Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI LỜI GỬI ÔNG NGHỊ TƯƠNG LAI PHẠM XUÂN NGUYÊN

Vũ Ngọc Tiến
Thứ tư ngày 27 tháng 4 năm 2011 10:43 PM
TNc: Bài vừa cho lên mạng được chừng 30 phút thì tôi nhận được tin nhắn của Phạm Xuân Nguyên. Toàn văn như sau: Thong tin khong cap nhat roi bac oi. VP Hoi nop ho sơ QH cham 15 phut nen em chuyen xuong HDND Ha Noi. Em phai goi bac Tien noi ro viec nay.... Như vậy Phạm Xuân Nguyên chỉ là ông nghị của Hà Nội. Vẫn cứ chúc PXN phiếu cao...Nhớ lần sau nộp hồ sơ trước 3 ngày cho chắc.
.
Đêm qua (26/4/2011), tiết trời trở chứng oi nồng không sao ngủ được, tôi ngồi viết nốt lời bình cho phim tài liệu VTV2 về “Nước non- danh thắng- danh nhân Bình Định”. Dường như cơ duyên Trời- Phật xui khiến nên đúng vào lúc đang viết về Bảo tàng Tây Sơn- một nhà họ Hồ gốc Bắc có hai Đế- môt Vương như câu ca dao Đình Định, bỗng nghe điện thoại đổ chuông,  Thiền sư Thích Thọ Lạc mời đi viết bài về công trình phục dựng chùa Đại Tuệ, trên đỉnh núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn- Nghệ An. Danh thắng này gắn liền với ba vị Vua- ba nhân vật kiệt xuất họ Hồ xứ Nghệ: Hồ Quý Ly, Quang Trung- Nguyễn Huệ, tên gốc là Hồ Thơm và Chủ tịch Hồ Chí Minh thời hiện đại. Đã nhận lời với thầy Thọ Lạc rồi, tôi cố thức trắng đêm viết xong lời bình để có thời gian nghiên cứu tài liệu, trước khi vào xứ Nghệ leo núi ngắm bát ngát rừng thông và thăm am cỏ đơn sơ thờ sư bà Đại Tuệ. Viết xong tôi thiếp đi, chập chờn tỉnh thức trong nhạc hiệu của Đài HTV1 mà đêm qua quên tắt máy thu hình…
Lạ chưa!?... Trong lúc mơ màng, tôi giật mình nghe rõ tiếng cô dẫn chương trình thời sự buổi sáng dõng dạc thông báo giữa con số hơn 800 vị ứng viên chính thức làm ĐBQH khóa XIII, được phân về các đơn vị bầu cử ngày 22/5/2011 sắp tới, cái tên Phạm Xuân Nguyên đàng hoàng đứng trong một đơn vị bầu cử của Hà Nội. Là thật hay mơ đây?... Tôi không dám tin ở tai mình sau một đêm trắng cật lực trên bàn viết. Các ông/bà Nghị lắm lời, hay có câu hỏi xóc óc quan trên giữa nghị trường khóa trước như ông Nguyễn Minh Thuyết bị rụng từ vòng loại thứ nhất, may mắn như bà Phạm Thị Loan cũng đã bị gạt ra sau vòng loại thứ hai thì sao tôi dám tin Phạm Xuân Nguyên trót lọt sau ba vòng sơ cử! Gọi điện cho bạn bè, thảy đều khẳng định cái tin động trời này là sự thật. Họ còn bảo, đám văn giới- trí thức Hà Thành vẫn  thường gom ba gã đầu bạc, để ria mép tài tử giống nhau như ba anh em ruột (Dương Trung Quốc- Phạm Xuân nguyên- Đoàn Tử Huyến) vào chung cái tổ tò vò vì họ cũng giống nhau ở điểm hoạt ngôn, thích gây sự giữa văn đàn hay nghị trường. Giờ hai trong ba gã đầu bạc ấy nếu thành Nghị Sĩ chắc nhiều sự hay, lắm cuộc chất vấn xôm trò. Cho dù Phạm Xuân Nguyên có là thân phận quân xanh đi nữa thì tôi vẫn sẽ bầu và mong cho bà con cử tri cũng đồng lòng bầu anh làm Nghị Sĩ khóa này. Làng văn đã từng có hai Thi Sĩ đắc cử Nghị Sĩ, nhưng có lẽ ở thời điểm đó họ vì nhiều lẽ phải làm nghị gật chăng? Giờ là lúc cờ có thể sẽ trao vào tay cho đương kim Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội phất chăng? Hãy cứ tin và hy vọng vậy thôi.
