Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯA LẠI VỚI BÁC LÊ TỰ

Đỗ Ngọc Yên
Chủ nhật ngày 1 tháng 5 năm 2011 10:51 PM
(về bài viết: ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ QUỸ "BÀNH THANH BẦN" trên trannhuong.com)
 
Thưa bác Lê Tự,
Vì tôi không biết bác Lê Tự có phải là người làm ở báo Đại đoàn kết? Nhưng vì thấy bác cũng giống tôi quan tâm tới Quĩ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG VÀ ĐỜI SỐNG của bác Bành Thanh Bần, nên mới có đôi lời thưa lại.
Tôi hoàn toàn nhất trí với bác về ý tưởng cao đẹp của bác Bần có nhã ý muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển của văn chương nước nhà. Điều ấy thì rõ rồi, tôi không bàn thêm làm gì mất thời gian của mọi người. Tôi xin bàn với bác Lê Tự về mấy ý sau thôi.
1/ Bác có vẻ băn khoăn là: “tại sao cứ phải là hội viên Hội nhà văn hoặc VHNT này nọ thì mới được hỗ trợ?” Tôi đồ rằng trong khi chưa tìm được một tiêu chí nào hơn, thì Quĩ cũng đưa ra tiêu chí ấy, chứ không phải hoàn toàn như vậy là nhất thành bất biến đâu. Nếu bác Lê Tự có mưu cao, kế sâu xin hiến cho Quĩ. Tôi tin rằng bất cứ ai làm việc gì mà có lợi cho các nhà văn và cho Quĩ thì bác Bần đều ủng hộ và sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp. Điều lệ soạn thảo lần thứ nhất, hoàn toàn có thể chỉnh sửa. Bác Tự còn lạ gì, Hiến pháp còn chỉnh sửa huống gì là Điều lệ của một Quĩ.
Cho đến thời điểm này, tôi cho rằng tiêu chí nói trên mà Quĩ đưa vào Điều lệ hoạt động là có thể chấp nhận được. Bởi chẳng nhẽ bất cứ ai cũng có thể vác bản thảo thơ, văn đến xin tài trợ của Quĩ hay sao, thế thì với 300 triệu VNĐ (chứ không phải là 350 triệu VNĐ như bác Lê Tự nói đâu) mỗi năm sẽ in được bao nhiêu bộ trường thiên tiểu thuyết? Còn thơ có thể in được vài chục tập mỏng trên dưới 100 trang. Và quan trọng là in ra rồi chất lượng đến đâu, bán cho ai, hay lại bán giấy vụn. Tôi đoán rằng bác Bần cũng như Ban lãnh đạo Quĩ, dù có chút ít tiền, nhưng không bao giờ đi làm một việc vô bổ, cổ súy cho những tác phẩm văn chương kém chất lượng hoặc dở. Bác Lê Tự chả nói đấy thôi: văn mình vợ người mà. Vả, tiêu chí Hội viên Hội Nhà văn hay Hội VHNT địa phương, chỉ là một trong số các tiêu chí, tức là điều kiện cần, chứ chưa phải điều kiện đủ, nên cần có các tiêu chí khác kèm theo.
2/ Bác Lê Tự băn khăn rằng: Hơn nữa trong quy chế còn đưa ra tiêu chí tác phẩm phải đạt chất lượng nghệ thuật và văn chương được thông qua bởi hội động thẩm định quỹ. Điều này có vẻ như rườm ra rồi đây, nếu tác phẩm đã được cấp giấy phép của nhà xuất bản rồi thì chắc chắn phải đạt chất lượng rồi, hà cớ gì lại phải thẩm định nữa chứ.
Lại xin thưa tiếp với bác Lê Tự, giấy phép nhà xuất bản là thứ dễ kiếm nhất trên thế gian này, chỉ cần: a) Không thuộc vấn đề chính trị nhạy cảm; b) chấp nhận đóng tiền lệ phí (chi phí quản lý) cho nhà xuất bản, thế là có ngay. Nếu ai có 1001 tập thơ, văn không vi phạm hai điều trên đều có đủ 1001 gấy phép xuất bản tắp lự trong thời gian tối đa không quá 1 tuần.
