Hôm nay ngày 3/5 được nghỉ bù ngày lễ 1/5, mò tới thăm bác Trần Nhương trên trang Trannhuong.com, thấy có bài của bác Trần Đình Thu gửi bác Bành Thanh Bần. Đọc tắp lự, tôi thấy vui vui, và tất nhiên là có những băn khoăn muốn trao đổi lại với bác Thu, coi đây cũng chỉ là một sự nhàn đàm, ngõ hầu mở rộng thêm đường dư luận
1/ Bài viết của bác Thu có nói đến việc bác Bần với tư cách Chủ tịch Quĩ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG VÀ CUỘC SỐNG, đã mắc sai lầm khi chỉ tài trợ cho các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn hay Hội VHNT địa phương. Điều đó thì đã quá rõ rồi, bởi trong Điều lệ của Quĩ, cũng như bài trả lời bác Thu của bác Bần đã nói rõ:
“Bước một:
Do nguồn vốn còn hạn hẹp, chủ yếu do gia đình tôi đóng góp. Nếu năm đầu tiên số tiền đó so với số lượng đông đảo các Nhà văn trong cả nước, diện khó khăn cần được hỗ trợ thật như muối bỏ bể. Như câu “Nhà văn, Nhà báo, Nhà giáo, Nhà nghèo” thì Quỹ làm sao kham nổi...
Bước hai:
Sau khi có nhiều tổ chức cá nhân chung tay chung sức, góp của, góp công vì sự nghiệp phát triển “Văn Chương & Cuộc sống”, Quỹ sẽ thành lập có tư cách pháp nhân đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành. Lúc đó “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” Quỹ sẽ vươn tới mục tiêu cao đẹp mà Bác và nhiều Bạn văn mong đợi.”
Có thể vì bác Thu chưa đọc kỹ nên mới băn khoăn vậy thôi. Thế nhưng, cho đến hôm nay, ngay cái gọi là “Bước một”, cũng chưa thể thực hiện vì Quĩ chưa ra được Website riêng, nên Quĩ chưa thể đi vào hoạt động, còn nói gì đến “Bước hai”. Vả, ở “Bước một”, khoảng một năm đầu “Do nguồn vốn còn hạn hẹp, chủ yếu do gia đình tôi đóng góp. Nếu năm đầu tiên số tiền đó so với số lượng đông đảo các Nhà văn trong cả nước, diện khó khăn cần được hỗ trợ thật như muối bỏ bể. Như câu “Nhà văn, Nhà báo, Nhà giáo, Nhà nghèo” thì Quỹ làm sao kham nổi. Hiện tại Quĩ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG VÀ CUỘC SỐNG mới chỉ là một Quĩ gia đình được lập ra nhằm “cứu trợ” các nhà văn có hoàn cảnh khó khăn, thế thì có gì để băn khoăn đâu hở bác Thu. Có lẽ vì bác Thu quá sốt sắng với Quĩ nên mới lo ở tầm “chiến lược vĩ mô”, tức là ở “Bước hai” vậy thôi. Tôi hiểu và chia sẻ tâm sự ấy của bác Thu. Một khi còn là Quĩ gia đình mà bác Bần vừa là người bỏ tiền, vừa là Chủ tịch Quĩ thì bác ấy được toàn quyền quyết định, có gì là lạ đâu. Có lẽ, theo tôi, chúng ta nên tôn trọng quyền quyết định cách làm của ông chủ đầu tư Bành Thanh Bần. Những gì bất cập trong quá trình vận hành của Quĩ chắc bác Bần cũng đủ thông minh để tìm cách khắc phục. Và nếu như lúc ấy, Quĩ cần sự tham vấn của các nhà văn, nhà quản lý và dư luận thì hẵng hay, còn bây giờ nên để nó vận hành một cách tự nhiên nhất theo quan điểm của người sáng lập và Ban lãnh đạo Quĩ.
2/ Bác Trần Đình Thu có đưa ra những lý do khiến một số người không muốn vào các Hội Nhà văn và VHNT và một số người muốn nhưng lại không thể. Vâng đúng, đấy là một thực tế không thể chối cãi được. Nhưng khi bác Thu chỉ nhìn thấy nguyên nhân chính của những người không muốn vào Hội là vì văn nghệ phục vụ chính trị chứ không được “hoạt động văn học đúng nghĩa” (chữ dùng của bác Thu) thì tôi e rằng như vậy là khiên cưỡng. Vì thực tế nhiều người muốn mà chưa được vào Hội còn có nhiều lý do khác. Chẳng hạn như số lượng đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam hiện còn tồn đọng khá nhiều, (chưa kể số đơn xin ngay trong năm ấy cũng không phải là ít), mà mỗi năm Hội chỉ có thể kết nạp được một số lượng người nhất định theo hình thức bỏ phiếu kín của toàn thể Ban Chấp hành trên cơ sở danh sách mà các Ban Văn học và Hội đồng chuyên môn gửi lên. Chúng ta thường thấy ở các cuộc bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín của Hội NVVN, ứng viên phải đạt số phiếu quá bán mới được BCH chuẩn y kết nạp. Còn có một số người không làm đơn xin gia nhập Hội, đấy là quyền tự do cá nhân của họ, chúng ta không bàn, bởi vì chẳng ai biết thực chất lý do của họ là gì, nên không thể bàn về một cái không biết được.
Còn như bác Thu nói “có những người chưa hề viết văn nên họ không thể vào hội, nhưng họ có thể xuất thần viết ra những tác phẩm để đời”, thì tôi thật sự đáng ngờ, vì như vậy chắc người đó phải thuộc hạng “thần đồng” văn chương, mà ngay cả thế giới cũng chỉ đếm đầu ngón tay, còn ở Việt Nam, tôi càng có nhiều lý do để không tin có loại “thần đồng” ấy.
3/ Việc “xóa đói giảm nghèo” hay “cứu trợ”, “đền ơn đáp nghĩa” là mục đích của Quĩ đã được ghi rõ trong Điều lệ rồi, có gì khó hiểu đâu mà bác Thu phải băn khoăn. Duy việc bác Thu bảo: “Chắc có lẽ bác sẽ không trả lời được câu hỏi này của tôi: vậy thì cái việc mà bác làm đó, nó sẽ thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển ở chỗ nào?” có lẽ là bác Thu tự “sáng tác” ra thôi, chứ trong Điều lệ cũng như bài viết trao đổi của bác Bần với bác Thu, tôi không hề thấy chỗ nào bác Bần “trương” lên dòng chữ: “thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển” đâu. Sao bác Thu lại “làm khó” cho bác Bần thế?
Cũng là đôi dòng nhàn đàm với cả hai bác nhân ngày nghỉ lễ rỗi việc. Có gì khiếm khuyết mong cả hai bác bỏ ngoài tai./.
Đ.N.Y