Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIẾNG VỌNG NƠI MIỀN BÃI

Quốc Toản
Thứ tư ngày 22 tháng 6 năm 2011 9:52 PM

 

Cứ mỗi độ xuân về, cánh lính chúng tôi lại tổ chức gặp mặt kỷ niệm ngày nhập ngũ. Năm nay, mọi người về dự đông vui hơn những nămtrước, làm cho ai cũng cảm thấy ấm lòng. Những câu chuyện về năm tháng chiến tranh, người còn người mất, những khó khăn cực nhọc mà người lính phải chịu đựng, được mọi người “ôn nghèo kể khổ” tưởng như không dứt. Có người sau hơn ba mươi năm, tôi mới có dịp gặp lại. Họ cũng đã lên ông, lên bà cả rồi. Một ông  bạn to cao đến nắm tay tôi, kể câu chuyện chẳng “ăn  nhập” gì với lính:          

 - Nhìn ông là tôi nhận ra, ông là dân văn nghệ. Ngày xưa, đóng quân ở Hoà Bình, tôi chơi với “thằng cha” bên thuỷ điện sông Đà, hắn cũng làm thơ, viết báo. Tôi với hắn nhiều kỷ niệm lắm...hắn tên là Cự - Nguyễn Bá Cự, dân miền bãi Phúc Thọ, Hà Tây cũ đấy. Thỉnh thoảng vẫn thấy hắn trên báo. Ông gặp hắn, nhớ cho tôi gửi lời thăm. Nói tên tôi, là hắn nhận ra ngay. Hôm tôi đọc tờ “An ninh thế giới”, cũng lâu lâu rồi, hắn viết về “trại tù binh” gấu, tôi khoe với vợ: - Thằng này là bạn anh. Vợ tôi cười. Chắc vợ tôi không tin, sẽ nghĩ là “thấy người sang, bắt quàng làm họ”. Tôi bảo: - Ngày ấy, anh là lính thông tin sư đoàn, Cự làm khảo sát địa chất thuỷ điện sông Đà. Hai anh em ở gần nhau, cùng là dân Sơn Tây cả. Hồi đó, xa quê, gặp được đồng hương là quý mến nhau lắm. Tôi mong sẽ có dịp gặp Cự, rồi gặp vợ con tôi để  “ba mặt một nhời”, “làm một trận” cho bõ cái thời “bo bo, khoai sắn” nhưng cho đến giờ vẫn chưa thực hiện được ông ạ...

 

Chuyện của ông bạn cùng quân ngũ với tôi là vậy. Nhưng mỗi khi nghĩ đến Nguyễn Bá Cự, tôi mới thấy ở con người khắc khổ này vẫn còn nặng lòng với văn chương lắm. Kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, bạn đọc đã thấy có thêm một gương mặt mới trên các báo. Cùng thời và cùng trang lứa với Nguyễn Bá Cự trong những tháng ngày hối hả trên công trường thuỷ điện Hoà Bình, từng nhọc nhằn với những trang viết là Nguyễn Lương Ngọc, Vũ Hữu Sự, Tạ Duy Anh, Dương Kiều Minh, Giáng Vân...Họ cũng đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả, đã làm được một điều gì đó cho mình, cho đời. Thôi thì mỗi người một phận. Sự thành đạt còn do nhiều điều kiện và hoàn cảnh tác động. Với Nguyễn Bá Cự, trong những năm đầy khốn khó, vợ con nheo nhóc, bữa no bữa đói, anh không thể không trở về vùng đất bãi quê anh để “vực” vợ con dậy. Tấm bằng kỹ sư mỏ địa chất khi đó, đã trở nên vô nghĩa trước thực tế phũ phàng vì cuộc mưu sinh. Anh trở về quê hương với hai bàn tay trắng, tiếp tục “cày sâu cuốc bẫm”. Sau mỗi ngày cật lực, đổ mồ hôi trên đồng ruộng, tối đến Nguyễn Bá Cự lại chong đèn lặng lẽ cày trên “cánh đồng giấy”. Xung quanh anh là luỹ tre làng, là màn đêm, đồng bãi, là miếng cơm manh áo...tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, Nguyễn Bá Cự vẫn âm thầm viết. Có lẽ với anh, cày trên trang giấy còn cực nhọc hơn bất cứ nghề lao động chân tay nào. Nguyễn Bá Cự tự “đày” mình bởi nỗi đam mê có từ thời còn trên ghế nhà trường. Mỗi bài báo, bút ký phóng sự, ghi chép của anh, những nhân vật trong bài đều là những người chân lấm tay bùn, với những vui buồn, lo toan ngay trên đồng đất quê anh, được khắc hoạ rất rõ nét và hết sức chân thực.

