Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

Vũ Xuân Túc
Thứ ba ngày 21 tháng 6 năm 2011 6:07 AM
 
                Chủ nhật vừa rồi , Phan Phương Đạt , học sinh cũ trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam  đến thăm vợ chồng tôi tại nhà . Phan Phương Đạt tốt nghiệp THPT năm 1988. Em là học sinh lớp chuyên toán , từng đoạt giải cao trong 2 kỳ thi Toán quốc tế năm 1987 ( ở Cu Ba ), năm 1988 ( ở Australia ), thi cùng lứa với GS Ngô Bảo Châu. Rời trường phổ thông , Đạt theo học toán ứng dụng tại ĐHTH Kishinhov ( Mondova ). Hiện nay , em làm việc ở FPT , là phó TGĐ FPT Software . Năm Phan Phương Đạt tốt nghiệp ra trường và dự thi Toán quốc tế ở Australia ( 1988 )là năm đất nước đang trong những năm đầu của thời kỳ Đổi mới , cũng là năm sóng gió trong quan hệ giữa ta và ông bạn láng giềng phương Bắc. “ Sự kiện 14.3.1988” trên biển Đông năm ấy gây công phẫn mạnh mẽ trong dư luận trong và ngoài nước , đặc biệt là giới trẻ . Học sinh “ Trường Ams” bàn tán rất nhiều về sự kiện này . Học sinh khối 12, mặc dù đang tất bật chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi vào đại học, nhưng em nào khi gặp các thày cô cũng biểu lộ thái độ phẫn uất và bức xúc của mình trước hành vi ngang ngược của những thế lực quen thói xâm phạm chủ quyền lãnh thổ,lãnh hải các nước láng giềng
         Thật bất ngờ , trong buổi  thày trò gặp gỡ, Đạt đã mang theo bài thơ Tiếng trống Ra trường được đọc trong Lễ Ra trường truyền thống của học sinh khối 12 trường Ams năm 1988. Trong bài thơ có một đoạn mà bây giờ,sau 23 năm, thầy trò chúng tôi đọc lại vẫn thấy rần rật trong người :
                 “  Trước ngưỡng cửa đời nao nức tuổi thanh xuân
                    Nghe xao xuyến tiếng trăm vùng đất gọi
                    Có cả tiếng của bao điều nhức nhối
                    Lứa chúng mình không dễ dãi vô lo
                    Tuổi học trò hôm nay trăn trở những suy tư
                    Khi đất nước còn nghèo, còn cơm khoai áo vá
                    Cờ Tổ quốc thấm từng dòng máu ứa
                     Đau đáu Trường Sa sóng bủa phía chân trời
                     Ta không bước vào đời như những người xa lạ
                     Trống trường sao da diết thế , trống trường ơi ! “
       Tôi còn nhớ , sau kỳ thi Toán quốc tế năm 1988 , Sứ quán ta ở Australia tổ chức một cuộc liên hoan chào mừng thành tích xuất sắc của Đoàn học sinh Việt Nam . Nhà báo Hàm Châu cho biết , trong cuộc mừng công ấy , Phan Phương Đạt đã  đọc bài thơ Tiếng trống Ra trường trong sự xúc động của tất cả mọi người .
            Những năm sau đó , bài thơ Tiếng trống Ra trường vẫn được đọc trong các buổi chia tay của học sinh khối 12 trường Ams . Tuy nhiên , vì lý do …nhạy cảm , đoạn thơ nói trên không còn được giữ lại (!) . Tưởng như những câu thơ từng gây nhức nhối bao tâm hồn trẻ trường Ams năm ấy, theo thời gian, đã đi vào quên lãng.
             Cho đến hôm nay …
             Cầm trên tay bài thơ mà nhiều dòng chữ đã mờ nhòe như phủ bụi thời gian , tôi bồi hồi nhớ lại không khí  đặc biệt sôi động trong mùa hè giã từ tuổi học trò của lứa học sinh ra trường hơn hai mươi năm về trước . Lứa học sinh lớp 12 trường Ams năm ấy , liệu  những em nào còn giữ lại bài thơ đánh dấu một kỷ niệm khó quên của tuổi học trò  trong những năm tháng sục sôi của đất nước ?
            Tôi xin được gửi bài viết nhỏ này tới các em học sinh cũ trường  THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam , đặc biệt là các em học sinh khối 12 khóa ra trường năm 1988, với tấm lòng yêu thương của một thày giáo già tuy đã rời bục giảng khá lâu, nhưng  vẫn tiếp tục đồng hành với các em trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước .
                         Mùa phượng đỏ rực trời trên đường Điện Biên Phủ , 2011   
                                                             Vũ Xuân Túc
                                        (  nguyên giáo viên dạy chuyên Văn
                                          trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam )
                                             ĐT : 04.3562.0009    Dđ : 0986.230.184