Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MONG BẠN ĐỌC ĐÍNH CHÍNH GIÙM TÔI!

Phạm Quang Trung
Thứ hai ngày 14 tháng 3 năm 2011 2:34 PM
 
 Nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong bài TRẦN MẠNH HẢO KHÔNG THỂ TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI “VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH MƯỢN ĐAO GIẾT NGƯỜI” (TNc, 13/03/2011) có dẫn lời kết bài VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH ‘MƯỢN ĐAO GIẾT NGƯỜI’ (TNc, 13/03/2011) của nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thạch, nguyên văn: “Nhân việc PGS - TS. Phạm Quang Trung tuyên bố rút khỏi cuộc tranh luận với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, tôi thấy cũng cần phải tuyên bố tương tự: không thể tiếp tục “bút chiến” với một người có phương pháp phê bình “Bất lương” bởi cuối cùng thì cũng phải sử dụng một phương pháp phê bình “Bất lương” tương đương”. Hết đoạn trích. Trần Mạnh Hảo bộc lộ một nỗi bức xúc bằng lối viết giễu nhại quen thuộc như sau: “Bài viết ‘Về phương pháp phê bình mượn đao giết người’ của ông Đỗ Ngọc Thạch đầy vẻ hình sự, làm chúng tôi rất hãi. Vốn bản tính nhút nhát, thấy những dòng kết luận này của ông Thạch khiến chúng tôi dường như bị hoa mắt, xuýt bị cấm khẩu vì kinh hoàng”. Hết đoạn trích. Thú thật, các anh mượn lời của tôi, tưởng là đề cao tôi, nhưng khiến tôi vô cùng chua chát. Vì sao vậy? Bởi cả hai anh đều nhắc tới từ “bất lương” tôi sử dụng (Riêng anh Hảo tôi sẽ dẫn ra sau), chỉ nhằm phục vụ cho ý mình, hoàn toàn tách rời văn cảnh nên tuyệt nhiên không đúng ý của tôi.
 Nhờ bạn đọc hãy bớt chút thời giờ ít ỏi của mình, chậm rãi lật lại những dòng chữ còn nguyên trên mạng pqtrung.com và trannhuong.com, đọc kỹ trong nguyên bản, rồi sau đó đối chiều cẩn thận với các bài viết của hai anh Trần Mạnh Hảo và Đỗ Ngọc Thạch thì sẽ có điều kiện hiểu rõ và hiểu đúng tôi hơn. Xin phép bạn đọc được nhắc lại rằng, tôi có sử dụng đúng hai lần trong hai trường hợp khác nhau cái từ “bất lương”. Lần đầu là trong bài Thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo! Tôi xin ngừng cuộc tranh luận (TNc, 08/03/2011) ở đoạn văn này: “Trong bài viết Tôi hiểu ra rồi! (pqtrung.com và trannhuong.com ngày 04/03/2011), tôi đã thẳng thắn chỉ trích nội dung chương trình Diễn đàn văn học nghệ thuật VTV1 phát vào buổi sáng cùng ngày, tập trung ở chỗ, chỉ phản ánh dư luận một chiều về giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, bỏ qua những ý kiến sôi động trái chiều trên diễn đàn văn chương mạng, gây cảm giác xem thường khán - thính giả truyền hình nhất là đối với những người quan tâm lại có hiểu biết như chúng tôi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, bài viết của tôi đã vô tình làm tổn thương tới hai người bạn văn tốt xưa nay của mình là nhà phê bình Lê Thành Nghị và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân. Rất có thể hai bạn văn trẻ Hoài Nam và Phong Điệp cũng rơi vào tâm trạng u buồn tương tự. Một người bạn của tôi sống ở Hà Nội đã nhận xét rất đúng rằng, bước vào ‘trường văn trận bút’, đôi khi chữ nghĩa trong mỗi hoàn cảnh cụ thể rất dễ từ chỗ quang minh chính đại bị vô tình đẩy sang chỗ lệch lạc, rời xa khỏi tay mình, cứ như con ngựa bất kham không thể ghìm cương nổi. Đấy là chưa nói tới bao kẻ bất lương - PQT lưu ý - cứ luôn rình rập để nhanh chóng chớp lấy thời cơ xuyên tạc đôi khi rất trắng trợn vì những mục đích đen tối của họ”. Hết đoạn dẫn.
