Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHAN KHÔI VÀ ĐẠM PHƯƠNG NỮ SỬ,QUA MỘT BỨC THƯ VÀ MỘT BÀI BÁO

Lại Nguyên Ân
Chủ nhật ngày 19 tháng 6 năm 2011 9:52 PM

 
Tham luận tại hội thảo về Đạm Phương Nữ Sử,
Huế, 18/6/2011

Trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, tôi giành khá nhiều thời gian để làm công việc sưu tầm nghiên cứu xung quanh tác gia Phan Khôi (1887-1959). Loại công việc được tôi quan tâm hàng đầu là tìm lại văn bản các bài viết của tác gia này đã đăng các báo ở ba miền Bắc, Trung, Nam từ năm 1918 đến tận cuối đời ông. Bên cạnh đó, tôi cũng giành thời gian tìm hiểu quan hệ giữa học giả này với những người hoạt động xã hội, những người viết văn viết báo đương thời. Chính vì vậy, tôi biết, Phan Khôi có những sự liên hệ nhất định với Đạm Phương nữ sử (1881-1947).

Phan Khôi nhỏ hơn Đạm Phương chừng 6 tuổi. Năm 1918, khi ông bước chân vào báo Nam phong thì bà Đạm Phương cũng bắt đầu cộng tác với tờ báo này. Rất có thể sự giao dịch giữa một viên trợ bút (Phan Khôi) với cộng tác viên (ở đây bà Đạm Phương) đã mở đầu cho sự quen biết, tất nhiên đó là sự quen biết gián tiếp, chỉ qua những giao dịch về bài vở.
Chừng trên 10 năm sau đó, từ tháng 5/1929, Phan Khôi cộng tác với gia đình bà Cao Thị Khanh và ông Nguyễn Đức Nhuận ở Sài Gòn để xuất bản tờ tuần san Phụ nữ tân văn. Đây là dịp để Phan Khôi triển khai cuộc vận động duy tân vào một nội dung cụ thể: đưa vấn đề về giới phụ nữ ra luận bàn trên diễn đàn ngôn luận, vạch ra sự bất bình đẳng giữa giới nam và giới nữ ở xã hội Việt Nam  là trở ngại lớn trên đường “tấn hóa” (hiện đại hóa), nêu lên sự cần thiết của việc cải cách một số phong tục tập quán liên quan đến người phụ nữ, đặt người phụ nữ vào cả công việc gia đình lẫn công việc xã hội, nêu các vấn đề “nữ lưu giáo dục”, “phụ nữ chức nghiệp”, “đàn bà với quốc sự”, v.v…

Một sự kiện đương thời gây tiếng vang lớn là cuộc trưng cầu ý kiến về vấn đề phụ nữ do tuần báo Phụ nữ tân văn tổ chức mà vai trò lớn tổ chức nên sự kiện này là thuộc Phan Khôi, − việc mời những ai lên tiếng về vấn đề này, việc viết tổng kết cuộc trưng cầu, v.v… chắn hẳn đều do người đề xuất ý tưởng ấy chủ trì. Trên một chục người được xem là những người có tên tuổi (“các danh nhơn trong nước”, như chữ dùng của tòa soạn) đã được mời và lên tiếng trên tuần báo Phụ nữ tân văn, trong số ấy, người duy nhất thuộc giới nữ chính là Đạm Phương nữ sĩ. Sự lựa chọn của tòa soạn Phụ nữ tân văn là hoàn toàn có căn cứ: bà Đạm Phương hầu như là ký giả phụ nữ đầu tiên, ngay từ đầu những năm 1920s, đã không ít lần lên tiếng, trên các tờ Thực nghiệp dân báo, Trung Bắc tân văn, về các vấn đề về giới nữ, từ “nữ học”, “nữ ngôn” đến các quan hệ vợ với chồng, bà gia với nàng dâu, các việc giáo dục con cái, thái độ với tiền bạc, v.v…theo tinh thần đưa người phụ nữ Việt Nam tiếp cận với đời sống văn minh hiện đại. Tất nhiên, mức độ đòi cởi mở và công bằng hơn cho giới nữ, trong cách đặt vấn đề của nữ sĩ Đạm Phương, là còn khá dè dặt, trong khi đó, cách đặt vấn đề nữ quyền của Phan Khôi, − nêu ra sau nữ sĩ chừng 7 - 8 năm, − là mạnh mẽ hơn nhiều, căn bản hơn nhiều, quyết liệt hơn nhiều. Tuy nhiên, trong khung cảnh cuộc luận bàn trên tuần báo Phụ nữ tân văn vào năm 1929, Phan Khôi vẫn tìm được ở Đạm Phương nữ sĩ một sự đồng thuận. Làm tổng luận cho cuộc trưng cầu, Phan Khôi đã nhấn vào mấy lời này của bà: “Người đàn bà ngày nay […] cần phải trực tiếp với xã hội […] ngoài gia đình phận sự, còn phải mưu cầu sự hạnh phúc chung cho nhân loại. Mà đã muốn như thế thì phải có học thức”. [1]   
