Qua báo chí và truyền hình về vụ “cô Lượm – Trần Thị Thùy Dương”, tôi bỗng thấy nó không đến nỗi rắc rối như nhiều người nghĩ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này:
Một cô gái nghèo, chồng làm thợ nề, con trai nhỏ bị bệnh, thiếu tiền cứu chữa, bỗng vào mạng thấy Tintuconline.vietnamnet.vn treo giải cuộc thi với chủ đề “MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI”: 1 Giải đặc biệt trị giá 20 triệu đồng; 1 Giải nhất trị giá 15 triệu đồng; 2 giải nhì trị giá 10 triệu đồng; 3 giải ba trị giá 5 triệu đồng; Và những giải thưởng hấp dẫn khác của các nhà tài trợ, cô liền nảy ra ý định viết truyện dự thi và hi vọng trúng giải để có tiền chữa bệnh cho con. Thế là câu chuyện “Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời” được ra đời dưới ngòi bút/bàn phím của cô.
Oái oăm, đây lại là một câu chuyện hư cấu (khi cuộc thi lại đòi hỏi chuyện có thật). Oái oăm hơn, Thùy Dương lại có một khả năng viết truyện bịa… như thật. Đó là khả năng của nhà văn. Và hơn thế nữa, câu chuyện cô Lượm đã thuyết phục và làm chấn động tình cảm người đọc, mà trước hết là ban tổ chức cuộc thi. Thế là “cô Lượm văn học” đã thay thế cô Dương ngoài đời. Nghĩa là từ đó, Thùy Dương đã trở thành cô Lượm trong cuộc biểu dương của tintuconline và VTV Người Xây Tổ Ấm. Chuyện thật-giả vỡ lở, các ban biên tập và công chúng phẫn nộ vì bị lừa, còn “nhà văn” Thùy Dương thì khóc dở mếu dở nguy cơ bị đẩy tới chân tường… Tòa án.
Vẫn biết Thùy Dương có lỗi “đâm lao theo lao”, nhưng chả lẽ một mình Thùy Dương có lỗi? Sau chuyện vỡ lở Lượm thành Thùy Dương, cô đã trở thành miếng mồi cho báo chí. Cái hiệu ứng báo chí kiểu này ở ta thật xấu hổ. Đó là hiệu ứng câu khách mà đôi khi phải giật tít giật gân hay nống lên cho lâm li thống thiết. Còn nhà đài thì phăm phăm đi kiện “đối tác” mà mình đã lựa chọn. Cứ đọc đoạn thư của Thùy Dương gửi cho nhà báo KN thì rõ:
“Từ ngày tuyên bố trên bản tường trình là em không muốn tiếp xúc với các nhà báo nữa, nhưng chị biết ko? Em đi đâu, làm gì, con em sức khỏe thế nào, họ cũng đều biết, em thấy sợ luôn, mỗi lần nghe điện thoại reo là em lại run lên, hy vọng đó không phải là nhà báo.
Cuối cùng em cũng là người bị đè bẹp, đẩy em xuống tận cùng không có lối thoát. Em nhận được lệnh triệu tập của công an tỉnh do đơn chị kiện em, em như muốn chết luôn chị ạ. Nếu như em có chuyện gì chắc em chết thôi chị ạ, chưa gì chồng em đã tuyên bố sau chuyện này chồng em sẽ nuôi con. Em đã mất hết tất cả rồi chị ơi, gia đình, bạn bè, hàng xóm, thậm chí đứa con mà em sống vì nó cũng vụt khỏi tay em.
Thời gian vừa qua em sống cũng như chết, em ko có tiền để chi phí hàng ngày, nợ nần thị bị đòi lên đòi xuống, con em bị viêm phổi phải lo tiền thuốc men, chồng và gia đình xem em như sự xấu xa, nhục nhã nên chẳng ai quan tâm, báo chí thì làm phiền, suốt ngày đưa thông tin sai và tầm bậy, làm mấy chị hiểu lầm là do em nói”.
Đọc những lời trần tình ấy, chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy thêm một sự thật khổ đau. Chả lẽ chúng ta lại sợ bị lừa một lần nữa hay sao?
Thùy Dương là một cô gái, một người vợ, một người mẹ, một người con và một người viết, đã viết ra câu chuyện của Lượm làm xúc động hàng triệu người, chả lẽ chúng ta không ai dang tay che chở, thậm chí biết ơn?
Sau khi chuyện vỡ lở, Thùy Dương đã công khai xin lỗi trên truyền thông, và xin trả lại số tiền thiện nguyện của độc giả, khán giả đã thương cảm mà gửi tới cô, mà trọng ý là để chăm sóc đứa con bé bỏng bệnh tật của cô, chả lẽ lại không đáng thương đáng quý hay sao? Chả lẽ những người hảo tâm đòi rút lại lòng hảo tâm của mình?
Tôi nghĩ ngược lại, sau câu chuyện “cô Lượm” đáng thương đáng trọng, chúng tại lại phát hiện ra một cuộc đời đáng thương khác, đó là cuộc đời của tác giả đã viết ra câu chuyện đau buồn ấy – cô Trần Thị Thùy Dương.
Mà trong việc này, đâu chỉ mình Thùy Dương có lỗi. Những người tổ chức cuộc thi và những người làm chương trình truyền hình chả lẽ không có lỗi gì sao? Và cả cái xã hội này nữa, kẻ vàng bạc chất thành núi, kẻ không tiền chữa bệnh cho con… sẽ nghĩ về nhau sao cho “đồng thuận” đây?
Nếu các cơ quan công quyền như công an, viện kiểm sát, tòa án và chính quyền nhân dân cùng vào cuộc, thì chắc chắn sẽ nhìn thấy một sự thật rơi lệ. Đây là sự thật của Tình thương. Và khi đó câu chuyện thật-giả “cô Lượm – Thùy Dương” sẽ không đến nỗi rắc rối như nhiều người vẫn nghĩ.
Có lần vào chùa, tôi đọc được một câu thật xúc động: “Món quà quý nhất của đời người, đấy là Lòng Bao Dung”.
Tôi đọc trên trang trannhuong.com cũng thấy nhà thơ Trần Nhương nói đến lòng Khoan Dung: “Có lẽ đây là tai nạn về sự ngây thơ của cô tiểu thương mà thôi. Đáng phê bình nhưng đẩy đến hình sự thì không biết nói thế nào, hỡi những Người xây tổ ấm, hỡi những người có trách nhiệm ở Huế ! Xin hãy khoan dung, xin hãy khoan dung để phúc cho con cháu !”
Và trên trang nguyentrongtao.org của tôi từ đầu tháng 3.2011 cũng đã nhắc tới nó – Lòng Vị Tha: “Một cô gái 28 tuổi thích gây xúc động cho đời, bỗng nhiên trở thành người lừa dối thiên hạ. Nhân vật trong câu chuyện này có thể tha thứ được không? Tôi nghĩ là có thể, nếu người ta có lòng vị tha lớn”.
Vì vậy mà tôi muốn kêu lên: Hỡi Người Xây Tổ Ấm, hỡi tintuconline, hỡi cô Lượm tội nghiệp… các người hãy dang rộng vòng tay mà ôm chặt lấy nhau! Hỡi những người hảo tâm, đã hảo tâm và sẽ hảo tâm… hãy đùm bọc và chở che gia đình nhỏ bé và khốn khổ của Dương – một cô Lượm đáng thương có thật trong cuộc đời này.
Lượm ơi! Dương ơi! Hãy tin Lòng Bao Dung của Con Người.
Hà Nội, 20.3.2011
Nguồn: nguyentrongtao.org