Nhà văn Hoàng Quốc Hải
Nước ta trọng truyền thống, tuy nhiên số dòng họ bảo tồn được gia phả từ thủy tổ tới nay hẳn không nhiều. Bởi nước ta có hai điều khắc nghiệt: - Một là khí hậu nóng ẩm, các vật thể như giấy, vải, gỗ rất dễ bị thời tiết khí hậu gặm nhấm và phân hủy, đến như bia đá còn bị bào mòn hết cả chữ nghĩa. - Hai là các cuộc chiến tranh xâm lược, đặc biệt là giặc phương Bắc cực kỳ tàn bạo, chúng thường xuyên mưu toan, thủ tiêu nền văn hóa của người Lạc Việt để thực hiện mưu đồ Hán hóa dân tộc ta; tiêu biểu là cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh đầu thế kỷ 15, đứng đầu là tên tội phạm văn hóa Minh Thành tổ, chúng mưu toan tiêu hủy hoàn toàn nền văn hóa Việt từ sách vở bi ký đến đền đài, chùa miếu và cả hoành phi, câu đối… Vì vậy, các tư liệu lịch sử từ thế kỷ thứ 14 trở về trước của nước ta hầu như giặc đã cướp đi, đốt đi, phá đi gần hết. Phải nói, tội ác diệt chủng văn hóa là đứng đầu trong các hàng tội phạm.
Trở lại vấn đề tộc phả và dòng họ mà chúng ta đang bàn thảo, như dòng họ Phùng của Bố Cái Đại Vương.
Trong Hội thảo này chắc chắn có nhiều tham luận nói về sự nghiệp cũng như ảnh hưởng của Phùng Hưng trong công cuộc đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường.
Cách đây ít bữa, tôi có trao đổi với học giả Lê Mạnh Thát. Theo ông, Phùng Hưng là một triều đại có đầy đủ thiết chế xã hội. Và sự nghiệp của Phùng Hưng là đánh đuổi quân xâm lược chứ không phải là cuộc nổi dậy của nghĩa quân hoặc cuộc khởi nghĩa như ta thường gọi. Nếu có thì giờ, tôi nghĩ cái ý này, các học giả, sử gia cũng nên bàn thêm.
Tuy nhiên vấn đề của tôi đặt ra trong tham luận này là vai trò của nhân vật Phùng Tá Chu với vương triều Trần.
Sử liệu không đủ cho ta khẳng định Phùng Tá Chu thuộc dòng dõi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, quê gốc ở Đường Lâm. Chỉ biết ông là con vị cư sĩ nổi tiếng Phùng Tá Thang gốc người Lý Nhân (Hà Nam ngày nay) sau dời sang làng Mỹ Xá thuộc huyện Hưng Hà Thái Bình.
Tuy nhiên, ta có thể giả định con cháu của những người có sự nghiệp lớn thường nối được chí tổ tiên. Ví như Phùng Khắc Khoan đã có tư liệu truy ngược tới cụ tổ Phùng Hưng.
Tôi không có ý gán ghép khiên cưỡng rằng cha con cụ Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu là dòng dõi của viễn tổ Phùng Hưng. Nhưng tôi cũng không có cứ liệu gì để bác bỏ điều đó.
Trong tham luận này, tôi chỉ nói đến nhóm nho sĩ trí thức Long Hưng gồm có: Tô Trung Từ và Phùng Tá Chu và một số người khác mưu phò hoàng thái tử sau là Lý Huệ tôn. Và từ đó bắc cầu sang việc khuông phò nhà Trần.
Vì sao Phùng Tá Chu là đình thần nhà Lý lại đi phù giúp nhà Trần từ khi nó còn manh nha. Thật ra đây là một quyết định khá khó khăn nhưng vô cùng sáng suốt của Phùng Tá Chu và nhóm nho sĩ trí thức Long Hưng.
Đúng là công lao dựng nước và giữ nước thì không có một thời đại nào sánh được với nhà Lý. Nhưng khi nó đã tụt dốc suy tàn thì nó cũng rơi vào vòng u tối khiến trăm họ lầm than.
