Người xưa rất coi trọng ba cách lập thân ở đời là lập đức, lập công, lập ngôn. Được xếp trong ba cách lập thân cao quí này quả là sự tôn vinh cho người làm văn chương lắm vậy.
Trong sách Dịch có 64 quẻ được dùng để giải quyết tất thảy các sự việc trong đời sống vũ trụ, con người, riêng về văn chương có một quẻ là quẻ Bí. Quẻ Bí (trang sức) bàn về văn của trời và văn của người. Văn trời là thứ văn trọng vẻ tự nhiên, hợp lẽ chân nhiên: “Quan hồ thiên văn, dĩ sát thì biến” (xem văn vẻ của trời, để xét sự biến hoá của mùa). Lối văn này lấy sự hồn nhiên bình dị tĩnh tại làm căn bản. Sách Luận ngữ, Khổng Tử cũng từng đặt ra câu hỏi nhằm hướng văn chương theo: Trời đất kia có nói gì đâu mà bốn mùa sinh trưởng.Vậy nói ngược lại, nhìn mùa màng sinh - trưởng – thành - hoại thì thấy được cái văn vẻ của trời chăng?
Văn người là thứ văn trọng sự suy nghiệm, trau dồi: “Quan hồ nhân văn, dĩ hoá thành thiên hạ” (xem văn vẻ của người để hoá nên thiên hạ). Văn chương mà có thể hoá thành thiên hạ được thì đấy là sự thành cực lớn của đạo người. Ấy hẳn là thứ văn, theo sách Vân đài loại ngữ :Thánh hiền định ý chí ở ngòi bút. Còn kẻ thi nhân khi công dụng của văn mình mà góp phần can dự vào việc giáo dưỡng, gây dựng cuộc sống, giúp sức tạo sự yên vui, thịnh trị cho thời cuộc. Văn chương tới cỡ ấy là đạt được kỳ bút. Phải trau dồi sao được bút lực ấy?
Quẻ Bí được cấu thành bởi hai quẻ đơn là Cấn và Ly, gọi là Sơn Hoả Bí. (Cấn vi Sơn, Ly vi Hoả). Bí mang tượng lưả sáng từ dưới núi hắt ánh chiếu toả lên. Lời Kinh có câu “Hoàng ly, nguyên cát”(vàng sáng lớn tốt).
Bí, nói về trang sức, màu sắc. Trang sức thì lấy tự nhiên, bình dị làm căn cốt, màu sắc thì hoá tới điểm không màu: Bạch bí (trang sức bằng màu trắng, không lỗi, ở trên mà đắc chí vậy). Lại theo sách Vân đài loại ngữ, phần nói về văn nghệ có câu: Chỗ tinh diệu của đạo lý phần nhiều ở chỗ bình dị. Như quẻ Bí, sự phát triển của sắc màu từ hào 2, thấy màu sắc “hoàng ly : vàng sáng” đến hào 6 đã gặp màu: “bạch bí: màu trắng – màu như không màu”. Hình sắc của tượng tới đây đã tuyệt vết. Lời bàn của tiên nho rằng: sắc trắng thì chịu được màu đẹp. Quả vậy, một tấm gương soi mà không được trắng trong thì sao in được rõ ràng cảnh sắc; một tấm voan không được trắng tinh thì sao hoạ được trung thực những đường nét sắc màu. Cũng vậy cái tâm cái trí của người sáng tạo văn chương, trước khi cầm bút mà không được trong sáng, đã bị xâm lấn, ràng buộc thì sao còn tự tại, tự tin được mà sáng tạo ra cái mới lạ, mà bảo tồn cá tính được. Xét vậy mới thấy sức thể hiện hình sắc của tượng Bí thật chính xác, tinh diệu.
