắng. Báo chí đã nêu nhiều, rõ cả tên tuổi đàng hoàng chứ đâu giữ thể diện như tôi. “Con sâu bỏ rầu nồi canh”, biết làm sao được.
Có người bảo: “đọc thơ của các ông ấy, yêu thơ các ông ấy, chứ sống cùng với các ông ấy thì không chịu nổi đâu”. Còn tôi chỉ xin nói nhỏ là: “Phía sau mỗi câu thơ...Chưa nhận rõ mặt người”. Họ cũng như các bạn cả thôi. Có khác chăng, là họ mang cái nghiệp văn chương. Cái nghiệp ấy cũng khốn khổ khốn nạn lắm, chẳng sung sướng gì. Nhiều người còn nghèo kiết xác ấy chứ. Sau phút thăng hoa là họ trở về với đời sống thực, nhân cách thực, bản chất thực. Ta cứ chọn lúc họ không làm thơ, họ ngồi tào lao, họ uống rượu, nghe họ nói, nhìn họ làm... là biết họ thuộc loại người nào. Chơi được hay không, gần họ hay không, quý mến họ hay không.... Phía sau mỗi câu thơ, họ là những người như vậy.
Q.T