Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠI MỘT NGƯỜI VĂN TỬ TẾ NỮA RA ĐI

Vũ Ngọc Tiến
Thứ bẩy ngày 26 tháng 3 năm 2011 4:12 AM
 
Thi sĩ- nhà văn- nhà biên khảo- nhà lý luận phê bình văn học Hoài Anh đã đi thật rồi, đi vào cái đêm dư chấn động đất từ Malaysia lan tới Hà Nội (24/3/2011) làm căn hộ tầng 11 của tôi rung rinh chao đảo. Cơn chấn động trong tôi lần này dường như cũng là một dư chấn sau sự ra đi của thầy Hoàng Ngọc Hiến vào trước tết âm lịch. Hai Người Văn tử tế mà tôi yêu mến, kính trọng đã ra đi chỉ cách nhau thiếu 2 ngày là đầy 2 tháng! Nhớ lại hôm lễ tang thầy Hiến, tôi bảo với Đặng Thân và Phạm Xuân Nguyên rằng cũng muốn viết đôi dòng về thầy, nhưng vì thầy quá nổi tiếng, lại có bài của Thân viết quá hay rồi nên thôi. Với  Hoài Anh thì khác, ngày mai (26/3/2011) sẽ làm lễ đưa tang, đường xa cách trở, vài tuần nữa tôi mới có dịp vào Sài Gòn, đến căn phòng nhỏ ở phố Trần Đình Xu thắp cho ông nén nhang. Thôi đành đêm nay tôi nén đau viết vài dòng tản mạn về ông thay nén tâm nhang từ Hà Nội bái vọng một Người Anh lành hiền, một Người Văn tử tế, một Cây Bút đa năng và cần mẫn suốt nửa thế kỷ tận hiến…