 

Giở lại từng trang báo mà Nguyễn Bá Cự lưu giữ hơn 20 năm qua,thì hầu hết các bài viết của anh đều về nông thôn, một đề tài rộng lớn và rất nhiều bức xúc đặt ra cho người cầm bút những nghĩ suy trăn trở trước sự phát triển, đổi mới đi lên của mọi vùng quê, cùng với những mặt trái của nó. Nguyễn Bá Cự viết về Phúc Thọ quê mình mà chẳng sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Trong bài phóng sự “Đi học, nỗi niềm dân quê” (đăng trên báo Quân đội nhân dân, tháng 10 năm 1998). Ngay từ trang đầu Nguyễn Bá Cự đã cho bạn đọc nhận ra nỗi xót xa khi trẻ em thất học: “Tôi đã từng phải nhìn những đôi mắt trẻ thơ dang dở học hành, nhiều đứa chỉ học xong chương trình tiểu học, hoặc bỏ dở giữa PTTH. Gương mặt chúng đen nhẻm, bước chân nhọc nhằn theo mẹ trên cánh đồng quê trưa nắng hạ, nó nhìn bạn bè tới lớp với cả sự khát thèm. Nó lảng tránh bạn bè cùng lứa vì xấu hổ...” “ Đã từng đi nhiều vùng quê đất nước, tôi thấu hiểu nỗi niềm trẻ em nông thôn đi học. Niềm vui thì ít, nỗi lo lại nhiều. Chẳng nói đâu xa, ngay vùng quê Phúc Thọ (Hà Tây) chỉ cách Hà Nội 20 km đường chim bay, đã đủ làm mô hình “soi rọi” các vùng quê hẻo lánh xa xôi khác...”. Nguyễn Bá Cự đưa ra những dẫn chứng, những con số cụ thể, hết sức thuyết phục. Câu chuyện dạy và học ở Phúc Thọ đã được Nguyễn Bá Cự cảnh báo qua bài viết cách đây đã 10 năm. Nhưng vài năm gần đây, nhất là khi có tiếng nói của thầy giáo Nguyễn Việt Khoa, của dư luận xã hội thì khẩu hiệu của ngành giáo dục mới được treo lên trong các trường học “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Có thể nói, khi có sự lên tiếng của những công dân tâm huyết và trách nhiệm cùng với sự đồng thuận của xã hội thì mọi việc sẽ chuyển biến tích cực và hiệu quả, nó thay đổi cách nghĩ, cách làm và thay đổi ngay cả nhân cách con người.

 

Trong bài: “Nỗi ám ảnh của miền quê Phúc Thọ” Nguyễn Bá Cự đi thẳng vào vấn đề mà không hề e ngại. Anh gióng lên một tiếng chuông cảnh báo: “nghiện hút chính là sân sau của các loại tội phạm”. Nạn nghiện hút đã len lỏi đến tận ngõ ngách quê anh. Bản thân anh cũng đã từng chứng kiến nhiều cảnh đau lòng nảy sinh từ tệ nạn này. Từ đó, Nguyễn Bá Cự đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết. Bài bút ký “Võng Xuyên,một hành trình” anh viết về những chuyển biến mới của một vùng quê nghèo, từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, miền quê ấy đi lên khá vững chắc. Lời văn trong sáng giản dị, mang hơi thở của đời sống, tạo được một bức tranh nông thôn mới “từ đất mà đi lên”.  Với phóng sự “Một vùng đê phía bắc Thủ đô” (đăng trên báo Văn nghệ trẻ), Nguyễn Bá Cự đã gắng công tìm tòi, nghiên cứu lịch sử để chắt lọc, viết về những sự kiện vỡ đê ở huyện Phúc Thọ xảy ra từ mấy trăm năm nay. Qua đó, người đọc thấy rõ miền đất nghèo quê anh luôn phải oằn mình trong vòng tay của 5 tuyến đê chống lũ. Phúc Thọ chịu trách nhiệm phân lũ, để bảo vệ tính mạng và tài sản của hơn 14 triệu đồng bào vùng châu thổ sông Hồng. Nói dại, nếu tình huống xấu xảy ra, thì miền bãi quê anh sẽ mênh mông trời nước. Cái nghèo, cái khó sẽ lại rình rập mảnh đất này và sẽ là một sự hy sinh, mất mát lớn của người dân nơi đây. Bài phóng sự của anh làm người đọc xúc động.