Tượng ngoại quái của Bí là Cấn. Lời kinh của Cấn có câu: Cấn chỉ dã (Cấn là đậu). Đậu có nghĩa là ngưng lại, song đây không là ý nghĩa duy nhất. Trong Dịch không có sự tận tĩnh, mà trong tượng tĩnh nào cũng ẩn chưa sức vận động không ngừng - vận động tĩnh, hay động mà tĩnh. Ấy là nguyên lý căn bản làm lên Dịch. Vậy đáng đi thì đi cũng là một dạng thức của: “đậu”. Bởi thế tới hào 6 của thời Cấn có lời giải “Cấn đôn cát” (sự dày dạn của núi, tốt). Tượng nội quái của Bí là Ly. Lời kinh của Ly có câu: Ly lệ dã (Ly là bám). Như nhật nguyệt bám vào bầu trời vậy. Cũng vậy, mọi sự toả sáng đều cần “bám” vào một cái gì đó. Văn chương, các triết thuyết phải bám vào ngôn từ - ngôn ngữ mà lưu truyền, toả sáng. Quẻ Bí lấy sự dầy dặn của cấn và sự toả sáng rực rỡ của Ly làm thể và tính. Nhưng toả sáng rực rỡ mà không sa vào khoa trương, loè loẹt. “Bí hanh, tiểu lợi” văn chuơng mà cầu kỳ, loè loẹt thì chỉ đạt được cái lợi nhỏ. Ngay vào đầu quẻ, tượng- kinh đẫ khuyên vậy. Điều này là rất nhất quán. Mục đích tối hậu của Bí là phải phát triển trong sức tiết giảm (trang sức sắc màu) tới mức Bạch bí. Dụng tới màu trắng là dụng tới chỗ tuyệt vết hình sắc rồi. Nên hiểu thêm, tượng quẻ Ly còn có công dụng: Tác kết thằng vi võng cổ, dĩ điền dĩ ngư, cái thủ chi Ly.( Nghĩa là, thắt dây mà làm ra cái rớ, cái lưới để săn thú, đánh cá là lấy tượng của quẻ Ly); và sách Vân đài loại ngữ lại viết: Được cá được thú mà quên đi cái rớ, cái lưới, cũng như trong văn chương được ý mà dứt lời, quên lời thì càng hay. Khởi từ điểm “hoàng ly” đến chỗ “bạch bí” chẳng phải là dụng ý của quẻ Bí vậy sao.
Quẻ Bí không chỉ nói về cái văn ở hướng sáng tạo nghệ thuật mà còn đề cập tới cái văn trong chính trị. Lời Đại tượng có nói: “ chính trị nhỏ thì dùng trang sức được, còn việc quan trọng thì đừng nên tô điểm”. Lời hào từ của hào 2 có nói: “Quân tử dĩ minh thứ chính, vô cảm chiết ngục” (Quân tử coi đó mà tỏ mọi chính, không quả cảm về việc đoán ngục). Thời của Bí là thời thịnh văn, chuộng văn, ấy cũng là thời bình trị. Chuộng văn thì thường dễ sa đà, cầu kỳ trong việc dụng văn, làm mất vẻ chất phác tự nhiên của văn. Ngay trong sáng tác nghệ thuật, văn cũng cần đạt sự : Từ đạt nhi dĩ hỹ (lời cốt được bình dị) thì văn từ dụng trong chính trị, nhằm quảng bá chính sách xuống nhân dân lại càng cần sao cho dễ tỏ việc, dễ làm theo, cũng như để tránh sự lợi dụng chỗ chưa rõ ràng mà làm sai lệch. Sách Đạo đức kinh cũng có điểm bàn tới lẽ này, “Đại phác kỳ tán, xảo lợi dũ đa...” (tính chất phác đã tiêu tán hết thì cái khéo, cái lợi ích càng nhiều...) Thời của Bí là thời ánh sáng được toả chiếu rực rỡ. Người sống trong thời này thường dễ lạm dụng sự sáng của thời, của mình mà lập văn - pháp, hành sử chủ quan, hoặc kiêu căng, cho lên Dịch đến thời này đã phải định lẽ: Vô cảm chiết ngục. Sự dụng văn, định tâm, xử thế của Dịch thật tinh diệu, sâu xa vô cùng.
Đọc Dịch, bàn về Dịch là một việc làm khó khăn. Các bậc tiên nho xưa cũng từng than: “Phép lập ra giản lược và vi diệu, không thể lấy trí thức mà suy độ được”. Nay đem sự dày dặn của đức Cấn, sự sáng đẹp của đức Ly ra bàn về văn chương cũng chỉ dám xem như chút tiệm cận nhỏ.
Rỗi thì Nghĩ chơi…
VƯƠNG CƯỜNG
Hà nội không nắng, không mưa, tiết trời hơi lành lạnh đủ cho bạn khoác chiếc áo ngoài nhẹ nhàng. Không biết có phải vì tiết trời và cả ngày chủ nhật không mà tôi lại bỗng nhiên nghĩ về những chuyện chẳng đâu vào đâu.