Còn lần thứ hai là trong bài Xin thưa lại với anh Đỗ Ngọc Thạch, tôi viết từ ngày 11/03/2011 (công bố trên TNc vào 13/03/2011) ở đoạn văn sau: “Xin thú thật với anh, tôi không có ý định “nối giáo” cho ai đâu! Phản ứng của tôi đến một cách tự nhiên. Còn kẻ lợi dụng nó ra sao thì không thể bắt tôi phải chịu trách nhiệm được. Như thế thì vô lối và vô lý quá! Chẳng khác gì tôi đưa ra cái dao rọc giấy cho ngay ngắn, rồi một kẻ bất lương nọ dùng nó để chém người khác gây thương tích trầm trọng, tôi lại phải chịu tội thay cho kẻ ấy à? Sao thế được! Công lý ở chỗ nào? Trong trường hợp này, có lẽ lời nhắn nhủ của một bạn văn người Hà Nội nhân sự việc xảy ra ngoài mong muốn của tôi vừa nêu là thấu đáo hơn cả: “Anh cũng đừng quá buồn đến mất ngủ về chuyện anh Lê Thành Nghị. Vì rằng: trước sau gì thì sự việc cũng xảy ra như thế. Không có bài của anh, không có truyền hình Việt Nam phát chương trình ấy để Trần Mạnh Hảo vin vào để chửi bới bác Lê Thành Nghị thì đến một lúc nào đó, vì nguyên cớ bất kì nào khác, anh ta cũng nhục mạ Lê Thành Nghị thôi. Chỉ có điều vừa rồi, nhân bài của anh, Trần Mạnh Hảo có cớ để “mượn đường lấy Quắc”, chửi sớm mà thôi, anh ạ”. Hết đoạn trích.
Như vậy, thưa bạn đọc, chữ nghĩa tôi viết sờ sờ ra đấy, ai có chủ tâm xuyên tạc cũng không thể làm nổi. Chẳng hạn, anh Trần Mạnh Hảo trong bài TRẦN MẠNH HẢO CHƯA TỪNG TRANH LUẬN VỚI ÔNG PHẠM QUANG TRUNG  công bố trên TNc ngày 13/03/2011 có viết rằng: “Cho nên khi ông Phạm Quang Trung ngầm bảo chúng tôi (TMH) là “BỌN BẤT LƯƠNG - RÌNH RẬP - XUYÊN TẠC - TRẮNG TRỢN - MỤC ĐÍCH ĐEN TỐI” âu cũng là điều dễ hiểu”. Mặc dầu anh Hảo viết có phần dè dặt là “ngầm bảo chúng tôi”, nhưng cũng không đúng với nghĩa con chữ toát ra trong bài viết của tôi, tức Phạm Quang Trung. Hay một ví dụ khác: một bạn khi đọc bài Tôi hiểu ra rồi! của tôi (TNc, 04/03/2011), liền nhắn ngay vào địa chỉ email pqtrungvn@gmail.com với lời trách phải nói là vô căn cứ thế này: “Sao mang tiếng là một nhà phê bình văn chương nổi tiếng khắp nước mà anh lại đưa ra nhận xét VTV hàm hồ đến vậy!”. Tôi điềm tĩnh nhấn chuột trả lời ngay: “Anh không thấy là nhà thơ Trần Mạnh Hảo còn ‘vu’ cho tôi cái tội tầy đình xúc phạm danh dự quốc gia qua việc xúc phạm truyền hình quốc gia và đại diện của Hội Nhà văn Việt Nam à! Cứ thế này có lẽ tôi phải bóc lịch trong bốn bức tường đến bạc tóc mất. Hãy thương lấy tôi mà cho xin hai chữ bình an!”. Khổ sở, mong bạn đọc hiểu giùm cho, tôi chỉ phản ứng một cách chính đáng, rồi đưa ra lời đánh giá nội dung chương trình Diễn đàn văn học nghệ thuật VTV1 phát vào buổi sáng ngày thứ sáu 04/03/2011 thôi mà! Tôi có chê trách chung chung Đài Truyền hình Việt Nam đâu. Nhiều chương trình của VTV tôi thích lắm, vì nó hấp dẫn lại bổ ích. Xin nêu ra một dẫn chứng là chương trình Sài Gòn du ký, Tập 13, phát từ 7h,30 đến 8h,00, ngay sáng hôm nay, ngày 14/03/2011. Những thước phim trở lại bao ký ức như còn tươi mới gắn với Đoàn Văn công giải phóng thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ sao mà sống động và xúc động làm vậy. Nhất là hình ảnh của liệt nữ - nghệ sỹ múa Hoàng Điệp trong tâm tưởng của các đồng đội hôm nay. Tôi dõi theo mà tự nhiên thấy nước mắt chảy trên gò má. Chắc không chỉ riêng tôi mới có ấn tượng đẹp ấy đâu! Tuy nhiên, xin nhớ giúp cho là tôi đang bàn tới một chương trình cụ thể. Không phải tất cả những thước phim ký sự khắp các vùng miền và một vài nơi trên thế giới của Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam nào cũng được như vậy. Lắm chương trình nhạt vì tản lắm. Do không liên quan trực tiếp đến phận sự nghề nghiệp của mình, nên tôi không lên tiếng làm gì. Nếu cái gì và lúc nào cũng giơ ta Tôi xin ý kiến! có mà hết ngày, lấy thì giờ đâu mà làm cái công việc chính của mình là dạy văn và viết văn rất nặng nhọc mà đầy ham thích cho được! Nhân đây, tôi cũng xin phép được khẳng định thêm một lần nữa rằng, cho tới giờ, tôi vẫn chưa hề thấy bất cứ một lý do chính đáng nào để thay đổi kết luận bao quát của mình về nội dung chương trình Diễn đàn văn học nghệ thuật hôm đó cả. Đúng là: “Thật nhảm hết sức!”.