Lý Cao tông là một vị vua hèn kém, bất tài nhưng lại ham ăn chơi, sa đà vào việc xây cất cung điện. Riêng hành cung đã tới cả trăm ngôi mà vẫn chưa thỏa lòng dục. Và vơ vét của dân một cách tàn bạo để về chứa chất tới mấy chục kho trong khi dân tình đói khát, giặc cướp nổi lên tứ tung. Ngay trong kinh thành, những vụ cướp xảy ra trước mắt nhà vua, vua cũng cúi mặt quay đi vờ như không biết.
Trong 35 năm Lý Cao tông ở ngôi, nạn đói diễn ra ba lần:
Lần thứ nhất vào năm Tân sửu (1181), sử ghi: “Đói to dân chết gần một nửa”. (ĐVSKTT trang 294, bản kỷ, quyển IV).
Lần thứ hai vào năm Kỷ mùi (1199), sử ghi: “Mùa thu tháng 7, nước to, lúa mạ ngập hết. Đói to” (Toàn thư trang 298 bản kỷ quyển IV).
Lần thứ ba vào năm Mậu thân (1208), sử ghi: “Đói to, xác người chết đói nằm gối lên nhau” (Toàn thư trang 304 bản kỷ, quyển IV).
Nuôi dân thì như thế, còn trị nước thì vua là người đầu tiên làm cho luật pháp trở nên bất minh. Ví như việc xử kiện, vua cho các quan xử các vụ dân chúng tranh chấp tài sản thì bên nào đút lót hối lộ nhiều thì bên đó được thắng kiện. Hai bên tranh chấp khối tài sản lớn thì nhận tiền hối lộ của cả hai bên rồi tịch thu tài sản ấy nhập kho nhà vua. Vì vậy trong dân thì xơ xác nhưng kho riêng của nhà vua của cải nhiều không biết đâu mà kể. Từ những việc làm kể trên, có thể nói Lý Cao tông không chỉ bỏ việc chăn dân mà còn là người đầu têu làm rối loạn kỷ cương phép nước, chính ông là một tên kẻ cướp quyền uy nhất nước.
Chăn dân thì thế, trị nước thì thế, còn việc điều hành triều chính, sai khiến quan lại thì tùy tiện, thất tín.
Ví như việc Phạm Du được vua sai trấn trị một phương thì y lấy quân triều đình và chiêu mộ thêm bọn vong mệnh, bọn trai tráng kể cả bọn giặc cướp tập hợp lại thành một đội quân đông đúc đi cướp bóc trong dân chúng không kiêng dè gì.
Trước việc tướng của triều đình đem quân làm loạn, các nơi tới tấp cáo giác về triều. Cao tông sai Phạm Bỉnh Di lấy quân chiêu mộ từ Đằng Châu, Khoái Châu đi dẹp Phạm Du, đôi ba phen giao tranh ác liệt mới dẹp nổi. Nhưng Phạm Du lại trốn thoát. Y về triều nhờ người đút lót bạc vàng cho vua. Thấy của nhiều, vua tối mắt nhận của, nhận cả lời vu cáo xằng bậy của Phạm Du. Thế là vua đòi Phạm Bỉnh Di về triều trị tội.
Phạm Bỉnh Di lòng ngay dạ thẳng có ngờ đâu vua nghe lời xúc xiểm của kẻ đã làm giặc, nên vừa về triều kiến, vua liền sai giết đi.
Bộ tướng của Phạm Bỉnh Di là Quách Bốc thấy vua xử như một đứa hôn quân liền đem quân phá cửa Đại Thành đánh vào cung thất toan giết vua trả thù cho chủ tướng.
Cao tông phải bỏ kinh thành trốn chạy. Quách Bốc và phe khởi loạn liền phế Cao tông lập người con nhỏ của nhà vua là hoàng tử Thầm mới bảy tuổi lên ngôi.
Hoàng thái tử đã lập là Sảm theo Tô Trung Từ chạy về thôn Lưu gia nương nhờ nhà Trần Lý. Triều đình loạn từ đó.
Khi Cao tông chết, hoàng thái tử Sảm lên ngôi, miếu hiệu là Huệ tôn được anh em con cháu nhà hào phú là Trần Lý phù giúp. Thế nước lúc này đại rối ren có ba thế lực hùng mạnh kình chống nhau xâu xé giang sơn. Đó là phe cánh họ Trần khống chế Huệ tôn chiếm từ Thăng Long, Thiên Trường đến Long Hưng.
