Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT CÁCH TÍNH..."LẠ" !

Phạm Thành Chung
Thứ năm ngày 23 tháng 6 năm 2011 5:09 AM

Cách đây ít ngày, tôi bất ngờ đọc được trên trang web của nhà văn Phong Điệp một dòng tin ngắn, nguyên văn như sau: “Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, nhà soạn kịch Lưu Trọng Lư: 9 giờ ngày 15-6-2011 tại Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu”. Nói bất ngờ vì từ trước tới nay, tôi vẫn đinh ninh thi sĩ của “Tiếng thu” sinh năm 1912, có nghĩa là muốn kỷ niệm chẵn 100 năm ngày sinh của ông thì chúng ta phải chịu khó chờ thêm… 1 năm nữa. Thì trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân (xuất bản lần đầu năm 1942), rồi đến cuốn “Tuyển tập Lưu Trọng Lư” (NXB Văn học ấn hành năm 1987, là thời điểm nhà thơ còn sống), và gần đây nhất, trong cuốn kỷ yếu “Nhà văn Việt Nam hiện đại” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010, các nhà làm sách chẳng đều đã ghi Lưu Trọng Lư sinh năm 1912 đó sao?
Tuy nhiên, phân vân thì phân vân vậy chứ tôi biết, trong thực tế, thông tin về năm sinh của một số nhà văn, nhà thơ không phải không có lúc được điều chỉnh, chuyển đổi. Như trường hợp nhà thơ Xuân Diệu. Mặc dù ở phần tiểu sử in trong cuốn “Tuyển tập Xuân Diệu” ấn hành khi ông còn trên dương thế, các nhà làm sách ghi ông sinh năm 1916, thế nhưng đến cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” nhắc tới trên, các nhà làm sách lại ghi ông sinh năm 1917 (nghe nói, hình như trên bia mộ ông ở nghĩa trang Mai Dịch cũng ghi năm sinh của ông là 1917). Thông tin “cải chính” chắc phải là thông tin chính xác nhất - là tôi nghĩ vậy. Và tôi tin rằng, với trường hợp của nhà thơ Lưu Trọng Lư, chắc đã có sự điều chỉnh mới về năm sinh của ông. Lẽ nào một nơi nghiêm cẩn về chữ nghĩa, nắm chắc hồ sơ, lý lịch của hội viên như Hội Nhà văn Việt Nam lại đưa thông tin nhầm sao?
Thế rồi, tới trưa ngày 15 tháng 6, ngồi xem clip ghi lại buổi lễ kỷ niệm được tải trên trang web của nhà văn Trần Nhương, tôi đã hết sức ngỡ ngàng khi thấy, ở tấm biển lớn treo ngay trước mặt các đại biểu ghi rành rành dòng chữ: “Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Trọng Lư (1912-2011)”. Nghĩa là, năm sinh của nhà thơ Lưu Trọng Lư vẫn thống nhất theo các tài liệu đã công bố trước đây, không có sự điều chỉnh nào. Còn vì sao Hội Nhà văn lại kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông vào năm nay thì thú thực, tôi cũng không biết nguyên nhân tại đâu? Có thể là Ban Tổ chức muốn tính tuổi nhà thơ theo tuổi… âm chăng? Dẫu sao, nhìn những con số ghi trên tấm panô trên cũng thấy hơi… chướng. Bởi đến em bé học cấp tiểu học cũng hiểu lấy 2011 trừ đi 1912 thì ra 99 chứ làm sao ra được…100?
Không biết tới năm 2012, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tính sao với nhà thơ Lưu Trong Lư. Chẳng lẽ lại làm kỷ niệm 100 năm sinh của ông lần nữa?
Nhân đây, cũng xin nói thêm đôi chút về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các nhà văn. Hình như chúng ta đang hơi “ngẫu hứng” về việc này. Cần phải có qui chế rõ ràng. Ví dụ, với cỡ tác giả nào thì chúng ta kỷ niệm hằng năm, tác giả nào ta kỷ niệm 5 năm một lần, tác giả nào ta kỷ niệm 10 năm một lần, và tác giả nào thì kỷ niệm vào dịp chẵn 50 năm, hoặc 100 năm... Theo tôi quan sát thì ở nhiều nước trên thế giới, có những tác giả được giải Nobel văn học hẳn hoi, vậy nhưng họ cũng chỉ kỷ niệm các vị này ở tầm quốc gia vào các dịp chẵn 50 năm, hoặc 100 năm… mà thôi (còn thì kỷ niệm 10 năm, 20 năm trong khuôn khổ địa phương). Phải cỡ đại thi hào, đại văn hào như W.Shakespeake, .J.W.Goethe, A.Pushkin, L.Tolstoy… họ mới kỷ niệm từng năm - trong diện hẹp - và 10, 20 năm - trong diện rộng (cỡ quốc gia). Trong khi ở ta thời gian qua, việc này hơi bị… thoáng. Đã có nhà thơ cỡ Giải thưởng Nhà nước mà được tổ chức ngày sinh lần thứ 90. Cứ đà này thì Hội Nhà văn hẳn sẽ tối mày tối mặt vào các cuộc hội thảo, lễ lạt kỷ niệm. Chưa kể, việc tưởng là “chu đáo”, là “tốt” song nếu không khéo, rất dễ dẫn đến sự… bì tị giữa gia đình các nhà văn, nhà thơ.
(Nguồn: Văn nghệ Công an số 154, ra ngày 20-6-2011)