Xin lỗi vì đã làm mất thời giờ vàng ngọc của các bạn. Trước khi ngừng lời, tôi chỉ xin các tác giả đã và sẽ tham gia bất kỳ cuộc tranh luận liên quan đến văn chương - văn học nào, nếu được, thì hãy cùng tôi ghi nhớ câu nói sâu sắc và thấm thía của Thứ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga - Nhà thơ V. Terekhin trong lần tới thăm Hội Nhà văn Việt Nam vào sau tết Tân Mão vừa rồi. Ông đã chân tình cảm ơn sự đón tiếp thịnh tình của Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời “bày tỏ đinh ninh rằng ngôn từ còn mạnh hơn kiếm sắc, nó nâng phẩm giá con người nhưng có khi quật ngã con người và chúng ta, các nhà văn phải làm cho bằng được sứ mệnh của văn học là nâng niu phẩm giá con người” (Website hoinhavanvietnam - cập nhật: 11:27:00 22/2/2011). Trong lời tuyên bố ngưng cuộc tranh luận với nhà thơ Trần Mạnh Hảo vào ngày 08/03/2011, tôi có nhắc tới mong muốn này, nhưng xem ra vẫn chưa được thật nhiều người hưởng ứng lắm đâu. Việc cứ nhè vào một vài câu nói của tôi trong những văn cảnh khác nhau để phục vụ cho ý tưởng riêng của mình chỉ là một trong nhiều bằng chứng sáng rõ nhất. Cũng mong anh Trần Manh Hảo từ giờ trở đi hãy giữ đúng cam kết: “Trên diễn đàn mạng, chúng tôi không còn cơ hội được “trao đổi” lại… theo kiểu ‘mượn lời người khác cứu người’ nữa” (Bài TRẦN MẠNH HẢO KHÔNG THỂ TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI “VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH MƯỢN ĐAO GIẾT NGƯỜI” (TNc, 13/03/2011). Để, theo đúng ý nguyện tốt đẹp của anh, “chuyện phê bình văn chương” sẽ luôn “là chuyện tao nhã của giới học thuật” chúng ta!
Viết tới những dòng cuối cùng này, tôi không thể quên hôm nay là ngày 14/03/2011, kỷ niệm tròn 23 năm kẻ thù xâm chiếm một phần Quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc chung ta. Mong mỗi người Việt Nam yêu nước hãy cùng tưởng nhớ tới những người chiến sỹ yêu quý đã anh dũng bảo vệ đảo Gạc Ma bằng cách đọc những vần thơ của nhà thơ Xuân Hoàng có tên TRƯỜNG SA SÚNG ĐÃ NỔ:
Trường Sa, súng đã nổ:
San hô đẫm máu người!
Tàu chiến dập tên lửa,
Lửa cháy ba ngày trời!
(Ta: ba tàu vận tải,
Mấy trung đội trên bờ
Địch: có một hạm đội,
Âm mưu sắp từng giờ)
Những chiến sĩ Trường Sa
Giữ ngọn cờ Tổ quốc
Ngã xuống thành tượng đài
Giữa muôn trùng sấm chớp
Hỡi ơi, người anh hùng,
Bao tháng ngày giữ đảo!
Trơi xanh và phong ba,
San hô và chim bão...
Tổ quốc như thế đấy!
Một tấc cũng giữ gìn:
Từ tim, chuyền máu chảy,
Máu lại trở về tim.
Ứa lệ đọc dòng tin:
Đau cưa và giận cắt
Thơ viết mấy lần liền
Vẫn chưa vừa ý đặt!
Hậu phương đây gian khổ,
Bão tố ở Trường Sa:
Cái thời ta chịu đựng
Mai sau có chói lòa?
26-3-1988
Xuân Hoàng
Xin cảm ơn anh Xuân Hoàng đã nói giùm tình cảm của hết thảy chúng tôi. Vâng, rất nhiều việc hệ trọng khác nhau đang chờ chúng ta - tất cả những người cầm bút chân chính. Nào, hãy sẵn lòng đáp lại!
Đà Lạt, 14/03/2011
PQT.