Lại một chuyện cũ xưa hơn trái đất mà bác Lê Tự vẫn còn băn khoăn, chắc là bác đùa cho vui để xả xì choét, chứ tôi tin rằng một người như bác làm gì đến mức thế. Ai bỏ tiền ra mà chẳng có được một cái quyền nào đấy. Hỗ trợ tiền in sách về bản chất cũng là bỏ tiền ra đầu tư, dù là phi lợi nhuận đối với đơn vị, nhưng với xã hội, công chúng bạn đọc nhất thiết nó phải có lợi chứ. Nhà tư bản bỏ hàng tỉ đô la đầu tư vào Việt Nam người ta cũng đòi hỏi những điều kiện này nọ, chứ nếu không thì hóa ra người ta thừa tiền vứt đi à? Bà nội trợ đi chợ mua một mớ rau có vài nghìn VNĐ, cũng còn hạch xách chán vạn mấy bác nông dân rằng sao rau già thế, xấu thế,...?  Thế thì hà cớ gì Quĩ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG VÀ ĐỜI SỐNG lại không có những đòi hỏi nhất định về chất lượng đối với các tác phẩm văn chương cần sự hỗ trợ của Quĩ. Thẩm định là điều kiện cần thiết để biết rằng Qũi bỏ tiền ra tài trợ không bị uổng phí, cũng không bị những người mạo danh văn chương, mạo danh nhà văn để xin hỗ trợ. Thế thì đúng quá đi rồi bác Lê Tự ơi!
3/ Về thẩm định văn chương, bác Lê Tự cho hay: Thẩm định văn chương là chuyện rất khó, văn mình vợ người biết thế nào là hơn là kém. Ở nước ngoài một cuốn sách hay có giá trị là phải bán được bao nhiêu bản, thu được bao nhiêu tiền, còn ở ta có cuốn ế rổng, chẳng ai thèm mua mà vẫn cứ được giải này giải nọ, vớ vẩn. Đây là chuyện thường ngày ở huyện, xã, phường rồi bác ạ. Nhưng không phải tất cả là như thế. Điều tôi muốn bày tỏ quan điểm cá nhân với bác Tự là: Mọi cuốn sách bán chạy chưa hẳn đã hay. Cũng vậy, mọi cuốn sách hay chưa hẳn đã có doanh thu lớn. Đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Hay là nói về giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của tác phẩm. Bán chạy là nói về khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của những loại sản phẩm, hàng hóa nào đấy. Đỗ chênh hay tính không tương thích giữa lợi nhuận kinh tế và giá trị văn hóa đã từng tồn tại từ khi loài người còn chưa biết làm thơ, viết văn và càng chưa biết đến Quĩ của bác Thanh Bần. Điều này chắc bác Lê Tự và bác Thanh Bần sẽ dễ tìm được tiếng nói chung, đó là cố gắng đến mức có thể để đưa đến cho công chúng những tác phẩm có giá trị văn hóa, và một phần “đỡ tay” các nhà văn có tác phẩm hay theo quan điểm của Ban lãnh đạo Quĩ, mà chưa có đủ điều kiện đến với công chúng do không có tiền in ấn. Thế cũng là quá tốt rồi.
4/ Trong phạm vi một Quĩ, dù lớn như các Quĩ của Liên hợp quốc, kiểu gì cũng có những hạn chế, bất cập của nó. Quan trọng là có Quĩ hay không, chứ không thể quá cầu toàn ở bất cứ một Quĩ nào được.
Mạo muội có đôi lời thưa lại với bác Lê Tự và bác Bành Thanh Bần như thế, những mong Quĩ sẽ làm được cái mà có rất ít (nếu như tôi nhớ không nhầm là chưa có) người làm. Trong trường hợp này, tôi nghĩ chúng ta cần học cách vượt qua khó khăn trong cơn động đất và sóng thần lịch sử và thảm họa điện hạt nhân của người Nhật.
Chúc tất cả các bác và mọi người an lành, tĩnh tâm để còn thả hồn vào những áng thơ, văn chứ.