Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÁNG GIỀNG NHỮNG TOAN TÍNH TIỂU NÔNG

Nhụy Nguyên
Thứ năm ngày 23 tháng 6 năm 2011 5:09 AM
 
Đố tôi có thể quên được câu hát: “Trời sinh voi trời không sinh cỏ, Thượng đế buồn Thượng đế bỏ đi”. Trong cuốn Hành trình về phương đông của Dr Baird T.Spalding (Tiêu Phong dịch) có đề cập đến một vị đã dùng kính thiên văn khuyếch đại tìm Thượng đế, và cho rằng Thượng đế thật sự đã “bỏ đi”. Tôi lại nghĩ Thượng đế vẫn còn đó; Trời còn đó nhưng trời không sinh “cỏ” trong lúc vẫn sinh “voi”. Thế nên những động vật trên quả địa cầu mới tranh chấp, lấn chiếm diện tích để sinh tồn. Tất nhiên, như chúng ta từng chứng kiến biết bao “số phận” thà chết đói chứ không cướp miếng ăn của người khác, thì rõ ràng vấn đề đang bàn trên thuộc về kẻ xấu.
Ở quê hồi tôi còn nhỏ, đất đai nhà nào nhà nấy rộng rinh, vườn “mi” thông với vườn “tau” - có chăng ngăn bởi bụi chè tàu thưa. Chưa hề có khái niệm bán đất. Ai có ý quy hoạch vườn tược hay khai hoang đất cồn, đấy quả là nhà tiên tri thời đại. Thế hệ ông bà chuyển giao quan hệ láng giềng cho mẹ cha, đất vẫn như bèo dâu. Chuyển tiếp qua đời con cháu, đất bắt đầu rục rịch. Chuyện từ một vài đứa con của làng đỗ đạt lên tỉnh học hành, chúng thấy quá chật chội trong những căn phòng cho thuê hay trong các ký túc xá. Đất chật người đông. Cụm từ “tấc đất tấc vàng” nay được hiểu tận cùng nghĩa đen. Chúng trở về quê mang theo nhiều hoài bão.
Không phải qua thời đói vàng mắt, người dân không đào côộc chuối ăn thay cơm nữa mà lúc đó chuối mọc nhiều. Hoàn toàn không. Chuối là một loài thân mềm, bão cấp 6 cũng đủ quật gãy, tại sao được nhiều người dân trồng làm hàng rào ngăn cách, làm “biên giới” giữa vườn nhà này với vườn nhà kia?
Chuối lớn nhanh, đẻ “con” cũng nhanh. Một cây chuối mạ không bị tước quyền sống cứ ngang nhiên đẻ con qua đất láng giềng. Chả mấy ai để ý. Ừ, chuối chứ có phải tường bao bê tông hay hàng rào điện tử Mcnamara đâu, cứ để nó lớn, lớn lên thì người ta chặt cho trâu bò lợn gà ăn. Người từng ra thành phố không nghĩ ngắn như người chưa thoát khỏi lũy tre làng. Chiến lược chiếc gậy và củ cà rốt được áp dụng. Láng giềng bên kia trồng chuối lên kế hoạch thay hàng rào, chuối mọc đến đâu tính đất đến đó. Láng giềng bên này mới bắt đầu khởi động tư duy. À té ra chúng lấn đất. Dòng trích lục, nhà còn nhà mất, nhà bị mối mọt nhắm đường biên mà gặm trước. Nhưng đa phần không có trích lục. Ông cha để đất lại cho cháu con thế nào ở thế ấy. Nào ai quan tâm để ý đến trích lục. Có nhà giở trích lục, gọi cả trí thức của làng đến cũng chịu không xác định được ranh giới.