 

Nguyễn Bá Cự là người đi nhiều. Mỗi chuyến đi, anh đều có bài viết. Đến Nghệ An anh có “Xứ Nghệ, miền quê gọi ta về” và “Vùng tâm bão đi qua”. Tới Quảng Trị, anh viết “Lòng người Quảng Trị”; “Ghi chép ở cửa khẩu Lao Bảo”; “Dọc đường 9 với người lính đường biên”. Vào Lâm Đồng anh có phóng sự “Trăn trở từ vùng quê mới” viết về vùng kinh tế mới ở huyện Lâm Hà, cái tên ghép của Hà Nội - Hà Tây với Lâm Đồng, nơi đang còn biết bao khó khăn chồng chất cần được tháo gỡ...Cứ thế, mỗi bước chân Nguyễn Bá Cự lưu dấu nơi nào thì cảm xúc trong anh lại ùa về. Anh viết bằng cả tấm lòng mình với sự sẻ chia, đồng cảm sâu sắc.

 

Có lẽ, người đọc thực sự nhận ra nhà văn, nhà báo Nguyễn Bá Cự bắt đầu từ bài phóng sự Trại “tù binh” gấu ở Phúc Thọ - Hà Tây (đăng trên báo An ninh thế giới, ra ngày 1-8-2002). Câu chuyện cách đây đã 6 năm mà vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự. Bới ngay trong thời gian qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình vẫn không ngớt lên tiếng về việc nuôi gấu bất hợp pháp đang diễn ra ở nhiều nơi. Anh viết khá chi tiết và đầy đủ về trại “tù binh” gấu, nó vẫn cứ nhởn nhơ, tồn tại ở quê anh mà chẳng bị nhà chức trách nào đến “thăm viếng”. Kết thúc bài phóng sự, Nguyễn Bá Cự coi đó như “một lời đóng góp vào Nghị định 17/Cp của Chính phủ quy định về “bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có nguồn gốc tự nhiên” có hiệu lực hơn, góp phần giữ vững kỷ cương phép nước, bảo đảm sự bình đẳng của mỗi công dân trước pháp luật, bất kể họ là ai, giữ chức vụ gì...” Bài viết của anh đã gây được tiếng vang và sự đồng tình của nhiều độc giả trong cả nước.

 

Không chỉ viết bút ký, phóng sự, viết chân dung các Văn nghệ sỹ... Nguyễn Bá Cự còn làm thơ. Thơ anh đăng rải rác trên các báo và tạp chí. Anh đã cho ra mắt tập “Trước đêm” được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trân trọng giới thiệu. Mỗi bài thơ anh viết, đều nặng lòng với miền bãi quê anh, là tấm lòng, là cuộc đời anh nên nó gần gũi với người đọc. Ta bắt gặp những câu thơ thật ám ảnh và xúc động khi anh viết về mẹ: “Quá nửa đời càng thấm nỗi đau/ Câu gọi mẹ tiếng chim non lạc lõng/ Chiều ai đợi con về/ Sân rêu buồn mắt lá” (Màu thời gian). Nguyễn Bá Cự cũng “cuống quít” khi khoảnh khắc giao thừa đang tới. Hình như anh cũng nuối tiếc cái thời vụng dại của mình: “Đoạn lần hồi giàu có tự tin/ Lắm mộng mơ mà đời rất thực/ cứ dóng diết thôi đành để lỡ/ Suốt đời khoảnh khắc chạm môi hôn” (Khoảnh khắc). Đối với Nguyễn Bá Cự, có lẽ thơ cũng sẽ còn theo anh, nuôi dưỡng tâm hồn và khát vọng trong anh. Một phút buông lơi, anh chợt nhận ra mình đang thiếu một điều gì đó: “Phố phường ồn ã/ Lên rừng xuống biển/ Căng ngực uống ban mai tinh khiết/ Tôi ùa ra tìm gọi...nàng thơ” (Đi tìm).

 

Nguyễn Bá Cự vẫn lặng lẽ viết. Thời khốn khó qua rồi, nhưng cuộc sống của anh cũng chưa phải dư dả gì. Khi tôi đến thăm anh, trên cái sân nhỏ trước nhà đang phơi những bắp ngô vàng óng. Tôi đang “Đi giữa mùa ngô” của Nguyễn Bá Cự. Ngôi nhà 3 gian cấp 4 vẫn còn ấp ủ những trang văn của anh. Nghe nói anh đang viết tiểu thuyết. Cũng vẫn là đề tài nông thôn gần gũi, quen thuộc. Vẫn là những người nông dân quê anh mộc mạc, chân tình, nhân hậu. Vẫn những cái xấu xa, ti tiện đang lẩn khuất sau luỹ tre làng.

Còn tôi, tin rằng một ngày gần đây, anh bạn cùng quân ngũ với tôi và nhà văn Nguyễn Bá Cự sẽ gặp nhau. Họ tha hồ mà ôn nghèo, kể khổ về những năm tháng đã qua và để bà vợ ông bạn tôi khỏi phải lo chồng mình “thấy người sang, bắt quàng làm họ”.

 

Bất chợt, tôi như nghe thấy một tiếng vọng.Tiếng vọng nơi miền bãi. 

 

 

 

Q.T