Nhân đọc được thông báo về quỹ văn học trên trang Trần Nhương tôi thấy hay đấy, thậm chí là rất hay. Lâu nay chỉ thấy có các loại quỹ hỗ trợ người nghèo, học sinh nghèo vượt khó…bây giờ lại thấy quỹ hỗ trợ nhà văn nhà thơ nghèo in tác phẩm. Khổ thế, đã làm thơ làm văn mà lại còn nghèo nữa thì buồn thật, biết làm sao được chứ, bao giờ thì nhà thơ nhà văn nước ta mới hết nghèo đây. Mà chính vì lao tâm khổ tứ làm thơ nên nhà thơ mới nghèo. Trên thế giới này, hầu hết người làm thơ viết văn đều nghèo, nhất là từ thế kỳ 20 trở về trước. Trừ những người làm kinh tế trước, có tiền rồi thì mới quay sang làm thơ làm văn thì mới giầu thôi.
Thực tình mà nói thì những người làm thơ văn phải cám ơn ông Bành Thanh Bần chủ tịch quỹ và cũng chính là người tài trợ chính cho quỹ. Đây có lẽ là một ý tưởng hay, và từ ý tưởng này có thể xới lên một phong trào gây dựng quỹ cho thơ văn, điều đó thật có ý nghĩa. Trong lúc thóc cao gạo kém thế này mà ông Bần giám bỏ ra mỗi năm 350 triệu đồng để làm quỹ hỗ trợ in thơ văn thì rấ đáng nể, vì rằng còn rất nhiều người giầu hơn ông Bần nhưng không có nghĩa cử như vậy với văn chương.
Tuy nhiên theo quy chế của quỹ thì có vẻ hơi rườm rà, tại sao cứ phải là hội viên Hội nhà văn hoặc VHNT này nọ thì mới được hỗ trợ? Chỉ vì nghèo không có tiền in tác phẩm cho nên nhà thơ nhà văn mới không được kết nạp vào hội, vậy thì phải phấn đấu đến bao giờ mới được hỗ trợ kinh phí in thơ đây? Cứ như thế thì hóa ra quỹ hỗ trợ cho người giầu chứ không phải người nghèo. Theo quy chế thì người muốn vào hội phải có ít nhất 2 tác phẩm, nếu nghèo quá không có tiền in tác phẩm thì khươm năm chẳng được vào hội đâu. Hơn nữa trong quy chế còn đưa ra tiêu chí tác phẩm phải đạt chất lượng nghệ thuật và văn chương được thông qua bởi hội động thẩm định quỹ. Điều này có vẻ như rườm ra rồi đây, nếu tác phẩm đã được cấp giấy phép của nhà xuất bản rồi thì chắc chắn phải đạt chất lượng rồi, hà cớ gì lại phải thẩm định nữa chứ. Ba cái chuyện văn chương bấy nay đã quá lùm xùm việc chấm giải, đánh giá thẩm định. Trên thực tế có ông chỉ có 2 cuốn sách mỏng tèo, giái trị bình thường mà vẫn được vào hội nhà văn, còn ông in gần chục đầu sách nhưng chẳng thấy cho vào. Thẩm định văn chương là chuyện rất khó, văn mình vợ người biết thế nào là hơn là kém. Ở nước ngoài một cuốn sách hay có giá trị là phải bán được bao nhiêu bản, thu được bao nhiêu tiền, còn ở ta có cuốn ế rổng, chẳng ai thèm mua mà vẫn cứ được giải này giải nọ, vớ vẩn.
Quỹ văn thơ nhằm mục đích giúp đỡ những người sáng tác mà không có tiền in sách thì hãy đơn giải hóa vấn đề bớt đi chứ thủ tục thế này thì khó quá, nhất là thủ tục xác nhận là nghèo. Thế nào là nhà thơ nhà văn nghèo, tiêu chí cũng cần đưa ra cho rõ. Để in một tạp thơ, tập truyện bây giờ ít nhất cũng phải có trên dưới 10 triệu đồng, số tiền này đối với cán bộ viên chức đang công tác cũng là rất lớn chứ đừng nói chi đến người đã về hưu. Ngay trong số các vị hội viên Hội nhà văn Việt Nam cũng không ít người không có tiền để in thơ. Chình vì thế mà rồi đây các nhà doanh nghiệp biết làm thơ sẽ là những người có nhiều tác phẩm nhất và họ sẽ nổi tiếng như cồn vì được lăng xê trên nhiều phương tiện thống tin đại chúng. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quy luật “vật chất có trước tinh thần có sau” thôi.
Lê Tự