Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ MẤY ÔNG HOÀNG CẦM ?

Duy Phi
Thứ năm ngày 28 tháng 4 năm 2011 10:01 PM

 Hoàng Cầm - Nhà Thơ (1920- 2010), nhiều người biêt, sinh tại Phúc Tằng, Bắc Giang (quê gốc Thuận Thành, Bắc Ninh). Hồi nhỏ ông học tại Phủ Lạng Thương, sau lại dạy học tại đó. Trong kháng chiến chống Pháp, Hoàng Cầm vào quân ngũ. Với tài năng làm thơ viết kịch, ông được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị. Ông là tác giả củâ các vở kịch thơ: Hận Nam Quan, Kiều Loan…, là tác giả của nhiều tập thơ xuất sắc: Mắt thiên thu, Lá Diêu bông, Về Kinh Bắc, 99 tình khúc… Nhiều bạn đọc nhớ thơ ông, các bài:  Lá Diêu bông, Cây tam cúc, Bên kia sông Đuống… , những câu thơ: 
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…
được nhiều người thuộc. Hoàng Cầm được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. 
  
Hoàng Cầm - Đại uý (1916- 1996), quê Trực Đại- Nam Định. Vào quân ngũ, mới đầu Hoàng Cầm là anh nuôi cho quân y tiền phương, Đội điều trị 8, Sư đoàn 308 Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khoảng năm 1951- 1952, ông đã sáng tạo kiểu bếp đun không khói, tránh máy bay giặc phát hiện. Hoàng Cầm giải ngũ năm 1961, hàm Đại uý, về Làng Mây, Tam Đảo làm ruộng. Trong suốt hai cuộc chiến, kiểu bếp Hoàng Cầm được nhân rộng, xuất hiện từ Điện Biên Phủ, đến dọc Trường Sơn, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ… Ngay tại rừng Tà Thiết, Lộc Ninh (Bình Phước), gần khu Hội trường Bộ Chỉ huy Miền, nay vẫn còn dí tích bếp Hoàng Cầm thời chống Mỹ. 
   Tháng 11/ 2008, chúng tôi có một Trại viết tại Tam Đảo. Anh Chu Ngọc Phan, bạn tôi, được con gái của ông Hoàng Cầm - Tam Đảo (đang là chủ một Nhà nghỉ) đưa đến viếng mộ ông. Sau, Chu Ngọc Phan có in bài thơ “ Trước mộ người lính anh nuôi Hoàng Cầm”, có đoạn:
Mộ ông đặt dưới vòm thông
Chung chiêng Tam Đảo, bềnh bông võng trời
Bếp Hoàng Cầm lửa tắt rồi
Bữa cơm trận mạc ven đồi vẫn thơm… 

Hoàng Cầm - Thượng tướng quê Ứng Hoà (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội), sinh năm 1920. Năm 1964, được phân công vào chiến trường Nam Bộ, ông đã cải trang thành một công nhân (vẫn có súng giữ mình) nhập vào công nhân Trung Quốc, lên tàu thuỷ sang Campuchia  để xây dựng giúp bên ấy tuyến đường sắt. Sau, ông lặng lẽ dời Phnompenh bằng xe du lịch, lại nhờ người lai xe đạp, vượt biên giới, trở về vùng Tân Biên, Tây Ninh (ông còn có hai lần nữa cải trang ra Bắc bằng máy bay hãng Air France qua Quảng Châu, rồi quay lại Hà Nội). Giai đoạn cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải Phóng, nhiều lần có mặt tại căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh – mái lán lợp lá trung quân này. Bên cạnh lán, có dây lá hình tim (có người gọi là dây móng bò). Là dây mà rất lớn, gốc cỡ thùng gáng nước, tủa ra mấy nhánh vắt sang cây khác như những con rắn thần, trổ lá hình tim, giống với lá cây hoa ban Tây Bắc. May mắn, vừa qua chúng tôi có dịp đến Lộc Ninh, được ông chủ tịch huyện Lộc Ninh Tư Phúc (tức Trương Văn Phúc) đưa đi thăm di tích- lán hầm chính, Hội trường, nơi sống và làm việc của các vị chỉ huy cấp cao trong Bộ Tư lệnh Miền. Gần khu Hội trường Bộ Chỉ huy Miền có lán hầm Tư lệnh Trần Văn Trà, lán hầm Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định… Phó Tư lệnh Hoàng Cầm cũng thường có mặt ở nơi đây trong những năm 1973- 1974… Vào chiến dịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh Quân đoàn Bốn (còn gọi là Binh đoàn Cửu Long, gồm 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn phòng không, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 trung đoàn thông tin). Hoàng Cầm được giao trọng trách, phối hợp với một số đơn vị khác, giải phóng Phước Long, Bình Long, Dầu Tiếng…,  mở hành lang bao vây Sài Gòn,  giải phóng Đồng Xoài, đập tan Cánh cửa thép tử thủ Xuân Lộc, tiến vào Sài Gòn “giải phóng thành đô”. Khi anh Bùi Quang Thận cho tăng 843 và tăng 390 phá được cửa thép, cắm được cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập, xem đòng hồ là 11g 30 phút; thì 13 g 30phút, tướng Hoàng Cầm đã có mặt tại dinh ấy. Ngay đêm 30/ 4 ông nghỉ tại dinh Độc Lập, định đánh một giấc cho đã, song ngỡ như mơ, trằn trọc không sao ngủ được…  

Có ông Thượng tướng, lại có ông “Tướng nuôi quân”, có ông “Tướng Thơ”.  Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, làm nghề nào tốt cũng vinh quang. Cả ba “Tướng” Hoàng Cầm, ông nào cũng phong độ, xuất chúng… 
        
D.P
* Kèm theo ảnh
Ông Tư Phúc - Chủ tịch huyện Lộc Ninh (giữa)
chụp ảnh kỷ niệm với các VNS - du khách Xứ Bắc 
                                      Ảnh:    Hùynh Mẫn