(Đọc LÝ DO CỦA HI VỌNG - Tiểu luận phê bình văn học của Hữu Thỉnh - Nhà xuất bản Hội nhà văn - 2010)
Tôi chỉ được đọc thơ Hữu Thỉnh ở những bài thơ lẻ in trên các báo và tạp chí chứ không được đọc trọn cả một tập thơ in. Lý do là những tập thơ của Hữu Thỉnh ít thấy bán ở các cửa hàng sách mà tặng thì tôi... chưa đến lượt! Đến khi được đọc trọn tập thơ THƯƠNG LƯỢNG VỚI THỜI GIAN (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2005) - Một tập thơ Bài hay xen lẫn với bài vừa tôi nhận ra một điều có thể là không mới: Bài hay thì khỏi nói tới nhan sắc, ngay những bài vừa cũng dễ tìm được những câu hay, từ hay cứu cả một bài thơ tầm tầm, làm bài thơ sáng lên. Rất nhiều minh chứng. Xin lấy bài GỬI BẠN TRIỀN SÔNG làm ví dụ. Bài thơ là lời tâm sự với bạn là một người nông dân thực thụ từ ruộng đồng bước vào cuộc chiến tranh rồi ra khỏi cuộc chiến tranh trở lại với đồng ruộng với bao lo toan, xúc cảm. Đề tài không mới, câu chữ không mới, rất dễ sa vào kể lể, so kè nếu cứ bám theo mạch thơ cũ ấy, rất may câu thơ cuối đã chốt hạ một cách thành công: Và bây giờ âu yếm giục trâu đi. Từ âu yếm được chọn đặt vào đây thật táo bạo, tài tình, cũ mà... lạ làm bài thơ cao len: Người nông dân bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc nhẹ nhàng, không tính toán bao nhiêu thì bước ra khỏi cuộc chiến tranh cũng nhẹ nhàng, không so đo bấy nhiêu. Dường như người nông dân vừa dừng một đường cày để đi làm một việc cần làm. Xong việc lại trở về với đời thường, với cuộc sống trong cảm thức: Tất cả vẫn như xưa, tất cả lại bắt đầu. Thanh thản trong tinh khiết!
Bạn đọc sẽ cho tôi là chàng màng khi bàn về tiểu luận, phê bình văn học của Hữu Thỉnh lại... dẫn thơ! Không, đó chỉ là cách khai mở bài viết theo lối bắc cầu! Quả thực trong LÝ DO CỦA HY VỌNG không phải bài nào cũng hay, cũng tuyệt vời cả, nhưng trong những bài chưa hay vẫn có những điểm sáng bởi những phát hiện tinh tế, những nhận định, nếu không quá khắt khe thì có thể coi đó là những định đề, những định hướng cho một xu thế, một giai đoạn văn học. Nếu muốn nói một câu về phong cách viết tiểu luận phê bình văn học của Hữu Thỉnh, tôi sẽ nói: Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn của trí tuệ hiện đại với trí tuệ dân gian. Sự kết hợp nhuần nhuyễn cái cụ thể và cái trừu tượng để nhằm tới một cái đích: Đúng và hay!