Tuy ở không xa nhưng tôi chẳng có dịp ra bờ hồ để xem cụ rùa nổi lên một lần nào. Nhớ nhứng năm chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội. Có nhà khoa học đề xuất tôn thờ 4 con vật thiêng: Rồng, Rùa, Trâu, Ngựa. Người ta còn chứng minh chính xác những đền thờ các cụ ấy ở Hà Nội. Dự án này còn định đưa cả 4 con vật linh thiêng đó diễu hành trên các đường phố thủ đô. Ồ sao thế nhỉ, người Trung Quốc họ thờ 4 con: Long, Ly, Quy, Phụng, mặc người ta chứ, sao lại nói người Việt cũng phải thờ 4 con? Có người phản biện rằng, dân tộc này đã phải làm trâu, ngựa nhiều rồi. Bắt trâu ngựa diễu hành, thờ phụng giống như chọc vào nỗi đau lịch sử của cha ông ư? Có người lại bảo, cụ Rùa thỉnh thoảng ngoi lên, hé mắt nhìn con cháu, hồ Hoàn Kiếm mới linh thiêng, bắt cụ diễu hành thì chẳng khác gì đánh mất sự linh thiêng, khi con cháu nhìn thấy cụ chậm chạp, khó nhọc lê bước trên đường phố được sự bảo lãnh của nền kinh tế thị trường – kinh tế tốc độ. Nền kinh tế này và cả những tiến bộ khoa học đã làm mất vị trí con trâu là đầu cơ nghiệp, hay nói cách khác muốn làm giàu thì không thể chờ ở nền nông nghiệp! May thay, năm ấy chỉ có một con rồng bay lên trời Hàng Đẫy!
Mấy lâu nay người ta thành lập hội đồng cứu cụ rùa do khi nổi lên, hình ảnh cụ đầy thương tích. Nói dại, nếu cụ mất đi thì hồ Gươm chỉ như cái ao nhà. Phần linh thiêng nhất, hồn nhất đã mất đi. Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng thấy dắt cụ Rùa về chữa trị chẳng mấy khó khăn. Bởi hồ Gươm chỉ có thế và chắc chắn cụ chẳng trốn đi đâu. Vậy mà bao nhiêu hội đồng, bao nhiêu sở, bao nhiêu nhà khoa học, cả lính đặc công nữa vào cuộc. Vậy mà không thể bắt được cụ về bệnh viện chữa bệnh! Có người nói bắt De Castries dễ hơn! Tôi nghĩ chỉ cần vài người dân đánh cá ngừ cũng bắt được cụ chỉ trong vài giờ. Thế mới biết cái kềnh càng của cơ chế làm con người chẳng ai chịu trách nhiệm và làm thật. Tinh thần thì cao mà hạnh động thì thấp.
Thấy anh Nhật Bản bị động đất, sóng thần, tôi nghĩ trên thế giới này bất kỳ nước nào, kể cả Mỹ bị như thế sẽ thiệt hại gấp nhiều lần Nhật Bản. Nói dại, nếu xẩy ra ở ta thì chẳng cẩn 8,9 độ Richte đâu, 6 độ thì nhà cửa cũng tan hết chứ nói gì người. Thành phố không chỉ kém về quy hoạch mà ngay cả tính toán kỹ thuật cũng “vô tư”. Nhà dân, nhà cơ quan, chung cư cao cấp…hình như tất cả đều bỏ qua trong tính toán, yếu tố động đất! Xem Nhật Bản thấy xe, tàu, container…như lá mít rụng khắp nới, từ trên mái nhà hay trên thành cầu, nhưng ít thấy nhà đổ! Mà có đổ thì cũng như là sai số cho phép. Một đất nước sống chung với động đất lại kỷ luật, ý thức con người cao chót vót mà còn thiệt hại như thế và cao hơn người Nhật không hoảng loạn, thật khâm phục! Nhớ khi đến Nhật, người ta cho đến xem bãi than, đứng đó mà đâu nghĩ nới để than! Có ông bộ trưởng nước ta từng chứng minh độ bề, độ ổn định ở Nhân Cơ đã tính với hệ số động dất 9 độ Richte, theo ông động đất cao nhất là 7 độ richte! Nếu phản biện tồn tại thì ngụy biện vẫn tồn tại cả trong khoa học và đời sống.
Lại thấy chị Võ Hồng Minh có lý khi nói vì sao ta chưa làm điện hạt nhân, theo chị yếu tố con người chưa đảm bảo. Nếu người Nhật chậm tàu 5 phút một năm bộ trưởng đã lên truyền hình xin lỗi thì ở ta chậm mấy ngày thì vẫn là thành công to lớn! Nước văn minh, trình độ xã hội hóa cao hơn thì thời gian và độ chính xác cũng cao hơn. Thời gian ở nước nông nghiệp lạc hậu thì cao xu cũng là hợp lý. Tôi chưa thấy bao giờ khi lên lớp mà học viên, sinh viên đến đúng giờ cả trong vài chục năm nay tôi giảng.
Nghĩ chơi vậy thôi chứ chẳng ý kiến gì vì tất cả phụ thuộc khách quan mà. Nghĩ nhiều lại sợ nhiều, nghĩ đã vô duyên sợ còn vô duyên hơn!