Cũng có trường hợp xin làm cái chòi ở tạm trong vườn ông vườn bà, chòi được cơi nới thành nhà. Nhà được nới vườn tược để trồng rau canh tác phục vụ thức ăn tại chỗ. Sau đất đai báo động, ông nọ bà kia đuổi, khách nhất mực không chịu đi, một hai đất này của bà tui, ai giỏi dở trích lục ra xem...
Vậy là đất bị láng giềng đểu cướp trắng trợn. Đã có xung đột. Đã có gậy gộc giáo mác tiến công nhau sứt đầu mẻ trán...
Những mảnh vỡ, những mẩu chuyện tưởng vụn vặt ở nông thôn quê tôi xưa đã thành đề tài lớn mang tầm quốc tế bây giờ.
Vấn đề biển Đông, quan hệ giữa Việt Nam nói riêng và giữa ASEAN nói chung với Trung Quốc tràn ngập các trang báo, làm nghẽn mạng internet. Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã phù phép thổi bay “dòng trích lục” về biển đảo Tổ quốc, xem đó là chứng cứ tầm thường, không đủ sức thuyết phục, và rắp tâm chiếm bằng được nguồn lợi từ biển Đông vốn của chung các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), và không ngoại trừ Mỹ.
Thông tin “vượt biên” cho hay, người dân Trung Quốc hầu như mù tịt về Hoàng Sa và Trường Sa. Phần còn lại biết rõ hai quần đảo đó của Việt Nam thì cũng tìm cách bưng bít. Con dân nước Việt “hiểu biết” quá nhiều về Trung Quốc thông qua truyền thông; phía con dân Hoa Hạ thì ngược lại. Chúng ta chỉ mới có một vài trang thông tin chính thức bằng tiếng Trung Quốc để chuyển tải nội tình qua phía “bạn”. Còn xu hướng học tiếng Trung Quốc trong sinh viên các trường đại học của ta đang gia tăng... Bài học lịch sử cho thấy, ngày xưa chúng ta thắng Mỹ chủ yếu nhờ ý chí quyết tâm của toàn dân tộc cộng với sự giúp đỡ từ các nước XHCN anh em, song cũng có một phần nhờ vào sự đấu tranh từ phía nội bộ chính quyền Mỹ, và đặc biệt từ người dân Mỹ. Họ thừa biết cuộc chiến tại Việt Nam là cuộc chiến tranh phi nghĩa; việc họ phải giao con cái cho quân đội Mỹ lại càng phi lý.
Hôm nay tôi lướt mạng nhận email của một người quen: “Tình cờ đọc được bài báo trên mạng nói quan điểm của báo chí Trung Quốc về vấn đề biển Đông, rõ ràng quá. Mặc dù viết bằng tiếng Anh, nhưng lời văn câu cú vẫn đặc sệt chất Hán...
(http://www.globaltimes.cn/NEWS/tabid/99/articleType/ArticleView/articleId/662453/China-must-react-to-Vietnams-provocation.aspx)
 Đọc xong, đáng sợ, vì chẳng thấy đâu là sự thật. Ngày bé tôi đi học,  đọc La Fontaine, bây giờ nhớ có một câu: Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng….  không biết có phải thế không nữa”.
Trên mạng chính thức của nhà nước Trung Quốc tuyên bố nếu không xác lập được quyền lợi từ biển Đông bằng hòa bình, Trung Quốc sẽ xác lập bằng quân sự. Hội nghị An ninh biển Đông cũng chưa mấy khả quan khi Trung Quốc vẫn cố hợp thức hóa “đường chín đoạn”...
Trở lại với chuyện láng giềng nông thôn. Nếu tôi có một khu vườn chính danh, không ai có thể cướp trắng của tôi được. Nhưng đến một ngày nào đó, Thượng đế cứ sinh voi, trái đất “hết đất”; nếu kẻ xấu đến “xin” đất vườn tôi để chôn người thân của họ, tôi sẵng sàng hiến. Hiến trong quyền năng của tôi.
Âu, đó cũng là tình nhân loại!
22/06/2011
N.N