Nhìn nhận như vậy, sẽ thấy chủ ý của tác giả khi chia tập sách làm 3 phần mà tôi tạm đặt đầu đề: Phần I: Đường lối; Phần II: Tổng kết; Phần III: Chân dung. Phần I gồm 15 bài, xem như là các nghị định để giải thích, hướng dẫn thực hiện các quyết định, nghị quyết về văn hoá, văn nghệ. Viết nghị định về văn học - nghệ thuật là công việc cực kỳ khó và dễ tẻ nhạt, xơ cứng nếu chỉ nhằm vào giải thích, kể lể rồi phán bảo, phải thế này, phải thế nọ! Tiến trình văn học của một đất nước, một dân tộc có thăng, có trầm. Ca ngợi những thành quả viết hay đã đành đến khi biện hộ cho những điều chưa được, bảo vệ cho những vấn đề còn nhiều tranh cãi mà cũng hay, cũng nghe được là điều không phải ai cũng làm được. Lấy ví dụ như bài Viết thêm về bài thi ra trường - Đó là những lời biện hộ cho việc cần có một trường đào tạo các nhà văn - Trường Đại học viết văn Nguyễn Du - một ngôi trường độc đáo, chưa nhận được nhiều ủng hộ cho sự tồn tại. Vì độc đáo khó sống hơn mờ nhạt. Sống và viết như chính bản thân mình gian nan và mệt mỏi hơn làm thành viên vui vẻ của một dàn hợp xướng (Trang 15) - Đây thực ra là một lời diễn nôm một tích cổ của Trung Hoa, nhưng vì đặt đúng chỗ trong mạch văn mà trở nên đúng và hay. Không chỉ biện hộ mà Hữu Thỉnh chỉ ra đặc trưng riêng và nội dung đào tạo của trường viết văn Nguyễn Du: Chăm sóc và bồi dưỡng tài năng là một khoa học đồng thời là một nghệ thuật. Ở đó tuy vẫn rất tôn trọng tính chất ngẫu hứng tài tử và các yếu tố bản năng nhưng kiên quyết chỉ ra rằng, muốn đi xa và duy trì sức thanh xuân của sáng tạo nhà văn dứt khoát phải có bề dày và chiều sâu của văn hoá. Đó là những suy nghĩ, chiêm nghiệm và lời biện hộ của một người yêu Nguyễn Du... nồng nàn!
Trong phần viết này, có những đoạn văn dùng rất ít chữ mà dung lượng được dồn nén, có rất nhiều điều được xem như là các định nghĩa, định đề. Nếu nói văn học là lịch sử được viết bằng số phận con người thì nhà văn xứng đáng là những chiến sỹ tiên phong chống lại sự quên lãng. Văn học là trí nhớ của lịch sử. Nhà văn không chỉ muốn tri âm, tri kỷ với những người đương thời mà còn muốn nhắn gửi tới mai sau (Tâm sự nhà văn, trang 54). Ý tứ và ý nghĩa của những câu nói đại loại như thế, chúng ta đã từng nghe, từng đọc nhưng qua sự thẩm thấu, tinh lọc của bộ óc Hữu Thỉnh bỗng thấy sáng ra, rõ ra.
Phần thứ II: Tổng kết, gồm 12 bài, tổng kết các cuộc thi văn, thơ. Ở phần này, ta thấy sự đọc, sức đọc của Hữu Thỉnh thuộc loại ghê gớm! Là người chịu trách nhiệm chính các hội đồng chung khảo, không vì thế mà đòi hỏi anh phải đọc kỹ từng dòng, soi kỹ từng con chữ, tuy nhiên không được đọc lướt, nghe ngóng, nói dựa. Hữu Thỉnh đã giải quyết nghịch lý, mâu thuẫn này bằng biệt tài của mình. Anh thẩm định từng lát cắt mà ra hồn cốt, giá trị của một tác phẩm để mà nhận định đúng, trao giải đúng. Cái hay của những bài trong phần này là Hữu Thỉnh đã đặt mỗi cuộc thi vào đúng tọa độ trong tiến trình văn học, thấy được sự phát triển cũng như những yếu kém của mỗi giai đoạn, mỗi thể tài. Những bài hay có thể kể: Quyền lực của lương tâm, thơ là bữa tiệc của tâm hồn; Bàn góp về tiểu thuyết...
