Báo Văn nghệ số 18+19, phát hành dịp 30 Tháng Tư, kỷ niệm 36 năm ngày Thống nhất Đất nước, được chuẩn bị khá công phu, có bài phỏng vấn Trần Đăng Khoa, với tiêu đề: “Những cột mốc sống” của nhà văn, nhà báo Hà Nguyên Huyến. Thoạt đầu, tôi tưởng đây là cuộc phỏng vấn giả tưởng. Nghĩa là tác giả tạo ra cuộc trò chuyện tưởng tượng, như một số nhà phê bình, nhà báo đã từng phỏng vấn Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng hay Chí Phèo, Thị Nở…Nhưng đây không phải thủ pháp nghệ thuật báo chí như thế, mà là cuộc phỏng vấn rất nghiêm túc: “Chiến tranh đã kết thúc, nhưng công cuộc bảo vệ đất nước vẫn không một ngày ngưng nghỉ. Nhân dịp này, nhà văn Hà Nguyên Huyến có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa – Ngưòi đã có mặt nhiều lần trên quần đảo Trường Sa, có nhiều sáng tác hay về những người lính bảo vệ đảo hôm nay”, trong khi đó, Trần Đăng Khoa lại chẳng biết gì về những điều mình đã “trả lời”, nên buộc tôi phải thưa lại đôi điều, để tránh sự hiểu lầm không cần thiết, dù tôi biết nhà văn Hà Nguyên Huyến và tòa báo đều rất thiện chí.
Thôi, bỏ qua mấy chi tiết lặt vặt, như Trần Đăng Khoa tự khen mình viết “rất ấn tượng về Trường Sa”, hay sự nhầm lẫn giữa “quân khu” với “quân chủng”, rồi sự lẫn lộn giữa ngôn ngữ người phỏng vấn và người được phỏng vấn, v..v…, tác giả bài báo viết: “… Cũng những năm ấy, nhân có cuộc thi thơ của Tuần báo văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi gửi 07 bài dự thi và một chùm 03 bài được chọn ra để trao giải nhất, trong đó có bài “Thơ tình của người lính biển”. Nói thế này, bạn đọc dễ hiểu rằng, Trần Đăng Khoa gửi về báo Văn nghệ 07 bài thơ dự thi thì 03 bài được trao Giải Nhất, trong đó có bài “Thơ tình của người lính biển”. Thực chất, ba bài được trao Giải A là của ba tác giả khác nhau: (Trần Đăng Khoa: “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”, Nguyễn Đình Chiến: “Gặp lại các em”, Đinh Nam Khương: “Từ những vết chân người”). Bài “Thơ tình của người lính biển” lại không hề nằm trong hệ thống Giải thưởng.
Bàn về bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”, tác giả viết: “TĐK: Tôi vẫn cho rằng Xuân Diệu là nhà thơ có “cặp mắt xanh” đối với thi ca. Nhưng trong trường hợp này nếu được chọn tôi sẽ chọn bài “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”… Tôi chắc “Cụ Diệu” cũng thích bài này song còn rất nhiều thứ ràng buộc nên “cụ” không dám!... Điệp khúc “Ôi ước gì được thấy mưa rơi” day dứt suốt cả một bài thơ dài. Dẫu chưa có mưa nhưng chúng ta “cũng có một niềm vui đón đợi”. Trong bối cảnh những năm tám mươi ấy làm sao “Cụ Diệu” dám chọn bài này mà trao giải. Hôm nay nhắc lại nếu được chọn, tôi vẫn chọn bài “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”.
Ô hay! Sao kỳ khôi thế, bác Huyến quý mến ơi! Bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” có gì đâu mà “Cụ Diệu” “không dám” trao giải. Thì chính nhà thơ Xuân Diệu cùng với Ban Giám khảo của Tuần báo Văn nghệ đã trao Giải A cho “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” cùng với hai bài thơ của thi sĩ Đinh Nam Khương và Nguyễn Đình Chiến đó thôi!
Còn nhiều tình tiết nữa cũng vặt vãnh đại loại như thế. Sự nhầm lẫn thật đáng tiếc. Những người trong cuộc, hoặc những người biết sự việc chắc sẽ thấy rất buồn cười và không còn hiểu ra làm sao cả.
Rất cám ơn báo Văn nghệ và nhà văn Hà Nguyên Huyến, trong những ngày kỷ niệm Thống nhất đất nước đã nhớ đến Trường Sa và những người lính đang ngày đêm bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng này. Đây là vùng đất gian khổ nhất của Tổ quốc. Máu đã đổ ở Trường Sa rồi đấy. Nhiều nhà thơ, nhà văn chúng ta đã dồn không ít tâm huyết cho vùng đất thiêng này. Đó là những Duy Khán, Hữu Thỉnh, Đình Kính, Phạm Đình Trọng, Lê Hoài Nam, Nguyễn Xuân Thủy, Lê Thị Kim và gần đây nhất là Thuận Hữu với bài thơ “Ở tiểu đội chúng tôi” vừa mới in trên báo Nhân Dân… Bằng những con chữ mong manh và đầy giông gió ấy, các anh các chị cũng đã cắm được những cột mốc chủ quyền theo cách của riêng mình cho quần đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của chúng ta.
Cuộc trò chuyện tưởng sẽ rất cảm động về vùng đảo thiêng, cũng là miền văn chương ít nhiều còn mới mẻ với đông đảo bạn đọc, nhưng rồi rốt cuộc lại là sự tiếc nuối bởi những nhầm lẫn lẽ ra không đáng có. Đây cũng không phải là lần đầu tiên. Các bác nhà báo phỏng vấn Trần Đăng Khoa thì cũng phải để cho Trần Đăng Khoa tham gia với chứ. Làm báo thế này thì nguy cho người được phỏng vấn lắm, và bạn đọc thì chẳng còn hiểu sự thể ra làm sao!