Sự gặp gỡ, một cách gián tiếp, dưới dạng trao đổi bằng thư tín, giữa Phan Khôi với Đạm Phương nữ sử, trong cuộc trưng cầu ý kiến của tuần báo Phụ nữ tân văn năm 1929, tựu trung chỉ có vậy; đó là sự đồng thuận về ý kiến trên một vấn đề đời sống rất quan thiết là vấn đề về giới nữ, cũng chính là một vấn đề xã hội, dưới cái nhìn “duy tân”, − yêu cầu “cải lương” nhiều mặt trong quan niệm sống, trong sinh hoạt xã hội, hướng theo các chuẩn mực của văn minh Âu Tây.
 
Khoảng 5 năm sau, vẫn với tư cách một nhà báo, Phan Khôi lại có dịp đề cập đến Đạm Phương nữ sử. Ấy là vào năm 1933, Phan Khôi đang làm chủ bút tờ  tuần san Phụ nữ thời đàm tập mới của chủ nhân báo này là ông bà Nguyễn Văn Đa ở phố Sông Tô Lịch (nay là Hàng Lược), Hà Nội.
Sự việc liên quan đến bức thư Đạm Phương gửi Phan Khôi, và sau đó, bài báo của Phan Khôi, dưới bút danh Hồng Ngâm, đề cập đến Đạm Phương, − là gắn với công việc chủ bút của Phan Khôi tại tòa soạn Phụ nữ thời đàm.
Trong số nhiều loại bài mục lớn nhỏ, chỉ xin nhắc đến việc Phan Khôi đặt ra mục “Tiểu phê bình” với những nhánh nhỏ như: “Tiểu phê bình về sách vở”, “Tiểu phê bình về phong tục”, “Tiểu phê bình về nhân vật, cả đàn bà lẫn đàn ông”. Thể tài “phê bình nhân vật” vốn được khởi đầu từ 1931 trên báo Phụ nữ tân văn bởi nhà phê bình Thiếu Sơn, từng được Phan Khôi cổ vũ, [2]  và đến 1933 chính ông cũng đã viết trong thể tài này, trên Phụ nữ thời đàm tập mới.
Dưới bút danh Hồng Ngâm, ông đã bình luận về khá nhiều nhân vật đương thời, từ giới quan chức (Hà Đằng, nghị trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, Ngô Đình Diệm, thượng thư vừa từ chức), đến nhà báo (Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Phan Long, Diệp Văn Kỳ…), thầy thuốc (Nguyễn Hữu Cự), tu sĩ (Thiện Chiếu), họa sĩ (Đặng Văn Ký), và rất nhiều phụ nữ: từ các bà được gọi theo tên chồng: bà vợ Phạm Quỳnh, bà vợ Hà Văn Ngoạn (tri phủ Tư Nghĩa), bà góa Cao Xuân Sang, đến các bà được gọi bằng chính tên mình: bà Tương Phố, bà Đạm Phương.
Loại bài “phê bình nhân vật” mà Phan Khôi viết vào thời gian này có mấy đặc điểm cần lưu ý: thứ nhất, văn viết theo lối “nhàn đàm”, “hài đàm”, giọng khá dân dã, suồng sã, tuy có kiềm chế, nhưng hiển nhiên không theo lối chính luận nghiêm trang; thứ hai, không nói về toàn bộ cuộc đời mỗi nhân vật, trái lại, mỗi bài chỉ đề cập một nét, một sự việc trong đời nhân vật, thường là nét mới, lúc ấy hãy còn mang tính thời sự, chẳng hạn: “Bà Tương Phố lấy chồng”, “Sư Thiện Chiếu hoàn tục”, “Ông Diệp Văn Kỳ với vợ ông ấy”, “Bà Thượng Phạm có ghen không?”, v.v…
Nói vài điều như trên để lưu ý ngữ cảnh nảy sinh nhan đề “Bà Đạm Phương đi tu?” trong bài cuả ký giả Hồng Ngâm (bút danh của Phan Khôi).
