Theo các báo có đến 90% các gói thầu xây lắp thực hiện theo phương thức chìa khóa trao tay (EPC) đã thuộc về các công ty Trung Quốc, trong đó phần lớn là các dự án năng lượng, luyện kim, hóa chất.
Còn theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần một nửa trong tổng số 248.000 tỉ đồng giá trị các gói thầu xây lắp bằng vốn nhà nước và vay của nước ngoài trong năm 2010 (chỉ một năm thôi đấy!), do công ty Trung Quốc thực hiện.
Đặc biệt, hai doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư lớn vào nhiệt điện là EVN và tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì các nhà thầu Trung Quốc thắng thế. Riêng với TKV, hầu hết các dự án lớn của tập đoàn này, gồm sáu nhà máy nhiệt điện và các dự án luyện kim như đồng Sin Quyền, bauxite ở Tây Nguyên đều do các công ty của Trung Quốc đảm nhận.
Tại sao lại thế ? Tại sao những nhà thầu uy tín, công nghệ hiện đại của Nhật Bản hay của các nước tiên tiến khác không thể trúng thầu ? Lý giải điều này, người ta bèn đổ lỗi nào là do luật pháp của ta chưa chặt chẽ, nào là do các nhà thầu Trung Quốc chào giá quá thấp. Ôi, thật hết chỗ nói. Tất cả chỉ là ngụy biện.
Qua những hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền Biển Việt Nam của Trung Quốc vừa qua, thấy càng giật mình trước những thông tin nói trên. Không chỉ trên đất liền, trên biển mà cả trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa (như phim ảnh) Trung Quốc đang lộ rõ ý đồ của họ. Điều đó, một người dân bình thường ở cái tầm rất chi là vi vi mô như tôi cũng biết. Thế nhưng các vị có quyền quyết định những cái dự án to đùng ở tầm vĩ vĩ mô nói trên lại không biết ? Đúng ra là không phải không biết. Họ biết rõ đối tác lắm, từ bản chất, công nghệ đến cách hành xử.
Không như người Tây, người Trung Quốc sau khi trúng thầu thì mang sang Việt Nam từ những thiết bị lớn cho đến những con bù lon, ốc vít. Từ công nhân vận hành đến cả người quét dọn vệ sinh. Tôi nghe nói họ còn khuyến khích công nhân Trung quốc lấy vợ Việt và sẽ được thưởng, được cấp nhà (một kiểu đồng hóa cho tương lai đấy). Họ thầu ở đâu thì ở đó thành biệt khu riêng, bất khả xâm phạm. Làng Tàu, phố Trung Quốc đang mọc lên bất hợp pháp như nấm ở Hải Phòng và nhiều nơi khác. Vân và vân. Người ta nói “thâm” như Tàu quả đúng thật. Biết thế mà vẫn phải làm thế. Kể cũng khó cho các vị khi đặt bút kí thật. Viết đến đây, tôi lại nhớ cái tặc lưỡi buông tiếng “kệ” của anh cu Tràng, nhân vật trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân khi quyết định chấp nhận cái cô “vợ nhặt” làm vợ giữa lúc cái đói, cái chết cận kề. Có lẽ các vị cũng đã chậc kệ trước khi đặt bút phê duyệt các dự án chăng ? Kệ con cháu vì vốn ODA (ông đòi ai ?) mà. Cứ xài. Miễn là nặng túi. Ai trả ? Kệ! Anh ninh đất nước ? Kệ!
Ngày xưa, cụ Phạm Duy Tốn chẳng đã viết một cái truyện ngắn rất hay với cái tựa đề không thể nào quên đó sao: Sống chết mặc bay!
Dân gian thì đã nói từ đời nào: Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!
Ngẫm chuyện nay nghe câu ngạn ngữ cũ mà thấy nổi hết gai ốc. Ai mà biết được cái giá con cháu phải trả trong nay mai sẽ ra sao ?
18-6-2011
Nguyễn Duy Xuân