( Nhân ngày Báo chí Việt Nam, 21.6)
Có những bức ảnh báo chí khi bấm máy người chụp không kịp nghĩ rằng mình đã vô cùng may mắn “chộp” được một khoảnh khắc đáng giá nhất trong sự nghiệp cầm máy và trong dòng chảy của lịch sử. Có thể nói, những bức ảnh như thế đã thay đổi cả thế giới.
Nhắc đến ngày giải phóng Sài Gòn, có ai lại không biết đến bức ảnh lịch sử chiếc xe tăng quân Giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Độc lập trưa ngày 30.4.1975. Nhưng thật đáng buồn, cuộc chiến đã lùi xa hai mươi năm, mãi tháng 4. 1995, khi nữ phóng viên người Pháp Francoise de Mulder trưng ra bằng chứng không thể chối cãi, thì những người dân Việt Nam mới biết được chính chiếc xe tăng mang số hiệu 390 mới là chiếc xe húc đổ cánh cổng dinh, chứ không phải chiếc xe nào khác. Bởi chính bà là người cầm máy ghi lại thời khắc ấy. Thế là hơn hai mươi năm sau chiến tranh, lầm lũi kiếm sống như thể biệt tích ở làng quê Bắc bộ, 4 pháo thủ trên chiếc xe tăng 390 bước ra ánh sáng của lịch sử. Chúng ta đã may mắn được chiêm ngưỡng những người anh hùng đích thực. Sự kết thúc dù muộn màng nhưng có hậu của câu chuyện“ cổ tích hiện đại” này đã trả lại cho lịch sử những gì vốn thuộc về nó.
Còn bức ảnh Em bé Napalm do Nick Ut, phóng viên hãng AP chụp cô bé bị bom Napalm Mỹ thiêu đốt ngày 8.6. 1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh thì không thể có chuyện tranh chấp bản quyền. Nhưng phải tới năm 1982, một ký giả Tây Đức mới tìm ra tông tích cô bé Napalm ấy chính là Kim Phúc.
Bức ảnh Em bé Napalm được tờ Newstates của Anh bình chọn là bức ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại và là 1 trong 10 bức ảnh chính trị vĩ đại nhất thế giới. Năm 1973 bức ảnh này đoạt giải Pulitzer…
Có những bức ảnh chụp đã vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm vẫn làm khắc khoải trái tim hàng triệu triệu người lương thiện yêu hòa bình công lý. Trong trường hợp này người Việt chúng ta không thể không nhắc đến phóng viên Mỹ Eddie Adams, người đã chụp bức ảnh tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan dí súng ngắn bắn vào thái dương một người lính Việt cộng giữa đường phố Sài Gòn trong sự kiện Tết Mậu thân năm 1968.
Người lính Việt cộng ấy đã bị trói quặt hai cánh tay ra sau lưng…Năm sau, A Dams nhận giải Pulitzer. Còn tướng Nguyễn Ngọc Loan đã trở thành biếu tượng của sự man rợ ngay tức thì, khi bức ảnh được công bố cấp tập trên khắp các phương tiện nghe nhìn trên toàn thế giới.
Không ai, dù đứng về phe nào trong cuộc chiến có thể phủ nhận những bức ảnh như thế đã góp phần làm rung chuyển để sụp đổ một thể chế, một chế độ.
Người xem khắc khoải vì không thể biết đích xác người lính Việt cộng ấy là ai, bao nhiêu tuổi, ở đơn vị nào. Cái chết của người lính thường ấy đã làm thân bại danh liệt đời đời kiếp kiếp một vị tướng của phía bên kia.
Người lính Việt cộng ấy xứng đáng được vinh danh, ngưỡng mộ. Nhưng mãi mãi anh là một ẩn số buồn bã. Đồng đội và hậu thế đã không thể trả lại tên tuổi thực cho anh. Buồn bã vì dường như chúng ta đã chưa cố gắng hết sức có thể trong việc này. Người thì bảo anh là Bảy Lốp( Nguyễn Văn Lém), người thì kêu anh là Bảy Nà( Lê Công Nà)…
Tự nhiên tôi nhớ và liên tưởng tới các bức ảnh nói trên khi gặp trên rất nhiều trang mạng hình ảnh cô bé 4 tuổi giương cao tấm biểu ngữ Dân tộc Việt Nam mong muốn hòa bình hữu nghị…Cô bé dẫn đầu đoàn biểu tình ngày 12.6.2011, phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa của ta. Cô bé ấy tên là gì nhỉ? Bé đã không thể biết được nhiều bậc ông bà cha chú anh chị đã ngưỡng mộ hành động của mình. Nhiều người gọi cô là Thiên thần bé nhỏ. Cô chính là hình ảnh tiêu biểu sống động của sự giáo dục lòng yêu quê hương đất nước. Một hình ảnh tỏa sáng đúng lúc.
Nhưng lại có một bức ảnh khác làm nóng dư luận theo chiều hướng khác. Đó là bức ảnh chụp một nhân viên an ninh của chính quyền ta mặc thường phục, đội mũ bảo hiểm, cắp nách một thanh niên biểu tình chống Trung Quốc đi phăm phăm giữa trưa nắng bên hông Nhà thờ Đức Bà, quận 1. Người bị cắp nách giãy giụa, rơi cả dép... Sau tôi mới biết người bị bắt ấy tên là Phan Nguyên
Có Nhà văn viết về tấm ảnh này với cái tít: Về tấm hình lịch sử. Nhà văn khác đặt tít: Một vụ bắt bớ kinh hoàng….
Bỏ qua hàng trăm, hàng nghìn nhận xét hài hước, sâu cay, giận dữ của cư dân mạng phía dưới bức ảnh trên các trang mạng, tôi đoan chắc đây là một bức ảnh báo chí gây ấn tượng mãnh liệt cho nhiều thế hệ người Việt sau này. Trong nhiều suy luận diễn giải, thể nào chả có người hỏi: Ai là tác giả bức ảnh? Nhân viên an ninh trong bức ảnh đó tên là gì? Cấp bậc gì? Anh ta ở đơn vị nào?
Người ta có lý do chính đáng để hỏi. Chả lẽ nhân viên an ninh đó được giáo dục lòng yêu nước khác với nhân dân? Chả lẽ anh ta coi việc biểu lộ lòng yêu nước một cách trật tự ôn hòa của nhân dân là sự nổi loạn, chống lại chính quyền? Chả lẽ hổ dữ xông vào nhà cắp lợn, giết người không dám chống cự? Đến khua chiêng gõ mõ, đốt lửa cảnh báo nó cũng không nốt ư?
Biết đâu, một ngày nào đó, con cái anh ta chỉ vào bức ảnh và hỏi: Có phải bố đây không? Tại sao lúc ấy bố lại có thể hành động như thế được nhỉ? Đấy là cách yêu nước của bố à?
Làm sao có thể biết anh ta sẽ phải trả lời con mình như thế nào?
Sài Gòn, 20.6.2011.
VDC