Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI LỜI CHÚC MỪNG NHÀ BÁO NGUYỄN ĐĂNG LÂM

Dương Đức Quảng
Thứ tư ngày 22 tháng 6 năm 2011 2:45 PM

Tối 21/6/2011 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải báo chí quốc gia năm 2010. Có hai giải A và nhiều giải B, C khác. Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm, Trưởng Phân xã TTXVN Quảng Ngãi đã đoạt giải A với loạt bài “Lý Sơn - Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”.
Tôi xin có vài lời chúc mừng Nguyễn Đăng Lâm, một nhà báo, một người em đồng nghiệp đã được nhận giải cao nhất của cuộc thi với một loạt bài báo từ năm 2010 về đề tài biển đảo đang rất “hot” hiện nay.
Tôi chúc mừng Lâm vì Lâm đã có rất nhiều nỗ lực để tự học rồi trở thành một nhà báo có tên tuổi hôm nay. Bởi vì Lâm vốn là một cậu bé du kích 14 tuổi, quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, có bố, hai anh trai liệt sĩ, mẹ là thương binh nặng, mất một chân, đã thoát ly gia đình lên căn cứ tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau này là điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng Khu V, nơi tôi làm Tổ trưởng phóng viên tại Quảng Ngãi. Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, Lâm là điện báo viên của Phân xã TTXVN Phú Khánh do tôi làm Trưởng Phân xã. Do nỗ lực học tập và lòng yêu nghề, Lâm được đào tạo và bồi dưỡng để trở thành phóng viên của Phân xã. Sau này, Lâm từng có thời gian làm Phó Giám đốc Cơ quan đại diện của TTXVN tại Đà Nẵng, nhưng với lòng đam mê chụp ảnh, viết lách, Lâm đã từ bỏ chức vụ không hợp với tạng của mình để xin về quê làm báo.
Năm 2005, Fred, người cựu binh Mỹ sau 35 năm gìn giữ cuốn Nhật ký của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã tìm kiếm và trao trả lại cho gia đình, đã nhờ gia đình chị tìm kiếm, xác minh tên tuổi và thân nhân của một phóng viên nhiếp ảnh bị lính Mỹ trên máy bay trực thăng bắn chết tại Đức Phổ, Quảng Ngãi cùng năm, cùng chiến trường chị Đặng Thùy Trâm hy sinh, để trao lại cho gia đình anh 48 bức ảnh anh chụp mà Fred còn giữ được. Gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã nhờ tôi làm việc này. Tôi đã gửi vào Quảng Ngãi cho Nguyễn Đăng Lâm những bức ảnh trên, in từ chiếc đĩa CD mà Fred gửi sang, nhờ Lâm về Nga Mân, Đức Phổ tìm gặp những người trong ảnh để xác minh tên tuổi người phóng viên chiến trường đã chụp ảnh họ trước khi anh hy sinh. Những người được chụp ảnh từ gần 40 năm trước nay còn sống đều khẳng định người chụp ảnh cho mình là nhà báo, phóng viên quay phim và nhiếp ảnh Nguyễn Văn Giá ở Ban Tuyên huấn Khu V trước đây. Từ nguồn tin này, tôi và các anh chị ở Tiểu ban Điện ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Khu V trong kháng chiến chống Mỹ đã tìm được chị Bùi Ngọc Hiên, vợ anh Nguyễn Văn Giá ở Hà Nội. Tháng 8/2005, Fred cùng anh trai là Rob, cũng là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, sang Hà Nội, đã đến tận nhà chị Hiên để trao lại những bức ảnh quý giá, là kỷ vật cuối cùng anh Giá để lại trước khi anh ngã xuống vì độc lập và tự do của Tổ quốc.
Và hôm nay Nguyễn Đăng Lâm, người đã góp phần tìm ra tên tuổi của nhà báo liệt sĩ Nguyễn Văn Giá trên đây, đã giành được giải thưởng cao nhất, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm báo của mình, với loạt bài về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Cậu bé du kích 14 tuổi năm xưa và nhà báo Nguyễn Đăng Lâm hôm nay, dù ở vị trí nào cũng đều sống hết mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam.
Xin một lần nữa chúc mừng nhà báo Nguyễn Đăng Lâm về giải thưởng báo chí quốc gia rất có ý nghĩa này.
Chú thích ảnh: Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm (ngoài cùng bên trái) trong Lễ nhận Giải A báo chí quốc gia năm 2010