Phần III: Chân dung, gồm 18 bài. Tôi lại bắt đầu phần này bằng... thơ! Có thể nhận thấy Hữu Thỉnh vẽ chân dung các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và các bạn văn của mình rất tinh tế, bắt được thần thái nhân vật bằng một vốn chữ rất khiêm tốn. Hữu Thỉnh đã từng vẽ chân dung nhà thơ Chính Hữu rất thần thái bằng thơ: Lấy khoan dung làm chiếc phao bơi/ Khiến cay đắng cũng nhuốm màu tha thứ (Gửi người bộ hành lặng lẽ - THƯƠNG LƯỢNG VỚI THỜI GIAN). Người bộ hành lặng lẽ đó chính là bạn thân của im lặng. Có thể nói những bài viết chân dung của Hữu Thỉnh thấm đẫm chữ tình trong niềm quí trọng, kính yêu, thường được gợi ra từ những kỷ niệm chân chất, không màu mè, không vướng bận thực dụng, dù chỉ là một chút để ra cái vẻ ta đây, rằng tôi đã từng làm việc cùng các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng... vì thế, những bài viết về Tế Hanh Một giọt nước trong cơn mưa lớn; Nguyễn Đình Thi Anh Nguyễn Đình Thi; Tố Hữu Tố Hữu nhà thơ lớn của dân tộc; Chế Lan Viên Đa thanh hiển đạt Chế Lan Viên... được viết rất chân thật, sinh động và biến ảo.
Có thể bắt đầu phần này bằng những tình cảm, xúc cảm tươi nguyên của một tâm hồn thơ thời trai trẻ trước một nhà thơ mà mình yêu thích đến mức... sùng bái: nhà thơ Tế Hanh: Hội nghị ấy (Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ hai) là tuần trăng mật văn chương duy nhất đáng kể đối với tôi. Anh Tế Hanh ngồi ở hàng ghế danh dự đối diện với cánh viết trẻ. Khi giới thiệu anh thong thả đứng lên và giơ tay vẫy. Trời ơi đôi mắt. Đôi mắt rất lạ mà Hoài Thanh nói trong thi nhân Việt Nam đây. Đó là hai mảnh của Hồ Tây. Có nước và có cả mây trời ở trong ấy. Người Châu Á ít ai có đôi mắt to mà mê hoặc đến như thế (trang 288). Với một cái tình như thế cho nên thật dễ hiểu Hữu Thỉnh là một trong những người bình thơ Tế hanh hay và tình nhất.
Với nhà thơ Tố Hữu, Hữu Thỉnh không chút ngại ngần gọi ông là: nhà thơ của nhân dân, nhà thơ lớn của dân tộc. Bài viết với phong cách chứng minh theo chuỗi kỷ niệm thơ: Tố Hữu có tài đặc biệt diễn tả những điều to tát của lịch sử thành những vấn đề của tâm tình. Nhờ tâm tình mà thơ anh có sức chinh phục lớn. Người đọc, bất kể trình độ, nghề nghiệp, lứa tuổi, vùng miền, đều nhận anh là nhà thơ của họ (trang 204). Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu nhất, nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong thế kỷ XX của dân tộc ta. Nhất quán trong đời, nhất quán trong thơ từ tập Từ Ấy mở đầu đến tập Ta với Ta khép lại một sự nghiệp thi ca lớn (trang 206) và Tố Hữu nhiều lần cảm ơn cách mạng. Tôi nghĩ, cách mạng cũng phải cảm ơn Tố Hữu. Cây thuốc quí thường mọc nơi núi hiểm, cá kình quẫy sóng ngoài biển khơi, Tố Hữu là nhà thơ xuất sắc của buổi chuyển giao khắc nghiệt giữa nô lệ và tự do, bóng tối và ánh sáng (trang 207). Thật là sòng phẳng lẽ đời. Điều mà ít người nói đến.
