Trên báo “ Văn nghệ” số 24, ra ngày 11 tháng 6 năm 2011, gặp lại Trần Chiến qua truyện ngắn “ Ốc gió”.
Đọc “ Ốc gió” tôi sửng sốt, ngạc nhiên trước hết chính vì…tính thời sự của chuyện kể. Lê Văn Phấn, binh nhất, từ ngoài đảo xa được nghỉ phép về thăm quê và một mối tình hay những va quệt thân xác đầu đời với một người đàn bà đã xẩy ra, khi anh lính đảo có 20 tiếng đợi chuyến tầu ngược Bắc. Gần kết chuyện, anh lính trở lại thành phố biển trong lần nghỉ phép 6 tháng sau. Kết chuyện, anh đã lấy vợ, có con. Như vậy mọi chuyện đã qua đi vài năm rồi…
Cái đảo Mang mang trong truyện như thế nào và những người lính trẻ của chúng ta sống ở đó ra sao ? “ Mang Mang rộng hơn trăm mét..Chỗ hơn trăm mét vuông nhô lên từ lòng biển ấy mặt trời rất chói, mở mắt to quá sẽ lóa mắt, nên phải nhìn xuống nước. Mà nước không có bờ thì lúc nào cũng vòi vọi, lúc dễ gần lúc hung hiểm. Rằng ti-vi chỉ xem vê một (1), rất chóng bị mặn ăn, nên lính tráng phải đi xuồng qua chòi hải đăng xem nhờ, có khi chỉ nói chuyện. Mỗi lần vậy lại dán mắt vào đám ảnh trên vách, đa phần con gái, tuy không lõa thể nhưng đêm không thể không nghĩ tới..”. Gian khổ, thiếu thốn đã đành. Nhưng hòn đảo, mỏm đảo ấy còn là một mũi tiền tiêu. “…Ngoài biển và mặt trời rất thực, đảo lại tồn tại một tình trạng như là ảo, rất khó chịu. Cách hơn một cây số là nhà giàn đối phương ba tầng, có lẽ đóng cả đại đội. Pin mặt trời tha hồ nạp, ban đêm sáng trưng cả một vùng. Trang bị ác, chắc thế!Và tàu “họ”cứ lượn lờ, lắm lúc đang lượn thì xầm xầm đâm vào đảo ta, khiêu khích thôi nhưng thần kinh không lỳ không được. Bắn trước là “xong” với “họ” ngay”.
Tình thế đảo ( hay mỏm) Mang mang đang đối đầu, đang nóng rẫy hệt như trong những ngày tháng 5, tháng Sáu “ biển Đông nổi sóng” này. Thì ra những trò khiêu khích, việc cố ý xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta đã là hành động thường xuyên, diễn ra từ lâu của những kẻ bành trướng, bá quyền. Và những người lính đảo cũng đã từ lâu nén nhịn, chịu đựng để cố mà giữ lấy.. hòa khí!
Vâng, binh nhất Lê văn Phấn đang chờ tầu ngược Bắc trong một chuyến phép đầu tiên để về quê với mẹ với chị. Lâu ngày ở ngoài đảo, đặt chân vào đất liền, anh lính đảo không tránh khỏi những suy tư buồn bã, những gì đang mắt thấy tai nghe. Dù là lính đảo, anh cũng là một phân thân xã hội và vì như thiên hạ đang hô hét “biển đảo là quê hương”, anh lính đâu chai tê được trước những nghịch cảnh. Anh chẳng nóng ruột vì một chuyến nhỡ tầu bởi lẽ dù có mong mau về với mẹ, với chị thì anh cũng biết rõ “quê hương chắc còn cũ hơn hai năm trước, đàn ông đi tiệt, đàn bà lo hết việc cày bừa, ruộng không phân cho người mới thì vào hết dự án, còn bao nhiêu đâu”. Còn thị trấn du lịch nơi anh lính đang chờ tầu thì sao? “ Dọc bãi biển nườm nợp người, xanh đỏ ô dù trắng tím, phao bơi bóng bay. Đàn ông ôm điện thoại tách ra, lúc hùng dũng giơ tay chém đứt đôi ngọn gió, lúc hạ giọng ướt rượt, đàn bà ngầy ngậy lo thay sống váy hơn xuống nước. Khó nhìn nhất là đám gái trẻ. Những thịt da chân cẳng trắng đến rức mắt, nhưng đâu phải dành cho mình..”. “ Ốc gió” có thể triển khai theo chủ đề này. Nên và cần lắm chứ! Bởi lẽ những người lính cầm súng nơi biên cương, hải đảo hôm nay đâu có phải là nhữnghình nhân vô tri vô giác. Họ có quyền bức xúc, có quyền phẫn nộ trước mọi tệ nạn xã hội, trước mọi sự lừa lọc, dụ khị; trước sự phân cách giàu nghèo đầy bất công. Ý thức được tất cả để vẫn chịu đựng, vẫn sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn với dân với nước-đấy có lẽ là nét đẹp mới, tầm cao mới của người lính hôm nay chăng?