Phía đông thì Đoàn Thượng chiếm cứ Châu Hồng đắp thành xưng vương, không chịu sự sai khiến của triều đình nữa.
Phía bắc từ bên kia sông Cái (sông Hồng) kéo tới cả miền Bắc Giang thượng, hạ do Nguyễn Nộn chiếm giữ xưng là Hoài đạo vương, bản doanh đóng tại hương Phù Đổng.
Vậy là cả ba thế lực kình chống nhau tranh thiên hạ, đất nước có nguy cơ rơi vào nội chiến.
Tình hình đó đòi hỏi kẻ sĩ phải có trách nhiệm với đất nước, làm thế nào để không rơi vào cảnh nồi da xáo thịt.
Lúc này họ Trần dùng Lý Huệ tông như một ngọn cờ để thu phục thiên hạ, chứ thực tình Huệ tông không có khả năng điều hành công việc triều chính. Bản thân ông ốm yếu lại mắc chứng tâm thần. Vì vậy phần đông các bầy tôi theo Lý Huệ tông cũng tức là theo về họ Trần.
Phùng Tá Chu vốn là quan lại từ triều Lý Cao tông nên biết rõ vai trò lịch sử của nhà Lý đã đến hồi chung cục.
Lúc này đòi hỏi kẻ sĩ phải có đầu óc tỉnh táo, sáng suốt không rơi vào tình trạng ngu trung của đám hủ nho: “Trung thần bất sự nhị quân” (tôi trung không thờ hai vua). Hoặc cơ hội chủ nghĩa như đám quân tử Tàu: “Trị minh vương tắc xuất. Ngộ ám chúa tắc tàng”. Tức là gặp thời thịnh có vua sáng thì ra giúp nước, mà gặp phải vua tối, nước suy thì đi ở ẩn.
Chắc chắn Phùng Tá Chu và Tô Trung Từ theo dõi sát sao đường đi nước bước của ba thế lực. Cuối cùng nhận ra chỉ có cánh họ Trần là có đường lối rõ rệt. Lúc đầu là Trần Tự Khánh, sau Khánh ốm chết, quyền lực về tay Trần Thủ Độ. Thủ Độ là người ít học nhưng mưu lược và quyết đoán lại biết trọng kẻ sĩ, vì vậy Phùng Tá Chu và nhóm của ông dứt khoát về với nhà Trần.
Thái độ đó được biểu hiện ra bằng các hành động thiết thực. Sử không ghi chép, thậm chí bỏ sót cả các sự kiện chính khiến cho hậu thế gặp rất nhiều khó khăn khi chúng ta muốn làm sáng tỏ một sự kiện nào đấy. Như phần trên đã nói, đó là tội ác của quân xâm lược nhà Minh đầu thế kỷ 15 đã thiêu hủy và lấy đi hầu như tất cả những gì thuộc về văn hóa viết của nước ta.
Tuy nhiên cứ theo như các đối sách của Trần Thủ Độ, đủ biết ông ta đã dùng mưu trí của các mưu sĩ bậc thầy. Ví như Trần Thủ Độ không giết Lý Huệ tôn, ngược lại vẫn để ông ở ngôi và dùng chính ông làm ngọn cờ để sai khiến thiên hạ. Bởi lúc đó chưa có thế lực nào đủ mạnh để khống chế đối phương, mà tất cả đều núp dưới danh hiệu phù Lý để tranh thiên hạ.
Dùng chính lệnh để sai khiến các đầu mục, phong vương cho Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn để giữ yên đất nước. Những mưu lược ấy Trần Thủ Độ sao nghĩ ra được. Đương nhiên đó là kế sách của đám nho sĩ trí thức được Trần Thủ Độ tin dùng.
