Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHA CON TÔI ĐẾN VỚI NGHỀ BÁO

Quốc Vũ
Thứ hai ngày 20 tháng 6 năm 2011 5:28 PM
                                 
  Tôi có một kỉ niệm khá sâu sắc về nghề báo. Nhớ lại những năm 80 đầu 90 của thế kỉ trước, ở nước ta, người dân chủ yếu chỉ được tiếp cận với báo nói thông qua những cái loa công cộng hoặc máy thu thanh chạy pin.   Tôi có một người con gái tốt nghiệp phổ thông trung học người bé loắt choắt. Bạn bè hay gọi đùa là “Oắt”. Tôi khuyên nó đi học nghề sư phạm sau này xin về dạy học gần nhà, vừa phù hợp với sức khỏe vừa ổn định đời sống. Oắt nhất quyết không nghe, cứ khăng khăng đòi thi vào nghề báo. Và rồi nó quyết tâm thực hiện ý muốn bằng được. Khi đi khám sức khỏe để vào đại học, Oắt đã mượn ông hàng xóm chuyên nghề sản xuất ắc quy mấy cân chì bỏ vào túi để đủ trọng lượng danh định khi lên bàn cân. Rồi kết quả thi đại học nó cũng đạt điểm khá cao bởi miệt mài học tập và đọc sách đêm ngày cộng với năng khiếu bẩm sinh. Suốt mấy năm trời học tập, Oắt đều đạt được điểm khá giỏi mặc dù kinh phí được cung cấp rất hạn chế bởi kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Bỗng một tai nạn bất ngờ ập đến. Vào giữa năm học thứ ba, một hôm Oắt đi bộ sang đường mua đồ ăn sáng liền bị một chiếc xe máy do một cậu bé mới 16 tuổi điều khiển đâm vào gây chấn thương sọ não nặng. May nhờ có các bạn sinh viên và các thầy cô giáo đưa đi cấp cứu kịp thời, lại được các thầy thuốc bệnh viện 103 tận tình cứu chữa nên sau ba tháng điều trị, sức khỏe Oắt trở lại bình thường không để lại di chứng gì đáng kể. Phải bỏ học một thời gian dài, khi sức khỏe tạm bình phục, Oắt lại lao  vào học tập nghiên cứu để đuổi cho kịp chương trình. Mãn khóa lớp báo giấy, Oắt bảo vệ luận án tốt nghiệp đạt loại ưu, được nhà trường đánh giá cao. Ra trường, Oắt nuôi ước vọng được đi đây đi đó để hành nghề, nhưng đến cơ quan báo chí nào cũng bị khước từ, bởi cỡ người bé tẹo lại là phụ nữ. Cuối cùng thì Oắt cũng được một cơ quan báo cho vào thử việc.Ông tổng biên tập bảo hãy cứ làm đi, sau ba tháng, nếu được việc thì sẽ tạm tuyển. Thế là bắt đầu một hành trình gian nan lăn lộn vào thực tế. Với sức vóc bé nhỏ như vậy mà Oắt suốt ngày lần mò vào các ngõ ngách, các xóm trọ, vật vờ trên đường phố để tiếp xúc với các nhân vật và sự kiện. Từ những người bán hàng rong đến những thầy bói dạo, những người đóng giả nhà sư đi khất thực…đã được phản ánh khá trung thực và sinh động trong các phóng sự đăng tải liên tiếp, được các phóng viên trong tòa soạn khen ngợi. Và rồi trận thử thách cuối cùng đã đến. Có việc đột xuất, cơ quan cử phóng viên lên Tây Bắc, Oắt đã nhận nhiệm vụ. Trên chặng đường hơn ba trăm cây số, đèo dốc quanh co, xe xóc đến nỗi mửa mật xanh mật vàng, nhưng cứ mỗi chặng dừng chân là trong sổ tay của Oắt đã có phác thảo một bài viết. Và tình cờ trên dọc đường đi, đoàn nhà báo đã gặp một trận cháy rừng khủng khiếp. Và thế là cái phóng sự Tây Bắc cháy rừng trên từng cây số của nhà báo thử việc lập tức được đăng tải ngay trên trang nhất và được tổng biên tập khen thưởng. Ngay sau đó, “nhà báo thử việc” được tuyển dụng chính thức. Một hạnh phúc lớn  đến với Oắt là nhờ có đi làm báo mà gặp được “ý trung nhân”.Chính cái phóng sự một bà mẹ mù nuôi ba con học đại học đã thắt chặt mối quan hệ tình cảm nhà báo với nhân vật của mình. Sau khi bài báo đăng tải, bà mẹ mù đã được  những bạn đọc hảo tâm  hỗ trợ kinh phí chữa mắt và đôi mắt bà đã sáng trở lại. Cảm mến nhà báo trẻ, bà đã đánh mối xe duyên cho đứa cháu họ của mình.Và bây giờ đôi vợ chồng trẻ ấy đã có một gia đình  hạnh phúc với hai đứa con kháu khỉnh.