Loại bài bình luận về nhân vật kiểu này cần phải cập nhật những nét “thời sự” gần nhất của nhân vật hữu danh. Đối với trường hợp bà Đạm Phương, chi tiết được nghe đồn lúc này (cuối năm 1933) là bà đi tu, sau những sự kiện buồn thảm xảy đến (năm 1931, một người con trai là Nguyễn Khoa Tú bị Pháp bắt tra tấn đến chết; 14/3/1932, chồng bà là Nguyễn Khoa Tùng qua đời ở tuổi 60).[3] Do nghe có lời đồn ấy, Phan Khôi đã viết thư thăm hỏi “cận trạng” (tình trạng gần đấy) và đã được bà Đạm Phương phúc đáp. Bài Phan Khôi viết ký bút danh Hồng Ngâm đã công bố một phần bức thư ấy, luôn thể thực hiện điều chủ yếu của người làm báo là giải đáp cho độc giả về tình trạng của một nhân vật nổi tiếng trong nữ lưu đương thời. 
Bà Đạm Phương có đi tu không?
Trước khi công bố một phần nội dung bức thư, ký giả Hồng Ngâm (tức Phan Khôi) nêu vắn tắt “tiền sử” nhân vật được bàn luận: bà Đạm Phương nổi danh từ 15 năm trước, kể từ lúc tạp chí Nam phong  đăng bài du ký Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh, trong đó có thuật lại sự tiếp xúc với vợ chồng bà Đạm Phương và trích đăng một số bài thơ của bà. [4] (Theo bài du ký ấy thì Chương Dân tức Phan Khôi cũng có mặt trong chuyến đi ấy, không rõ ông có dự cuộc tiếp kiến với nữ sử cùng Phạm Quỳnh hay không). Một sự việc đáng kể khác, là khoảng những năm 1926-27, bà Đạm Phương chủ trương Nữ công học hội ở Huế. Cái tin đồn Đạm Phương đi tu khiến Phan Khôi nghĩ đến khả năng chịu thử thách của những người đã từng xuất đầu lộ diện trong hoạt động xã hội:
 “Hồi bình nhật, ít nhiều cũng có cái lòng tự phụ, tự phụ là khác thường, muốn ra thi thố với đời chơi, không được việc nọ thì việc kia; đến chừng làm ra không thấy thành công, chẳng những không thành công thì chớ, lại còn chuốc lấy tiếng tăm tai vạ vào mình; như thế rồi đâm chán, rồi đổ đốn, rồi đi tu, rồi tự tử: ấy là cái đường lối của người thường quen đi đấy, sự hăng hái ban đầu của họ thì giống nhau, đến lúc thất bại, tùy theo tánh chất từng người, họ chọn lấy một cái kết quả. Bà Đạm Phương cũng là một trong hạng người ấy hay sao? Hạng người ấy, tôi thấy bên đàn ông nhiều lắm; bên đàn bà nếu có bà Đạm Phương nữa cũng được, chẳng lấy làm nhiều!”
Nếu quả như vậy, theo Phan Khôi, nhà hoạt động xã hội vừa bị khuất phục kia chẳng có gì đáng bàn.
Nhưng, căn cứ vào bức thư đã có trong tay, Phan Khôi khẳng định: sự việc được đồn thổi đó hóa ra là không đúng!