Nhưng cái tài, cái khéo và cũng là sự vững tay tạo nên chỉnh thể trữ tình quán xuyến suốt truyện “ Ốc gió” ở chỗ tác giả đã lèo lái câu chuyện của binh nhất Lê Văn Phấn theo một hướng khác. Trong những giây phút ngồi nghỉ trên bải biển, tình cờ anh làm quen với một người mẹ trẻ hình như cũng đang nghỉ trọ, cũng đang dự định một chuyến đi xa. Thêm một bé gái chừng ba tuổi. Thêm câu chuyện qua lại lơ lửng, mộng mơ giữa anh lính và người thiếu phụ khiến người đọc hình như mong manh hy vọng vào sự gá cặp may mắn giữa hai cuộc đời cô đơn, hai phận số không may? Còn thêm việc chị chăm nom khi anh bị cảm. Tiếp tới một bữa cơm mà chị luôn lo tiêu tốn tiền của anh binh nhất. Khát khao nồng nàn nhưng không gạ gẫm, vồ vập. Càng không có chuyện mà cả, mua bán hoặc mồi chài.Tất yếu dẫn tới những rung động yêu đương hay nhu cầu xác thịt- ngay bạn đọc cũng khó khó mà đoán biết được. Vẫn nhận ra bút pháp, giọng điệu kể chuyện của tác giả tiểu thuyết “ Đèn vàng”: kín đáo mà ẩn chứa, mà tinh tế; chấm phẩy thế thôi nhưng khơi gợi ra trò: “ Ngọc đến trước mặt Phấn, đôi mắt có quầng lấp lánh, chỗ này đằm thắm roi rói, chỗ kia diễu cợt khúc khích. Anh muốn em chứ? Anh đã muốn em như thế này cơ mà, phải không?”. Hai khổ cuối của chuyện như những vĩ thanh, vừa như phần kết thúc cần thiết, vừa như bật sáng chủ đề chính của chuyện. Anh bình nhì về quê, dù mẹ anh có tìm cho anh một cô gái khác, Phấn vẫn da diết không nguôi người thiếu phụ gặp ở bãi biển, vẫn xót xa thương cảm hoàn cảnh riêng của người đàn bà. Phấn nhiều lần tìm cách nối lại liên lạc với chị ta mà không được. Sáu tháng sau, nghỉ phép lần thứ 2, tìm tới thị trấn cũ, khu nhà trọ cũ, hỏi thăm không có thiếu phụ nào tên là Ngọc, vừa có đứa con gái bé nhỏ, vừa có cậu con trai tật nguyền. Binh nhì Lê Văn Phấn lấy vợ, sinh con; có thể lên chức, thăng hàm; có thể còn phục vụ ngoài đảo hay đã ra quân trở về quê, nhưng anh lính đảo vẫn không chịu tin rằng mình đã bị lừa..
Chắc không ai nỡ tâm nghĩ rằng Phấn ngây thơ, khờ khạo. Càng không muốn nghĩ, không thể nghĩa rằng anh lính đã bị lừa. Đọc xong những dòng cuối của câu chuyện, chắc bạn cũng như tôi sẽ yêu mến, tự hào thêm những người lính đảo của chúng ta. Cái chết phải đối đầu từng ngày, từng giờ rành rành đấy. Những thèm muốn, khao khát tự nhiên bị chế ngự rành rành đấy. Nhưng chẳng vì sự cô đơn vây bủa, vì những thử thách dữ dằn của cuộc sống nơi biển đảo làm tiêu tan phẩm cách trong sáng, lòng tin vào con người, vào cuộc đời ở các anh.
Đấy mới thực sự là chiều sâu sức mạnh của những người lính đảo mà chúng ta tin tưởng, trông đợi hôm nay.
-------
(1) chữ in nghiêng trong nguyên bản.