Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIỌNG ĐIỆU THƠ CAO QUẢNG VĂN

Trần Xuân An
Thứ sáu ngày 25 tháng 3 năm 2011 3:36 PM
 
Chắc hẳn đối với nhiều người cầm bút tại thành phố này, ở mắt nhìn trong đôi lần gặp gỡ hay tận sâu trong những trang nhật kí của trí nhớ họ, đều hiện hữu một người hiền hoà, chân tình, tận tuỵ trong sinh hoạt thơ ca. Đó là nhà thơ Cao Quảng Văn.
Riêng tôi, sau gần hai mươi năm có cơ duyên quen biết, chuyện trò và đọc thơ anh, tôi cảm thấy xác tín hơn bao giờ hết về một điều không mới trong cảm nhận thơ. Quả thật, điều ấy không mới, nhưng mãi mãi vẫn là tiêu chí muôn thuở. Đó là giọng thơ, âm điệu thẩm mĩ riêng trong thơ của mỗi nhà thơ.
Tuy đến với các trang thơ trên báo chí từ những năm còn rất trẻ, nhưng nhà thơ Cao Quảng Văn, khi đã đứng tuổi, mới xuất bản, ấn hành các tập thơ riêng: “Thầm lặng màu xanh” (1995), “Mây trắng về đâu” (2001), “Những chân trời” (Nxb. Thanh Niên, 2010-2011).
Chính tập thơ mới nhất, “Những chân trời”, đã khiến tôi tự ngẫm nghĩ lại một câu hỏi rất thông thường: Mỗi người có đặc điểm, ấn tượng nào giúp ta dễ nhận ra nhất? Cố nhiên đó là giọng nói, chất giọng riêng không ai giống ai, cứ như dấu vân tay không người nào y hệt người nào. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là giọng thể chất. Và giọng thể chất cũng có nhiều cung bậc cảm xúc. Tuy cũng vậy, có điều, trong thơ, giọng thơ (hay giai điệu thơ, âm điệu thẩm mĩ thơ ca) lại không thể phát lộ thành nét riêng nếu chưa từng trải qua một quãng thời gian hàm dưỡng nội lực và thoát khỏi sự pha tạp, lai giọng buổi ban đầu sáng tác. Điều đáng nói ở đây, chính là giọng thơ thuần nhất với cung bậc cảm xúc hầu như ít thay đổi, rất đáng lưu ý trong tập “Những chân trời”. Giọng thơ thuần nhất là đặc điểm đáng quý nhưng cảm xúc thẩm mĩ ít thay đổi cung bậc lại dễ khiến người đọc cho là đơn điệu. Tuy vậy, đối với tôi, đọc một thi tập, khoảng trên 70 bài thơ, như “Những chân trời”, tôi lại có những giờ khắc nhẹ nhàng, bâng khuâng đầy hoài niệm mơ hồ về những quãng thời gian trong đời người đã vĩnh viễn trôi qua. Và đôi khi, cũng cùng “Những chân trời”, tôi cảm thấy không thể không nhói thắt với tác giả. Ấy là những lúc Cao Quảng Văn thao thức tự vấn về trách nhiệm cầm bút trước bao mảng tối đầy quỷ sứ giữa đời. Nhưng rồi những thoáng cảm giác nhói thắt khiến xót lòng ấy lại được âm điệu chung của “Những chân trời” phủ lấp, điều hoà.
Như một điều tự khẳng quyết, trong quãng đời anh viết tập thơ này, Cao Quảng Văn vẫn không nguôi khát vọng đi khắp, trải khắp, nối lại tất cả “những chân trời” với nhiều địa dư, chiều kích, bản sắc, thời đoạn, nhưng anh hầu như đắm chìm trong tâm trạng của một người luống tuối, với những bước chân vào tuổi xế chiều. Tuy thế, thật ra rồi cũng như những phút giây tự vấn về thiên chức cầm bút và sứ mệnh cao cả của thơ ca, khát vọng “những chân trời” của anh hình như chỉ là những hồi quang ở ráng chiều. Ráng chiều ấy, tuy có thoáng chốc bừng lên rực rỡ, nhưng vẫn rực rỡ của hồi quang – hồi quang của bao tia nắng ban mai, bao ánh nắng giữa trưa trong những năm tháng trai tráng của đời người chưa thoả nguyện. Tuổi trẻ đã trôi qua, nhưng khát vọng cũng chưa thực hiện được! Vì thế, hồi quang rất đỗi ngậm ngùi. Nhưng may mắn thay, chính những thoáng dư vị ngậm ngùi ấy không trở nên đắng chát, cay xé là nhờ âm điệu dịu ngọt, thanh tao chủ đạo trong tâm hồn Cao Quảng Văn, đặc biệt thể hiện trong tập “Những chân trời”. Chung nhất, giai điệu thơ anh vẫn là an nhiên, hiền hoà, điềm đạm, chan chứa trong đó bao hoài niệm mênh mang, những hoài niệm mơ hồ mà thơ anh chỉ hé mở.
Lá rơi hoài như thế
Mà sao thu không đầy?
Nắng dịu dàng như thể
Em lại vừa qua đây?
Thơ Cao Quảng Văn không mới mẻ, đột phá về tư tưởng – nghệ thuật, tứ thơ, cách cấu tạo hình ảnh thơ cũng như ngôn từ. Thơ anh đẹp một cách cổ điển về giai điệu thơ, và có thể nói thêm, ở khá nhiều bài, vẻ đẹp ấy còn là tính hàm súc. Tuy không nhiều trong tập thơ, nhưng bài thơ ngắn gọn “Và mùa thu” (tr. 79, sđd.), không phải là tuyệt tác sao?
Trong một đời thi sĩ, có gì hạnh phúc hơn khi tìm ra được điệu hồn đích thực của mình và viết được dăm bài thơ thuộc vào loại in sâu mãi mãi vào tâm hồn người đọc?
Trần Xuân An
2:00, 25-03 HB11 (2011)