Bức thư của Đạm Phương cho biết, khi ấy bà rất đau đớn vì “bao nhiêu cảnh thương tâm vừa qua”, trong việc nhà cũng như việc đời, nên bà đã “đành ẩn mình trong chốn sơn trang, bạn với cỏ cây, vui cùng khe núi, lại thường tham cứu Phật giáo”. Nhưng bà khẳng định: “Đó chẳng qua là một cái phương tiện nhất thời để yên ủi tinh thần, chớ thật chưa dám nói xuất gia nhập thiền như nhiều người quen biết thường hỏi đến”. Bà nhắc lại điều mà bà chắc rằng Phan Khôi đã biết và sẵn lòng tán đồng: “Không thể cho rằng người nghiên cứu Phật pháp là những người đã đem mình để ra ngoài cuộc đời” ; nghĩa là: tham cứu sách Phật để định tâm tĩnh trí và tu trì thành tu sĩ Phật giáo, − là hai việc khác nhau. Bà khẳng định : “Ngoài cái thời gian nghiên cứu Phật học ra, tôi vẫn quan tâm đến những vấn đề về phụ nữ: nữ tử giáo dục, phụ nữ quyền lợi, phụ nữ chức nghiệp v.v… Tương lai trên đường tấn hóa của phụ nữ, chị em còn nhớ mà gọi đến tên, xin chân thành trả lời rằng: có mặt! Trên một bãi sa mạc, nắng cháy cát thiêu, một người bộ hành tiều tụy, sau khi đã qua một quãng đường cực nhọc, đau đớn, thấy được cái bóng cây, thì cũng dừng chân nghỉ mát một chút, chớ không bao giờ tưởng cái bóng cây mát ấy là mục đích của đường mình đi” [5]
Sự bộc bạch của bà Đạm Phương khiến Phan Khôi tin vào sự kiên định của
“nhân vật” của mình về hoạt động xã hội mà bà vẫn đeo đuổi.
 Phan Khôi nói về bà Đạm Phương giống như nói về chính mình: “Làm sơ sơ gì đó, thất bại, rồi đi tu hay tự tử, thì thà hồi trước đừng làm!”
 Và, như chúng ta đã thấy, cả hai nhân vật được nói tới trong bài này, đều đã hành động như vậy, theo những cách khác nhau, trong suốt cả cuộc đời mình!
Tháng 3/ 2011
Lại Nguyên Ân

Chú thích
[1] P.N.T.V.: Tổng luận về cuộc trưng cầu ý kiến của ‘Phụ nữ tân văn’ // Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 15 (8. 8. 1929).
[2]  Phan Khôi: Giới thiệu lối văn phê bình nhân vật // Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 93 (30. 7. 1931).
[3] Theo Nguyễn Khoa Điềm: Những cột mốc trong cuộc đời Đạm Phương nữ sử, trong sách: Tuyển tập Đạm Phương nữ sử / Lê Thanh Hiền sưu tầm biên soạn, Nguyễn Khoa Điềm bổ sung sửa chữa / Hà Nội: Nxb. Văn học, 2010, tr. 615-627.
[4] Xem: Phạm Quỳnh: Mười ngày ở Huế // Nam Phong, Hà Nội, s. 10 (tháng 4/1918), tr. 218-220
[5] Hồng Ngâm: Bà Đạm Phương đi tu? // Phụ nữ thời đàm, tập mới, Hà Nội, s. 7 (29. 10. 1933), tr. 9-10.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
PHỤ LỤC
 
Bà Đạm Phương đi tu?
Bà Đạm Phương ở Huế nổi danh trong nước cũng đến 15 năm nay, nghĩa là từ hồi Nam phong tạp chí mới ra đời đến số 9 số 10 gì đó, số nói về lễ Nam giao, trong ấy có một bài nói đến hai vợ chồng bà và mấy bài thơ chữ Hán của bà. Cách ít lâu, vào khoảng năm 1926 - 1927, bà Đạm Phương đứng ra chủ trương Nữ công học hội là một mội hội học của phụ nữ chốn kinh đô. Được đâu vài ba năm gì đó thì bà từ chức hội trưởng của hội ấy, rồi thì trên các báo chí cũng vắng luôn, ít khi thấy nói đến bà.
Người ta nói rằng bà Đạm Phương đi tu.
Họ đồn như vậy là vì thấy mấy năm gần đây bà Đạm Phương gặp luôn luôn sự rầu rĩ trong gia đình, hết chồng chết rồi đến con, những việc tử táng hoạn nạn cứ xảy đến cho bà, làm bà phải ngã lòng nản chí mà đem mình gởi nơi am thanh cảnh vắng.