Và khi đã khắc chế được hai thế lực kình chống là Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn, rồi cả hai viên tướng đó đều qua đời thì cơ hội soán ngôi nhà Lý ngày càng hiển lộ. Tuy nhiên, nếu Trần Thủ Độ dùng bạo lực cướp ngôi, ắt hẳn sẽ bị chống đối kịch liệt. Do đó một nước cờ khác được bầy sắp thật là tinh vi và thâm hậu, tiến hành từng bước vừa hợp qui luật vừa hợp đạo lý khiến cuộc đảo chính trở nên hợp pháp, các thế lực chống đối không có lý do gì để khởi sự. Nó được bắt đầu bằng việc Lý Huệ tôn xuống chiếu phong cho Chiêu Thánh làm hoàng thái tử. Đó là chiêu thức biến hoàng nữ thành hoàng nam. Vì rằng chế độ phong kiến phương Đông không có tiền lệ cho đàn bà làm vua. Ngôi vua chỉ có thể truyền cho thái tử, mà Chiêu Thánh đã được phong làm hoàng thái tử, tức là người chủ tương lai của đất nước đã được xác lập. Việc đó các triều quan công nhận như một lẽ đương nhiên.
Bước tiếp theo là Lý Huệ tôn nhường ngôi cho hoàng thái tử Chiêu Thánh. Đây là một việc rất thuận chứ không có gì là trái đạo, nên cấc triều quan đều răm rắp tuân theo.
Thấy thuận, các mưu sĩ lại gà việc đưa Trần Cảnh vào chức quan nội hầu để hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Rồi hai trẻ quyến luyến nhau. Từ đó nảy sinh việc hôn nhân. Việc trai gái yêu nhau rồi hai bên cha mẹ tác thành cũng là việc hợp đạo lý. Triều quan không có lý gì đàn hặc.
Các việc đều tiến triển một cách công khai, minh bạch trước thanh thiên bạch nhật, nên từ trong triều đến ngoài trấn đều chấp thuận. Tiến lên một bước nữa, Chiêu Hoàng nhường ngôi nước cho chồng là Trần Cảnh.
Đây là bước quyết định cực kỳ trọng đại, các thế lực chống đối không khỏi ấm ức, nhưng xét cả tình lẫn lý thì đó là việc thuận lý, hợp tình nên mọi việc đều êm xuôi.
Rõ ràng đây là một cuộc đảo chính cung đình có tính toán chi li, đường đi nước bước hết sức thận trọng, phi các bậc đại trí không ai có thể nghĩ nổi các mưu ấy.
Người thi hành các việc này không ai khác ngoài thái sư Trần Thủ Độ. Nhưng người đạo diễn, người bày ra mưu kế này lại chính là thái úy Phùng Tá Chu. Ta có thể tin điều đó, vì sau sự kiện này sử gia Ngô Sĩ Liên trong lời bình có ý trách Phùng Tá Chu: “Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn Lữ Hậu và Vũ Hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, thế là người có tội với họ Lý”. (ĐVSKTT Bản kỷ, quyển IV, tr 308).
Có thể nói Phùng Tá Chu là một trí thức nho sĩ thức thời, ông không bám víu, không níu lại một triều đại suy tàn không còn đủ sức đảm đương vai trò lãnh đạo đất nước nữa.
Việc Phùng Tá Chu và nhóm trí thức Long Hưng tiếp sức cho nhà Trần đứng vững đã tránh được một cuộc nội chiến đang có nguy cơ hiển lộ, và sớm chấm dứt nỗi đau khổ của cả dân tộc đã kéo dài hơn nửa thế kỷ dưới ách cai trị của các bậc vua ngu hèn thời mạt Lý.
Cũng từ đó nhà Trần vực đất nước đứng dậy trong tư thế tự cường để có thể hiên ngang chống giặc ngoại xâm. Thực tế là nhà Trần đã lãnh đạo toàn dân tộc ba lần đánh bại các cuộc xâm lăng cực kỳ hung hãn và tàn bạo của đế quốc Mông - Nguyên, một đế quốc hùng mạnh vào bậc nhất trong thế kỷ 13.
Rõ ràng là vai trò của kẻ sĩ đã góp phần quyết định vào công việc dựng nước và giữ nước. Và Phùng Tá Chu không chỉ là tấm gương cho kẻ sĩ thời xưa. Đáng tiếc với nhãn quan hạn hẹp, sử gia các đời chỉ nặng lời phê phán chứ chưa có một ai nghĩ đến công lao của Phùng Tá Chu trong giai đoạn lịch sử chuyển tiếp đầy sóng gió ấy.