Có lẽ người gần Hữu Thỉnh nhất là nhà thơ Nguyễn Đình Thi! Gần gũi, thân thiết, quí trọng trước hết ở tạng thơ - cùng mê đắm, có thành công ở thể loại trường ca! (một bài thơ như bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi có thể gọi là... Trường ca mà không sợ bị cho là đầu óc có vấn đề. Cũng như vậy, lời bài hát Người Hà Nội có Dung lượng không kém một trường ca). Điều thứ hai là Hữu Thỉnh cũng như Nguyễn Đình Thi viết nhiều tiểu luận, phê bình văn học mang nhiều... chất thơ! và điều thứ ba, điều quan trọng nhất: Hữu Thỉnh và Nguyễn Đình Thi có những hoàn cảnh và tâm sự giống nhau trong vị trí lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam lâu năm! chữ lâu gần với già nua và níu kéo. Hữu Thỉnh đã nói hết, không né tránh nên nhận được sự cảm thông sâu sắc và sự chia xẻ: rồi những năm tôi về báo văn nghệ. Sóng gió ghê gớm!. Nhớ vào một buổi tối cuối năm 1989, anh Thi sang tìm tôi ở số 4 Lý nam Đế. Vẫn một chiếc áo khoác màu nâu và chiếc mũ len quen thuộc, dáng anh đi đĩnh đạc nhưng trầm ngâm vất vả. Đợi tôi pha nước xong, anh Thi bảo:
- Có lẽ Thỉnh phải ra hẳn báo văn nghệ thôi...
Ba đêm liền tôi không ngủ được trước một bước ngoặt lớn trong đời. Trong quân ngũ, có trên có dưới, việc nào khó cấp trên lo cho cả. Bây giờ thân cô, thế cô, đầu sóng ngọn gió, nhận lãnh mọi công việc ở giữa hai làn đạn. Mấy hôm sau tôi đến Hội Nhà Văn tìm gặp anh Thi và anh Chính Hữu. Anh Thi đi đâu vắng. Anh Chính Hữu động viên tôi:
- Tất cả phải ghé vai, để giảm cái khó khăn cho hội. (Trang 221 - 222)
Và đây là con người Nguyễn Đình Thi vốn văn hoá, vốn hoạt động chính trị và vốn sống trực tiếp lăn lộn ở chiến trường đã giúp nhà văn Nguyễn Đình Thi phát triển tài năng nhiều mặt của mình và ở nhiều loại hình nghệ thuật, anh đã để lại những tác phẩm xuất sắc. Anh là người rất nhạy cảm với những vấn đề tư tưởng, chính trị, xu thế của đại cuộc, nhưng trong nhạc, trong thơ, trong văn, trong kịch, người ta vẫn nhận ra mạch trữ tình đằm thắm, những rung động rộn rực, những liên tưởng bất ngờ, mạnh bạo của anh. Chất nghệ sĩ của anh không bị tư duy quản lý lấn át, mặc dù anh tham gia lãnh đạo và trực tiếp quản lý văn nghệ khá sớm và khá lâu. Chất nghệ sĩ ấy cũng không bị những thử thách làm nhụt đi, ngược lại những khúc quanh ở đời không ít cam go nhưng anh vẫn giữ được sự điềm tĩnh như thường. Anh nén những nỗi buồn trong công việc và rất dè dặt nhận xét về người khác (Trang 225 - 226). Viết xưa để nói nay. Viết người để nói ta. Ở đoạn trích trên không nhằm tới cái đích đó nhưng nó gợi lên trong những người sống gần Hữu Thỉnh những liên tưởng để chia xẻ và cảm thông với những quyết định dũng cảm ở những khúc quanh cuộc đời và đời sống văn học với việc ứng xử đẹp và đúng chữ Nhẫn!
Tôi đọc bài viết về Chế lan Viên với đầu đề nghe rất vang: Đa thanh hiển đạt Chế Lan Viên, thấy Chế Lan Viên hiển hiện một người thơ nổi tiếng sớm (tập thơ nổi tiếng Điêu tàn, xuất bản năm Chế Lan Viên17 tuổi) Nhưng nghiêm khắc mà nói, phải đến năm 1960 năm tập thơ Ánh sáng và phù sa ra mắt bạn đọc, Chế Lan Viên mới khắc hoạ trọn vẹn một phong cách thơ với hai phẩm chất nổi trội nhất là suy tưởng và triết luận (trang 271). Đây là một bài viết hay trong loạt bài đọc trong các dịp kỷ niệm ngày sinh (ngày mất) của những nhà văn, nhà thơ lớn, nhưng tôi tiếc là bài đó chưa rung hết mọi cung bậc. Tại sao với một lòng ngưỡng mộ và phong cách thơ gần gũi (suy tưởng và triết luận) phải rung lên và ngân vang chứ! ngẫm ngợi rồi tôi tự trả lời: thoạt nhìn phong cách thơ Hữu Thỉnh và Chế Lan Viên có những điểm giống nhau, nhưng vẫn rất khác nhau. Phân tích rạch ròi, có thể chỉ ra sự khác đó, ấy là thơ Hữu Thỉnh trong Tình có Lý, còn trong thơ Chế Lan Viên là trong Lý có Tình. Hiểu như thế tôi vô cùng khâm phục nhà thơ Cầm Giang luận về thơ Chế Lan Viên với một kết luận: Đọc thơ Chế Lan Viên người ta khôn ra nhưng cũng già đi trước tuổi (Ẩn số Cầm Giang - tác giả Hoàng Quảng Uyên - trang 123).