 Cơ duyên tôi thành người viết báo cũng khá khôi hài. Tôi có ông anh về hưu, trước đây đã từng làm báo chuyên nghiệp ở Bộ tư lệnh công binh. Về quê, anh suốt ngày ngồi viết truyện cười gửi các báo và đã từng được giải của đài TNVN. Anh rủ tôi, cậu có năng khiếu, viết báo đi, bây giờ là thời đại bùng nổ thông tin. Tôi bảo sức đâu mà lăn lộn đi thực tế lấy tin tức. Vả lại tòa báo thiếu gì bài của các phóng viên mà phải dùng tin bài của cộng tác viên. Anh bảo không làm được ở mảng thời sự chính trị, kinh tế xã hội thì làm ở mảng văn hóa đời sống. Nghe bùi tai, tôi OK liền. Cứ cắm cúi suốt ngày, viết viết xóa xóa, đến nỗi bữa bữa quên ăn, rồi cuối cùng cũng nặn ra được đôi bài, gửi đi chẳng báo nào đăng cho. Chán quá, định thôi. Bỗng một ngày kia, sau khi đổ thuốc bắc vào ấm đưa lên bếp củi, xem tờ giấy gói có bài báo khá hấp dẫn trong chuyên mục “Duỗi chân duỗi tay” là chuyên mục thư giãn của báo Lao Động cuối tuần. Tôi đọc như nuốt lấy từng chữ, thậm chí còn tỉ mỉ đếm xem có bao nhiêu chữ trong một chuyện “tiếu lâm”  rồi cũng học theo cách viết của họ. Bài báo đầu tiên tôi đã được đăng trên tờ báo này. Sau đó, tôi bắt đầu viết cho nhiều chuyên mục, từ diễn đàn, bạn đọc viết, đến giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt v.v…Rồi cả làm thơ trào phúng nữa! Tôi ngộ ra một điều để viết báo cho hay thì phải chịu khó học hỏi và đọc thật nhiều. Tích lũy được nhiều kiến thức cùng với rèn luyện tâm tính để có bản lĩnh vững vàng trong cuộc sống và viết lách, bởi báo chí chính là một kênh phản biện xã hội.
Việc tôi trở thành người viết báo trước hết  xuất phát từ sự đam mê, chịu khó học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu và sự trải nghiệm. Những thành công và thất bại khiến tôi thấm thía nhiều điều  .Quả thật, nhà báo luôn phải đối mặt với thực tế bề bộn những sự kiện. Ngoài việc phản ánh trung thực, anh phải có cái nhìn sự kiện ấy như một người quản lí ở một lĩnh vực nào đó của xã hội, góp phần định hướng dư luận hoặc đưa ra những lời cảnh báo có tính xác thực và thuyết phục. Có thể nói người làm báo là thư kí của thời đại. Cái khó của nghề báo có lẽ cũng ở chỗ ấy. Thời đại bùng nổ thông tin, với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là internet, người làm báo có nhiều điều kiện thuận lợi tiếp cận với thế giới bên ngoài, mở rộng tầm nhìn. Có thể nói nền dân chủ của loài người đã đạt tới tuyệt đỉnh khi công nghệ thông tin phát triển mà đỉnh cao của nó là internet. Nó đã mở rộng giao lưu của con người không phụ thuộc vào khoảng cách địa lí. Không ai bịt nổi “mồm công luận”! Nhờ có báo điện tử mà người ta đã phá bung tất cả những khuôn phép bó buộc nhà báo hành nghề.
 Mỗi khi viết bài, tôi lại nhớ và suy ngẫm lời Bác Hồ nói về viết báo
-Về nói và viết, phải viết sao cho người ta hiểu được, nhớ được, làm được.
-Về quan hệ ý và lời, phải làm sao cho ý nhiều hơn lời.
-Hãy dùng từ nhỏ để nói việc lớn và sâu, chớ dùng từ  to để nói việc nhỏ mà cạn.
-Haỹ nói và viết làm sao được sự giản dị cái tưởng chừng như phức tạp.
-Phải kiệm lời, không dùng chữ to tát quá. Phải viết chặt, càng đỡ sơ hở.
-Nói và viết câu chân lý bình thường mà ai cũng biết rồi cứ kiên trì nhắc lại, viết lại  cái bình thường ấy.