Là người quê gốc Hà thành lâu đời, với Sài thành tôi chỉ là khách trọ, nhưng nghĩ cũng lạ, bạn văn trong đó lại nhiều hơn ở chính quê mình. Mỗi lần ghé thăm, chỉ cần một cú phôn  cho nhau là bạn bè quây quần ở quán cà phê Bông Giấy (53 Trần quốc Thảo) hàn huyên mọi chuyện trên giời dưới bể. Dẫu thế, nếu không gặp mặt trò chuyện được với Hoài Anh và Hà Văn Thùy, kể như chuyến đi Sài thành của tôi vơi đi một nửa niềm vui. Đơn giản vì hai người đồng hương đất Bắc ấy có đời người, đời văn lân đận như tôi, lại có chung một đam mê về lịch sử và minh triết phương Đông. Đêm nay, trong nỗi đau mất bạn vong niên, tôi ngồi hồi tưởng vài kỷ niệm nhỏ về ông. So với Thùy, tôi gặp và trở nên thân thiết với Hoài Anh muộn hơn, nhưng trong gia đình từ nhạc mẫu năm nay 92 tuổi đến vợ tôi đều đã đọc thơ và tác phẩm của ông từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Nhạc mẫu tôi còn bảo, trong số các nhà văn hiện đại bây giờ, có lẽ người hiểu sâu và dịch thơ Đường đạt nhất là Hoài Anh. Khoảng năm 2006, sau khi hoàn thành bộ ba tiểu thuyết lịch sử “Ba nhà cải cách’, tôi tình cờ đọc bài của các anh Triệu Xuân, Đông La giới thiệu bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ hơn 6.000 trang (16 tập) của Hoài Anh, tôi nôn nao muốn gặp và đàm đạo cùng ông. Nhiều năm kiên trì viết hàng trăm bài về giáo dục, tôi luôn canh cánh một nỗi buồn vì trẻ thơ bây giờ chán học văn, không thuộc sử nước Nam mình bằng sử Trung Hoa. Lỗi ở các nhà giáo dục, tất nhiên rồi, nhưng lũ Người Văn có tâm không thể thoái thác một phần trách nhiệm. Hoài Anh muốn góp phần gánh đỡ bạn văn, sao số phận các bản thảo của ông cứ long đong trôi dạt qua nhiều cơ quan xuất bản để rồi nằm xếp xó, ố vàng cho đến khi Triệu Xuân bới tìm trong gầm giường ra, biên sọan lại? Tại cơ chế hay tại lòng người còn lắm nhỏ nhen, đố kỵ đây?... Lạ thay! Cơ duyên Trời- Phật lại xui khiến Hoài Anh lại chủ động tìm gặp tôi trước. Lần ấy, tôi nhớ vào một buổi sáng mùa thu se lạnh, mưa bụi lay phay, Lê Mai ào vào nhà, dắt theo một ông lão tròm trèm 70 tuổi, mặc chiếc áo kẻ sọc xanh đã sờn chỉ, chân đi dép nhựa vẹt mòn cả gót, điệu bộ ngơ ngác như người mất sổ gạo thời bao cấp. Thấy tôi lúng túng chưa biết chào hỏi ra sao, Lê Mai cười ngả ngớn, vỗ vai bảo:  “Cúi chào cây đại bút, nhà hiền triết và sử gia có ngạnh đi, ông bạn! Người mà ông đang đọc bộ sách cao gần ba tấc, luôn miệng xuýt xoa muốn gặp đang đứng trước mặt chúng ta.” Hoài Anh nắm tay tôi cười hiền như Bụt. Ông từ Sài Gòn ra, đang tìm đường về quê Nam Định, Lê Mai túm được “báu vật” vội rước ngay đến nhà tôi trò chuyện lan man suốt nửa ngày không dứt. Lúc chia tay, Hoài Anh nhìn tôi hồi lâu rồi thủ thỉ: “Đời văn gặp được bạn tri kỷ thế này không dễ. Mình sẽ cố hoàn chỉnh thêm 4 tập nữa cho đủ bộ tiểu thuyết lịch sử 20 tập xuyên suốt chiều dài 2 thiên niên kỷ. Cậu đọc của mình rồi, có gì tâm đắc thì viết cho một bài ngắn thôi…Nói là nói vậy chứ viết về mình thì chưa chắc ngoài này chúng nó chịu đăng đâu… Đời mà!...”
Từ buổi sáng mùa thu ấy, tôi với ông thành đôi bạn vong niên. Nhớ lần vào Sài Gòn, tôi rủ Hoài Anh, Hà Văn Thùy đi Bến Tre thăm nhà văn lão thành Trang Thế Hy thật vui và cảm động. Hôm ấy tôi và Thùy được nghe hai cây bút đàn anh bàn luận về Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền… rất say sưa mới vỡ ra nhiều điều, càng thêm trân trọng nền văn học miền Nam trước năm 1975. Sức đọc của Hoài Anh thật khủng khiếp và kiến văn của ông cũng rất thâm hậu. Bởi thế, gần đây đọc liền thâu đêm 3 tiểu luận “Khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo ở đô thị miền Nam 1954- 1975”, “Về khuynh hướng phê bình Hiên Sinh ở đô thị miền nam 1954- 1975” và “Quan hệ giữa sáng tác với phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954- 1975” khá công phu, sâu sắc của Hoài Anh, tôi không hề ngạc nhiên. Người như ông tất phải có tác phẩm lý luận phê bình có tầm như thế… Lại nhớ một lần Hoài Anh ra Hà Nội, ngồi xe ôm đến thăm tôi dưới trời mưa tầm tã. Cái số ông khổ thế, lần nào đến tôi cũng gặp mưa. Hai anh em ngồi nhâm nhi hết chai rượu suốt cả buổi chiều bàn về Phật giáo ở Viêt Nam. Nhờ có ông tôi mới hiểu thêm về Mật tông chứ trước đó tôi chỉ chú tâm tìm hiểu nhiều về Thiền tông. Có được bạn văn như thế mới hạnh phúc làm sao! Giữa cuộc rượu ông khoe: “Lần này mình ra làm nốt thủ tục nhận tiền tài trợ của Hội in tập thơ cuối đời. Tranh thủ đến Vũ Từ Trang và cậu rồi tối nay xuôi tàu về quê Nam Định ngay.” Nghe giọng ông hể hả, nét mặt tươi hớn tôi ái ngại, xót xa thầm nghĩ, mấy đồng bạc còm ấy, ông anh chỉ cần ngồi nhà trong đó phôn cho thằng em này một tiếng cũng thừa sức lo đủ. Sao Hội nỡ để ông vác cái thân già đi mấy nghìn cây số tàu hỏa ra làm thủ tục nhiêu khê đủ thứ. Nghĩ vậy, nhưng tôi nào dám nói, sợ ông anh mình tủi thân!… Đưa Hoài Anh ra ga, lúc ngồi đợi tàu, hai anh em lại quay về với đề tài lịch sử. Tôi bùi ngùi, the thắt lòng nhìn theo bóng một ông lão nhầu nhĩ, có bàn chân nứt nẻ như người nhà quê ra tỉnh bước lên toa tàu xập xệ, cổ lỗ. Bên tai tôi còn vẳng nghe những điều tâm huyết dặn lại cây bút đàn em về tiểu thuyết lịch sử: Nhớ nghe em, anh quan niệm có hai phần xác và hồn của tiểu thuyết lịch sử. Xác là cái khung xương niên đại, sự kiên lịch sử; còn hồn ấy là cái tư tưởng, tình cảm, kể cả máu thịt tác giả đắp vào trang viết. Milan.Kundera nói: “Tiểu thuyết không phải là thằng hầu của lịch sử.” Còn Georges.Lukas (triết gia người Hung) cũng viết: “Các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn chính các nhân vật lịch sử vì chúng được tác giả trao cho sự sống, còn các nhân vật lịch sử thì đã sống.”…

Bẵng đi 2 năm không gặp, Tôi thảng thốt nghe tin ông nằm viện rất nguy kịch qua thông báo của anh Triệu Xuân trên mạng, mới chỉ kịp hỏi thăm ông qua Nguyễn Hòa chủ Web “Văn Chương Việt”, chưa gửi được tiền lo thuốc thang thì ông đã đi xa, xa mãi! Mai trong lễ tang, chắc sẽ có ai đó thay mặt Ban lãnh đạo Hội đọc điếu văn với những lời có cánh. Mấy ai trong số họ biết và cảm thông sinh thời những lúc ông run tay không cầm nổi cây bút, vi tính lại không biết, phải lọ mọ gõ cái máy chữ cổ lỗ đã cùn mẫu tự lên từng trang bản thảo. Vậy mà ông vẫn phải chồn chân đi bộ khắp Sài thành tìm kiếm nơi in tác phẩm của mình không được?... Lại một Người Văn tử tế nữa ra đi để lại dư chấn mãi trong tôi. Quên hết sự đời, thanh thản mà đi về nơi cực lạc, bác Hoài Anh của em ơi!...
Hà Nôi đêm 25/3/2011 
VNT