Đọc bài " Một kiểu bốc thơm hơi quá" của Hoàng Công Minh, nói về bài "Những câu thơ thắp sáng mặt người" của Văn Giá, "bốc thơm "thơ Đàm Khánh Phương (Đ.K.P), mới thấy ông Văn Giá bốc phải cái thứ... "không thơm"!
Nghe nói, hình như ông Văn Giá vì quá "hăng" sau khi đi nhậu xả láng cuộc đời về, liền hấp tấp cầm bút viết thì phải?
Muốn nhận định, đánh giá một tập thơ cần nhiều yếu tố lắm. Trước hết phải có "đẳng" cấp. Sau là tâm, là đức. Ông Văn Giá vội vàng "bốc thơm" người ta, vô tình thành "hại" người ta. "Lợi bất cập hại" chính là ở chỗ đó. Nói như Hoàng Công Minh là đúng: "Nếu người được tâng bốc có lòng tự trọng một chút sẽ ngượng ngùng vì anh ta chỉ là đất sét mà lại bảo là Thạch anh sao được?"
Chắc ông Văn Giá mờ mắt bởi " cái nắng, cái gió và cái đó". Nên cứ khơi khơi tán tụng văng mạng, chẳng còn biết trời đất là gì. Nếu bình tĩnh và có được dù chỉ là một tý ti hiểu biết về đời và thơ thôi, Văn Giá sẽ rõ ngay ngọn ngành sự thể:
- Vì sao Đ. K. P in liền một lúc hai tập thơ mỏng mà lẽ ra chỉ cần một tập? Ông nhà xuất bản cười lớn bảo Cái nhà anh này "láu cá" lắm. Sẻ ra làm đôi đẻ tính số lượng. "Cá kể đầu rau kể mớ" mà lỵ.
Đọc thơ Đ. K. P Văn Giá thốt lên: "đó là "những câu thơ thắp sáng mặt người". Hơn nữa, còn đem làm đầu đề cho bài viết. Một số nhà văn, nhà thơ lắc đầu bảo:
- Trước nay người ta nói: Văn không có Giá là đúng! Đến các bậc đại thi hào cũng chưa ai dám cho thơ họ "thắp sáng mặt người" nữa là !!...
Văn Giá còn viết: "Chẳng biết Đ. K. P ăn ở với "chúng sinh" như thế nào..." Vô tình Văn Giá coi Đ.K. P là thánh mới gọi thiên hạ là "chúng sinh". Dùng chữ phải cẩn trọng, bừa bãi, cẩu thả sẽ thành nhảm nhí.
Văn Giá còn cho rằng, Đ.K.P sáng tạo ra một hình ảnh độc đáo, khác người đó là: Hoa có "Nọc". Văn Giá ngạc nhiên kêu: Ô, thế hoa cũng có nọc ư?
Bậy! Nọc là nọc độc, sao lại đem gắn cho hoa? Nên hiểu nọc độc đây là của con người ấy.
Hoàng Công Minh có lý khi cho rằng: "Thơ Đ. K.P là một thứ thơ "Tán gái". Nhưng không vụng về mà chỉ là những cuộc tình "vụng trộm", không đàng hoàng, lành mạnh. Do khuất tất nên phải chui lủi, khiến nó "hèn hèn" thế nào ấy.
Ngay tên tập thơ đã nói lên điều đó: "Nghe gió về cậy cửa". Chỉ có trộm mới cậy cửa, hoặc tra chìa khoá của mình vào ổ khoá của người khác. Ngay thẳng không ai làm thế.
Nghe lòng anh vẫn sớm tối đi về
Theo gió vào cậy cửa.
Sau đó là nhan nhản những câu thơ kiểu "Cảm tạ trước hoa" (chính là cảm tạ trước những người tình). "Nào ngờ thất lạc vào em", "Anh là kẻ xác sơ hoang phí cuộc đời", "Muốn rập rờn đồng nội với trời xanh"...
Hình như Văn Giá tỏ ra kính nể Đ. K. P có nhiều người đàn bà đi qua đời anh?! Thời buổi bây giờ đó là chuyện bình thường của những kẻ ăn chơi, háu gái. Bởi những người đàn bà ấy là ai? Con nhà lành hay ở nhà hàng, gái gọi, phố vẫy? Nói đúng ra là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã".
Cái dở hơn nữa là Văn Giá "hăng tiết vịt" chọn ra 5 bài thơ hay nhất của Đ.K.P. đấy là sự vội vã, hấp tấp của người nghèo kiến thức. Việc này chỉ làm khi tác giả có toàn tập, hoặc qua đời.
Nói đi nói lại không bằng trích dẫn một số câu thơ của Đ.K.P mà Văn Giá cho rằng "Nhiều câu thơ ngời lên quyền năng của tình yêu mầu nhiệm." Nó cứ nhợt nhạt, dỗng dỗng, suông suông biểu hiện rõ sự "láu cá" đánh lừa thị giác, nhĩ giác và cả Văn Giá nữa:
- Chiêm bao ta bạn lẻn vào
- Dẫu thi thoảng còn vọng vào đắng buốt
- Em đã đặt vào lòng tay tôi héo úa
- Ơn đồng bãi về cho lúa gạo...
Thực ra, thơ Đ.K. P để riêng từng bài thì khó thấy, nhưng gộp vào một tập mới rõ nó cứ na ná như như vì chỉ viết theo một kiểu.
Cái hay nhất của thơ Đ. K.P là anh đã khắc hoạ được hình ảnh, bản năng của riêng mình qua những câu:
- Em đã đến như một đồng vàng cuối
Anh găm đáy túi mình sợ vương vãi buông rơi
- Lúc hoảng hốt ngó quanh mình lo cướp giật
Khi lại băn khoăn mang bạc giả trong người.
Đó là tâm trạng nơm nớp lo sợ của kẻ chuyên "cậy cửa", làm sao có thể thắp sáng được mặt người? Cũng chưa chắc thắp sáng nổi một khuôn mặt riêng của Văn Giá!!!