Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN GHI BÊN LỀ HỘI THẢO KHOA HOC VỀ HỌ PHÙNG

Phan Duy Kha
Thứ hai ngày 21 tháng 3 năm 2011 3:42 PM
Ngày 30.10.2010, Giám đốc Trung tâm văn hóa Tràng An –Luật gia Bùi Phúc Hải, người đã in đến ba cuốn sách của tôi, gọi điện thoại cho tôi : “Bác Kha ơi, có nhà văn Phùng Văn Khai gọi điện thoại cho em hỏi số điện thoại của bác, không biết định nhờ một việc gì đó. Em đã cho số điện thoại của bac. Thế nào Phùng Văn Khai cũng sẽ gọi bác. Vậy em báo trước để bác khỏi bất ngờ” .
Bùi Phúc Hải là một người cẩn trọng, cả trong việc in sách, cả trong xử sự đời thường như thế đấy. Tôi chưa hề quen biết nhà văn Phùng Văn Khai, chỉ nhớ mang máng có đọc mấy bài thơ và truyện ngắn của anh ở đâu đó. Tôi đinh ninh chờ đợi. Mãi một tuần sau, vào ngày 6.10, nhà văn Phùng Văn Khai mới gọi điện thoại cho tôi : “Cháu chào chú Phan Duy Kha. Cháu có đọc cuốn Lịch sử và sự ngộ nhận của chú. Trong đó có bài viết “ Dòng họ trong cộng đồng và trong tâm linh người Việt” cháu thấy rất tâm đắc. Cháu liền hỏi Trung tâm Tràng An để có số điện thoại của chú. Cháu định chọn bài viết này để đưa vào cuốn Kỷ yếu Hội thảo về họ Phùng. Sắp tới, họ Phùng sẽ tổ chức Hội thảo. Cháu mời chú tham gia nhé”. Tôi đồng ý.
Bẵng đi một thời gian dài, mãi đến ngày 12.03.2011 (trước Hội thảo một tuần) tôi mới nhận được điện thoại của Khai, báo ngày giờ, địa điểm Hội thảo. Khai hỏi : “ Chú có cần giấy mời không để cháu mang đến” .Tôi trả lời “Không cần đâu, giấy mời chỉ là hình thức .Mà chỉ vì cái hình thức không cần thiết ấy để cháu phải đi đi lại lại nhiều , đường phố đông đúc, vất vả thêm ra”.
Trước Hội thảo mấy ngày, bỗng nhiên trời chuyển gió mùa đông bắc. Đài khí tượng thông báo đây là một đợt rét bất thường, nhiệt độ trung bình hạ xuống dưới 10 độ ( bất thường vì xưa nay vào cuối mùa xuân chưa bao giờ có rét đậm, rét hại như thế) . Mưa phùn kéo dài. Đi ra đường rất ngại. Ấy vậy mà đúng vào ngày Hội thảo 19.3, buổi sáng dắt xe ra đường thấy trời quang mây tạnh, rồi nắng hửng lên. Kỳ lạ thế . (Tâm linh chăng! Bởi vì trời chỉ nắng đẹp đúng một ngày hôm ấy, còn hôm sau trờ lại trở rét)
Đến sân Văn Miếu thì không ngờ gặp toàn người quen. GS Sử học Lê Văn Lan, người tôi đã gặp nhiều lần tại Tòa soạn báo Khoa học & Đời sống khi ấy còn đóng trên đường Trần Hưng Đạo. Thậm chí ông và tôi còn tranh luận với nhau kéo dài liên tục tới mấy số liền trên báo Khoa học & Đời sống về đề tài Thời đại Hùng Vương. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, người đã có mấy bộ tiểu thuyết dài hơi về đề tài lịch sử. Nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Văn Thành, ngoài 80 tuổi nhưng vẫn rất miệt mài với các trang sách, các văn bản Hán -Nôm. Đặc biệt là Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, ông bạn thâm giao của tôi. Hỏi : “ Các ông được ai thông báo mời tham gia Hội thảo ? Tất cả đều trả lời “ Nhà văn Phùng Văn Khai” . Mặc dù cho đến lúc ấy , nhiều người cũng như tôi, chưa hề biết mặt người mời mình là ai (vì chỉ thông báo, đặt bài qua điện thoại). Một điều bất ngờ nữa đối với tôi là ông bạn tâm giao của tôi , Tiến sĩ Đinh Công Vĩ là người được Ban tổ chức giới thiệu “ nổ phát súng đầu tiên”,  tức là người đầu tiên (sau báo cáo đề dẫn) đọc bản tham luận về công lao sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng . Ông trình bày bản tham luận hùng hồn và cảm động lắm.