Quả vậy thì bà Đạm Phương cũng là một người đàn bà thường lắm, thường như hàng ngàn hàng vạn người đàn bà khác, không đáng đem ra bình phẩm, bình phẩm bà thì cứ nhắm mắt vơ lấy một người nào mà bình phẩm chả được.
Hồi bình nhật, ít nhiều cũng có cái lòng tự phụ, tự phụ là khác thường, muốn ra thi thố với đời chơi, không được việc nọ thì việc kia; đến chừng làm ra không thấy thành công, chẳng những không thành công thì chớ, lại còn chuốc lấy tiếng tăm tai vạ vào mình; như thế rồi đâm chán, rồi đổ đốn, rồi đi tu, rồi tự tử: ấy là cái đường lối của người thường quen đi đấy, sự hăng hái ban đầu của họ thì giống nhau, đến lúc thất bại, tùy theo tánh chất từng người, họ chọn lấy một cái kết quả.
Bà Đạm Phương cũng là một trong hạng người ấy hay sao? Hạng người ấy, tôi thấy bên đàn ông nhiều lắm; bên đàn bà nếu có bà Đạm Phương nữa cũng được, chẳng lấy làm nhiều!
Té ra không phải!
Bản báo chủ bút vì tình quen biết mười lăm năm trước, mới đây có thông tin cùng bà để hỏi thăm cận trạng.[*] Được phục thư bà, trong có một đoạn, nguyên văn như dưới này:
"Tiên sinh trong bức thư trước có hỏi đến cận trạng của tôi. Xin cám ơn. Ôn lại bao nhiêu cảnh thương tâm vừa qua, thật đau đớn quá! Việc đời, việc nhà đều thế cả. Nên đành ẩn mình trong chốn sơn trang, bạn với cỏ cây, vui cùng khe núi, lại thường tham cứu Phật giáo. Đó chẳng qua là một cái phương tiện nhất thời để yên ủi tinh thần, chớ thật chưa dám nói xuất gia nhập thiền như nhiều người quen biết thường hỏi đến.
Vả chăng tiên sinh có nghiên cứu Phật giáo thời cũng biết rằng: Phật giác tại thế gian, bất ly thế gian giác. Cho nên không thể cho rằng người nghiên cứu Phật pháp là những người đã đem mình để ra ngoài cuộc đời. Phật giáo ngày nay sở dĩ hóa ra một học thuyết cho phái trốn đời, cái tệ ấy không phải tại nơi Phật giáo mà chính tại người học Phật sai.
Ngoài cái thời gian nghiên cứu Phật học ra, tôi vẫn quan tâm đến những vấn đề về phụ nữ: nữ tử giáo dục, phụ nữ quyền lợi, phụ nữ chức nghiệp v.v…
Tương lai trên đường tấn hóa của phụ nữ, chị em còn nhớ mà gọi đến tên, xin chân thành trả lời rằng: có mặt!
Trên một bãi sa mạc, nắng cháy cát thiêu, một người bộ hành tiều tụy, sau khi đã qua một quãng đường cực nhọc, đau đớn, thấy được cái bóng cây, thì cũng dừng chân nghỉ mát một chút, chớ không bao giờ tưởng cái bóng cây mát ấy là mục đích của đường mình đi…"
Độc giả những ai có nghe tin bà Đạm Phương đi tu, hay là tưởng cho bà Đạm Phương đi tu thật, thì hãy phá ngay sự lầm ấy đi sau khi đọc mấy giòng của bức thư trên này.
Có thế chứ! Có thế, bà Đạm Phương mới là dâu quan Thượng Nguyễn Khoa… chứ! mới là mẹ của cậu mỗ chứ! mới là người đàn bà năm mươi tuổi đầu làm đàn chị đám nữ thanh niên ở chốn đế đô chứ!
Làm sơ sơ gì đó, thất bại, rồi đi tu hay tự tử, thì thà hồi trước đừng làm!
Tưởng là không có điều gì làm khó lòng cho bà hết, nên chúng tôi đã tự tiện đăng một đoạn trong bức thư riêng của bà Đạm Phương, xin bà thứ lỗi cho.
HỒNG NGÂM
Phụ nữ thời đàm tập mới, Hà Nội, s. 7 (29. 10. 1933), tr. 9-10.
[*] cận trạng  近  狀 : trạng huống gần đây (Đào Duy Anh : Hán-Việt từ điển)