Nguyên ơi! Là người xứ Nghệ, nếu được thay mặt cử tri Hà Nội khóa này Nguyên sẽ làm gì xứng đáng với danh xưng Văn Sĩ- Nghị Sĩ? Hãy noi gương đồng hương xứ Nghệ- tướng Nguyễn Quốc Thước năm nào, chứ đừng như Thi Sĩ- Nghị Sĩ đàn anh ngậm miệng ăn lộc hay giữ ghế một thời. Xứ Nghệ là đất địa linh nhân kiệt. Hồn thiêng sông núi đã tôi đúc ra  một họ Hồ mà có tới “bốn Đế một Vương”. Lại nhớ lời của thầy Thọ Lạc đêm qua mời tôi đi thăm chùa Đại Tuệ trên núi thiêng Đại Huệ. Nếu loại trừ Hoàng đế Nguyễn Nhạc và Bình Nam Vương Nguyễn Lữ thì ba vị Đế kiệt suất còn lại đều gắn bó với ngôi chùa kỳ lạ ấy: Đầu thế kỷ XV, Vua Hồ Quý Ly được sư bà Đại Tuệ báo mộng, bày cho cách xây thành củng cố ngai vàng, chống lại giặc Minh. Nếu lịch sử không có cuộc xâm lăng của ông Vua Tuyên Đức ôm mộng bá quyền ở phương bắc và lòng người, nhất là sĩ phu Bắc Hà không đeo bám, luyến tiếc một chính thể mục nát cuối đời nhà Trần thì biết đâu Đại Việt ta sẽ đổi mới, hùng cường nhờ cuộc cải cách vĩ đại của Hồ Quý Ly. Cuối thế kỷ XVIII, trên đường ra bắc, Hoàng đế Quang Trung- Hồ Thơm lại được sư bà Đại Tuệ báo mộng, bày cách hành quân thần tốc, cách chống đạn pháo hỏa châu của giặc Thanh, làm nên chiến thắng Đống Đa lẫy lừng năm Kỷ Sửu (!789). Nếu vận nước và số phận cá nhân không xui khiến Vua Quang Trung lâm bệnh chết đột tử giữa tuổi 38, biết đâu nước nhà sẽ mạnh lên nhờ thiên tài quân sự của ông, biên cương phía bắc sẽ mở rộng hơn, thu phục lại nhiều vùng đất đã mất vào tay thế lực bành trướng qua nhiều thế kỷ. Giờ đây, dưới chân núi Đại Huệ là làng Kim Liên quê nội và làng Hoàng Trù quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được anh linh sư bà Đại Tuệ che chở. Các nhà khoa học sau nhiều lần khảo sát đã chỉ ra trong Hội thảo ở thành phố Vinh (2009) rằng, Đại Huệ là ngọn núi thiêng có hình con rồng mà đầu rồng là mộ bà Hoàng Thị Loan, rốn rồng là dấu tích còn lại của chùa Đại Tuệ có từ 2000 năm nay. Theo lời mời của Thiền sư Thích Thọ Lạc, trụ trì chùa Đại Tuệ, tôi sẽ vào Nghệ An leo núi thiêng Đại Huệ, thắp nhang ở ngôi chùa linh thiêng ấy, cầu chúc cho 500 nghĩ sĩ đắc cử khóa XIII, trong đó có gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên đủ năng lực, sự thông tuệ và lòng quả cảm mở ra một kỷ nguyên mới, đưa đất nước hóa rồng trong thế kỷ XXI, biên cương, lãnh hải muôn đời toàn vẹn.
Mong là như thế, Nguyên ơi! Nguyên ơi!...

Hà Nội lúc hừng đông 27/4/2011
VNT