Hội thảo đã diễn ra tốt đẹp . Chỉ có một điều đáng tiếc riêng đối với cá nhân tôi. Đó là, tối hôm trước, tôi không cẩn thận kiểm tra pin trong chiếc máy ảnh KTS của mình. Khi đến Hội thảo, mới chụp được mấy kiểu ảnh thì máy đã báo hết pin. Vì vậy mà không chụp được nhiều để làm tư liệu.
Từ Hội thảo về nhà, cảm xúc còn nóng hổi, tôi viết ngay một bài tường thuật đưa lên trang mạng của cá nhân. Nhưng lại nghĩ, trang mạng của mình còn khiêm tốn, người truy cập không nhiều. Mở trang mạng trannhuong.com của Nhà văn Trần Nhương, thấy ông có đưa tin bài về Hội thảo họ Phùng, kể cả bài tham luận của Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, một bài viết rất dài. Vậy là tôi mạnh dạn gửi bài cho trannhuong.com để mong bài được quảng bá hơn. Khi gửi bài cho trannhuong.com, tôi chỉ gửi bài viết và một bức ảnh duy nhất đăng ở đầu bài. Đó là bức ảnh chụp quang cảnh sân Bái đường Văn Miếu vào buổi sáng diễn ra hội thảo. Còn trong trang mạng cá nhân, tôi đưa vào 5 bức ảnh liền, trong đó có một bức ảnh tôi chụp với Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, cốt để lưu lại như một kỷ niệm riêng trong ngày Hội thảo. Tôi giữ ý, không gửi bức ảnh này cho trannhuong.com vì sợ rằng ai đó hiểu nhầm tôi cố tình quảng bá hình ảnh của mình. Nhưng khi mở mạng trannhuong.com thì lại thấy dưới bài viết của mình có bức ảnh này. Nhà văn Trần Nhương đã truy cập vào trang mạng của tôi để chọn ra bức ảnh này đưa thêm vào bài viết của tôi. Vậy cũng xin được cảm ơn Nhà văn Trần Nhương về chi tiết thú vị đó.
Cũng nhân truy cập vào các trang mạng để tìm hiểu xem các báo mạng đưa tin về Hội thảo khoa học về họ Phùng như thế nào, mới thấy rằng có những tin rất buồn cười. Ví dụ có báo đưa tên người đọc tham luận về Phùng Hưng là TS Bạch Công Vĩ ( tự nhiên đổi họ của ông) ; hay đưa tin TS Mai Hồng đọc tham luận về các Danh thần, danh nhân họ Phùng. Thật ra, TS Mai Hồng chuyên gia Hán –Nôm, tôi cũng có biết nhưng hôm ấy ông bị ốm, không tham gia hội thảo được, làm sao mà đọc tham luận ! Không hiểu sao mà họ lại đưa tin cẩu thả như thế.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Nhà văn Phùng Văn Khai đã có nhã ý mời tôi để tôi có dịp được gặp gỡ, giao lưu với các nhà học giả, các nhà khoa học khả kính mà tôi từng quen biết. Xin cảm ơn Nhà văn Trần Nhương đã đăng bài tường thuật của tôi trên trang mạng của ông . / .