Có người đã nói vui Những bài điếu văn do Hữu Thỉnh viết có thể đem in in thành tuyển tập. Ở lĩnh vực này, Hữu Thỉnh đã làm tròn vai với cương vị người lãnh đạo cao nhất của Hội Nhà Văn nhưng trên hết vẫn là chữ Tình thấm đẫm trong từng câu, từng chữ nhoè nước mắt. Mấy hôm sau trước lúc đi công tác Miền Đông Nam Bộ, tôi tranh thủ vào thăm anh lần nữa trước khi ra sân bay. Lúc này anh đã được chuyển xuống phòng cấp cứu, hoàn toàn hôn mê. Tôi lặng ngắm hồi lâu khuôn mặt và mái tóc của anh, khuôn mặt và mái tóc mới đẹp làm sao. Nhưng nhịp thở của anh đã chậm và yếu lắm. Khi quay ra, anh Trần Hoàn gọi tôi đến gần và nói: Em viết điếu văn anh Thi đi. Tôi phóng vội ra sân bay và là hành khách cuối cùng bước lên máy bay. Ngồi yên chỗ, tôi gạt mồ hôi và nước mắt bóc tấm bàn trước mặt, ngồi viết. (Anh Nguyễn Đình Thi - trang 227). Cái tình, cái tài của người viết điếu văn hẳn sẽ làm linh hồn những người ra đi mát mẻ, siêu thoát và... gật gù!
Cái tình ấy Hữu Thỉnh nhiều lúc thấy chưa trả được, chưa chuyển tải được hết trong một bài điếu văn ngắn nên trong những ngày đau thương, Hữu Thỉnh lại ngồi viết những dòng tri ân, tri âm, tri kỷ về những người thầy, người anh, người bạn của mình, nhưng như thế Hữu Thỉnh vẫn thấy... chưa đủ nên anh đã tự hứa, tự nhủ lòng: Tôi sẽ viết kỹ những ngày này khi có dịp.... Trân trọng và chờ đợi.
LÝ DO CỦA HY VỌNG là tập sách làm giàu thêm tri thức, vốn hiểu biết về văn và đời. Người đọc có thể trích dẫn nhiều điều trong những bài viết cùng những ưu tư không ngừng của Hữu Thỉnh - Những bài viết bay bổng, biến ảo có hàm lượng trí tuệ cao. Đậm tình.
Tôi có một chút băn khoăn: Cũng như thơ, nếu in lẻ từng bài, ít khi nhận ra sự trùng lặp về ý và tứ trong các bài thơ, đến khi gom lại trong một tập thì tình hình sẽ khác đi. Cũng như vậy, trong LÝ DO CỦA HY VỌNG đã thấy đôi chỗ lặp ý, lặp trích dẫn, đó là điều khó tránh và chẳng có gì là trầm trọng! và một điều nữa là Hữu Thỉnh rất chăm chút việc chọn từ và đặt tít, nhưng tôi vẫn muốn đổi từ của thành từ để, có thể gần hơn, mềm hơn. Nghĩ vậy thôi, nhưng nếu thế đã không phải là Hữu Thỉnh nữa rồi./.
Cao Bằng, ngày 3/3/2011
Hoàng Quảng Uyên